Truyện ngắn: Lyosha

ELENA DOLGOPYAT 21/10/2020 06:10 GMT+7

TTCT - Nhà phê bình Leonid Yuzephovich đã gọi những áng văn của Dolgopyat là “văn xuôi thông minh”. Văn bà dung dị, tưởng như không cần có thủ pháp nghệ thuật nào. Nhưng chính cái tưởng là “không có nghệ thuật” đó lại là đúc kết của kinh nghiệm và kỹ năng. Mỗi câu chuyện của Elena Dolgopyat là độc nhất vô nhị và chỉ thuộc về bà. Ngay cả những nơi có yếu tố viễn tưởng cũng được tiếp nhận như không phải hư cấu, mà là một điều bình thường được lũy thừa.

 

 Bức tranh “Country Boys” của Nikolai Bogdanov Belsky.

Chuyện xảy ra bộc phát, không chút nỗ lực.

Hàng người không chuyển động, mẹ không thả Lyosha ra khỏi mình, nắm cổ áo cậu như một đứa trẻ. Mọi người tiến đến, hỏi đang bán gì.

Xúc xích.

Không cho mua giúp.

Bán tận tay mỗi người một ký.

Mọi người đứng kiên nhẫn, sát nhau. Ai đó cố chen ngang, bị chửi ầm ĩ.

Hàng người đứng lúc thì khít chặt, lúc thì nhích một bước nhỏ, và còn biết bao bước nhỏ như thế nữa mới tới được bà bán hàng đội mũ trắng, một ngàn bước? Một trăm ngàn? Lyosha những muốn bước ra để đếm, nhưng mẹ không thả cậu ra, giữ chặt.

- Con nóng - Lyosha than phiền.

Mẹ buông cổ áo cậu ra, cúi xuống. Và đúng khoảnh khắc đó, vào đúng sát na đó, khi gương mặt của mẹ cúi xuống gần mặt Lyosha, thời gian dừng lại. Mẹ và mọi người, tất cả các sinh vật và tất cả các vật thể đều đóng băng, như trong truyện cổ tích về một lâu đài bị nguyền rủa. Lyosha đã nhiều lần đọc nó trong cuốn sách thiếu nhi mỏng. Trong sách có bức tranh cư dân của lâu đài bị đóng băng trong một điệu nhảy. Tuy nhiên, trên bất kỳ bức tranh nào, thế giới với tất cả cư dân của nó đều bị đóng băng.

Lyosha nhúc nhích và hiểu ra thời gian dừng lại, nhưng không phải với cậu. Tất cả đều ngưng đọng, chỉ Lyosha được tự do. Cậu không quá ngạc nhiên. Cậu bình thản tiếp nhận mọi chuyện xảy ra. Lui khỏi hàng người. Đi dọc nó. Cậu nhận ra mình không nghe thấy các âm thanh, kể cả những bước chân của mình cũng không nghe thấy. Vũng nước đen trên sàn cũng không nhóc nhách. Cậu đi, như trong hư không.

Lyosha bước thận trọng, sợ kinh động thời gian đang ngủ. Sợ đánh thức nó. Có lẽ, người ta chỉ rón rén như thế ngang con sư tử đang lim dim ngủ.

Trong không trung ngưng đọng cả đồng tiền mới lấp lánh. Đồng năm rúp. Lyosha nhìn vào năm, là 1972. Chỉ mới đầu năm. Cánh cửa khép hờ, dường như chưa kịp đóng sầm lại sau lưng một bác ửng đỏ vì lạnh. Với Lyosha khe hở đó hóa ra cũng đủ.

Cậu bước ra đường phố mùa đông. Trong không trung lấp lánh bụi băng. Một đứa bé đang trượt trên đường băng, dang rộng hai tay. Lyosha nhìn vào mặt cậu bé, vào đôi mắt sáng trong veo, rồi đi tiếp. Lyosha biết, con đường sẽ dẫn cậu tới con sông, cậu muốn ngắm băng, và có thể, thậm chí đi trên băng sang bờ bên kia. Bọn trẻ kháo nhau rằng giữa con sông, gió rít ù ù phát khiếp, có thể thổi bay khách bộ hành, bắn anh ta đến tận nhà máy ván ép. Ở đó luôn thơm mùi cây xẻ. Tuy nhiên, trong thế giới bị dừng lại này, Lyosha không ngửi thấy mùi.

Hóa ra đi rất nhẹ, không trọng lực. Lyosha quan sát những đám mây hơi nước và khói thuốc, như được chụp trong những bức ảnh. Dọc con đường dẫn xuống sông có những tòa nhà nhỏ một tầng. Khói ngưng đọng trên những ống lò. Từ cột nước dòng kim cương băng giá bắn xuống xô. Một dì nắm cái quai xô. Bà đứng vững vàng. Mang đôi ủng có đế trơn đen, mặc áo khoác đệm xám, từ dưới nó thò ra cái váy dài màu tối. Lyosha đi vòng quanh dì, ngắm bà từ khắp phía như xem một bức tượng trong bảo tàng. Cậu ngạc nhiên trước cặp mông to lớn, đôi chân mạnh mẽ như cọc bêtông, và nốt ruồi đen có lông phía trên môi trên.

Gương mặt của dì ta nhăn nhó, cứ như sắp nhảy mũi, nhưng chưa kịp.

Lyosha nghĩ: phải vậy chứ, mình dạo chơi và không lạnh chút nào, cũng chẳng thấy đói. Còn khi xếp hàng lại rất muốn ăn, chưa kể trong cửa hàng không chỉ có mùi cái lạnh và mùi người, mà còn thơm mùi bánh mì mới và xúc xích mà người ta đưa từ Moskva tới bán.

Cậu chẳng muốn gì, chỉ muốn xem.

Lyosha bỏ bà dì nọ lại, tiếp tục đi, nán lại lúc thì trước một chú chim sẻ đang cất cánh, lúc thì trước một người qua đường nào đó. Lyosha băng qua đường, đi mà không sợ ôtô; không nghe thấy tiếng gầm rú của chúng và mùi xăng nồng nặc vốn cậu rất mê.

Dọc con sông, phía sau các nhà kho, một con hẻm mở ra, và Lyosha thấy trong đó một thân người nhỏ bé xoắn xuýt. Một cậu bé nằm trên tuyết, đôi chân gập lại, đôi tay che mặt khỏi một cái chân mang giày ống nặng như đá đang bay đến. Bay, nhưng chưa tới, mà dừng lại trong không trung. Khuôn mặt của kẻ tấn công nghiêng lệch, cái mũ lính màu xám với một vết lõm bởi quân hiệu rơi xuống và treo lơ lửng ngay trên mặt đất.

 

 Bức tranh “Boys Fighting” của Gaetano Lodi (1830 - 1886).

Lyosha biết hết cả hai. Cậu bé nằm tên Valka, học cùng Lyosha ở lớp bốn; còn tay đao phủ biệt danh là Bò Đực, học lớp 8G. Không phải học, mà kéo dài thời gian, như mẹ vẫn hay nói trong những trường hợp như thế. Valka khiến người ta chú ý bởi giọng nói thanh tao nhỏ nhẹ. Cô giáo luôn phải tiến đến gần Valka để nghe. Cạnh họ còn một người quen nữa đứng lặng quan sát và là người cùng lớp với Lyosha - Petya. Và không đơn giản là người quen và bạn cùng lớp, mà còn là người bạn tốt nhất của Lyosha. Cậu ta đứng, đút hai tay vào các túi áo khoác ngắn, quan sát trận đòn với một nụ cười.

Lyosha kinh hoàng nhìn vào khuôn mặt bạn mình. Mà đó là Petya! Vui vẻ, thông minh, khéo léo, Petya được ngưỡng mộ. Người mà Lyosha kể lại giấc mơ về cái chết (ngoài ra cậu không kể cho ai), người dạy cậu bơi mùa hè này. Petya, người luôn tạo cảm giác ruột rà. Con người tốt nhất trên trái đất lạnh lùng đứng quan sát trận đánh với sự hài lòng trông thấy.

Lyosha quỳ xuống và nhìn vào gương mặt Valka tội nghiệp.

Đôi mắt nhắm tít, mũi vỡ chảy máu.

Lyosha nghĩ: cậu sẽ chụp chiếc giày ống nặng như đá đó và kéo về phía mình, Bò Đực sẽ ngã đập gáy xuống băng, còn cậu và Valka sẽ bỏ chạy. Đến nhà máy ván ép, chạy trên băng.

Lyosha chụp lấy chiếc ủng và trong chính giây khắc đó, cậu thấy mình đứng xếp hàng và muốn điếc tai vì âm thanh ập xuống. Giọng nói, tiếng chân, tiếng ho, tiếng sập cửa. Mẹ nói:

- Ráng chút nữa, con trai, chúng ta gần tới rồi.

Bà đứng thẳng người, mất tập trung, và Lyosha vùng chạy ra cửa.

Trong con hẻm sau những nhà kho đã không còn ai. Lyosha nhận ra những đốm máu trên tuyết bị giẫm đạp. Cậu nhìn quanh, đợi mà không biết đợi gì. Rồi cậu lê bước về cửa hàng. Hơi thở dần hồi phục.

Ở nhà mẹ bảo cậu sẽ không được nhận xúc xích.

- Mẹ đã xếp hàng để lấy phần của mình, còn con, con thấy đó, không thèm đứng.

Sau đó bà không nói chuyện với cậu suốt buổi tối. Cũng chẳng buồn nhìn về phía cậu, làm như Lyosha là hư không. Bà luộc xúc xích và ăn. Lyosha nhai trệu trạo khoai tây với dưa bắp cải rồi ngồi học bài. Sáng hôm sau Lyubasha, cả lớp vẫn gọi cô chủ nhiệm là thế, hứa sẽ cho bài kiểm tra. Lyosha cảm thấy mình già đi, từng trải.

Vào hôm sau Valka không đến trường, còn Petya đi học với một mắt sưng húp và kể cho Lyosha hôm qua cậu đang đi dọc bờ sông, nghĩ về chính mình thì đột nhiên thấy Bò Đực nện Valka.

- Dĩ nhiên tớ đã lao vào đánh lại và cũng lãnh đủ, nhưng có một bác đi ngang là quân nhân. Bác ấy đã chém vào cổ Bò Đực, và thế là xong, Bò Đực tắt tịt. Bác hứa sẽ dạy chúng ta kỹ thuật chiến đấu. Cậu có đi không?

Lyosha hiểu ra điều gì đó như sau: không thể đánh giá một sự kiện chỉ dựa vào một khoảnh khắc, một lát cắt tình thế. Không thể phán xét nó với sự chính xác tuyệt đối. Với niềm tin. Bạn không biết vì lý do gì nụ cười đọng lại trên gương mặt một con người. Cậu ta nhìn bạn, nhưng có thể, không thấy bạn, mà cười vì một ý nghĩ riêng bạn không hề biết.

Sau trận đòn Petya đưa Valka về nhà, dọc đường Valka kể đang đi mua bánh mì chẳng động chạm tới ai thì bất ngờ thấy Bò Đực đang đứng cạnh nhà kho, và khóc. Valka dấn bước thì đột ngột thấy Bò Đực đuổi theo cậu. Đuổi theo, đạp vào lưng, Valka ngã.

Chuông reo, cô Lyubasha bước vào.

Bọn con trai lặng lẽ đứng. Cô Lyubasha nhìn chúng với nỗi buồn mà đôi khi mẹ vẫn hay nhìn Lyosha như thế, cứ như bà xót thương cậu trước cho suốt cuộc đời còn lại.

Cô Lyubasha buông người xuống chiếc ghế giáo viên của mình, đôi tay nhỏ che gương mặt tròn và chết lặng.

Và cả lớp đứng sững. Không ai động đậy. Tay áo của cô Lyubasha lấm phấn, rất muốn dải màu trắng đó biến mất, không gây phiền nhiễu cho cái nhìn. Tất cả rất giống ngày hôm qua, khi thời gian đột nhiên ngừng lại. Đúng vậy, lần này cả Lyosha cũng bị chặn lại trong nó.

Không ai có thể cử động, không ai, cho đến khi cô Lyubasha bỏ đôi tay khỏi gương mặt đỏ ửng, thở dài. Khi đó tất cả đều thở ra.

Bọn con gái nhao nhao:

- Lyubov Nikolavna, Lyubov Nikolavna, chuyện gì vậy? Có chuyện gì?

Cô Lyubasha phẩy tay, cái nháo nhác dừng lại. Rút khăn tay khỏi túi áo, chiếc khăn màu trắng, mỏng manh, cô chùi mũi.

- Đằng nào rồi các em cũng biết. Boris Yevdokimov đã bị giết chết sáng hôm qua. À các em ngồi xuống đi.

Boris Yevdokimov chính là Bò Đực. Từng là.

Một ngày sau, cạnh trường trước khi vào học Petya chặn Lyosha lại. Cậu ta nói hôm nay lớp 8G sẽ đến đưa tang Bò Đực. Xe buýt mini đã đậu ngoài hiên trường.

- Trong khi bọn họ chuẩn bị, chúng ta sẽ đi bộ đến đó.

Lyosha không hỏi, để làm gì. Cậu (có lẽ, cũng như Petya) chỉ cảm thấy cần phải đi. Hoặc là để giã biệt, hoặc là để giải quyết một vấn đề nào đó.

Bò Đực (từng) sống ở ngoại ô, trong một ngôi làng liền kề thành phố. Những đứa trẻ đi qua công viên phủ đầy cỏ của nhà máy Dzerzhinsky, đi dọc vỉa hè của con đường hẹp, phủ đầy băng, vượt qua những con đường, rồi băng qua một con sông nhỏ đóng băng, từ đây đã thấy rõ ngôi làng. Chúng đi suốt đường im lặng.

Cánh đồng trắng xóa nằm dưới bầu trời tím ngát. Lyubasha từng dẫn chúng tới đây hồi tháng Mười hai. Họ xén tuyết bằng xẻng và xem xét các tầng. Những tầng sáng, tối, hấp thụ muội than và mặt băng đông cứng, có nghĩa, nó đã đóng băng trở lại sau khi tan băng. Chúng đã thấy vệt nước tiểu màu vàng, cười khúc khích. Lyubasha nói, đến mùa xuân thì toàn bộ cuốn sách tuyết mà cô đang dạy chúng đọc này, sẽ tan chảy không dấu vết.

Cánh đồng trắng xóa dưới bầu trời ảm đạm làm lóa mắt. Bọn con trai tiếp cận ngôi làng dọc con đường mòn đã từng đi qua, nhưng tất cả với chúng như là đã xa xưa lắm: cả tuyết, cả con đường mòn, cả những ngôi nhà gỗ, cả khói bếp, và cả chúng, những con người nhỏ bé.

- Anh em nhà Krysenovy học ở trường Aleksandrovka chúng cháu.

- À đúng rồi.

Người ta chen chúc tới lui ở nhà Bò Đực. Nắp quan tài đỏ được dựng bên hàng rào cạnh cửa rào mở toang. Bọn con trai bước vào. Một con đường rộng, được dọn quang đãng. Tuyết chiếu sáng. Cánh đàn ông đang đứng hút thuốc ngoài hiên.

Căn phòng lạnh lẽo, không được sưởi ấm.

Ánh sáng ít ỏi hắt ra từ cánh cửa sổ lớn. Tấm gương được che bằng chiếc khăn đen. Trên chiếc bàn trơ trụi không phủ khăn đứng giữa phòng là một cỗ quan tài mở, được bọc đỏ. Trên chiếc ghế cạnh đó là một phụ nữ mặc toàn đen. Môi mím chặt, mắt ráo hoảnh.

Bọn con trai rụt rè tiến đến chiếc quan tài từ phía bên kia bàn. Người nằm trong đó không giống chính mình khi còn sống. Cậu được mặc bộ đồ đen trang trọng và chiếc sơmi trắng là phẳng. Đôi giày ống nặng đen lấp lánh và tỏa mùi xi. Chiếc đồng hồ đứng trên tủ búp phê. Vì lạnh mà mặt cứng lại. Petya chạm vào tay Lyosha, và bọn con trai lặng lẽ rời khỏi chiếc quan tài.

Chúng bước ra ngoài, đứng cạnh nhóm đàn ông trên hàng hiên, hít mùi khói đắng.

Chiếc mini buýt lăn bánh đến, cửa mở. Các học sinh lớp tám lặng im bước xuống.

- Thôi về thôi - Petya quyết định.

- Tớ ở lại thêm chút nữa - Lyosha nói.

Petya quay nhìn cậu ngạc nhiên, nhưng không hỏi gì. Chìa tay ra tạm biệt.

Lyosha bước xuống hàng hiên, giậm chân đứng cạnh. Có Chúa biết cậu ở lại để làm gì, cậu còn muốn thấy điều gì. Có thể là, để hiểu.

Lyosha đợi cho đến khi chiếc quan tài được đưa ra khỏi nhà, và đi theo sau đám đông màu đen lặng lẽ.

Ngoài nghĩa trang những người đàn ông lấp đất và hát những vần thơ Lyosha chưa từng nghe:

- Thánh thiêng, Thánh vững, Thánh bất tử, xin thương xót chúng con.

Trong nghĩa trang không có linh mục, vài bà già làm dấu thánh và khóc (mẹ Bò Đực không khóc và cũng không làm dấu thánh), còn cánh đàn ông cứ lấp đất, hát và hát:

- Thánh thiêng, Thánh vững, Thánh bất tử, xin thương xót chúng con.

Điều đó khiến Lyosha thấy sợ và cần thiết.

Cậu ở lại cho đến bữa tiệc tưởng niệm trong căn nhà đã ấm lên, lắng nghe những cuộc trò chuyện, ăn và thậm chí uống vôtka.

Bò Đực bị giết trên đường ray, phía sau đề pô, bởi một con dao đâm vào ngực. Tuyết lấp kín người cậu ta trong đêm.

Mẹ Bò Đực im lặng suốt, bỗng nhiên lên tiếng, không lớn, nhưng tất cả đều nghe:

- Nó ra đi đúng lúc, không tội lỗi, nó bị giết, chứ không giết ai, đó là Chúa xót thương.

- Làm sao chị biết? - Ai đó trong số các phụ nữ hỏi bằng giọng còn trẻ - Liệu nó có mang tội lỗi nào đó trong hồn không?

Người mẹ im lặng một lát, suy nghĩ.

- Tôi không biết. Nhưng cũng không biết cả điều ngược lại.

Rồi uống hết một ly đầy tới tận rìa.

Lyosha trở về nhà khi trời đã vào đêm. Mẹ không nhiếc móc cậu. Bà hỏi cậu ăn gì không, nhưng Lyosha nói đã no rồi. Cậu đánh răng, rửa mặt, nhìn khuôn mặt ướt của mình trong gương và nghĩ, cậu hoàn toàn không muốn chết, không bao giờ.■

(Phan Xuân Loan dịch từ tuyển tập “Cuộc đời người lạ”) 

Elena Dolgopyat sinh năm 1963, tốt nghiệp chuyên ngành toán ứng dụng thuộc Đại học Kỹ sư giao thông đường sắt Moskva, rồi khoa kịch bản của Đại học Điện ảnh quốc gia toàn liên bang. Từ năm 1994 đến nay bà làm việc ở Bảo tàng điện ảnh. Năm 2017, tuyển tập Tổ quốc của bà đã lọt vào chung khảo giải thưởng Sách bestseller quốc gia (Nga). Tuyển tập truyện ngắn Cuộc đời người lạ đang nằm trong danh sách chung khảo để xét giải thưởng Yasnaya Polyana (Nga) năm 2020.

 

 Nhà văn Elena Dolgopyat

 “Là giáo viên nhiều năm, tôi biết khi đang giảng bài mà bọn trẻ ồn ào, sẽ là vô ích nếu bạn cũng cao giọng. Phương pháp tốt nhất để buộc học sinh lắng nghe: bắt đầu nói nhỏ hơn. Theo tôi, điều tương tự đang xảy ra trong văn học: tuyệt vọng vì không được lắng nghe, chúng ta bắt đầu hét to hơn để át tiếng ồn của thế giới, nhưng với đa số điều này chẳng đem lại kết quả tốt đẹp. Elena Dolgopyat cố chẳng bao giờ cao giọng... Nhưng bằng giọng trầm lặng của mình, bà đang nói về mặt trái đầy sắc màu của cuộc sống, về những điều quan trọng với tất cả chúng ta”

(Nhà phê bình Leonid Yuzephovich)



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận