TTCT - “Phụ nữ trong làng muốn mau chóng mẹ tròn con vuông thì người cha của thai nhi ra ao mà lội...”(Trích Hồ sơ di tích Ao ngỗng vàng) Minh họa: RABEE Từ lúc tôi nghe ông Ta kể về sự tích ao ngỗng vàng đến nay đã lâu lắm. Nếu hôm ấy không có mụ Đảnh đi qua, ông Ta không theo đuôi mụ thì ông đã kể đoạn cuối rồi. Còn trong thời điểm này, ông đâu còn tâm trạng kể về cái mấn uế tạp được trùm lên đôi ngỗng vàng như thế nào. Tôi bèn qua ông Hè lân la hỏi chuyện. Ông gật. Đúng. Dân gian họ nói chỉ có dùng cái mấn mặc đúng những ngày uế tạp trùm chụp lấy đôi ngỗng vàng chúng mới không biến không bay được, mới trơ ra thành vàng thiệt. Mụ thím ông Ta hồi đó đôi mươi đẹp lắm, đẹp hơn con dâu ông giờ nhiều. Mụ giữ riết cái mấn uế tạp, quyết không giặt để chờ ngỗng vàng trở lại ao... Đôi ngỗng vàng bay về trời và mất tăm từ đó. Mấy chục năm rồi nhỉ? Ông Hè bấm đốt ngón tay nhẩm tính. Nhưng tại sao? Tôi hỏi, thái độ như đang với tư cách người làm hồ sơ. Tại người đàn ông xuất hiện. Người đàn ông nào? Người chính là chồng mụ thím của ông Ta sau đó không lâu. Tôi bắt đầu hình dung đôi chân thon của mụ thím ông Ta tiến về phía ao ngỗng vàng như thế nào, người đàn ông xuất hiện như thế nào. Mụ thím (có thể) bỏ của chạy lấy người như thế nào. Người đàn ông, do nhìn thấy đôi chân thon của cô gái trước đôi ngỗng vàng, cũng bỏ của chạy... “lấy người” như thế nào. Rồi đôi ngỗng mở to mắt ra nhìn, hốt hoảng về trời cho đúng giờ Ngọc Hoàng quy định. Mấy cái lông vàng rơi lả tả. - Sau một thời gian chồng con đề huề, mụ vẫn vô chùa Hoài Quang... - Có phải ban đầu mụ lên chùa xe hương không ông? - Đúng rồi đó. Tôi vẫn nghi ngờ về những chi tiết trong ao ngỗng vàng ông kể. Tôi hỏi ông Hè để kiểm chứng. Mụ Hè ngồi ở chiếu: “Chuyện ngỗng vàng có thật chứ ai bịa. Giờ trong nhà thờ họ có trang thờ đôi ngỗng đó, cậu tới mà chụp bóng. Linh lắm. Hồi xưa, ông Hè ra lội úng người tui mới chóng mau sinh thằng đầu, không thì có mà rặn đau đến chết”. Mụ Hè thêm: “Nòi mụ thím ông Ta hoang dữ, tính tu mấy lần đâu có được, đều xả giới rúc về nhà. Ông Ta giờ đó, tưởng mặt mày phương phi té cũng lấm bậy”. Tôi thất sắc. Chả gì ông Ta vốn bạn vong niên, mỗi ngày tôi qua năm sáu dạo ngồi với ông. Nói ông Ta là chỉ trích tôi vậy. Mà thôi, tôi đang cần thông tin chính xác về ao ngỗng vàng, phường đang nhờ tôi làm hồ sơ di tích mà. Ông Hè thực tế hơn, tỏ vẻ bạn thân của ông Ta, chiều nào cũng chơi bài rọ với nhau, với mấy bà nói chuyện hoang cười vỡ xóm: “Con mụ Đảnh cũng chưa biết được giống nòi nhà ai. Mụ mi đừng nói quấy mang tội”. Mụ Hè nói như nạt: “Con ai. Con ai sức mấy ông Ta gọi y tá tới đỡ đẻ cho mụ Đảnh”. Ông Hè im, tôi cũng học cách im lặng như ông. Dằn mình, không thể bỏ bạn. Tôi có dơ mặt cũng không thể bỏ ông Ta; tôi phải đứng bên cùng ông thu xếp mọi sự để đứa trẻ vô tội được chào đời quang minh. Thời điểm này ở nhà mụ Đảnh như chiến trường, người yếu tim không thể đứng xem được. Y tá chích mũi thuốc, mụ mừng hú, tưởng thuốc giục sinh. Trông. Vẫn đau. Mụ hỏi, mới hay thuốc khỏe. Cô y tá nhởn nhơ ra hít thở không khí trong lành ngắm trời mây, khoảng bảy phút mới vào khám lần nữa. Cứ bình thường vậy, chưa có dấu hiệu sắp sinh. Ít cũng phải một, hai giờ nữa kia. Còn sướng dài. Tôi chào ông mụ Hè, về. - Á! Tôi nghe tiếng mụ Đảnh ré lên như ai đâm trộm giáo vào lưng. Mụ oằn người, bụng dâng lên gần chạm mái nhà. Máu trộn nước tiểu. Vẫn bước khỏi nhà, tôi liều mình vô độ. Vợ tôi hừ lên, hình như đổ ụp xuống giường. Tôi hằm hằm, bước. Ra ngõ gặp ngay con dâu ông Ta. Khuôn mặt sáu phần thánh thiện ấy dễ khiến người ta khuỵu xuống mất. Nàng nhìn, như đã nghe thấy tất cả lời vợ tôi. Thấu cảm. Vẫn cử chỉ nhẫn nại vô chừng của con gái nhà lành được giáo dục tử tế, nàng khiến tôi nhũn ra. Chồng xem nàng là vợ hiếm, nàng cũng an phận. Nhưng nhiều lúc tôi vẫn nghĩ nàng đáng được hưởng một cuộc sống có vẻ thanh cao hơn. Tôi tới nhà mụ Đảnh rất nhanh. Tôi đến mụ Đảnh chỉ để tìm ông Ta, đứng bên ông, bên một người đàn bà chửa đẻ. Tôi muốn làm anh hùng làng, nắm tay ông Ta trước búa rìu dư luận, trong đó có vợ tôi ư? Mụ Thi (bạn đi bộ mỗi chiều chống bệnh tiểu đường của mụ Đảnh) run bần bật, tay huơ trên không, chẳng dám đụng mụ Đảnh, lại như muốn vuốt mặt mụ Đảnh: “Mi đau thế này tao sợ lắm. Hay lên viện sinh, tao thuê xe ôm cho. Nhỡ có chuyện gì...”. Mụ Đảnh xếch mày: “Mi cứ lên giường nằm nghiêng lưng, nhắm mắt”. Mụ Đảnh vặn mình. Giờ này mà còn ngủ. Đau gần chết rồi còn ngủ. Nằm được ngủ được đã khỏe rồi. Thở hắt. Mụ Đảnh bò toài giữa nền nhà, hướng bậu cửa thẳng tiến. Mụ Thi lần đầu tiên chung sống với dơ bẩn, hơn cả sự dơ bẩn của bầy chó phốc kỳ sinh nở trong góc tối om nhà mụ. “Đừng đi nữa. Ngồi đó, tao dọn cho”. Cứ như mụ Đảnh là người bạn thể dục duy nhất trong phường này, thể như không còn mụ Đảnh trên đời mụ Thi phải ngưng ngay việc đi bộ, và bệnh tiểu đường thừa thế bùng phát. Mụ Đảnh bò được hơn mét, lệt bệt, rũ. Cô y tá vẫn ngồi ngoài bộ ngựa mỗi chiều mấy bà và ông Ta, ông Hè quây quần chơi bài rọ. Đồng hồ điểm chín giờ. Mụ Đảnh đau dữ, mắt trợn, mặt xanh lè. Mụ Thi gọi y tá: “Cô làm ơn chích cho mũi. Khiếp quá. Sợ quá”. Rúm mình lại. Tôi chưa chứng kiến người sinh con bao giờ, mà đây lại điển hình cho sự đau đớn. Tim run loạn nhịp. Huyết áp tăng, máu xông não. Nóng ran. Như thể tôi đang chứng kiến một cơn giãy chết. Tôi bước ra ngõ mụ Đảnh. Vẫn chưa điện đóm. Ông Sau (người hàng xóm quan trọng của ông Ta) oang oang như chính ông là... điện: “Có tao thì sáng cả nhà / không tao thì túi cả bà liền con. Đi mua xị rượu mụ mi h...ơi”. Lem nhem. Tôi thấy một người thập thò. Gặp tôi, gã tính lủi. Không kịp. Tôi đã nhận ra. Cái dáng lêu nghêu, mặt hóp, tay dài ngoẵng của gã tôi nhận ngay. Gã Chinh, trưởng thôn kiêm trưởng họ, thập thò gì đây. Đục nước béo cò. Có khi nào gã lợi dụng tình hình nguy biến, ai cũng đang chúi mặt vào ca đẻ trong nhà, ăn trộm cái gì của mụ Đảnh. Hay gã biết chỗ mụ Đảnh chôn vàng. Tôi đứng đó, lừ lừ. Tôi đang dòm gã. Có ta đây, ngươi đừng hòng đột nhập nhà mụ Đảnh nhá. Có muốn bay chức trưởng thôn kiêm trưởng họ thì xéo nhá. Tôi quả thực như đang lên giọng như thế. Hay có lẽ tôi đang chỉ mặt gã Chinh từ thế giới của người âm. Làm ầm lên, tôi sấn tới đánh gã (vì tôi là người cõi âm mà), chả sợ, và gã cũng chả làm gì được tôi. Dĩ nhiên, tôi không đánh được gã lúc đó. Nghĩ gã Chinh không dám thập thò đây nữa đâu, chỉ vậy là đủ, mai nhà mụ Đảnh có mất mát gã cũng thừa biết tôi sẽ phát ngôn “à, tối qua khi mụ Đảnh đang rặn đẻ, tôi có thấy gã Chinh thập thò”... Tôi bước đi. Ông Ta ở đâu? Xét theo tiến trình tâm lý, ông giờ không thể lên phố bạn cùng ma men được, mà hẳn đang tìm cách cứu lấy đứa trẻ giãy đành đạch trong bụng mụ Đảnh. Tôi tiến vào nhà ông. Vẫn biết cánh cửa khép hờ như vầy cho thấy ông Ta không ở nhà. Tôi vẫn hi vọng ông ốm, nằm quệ trên giường, điều đó sẽ khiến tôi (và ông) được an ủi lương tâm. Vắng. Tôi đoán nhầm. Ông không có. Tôi lại vòng trở lại nhà mụ Đảnh, sẽ đứng đó thêm một chặp, ngó vô, và nếu thấy gã Chinh rất có thể tôi sẽ đánh. Lại nhầm. Không còn gã Chinh. Bây giờ mọi người tập trung vào nhà. Riêng đứa con gái què quệt của mụ Đảnh vẫn trông hàng và nhòm thân mẹ đang thấm máu. Con nít bi bô nhộn nhạo, các bà các mệ vẫn đua nhau mua bánh đa, mua mì tinh, mua tiêu ớt tỏi riềng, tranh thủ ngó vô. Tôi đứng chếch phía nhà ông Sau, dưới bóng cây đen xẩm, chắc mẩm không ai nhận ra. Tôi sẽ đàng hoàng vào nhà mụ Đảnh, còn đứng ngoài đường nhất định phải được ngụy trang bởi bóng tối. Nóng ruột. “Kiểu này chết mất” - ai đó lên tiếng không lộ diện. Y tá thoát khỏi cảnh ngủ gật, vào khám, hô lên: “Cửa mình mở hết rồi. Không bắt rặn à, mụ kia”. Mụ Đảnh thều thào, sợ nói to đau to: “Chị cứ chích cho tui mũi. Quá đau rồi”. Cô y tá rủ lòng thương chích cho mụ Đảnh mũi thuốc. Tức thì máu chảy ào xuống chân như rong huyết. Mụ Thi khiếp đảm: “Ôi cha! Cô ơi cô, sao máu chảy dữ?”. Thủng thẳng, y tá câng mặt: “Vậy đó. Chích thuốc giục vô máu chảy vậy đó. Có người chích rồi đẻ mau, có người đẻ lâu”. Tôi bước qua nhà ông Ta, bước qua nhà mình. Tôi không muốn đối diện khuôn mặt đẹp của vợ phút chốc biến dạng. Gió mát. Một vùng sáng mỏng phía tây, trăng sắp lên. Bước vô định, tôi chưa biết mình sẽ đi đâu, song bấm bụng không quay trở lại nữa cho tới khi mụ Đảnh sinh con hoặc là... Tôi bước. Phía trước, ao ngỗng vàng. Lập tức tôi đổi ý. Phải quay lui, không ai dại đi dạo lại ngu xuẩn qua cái ao có tên ngỗng vàng này lúc trong xóm có người đang chửa đẻ... Tương truyền, mà không, biết bao nhân chứng trong làng khẳng định: phụ nữ trong làng muốn mau chóng mẹ tròn con vuông thì người cha ra đây mà lội... Chợt từ trong nhà thờ họ, cái dáng lêu nghêu, mặt hóp, tay dài ngoẵng (cũng hao hao ông Ta?) thẳng ra một mạch, lội xuống ao ngỗng vàng. Quái. Gã Chinh? Cũng không rõ lắm. Biết đâu tôi nhầm ai với gã, phải tội. Gã ấy lội từ bên này qua bên kia, quay người như lùn dần xuống. Gã lò dò dưới ao ngỗng vàng. Gã này điên. Vẫn lội. Đúng điên. Ngụp lặn. Điên nặng. Tôi lui nhanh, quên luôn những khuôn mặt chợt thoáng hiện kể cả ông Ta, tính loan báo tin sốt nóng đang diễn ra tại ao ngỗng vàng cho cả xóm; chỉ nghĩ đến trách nhiệm (và cơ hội hiếm hoi) dành cho người đang lập hồ sơ di tích cái ao kỳ khôi này, tôi phải về nhà chộp lấy đồ nghề quay phim, chụp ảnh để làm minh chứng. Thai nhi bắt mụ Đảnh rặn. Mụ trèo lên giường. Y tá phán kiểu này chắc nó chờ cha đến mới chịu chui mặt ra. Mụ Đảnh tai đặc ù. Rặn. Cô y tá đứng bên: “Rặn mạnh vào. Nữa!”. Ông Hè vừa mới nghe tin ngoài ao ngỗng vàng có người ngụp lặn... liền: “Mụ mi bợ đèn mau ra xem mặt thằng đang lội ngoài ao. Xem cho rõ. Đích xác cái thằng chán chê cùng mụ Đảnh rồi, cần gì phải đợi đứa trẻ sinh ra mới giám định mặt mày, chích máu hòa nước lã”. Mụ Hè oác lên: “Ừ, để ra tao soi tận mặt coi thằng nào”. Thực sự tôi rất sợ mụ Hè phát hiện người lội ở ao ngỗng vàng kia; vẫn xem mụ là nhân chứng, nối đuôi chạy vội ra ao ngỗng vàng, đinh ninh kẻ “giục mụ Đảnh mau sinh” còn lội là gã Chinh, chứ không phải ông Ta hay ai khác. Nhầm. Không còn ai. Mặt ao duềnh sóng. Ông Ta? Gã Chinh trưởng thôn kiêm trưởng họ? Ai? Tôi trở về, ghé vào nhà khoác thêm cái áo tới chỗ mụ Đảnh, liền bị chặn lại. Vợ tôi có khuôn mặt khá gợi, má bầu trắng mịn, mũi hết chê. Lúc chặn tôi, khuôn mặt ấy nom tệ hại: “Anh đi đâu? Đẹp mặt chưa. Bạn vong niên của anh đó! Giờ mụ Đảnh đang rặn trào máu dưới kìa. Tuổi đó còn đòi đẻ với đái. Không rặn được của ấy ra chỉ có chết cả mẹ lẫn con”. “Im! - tôi quát - Độc mồm độc miệng! Con ai? Biết con ai mà nói bừa nói cấy”. “Con ai à? Vô lẽ con anh? Con anh tới mà hứng mà đỡ. Rồi mang về đây mà nuôi”. Thay vì sấn vào vợ, tôi dứt áo xăm xăm tới nhà mụ Đảnh. Không có ông Ta, không có gã Chinh tại đó. Rõ ràng việc kẻ nào lội qua lội về ở ao ngỗng vàng đến cá chết trắng bụng đã có hiệu nghiệm. Đứa con của mụ Đảnh vừa chui ra được cái đầu liền mở miệng khóc “oan, oan...”. Oan oan! Oan oan!... Tôi sợ bên thẩm định hồ sơ di tích Ao ngỗng vàng bác bỏ nên đã thâu âm hẳn hoi, tiện đây xin được phát ra để mọi người thấu tỏ.■ Tags: Nhụy NguyênTruyện ngắn TTCTAo ngỗng vàng
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.