Truyện ngắn Sergey Shargunov: Tấm thẻ

SERGEY SHARGUNOV 28/06/2024 06:27 GMT+7

TTCT - Tấm thẻ là truyện ngắn trong tuyển tập Người mình, được đánh giá là lời kể chuyện chân thành, sâu sắc và hướng thiện về thời mình đang sống và những con người của nước Nga đương đại.

Truyện ngắn Sergey Shargunov: Tấm thẻ- Ảnh 1.

Hắn cừ làm sao! Hắn quái làm sao! L-à-m s-a-o! Dvortsov ngáp một cái rõ to và dài, không nhúc nhích lẫn ngẩng đầu lên nổi.

Nghĩ về mình ở ngôi thứ ba và mê sảng. Cái mê sảng này cách nào đó làm hắn dễ thở hơn. Đống thối rữa bùn lầy sôi sục trong bụng hắn, dâng một cách buồn nôn lên họng.

Hắn đớp không khí và thở ra ùng ục, cố nới lỏng những cái vòng thép đang quấn quanh đầu. Mà đâu chỉ cần nhúc nhích, hắn phải ra khỏi giường để lên bục phát biểu trước các đại biểu khác sau vài giờ nữa.

- Đã đến lúc bỏ nhậu!

Dvortsov chồm lên và lao ra bằng cả cơ thể, trần trùng trục, chân không, với bàn tay to run rẩy bịt cái miệng ướt mà đầm lầy đang quyền lực trào ra.

Hắn nôn thốc tháo, chụp hai thái dương lạnh toát của mình, rên rỉ ngăn cản điệu nhảy vòng.

Hắn nằm vào bồn tắm sủi bọt, nhắm mắt lại, và cơn túy lúy đêm qua hiện lên: gào la, cười hô hố, nuốt ực. Quán rượu, karaoke, cô nhắc. Cơn mê mệt nóng hổi dán mí mắt lại, làn nước lẩm bẩm đơn điệu dâng lên tới cằm, làm ướt tóc dưới gáy, bọt nước chạm vào lỗ mũi.

- Kolya, Kolya! – đó là cô vợ sợ hãi thò tay vào nước, kéo vai hắn lên.

Hắn ngồi phắt dậy như khối đá cẩm thạch sủi bọt, văng nước tung tóe ra sàn.

Sau đó, đã đóng vest, hắn hào phóng xức nước hoa vào cổ, tai và cổ tay, như thể cố tỉnh rượu qua đường da.

Trong ô tô, hắn nửa nằm nửa ngồi, hé nửa mắt bất mãn nhìn dòng xe qua lại căng thẳng và người tài xế đang hành hạ cái tay lái. Hắn hạ kính xe và khạc nhổ, rơi từ cabin lạnh lẽo vào hơi ấm sớm mai của buổi sáng tháng bảy. Vào trong hội trường chiếu đèn sáng rực, nơi hắn sẽ tiêu hết cả ngày, ngồi lì và không biết chuyện gì xảy ra ngoài các bức tường: nắng hay mưa, hoàng hôn hay đã tối.

Dvortsov lần nữa ngáp dài, trong mỗi cái ngáp là sự dọn mình cho nhịp sống thường ngày, khi hắn, phó chủ tịch Ủy ban đầu tư, với gương mặt tròn trịa khó đoán, bước tới lối vào của cung điện xám xịt u ám, nháy mắt với người bảo vệ trước lối vào và không cần chìa thẻ, kéo cái tay cầm vàng của cánh cửa nặng nề, bước một cách bình thản, đi dọc thảm đỏ của cầu thang cẩm thạch lên tầng ba hay nâng người vào thang máy rồi rẽ vào phòng họp…

Gật nhẹ đầu với những người bảo vệ tiếp theo, hắn sẽ rơi vào một hành lang dành cho đại biểu, sàn được lát bằng gỗ thông đánh véc ni, như thể ngập trong những vũng nước sáng bóng. Trong không gian kín đáo này, cần nhạy cảm hơn, liên tục thay đổi biểu cảm của ánh mắt: từ thờ ơ như thủy tinh đối với đại chúng hay âu yếm theo kiểu người của mình với những ai xứng đáng.

Có rất nhiều điều để nói với người của mình: thì thầm về tiền mới, những em gái mới, đồng hồ mới, về nhà máy, du thuyền và những tờ khai thuế đúng, thảo luận về người quen, xem xét hoàn cảnh của họ: ai đó xin tị nạn ở nước ngoài, ai đó ngược lại, bị hạ bệ ra nước ngoài, thường thì đó là cùng một người.

Dvortsov, giống mọi người, được sự ủy nhiệm bảo vệ tốt hơn bất kỳ áo giáp chống đạn nào. Chừng nào còn tấm thẻ chứng nhận thì không thể bị bắt giữ hay lục soát. Và không thể tước đoạt nó ngay: được cho thời gian để trốn tránh.

Một lần nữa, bằng cái ngáp rộng và sâu hắn hít vào cái không khí lạnh giá của cabin ô tô rồi thở ra, nhe răng, xóa đi đêm qua khỏi chính mình. Con BMW đen, tỏa sáng dưới ánh mặt trời, chạy vào sau thanh chắn và dừng lại trước tòa nhà xám.

Người tài xế xuống xe, mở cửa và Nikolai Petrovich bước xuống, lạch bạch đi về phía trạm gác bọc thép trước cổng chính.

Chớp mắt một giây hắn đã đi ngang qua người gác cổng vô hình nếu tay này không thốt lên bằng một giọng trẻ con:

- Xin trình giấy tờ!

- Sao rách việc thế? - Dvortsov chậm rãi vỗ vào tim mình và đột nhiên cảm nhận chất liệu mỏng đến mức nguy hiểm. Hiểu ra rằng nó trống rỗng nhưng hắn vẫn thọc tay vào túi ngực áo vest.

Hắn sờ, vỗ, tìm kiếm khắp nơi. Trong túi ngực bên phải có một xấp danh thiếp và chiếc khăn tay lụa, ví da ở túi quần bên trái, điện thoại di động lớn ở túi bên phải, nhưng hình chữ nhật màu nâu của tấm thẻ chứng nhận bọc nhựa trơn đã biến mất, như thể chưa từng có.

Nhận thấy sự bối rối của hắn, tay gác cổng càng tự tin hơn:

- Đừng cản trở những người khác! Xin ra khỏi đây!

- Đợi đã - Dvortsov cuối cùng cũng nhìn hắn: một tay có vai hẹp với đôi tai vểnh trong bộ đồng phục màu xanh đậm - Cậu sao vậy, không nhận ra tôi à?

- Ông kia!

- Tôi không phải ông kia ông nọ nào cả, tôi là đại biểu - hắn lượn qua tay bảo vệ và máy tính của anh ta trên bệ, cất giọng khàn, miễn cưỡng: Cậu là ai, người mới à? Dvortsov là họ của tôi. Dvortsov! Nào, hãy chạy cơ sở dữ liệu kiểm tra số thẻ.

- Tôi không biết - Chàng trai trẻ nói chắc nịch - Có chỉ thị: Không cho vào nếu không có thẻ.

Lần lượt trình thẻ, mọi người đi qua trạm nhưng không có đại biểu nào mà hắn biết, như thể cố ý, có thể họ chỉ là trợ lý hoặc nhân viên của guồng máy.

Bỗng bắt gặp khuôn mặt nâu tối quen thuộc của một đại biểu trẻ tuổi được đến từ Buryatia mà hắn đã quên tên, Dvortsov vui vẻ gọi:

- Xin chào!

- Xin chào! - kẻ nọ liếc nhìn hắn với ánh mắt thích thú rồi biến mất, như bị cuốn đi bởi sức hút không thể kiểm soát của tòa nhà.

- Tôi đã đăng ký rồi, chút nữa tôi phải báo cáo - đầu hắn nhức nhối, lại dâng lên một cơn đau bùng nổ - Cậu sao thế? Ngày đầu tiên đi làm à? Gọi trưởng ca đi!

- Tôi sẽ gọi tiếp viện ngay bây giờ - tay bảo vệ hứa hẹn sắc bén.

- Ừ, ừ. Chúng ta sẽ giải quyết - Dvortsov lẩm bẩm và đi ra ngoài, như thể hy vọng xoa dịu cơn đau đầu đang tước đi khả năng suy nghĩ nhanh chóng của hắn.

Mọi người đang vội vã đi làm công việc buổi sáng của họ, những người xa lạ với tòa nhà này, chưa bao giờ đến đó. Nhưng người ta liên tục đổ vào đây. Dvortsov đứng như một cây cột u ám và bối rối cố bắt lấy ánh nhìn của họ. Nhưng họ đi qua trạm gác mà không nhìn hắn hoặc tệ hơn là nhìn xuyên qua hắn, tập trung và thờ ơ. Hắn có thể chặn đường của một tay bạn nào đó hoặc nắm lấy khuỷu tay anh ta, nhưng không dám, nhìn chằm chằm một cách điên cuồng vào giữa thế giới vẫn quen thuộc nhưng vô lý và đột ngột tan vỡ này.

Quốc huy vàng phía trên nền đá cẩm thạch tối ở lối vào tan chảy sẫm màu, phản chiếu sức nóng ngày càng tăng. Dvortsov kéo cổ tay áo: chiếc Piaget màu vàng nhạt chỉ 10 giờ kém 5. Hắn thấy choáng váng. Hắn đặt tay lên bụng, xoa dịu nó bằng những cái vuốt ve và cảm nhận chiếc chảo rán lớn nơi những quả trứng ốp la đang chiên và kêu xèo xèo.

Bước tới trong bộ vest trắng như tuyết là đại biểu tóc vàng Leikina, nữ vô địch quần vợt. Cô nhìn mọi thứ một cách trìu mến, tin tưởng và mỉm cười rạng rỡ với Dvortsov.

- Masha, Masha - hắn cố gắng nở nụ cười đáp lại và tin cậy nghiêng người về phía cô - Cô biết tôi à?

- Hàm ý gì? - cô cười một cách quyến rũ, hơi nhăn mặt trước hơi thở hôi hám của hắn.

- Nói với anh ta đi!

- Với ai?

Dvortsov ôm cô, đẩy cô vào bục gác:

- Anh ta! - Hắn trừng mắt nhìn người bảo vệ, vòng tay ôm lấy thân hình săn chắc của cô - Đồng nghiệp tôi đây. Mọi thứ sẽ được xác nhận.

- Petrovich, tán gái đủ rồi! Anh sẽ trễ họp đấy! - một đại biểu-nông trang viên già với khuôn mặt như củ cải luộc đi ngang qua phì phò nói.

- Đấy! - Dvortsov đắc thắng nói - Và anh ấy cũng biết tôi. Petrovich. Nikolai Petrovich. Tôi đó. Được rồi, cậu sẽ cho tôi vào chứ?

- Không được - người bảo vệ nói.

Leikina liếc sang Dvortsov với vẻ cảnh giác, thấy một tình huống quái dị mà cô, ngây thơ và thiếu kinh nghiệm, chưa từng biết.

- Chúa ơi! - cô hét lên khe khẽ - Anh lôi tôi vào chuyện gì thế? - với sự khéo léo phi thường, cô xoay người khỏi bàn tay ấn chặt của hắn và không quay lại, lao về phía lối vào.

Dvortsov lại rút điện thoại di động ra, khó chịu khi phát hiện ra cuộc họp đã bắt đầu. Hắn gọi cho trợ lý nhưng thuê bao không liên lạc được: tất nhiên rồi, họ đã bù khú với nhau tối qua.

- Ông biểu tình đòi gì ở đây? – một giọng nói gắt gỏng vang lên.

Hắn quay lại: đứng cạnh hắn là một bà già lông mày đen, quàng khăn sặc sỡ với một tấm áp phích treo trước ngực, trên đó có dán một số tiêu đề báo ố vàng và những bức ảnh Polaroid chụp những con mèo.

- Đừng đứng đây nữa, đi đi! – bà ta gầm gừ ra lệnh - Tôi chỉ được chuẩn biểu tình một người! Hai người không được!

Dvortsov chớp mắt như bị bỏ bùa, không hề tranh cãi, lùi lại mười bước khỏi quầy và gọi Mikhalev, một đại biểu đồng nghiệp. Thuê bao không phù hợp. Nguyền rủa, hắn gõ lại:

- Vova, chào!

- Chào! - người bạn trả lời thì thào.

Có thể nghe tiếng diễn giả đang than thở đau khổ trong hội trường.

Dvortsov bối rối giải thích nỗi bất hạnh của mình, lặp lại cầu xin: "Vova, chúng ta cần phải làm gì đó!".

- Hãy đăng ký thẻ ra vào - Mikhalev gần như thì thầm gợi ý - Qua lối vào thứ mười.

- Được đấy! - Dvortsov rạng rỡ và tình trạng tắc đường trên Okhotny Ryad, đông cứng dưới nắng, chiếu lấp lánh với hắn ta giống vô số ly pha lê và cốc vại.

Với sự nhẹ nhõm, hắn lấy mu bàn tay lau cái trán ẩm ướt của mình; không có thời gian để lấy khăn tay: một ý tưởng tuyệt vời - ta có thể xin thẻ ra vào, và trong tòa nhà họ sẽ cho hắn vào hội trường, chắc chắn họ biết hắn. Ở đó. Rồi hắn sẽ tự tin bước lên bục và bình tĩnh đọc: "Việc sửa đổi này, về việc thực hiện các thay đổi đối với đoạn 4 của khoản 7 điều 2, được tính đến bởi sửa đổi số 20 của bảng số 1".

Vẫn còn khoảng bốn mươi phút nữa mới đến báo cáo, nhưng vẻ oai nghiêm gần đây đã biến mất cùng tấm thẻ: hắn vội vã đi vòng tòa nhà thân thuộc dọc theo phố Tverskaya, qua lối đi bằng gỗ, xuyên qua tiếng đục đẽo bằng súng máy của búa khoan và những đám mây bụi xám xịt - người ta đang lát lại gạch.

Tại ngõ Georgievsky, một hàng du khách đang chen chúc ở mặt tiền của Duma: vài người mặc đồng phục xanh đậm kiểm tra tỉ mỉ từng khách. Hắn muốn đến gặp họ ngay lập tức nhưng vì không có tấm thẻ quý giá nên hắn thấy mình nhẹ bẫng, mất từ tính, gần như một kẻ mạo danh, đành đứng vào cuối hàng, tự an ủi rằng mình còn thời gian: tổng cộng hắn phải chờ khoảng mười người.

- Xin lỗi, ông là đại biểu phải không? - một người đàn ông gầy gò mặc áo phông đen có búi tóc màu xám trìu mến hỏi.

Dvortsov giả vờ không nghe thấy nhưng vẫn tiếp tục nhìn anh ta dò xét và cả hàng người chú mục nhìn hắn.

- Vậy là, ông quyết định gần gũi hơn với nhân dân! - một người đàn ông hói lực lưỡng mặc áo sơ mi cộc tay sáng màu nói một cách bốc đồng. "Chúng tôi có nhiều con", anh chỉ vào người phụ nữ có đôi má hồng hào đứng cạnh - Chúng đến từ Rostov để đòi công lý. Nhà của chúng tôi đã bị phá bỏ nhưng ông có biết chúng tôi được tái định cư ở đâu không? Đến đầm lầy. Nơi ếch kêu!...

- Đừng nghe ai cả. Tôi cần ông, một người có mái tóc xám bóng gió, nhìn chằm chằm Dvortsov với đôi mắt sưng tấy - Tôi có thông tin cực kỳ quan trọng cho các đại biểu. Một vấn đề sinh tử.

Kẻ này cười và bắt đầu bộc lộ với vẻ phấn khích: "Ở đây họ trộn những thứ khó chịu vào đồ uống của bạn. Trong nước, trong trà, trong cà phê, trong nước trái cây, trong mọi thứ. Chúc bạn yên tĩnh và suôn sẻ. Yên tĩnh và suôn sẻ, vâng. Ở đây bất kỳ ai cũng có thể được biến đổi nhờ chất phụ gia này trong vòng một năm. Nếu tôi là đại biểu, tôi sẽ mang theo phích nước và bánh mì kẹp để đề phòng!".

Dvortsov mơ hồ lắc đầu, lo lắng nhìn điện thoại - pin còn năm phần trăm, hắn quên sạc. Hắn sẽ phát biểu trong khoảng mười phút nữa… Và đây, đến lượt hắn rồi.

- Hộ chiếu! - Gã gác to con buồn chán nói.

Nghe thấy những từ đơn giản này, Nikolai Petrovich lạnh người.

Một tay đại biểu hói đầu, to lớn nhảy khỏi lối vào và đẩy vào bụng hắn ta, hung hãn mở đường.

- Thật là một tên ngốc! - Dvortsov nghĩ, nhưng là về mình, ngốc nghếch vỗ vào những cái túi nhồi đầy vô vọng của mình.

Hắn có thể lại phẫn nộ vì không được nhận ra, thử thuyết phục rằng hắn ta là ai nhưng thay vào đó, tức giận vì hơi ẩm bắt đầu làm mờ tầm nhìn của mình một cách thảm hại, hắn để người khác đi qua và bước sang một bên.

Không quen với sự can thiệp như vậy, giờ đây đối với hắn dường như vũ trụ đang âm mưu chống lại hắn và đang chế nhạo hắn một cách ác ý. Lẽ ra hắn có thể cười nhạo bi kịch nhỏ bé của mình, nhưng sự tầm thường vớ vẩn của nó lại đặc biệt nhục nhã: có thứ gì đó xen vào, trầy xước và đốt cháy, như thời thơ ấu - có lẽ là cái cảm giác quyền lực dễ dàng bị tước bỏ như vậy.

Điện thoại rung lên, hắn lấy ra: Chủ tịch ủy ban đang gọi, rõ ràng đang tìm báo cáo viên.

Dvortsov nhìn chiếc điện thoại, lưỡng lự, đưa nó lên tai và lấy hết can đảm, vui vẻ buột miệng:

- A lô!

Nghe thấy sự im lặng vô hồn của nhựa, hắn nhìn điện thoại và thấy nó đã tắt.

Dvortsov cười chua chát. Niềm hy vọng cuối cùng vụt tắt khiến hắn không còn khả năng tự vệ, cùng lúc lại thấy tự do, trần trụi, như một ngọn cỏ hay một con sâu.

Hắn ném cái di động vô tích sự, nới nút thắt cà vạt, tháo thắt lưng, bỏ cà vạt, cởi áo khoác vất xuống chân. Mọi chuyện bắt đầu từ việc mất đi một thứ nhỏ bé mà thông qua thứ bọc da đỏ đó, cuộc sống được kết nối với tòa nhà màu xám này. Giờ thì hắn do dự, không biết nên bỏ đi thứ gì tiếp theo: chiếc giày hay áo sơ mi, nhưng rõ ràng hắn muốn một thứ - sự giải thoát.■

Phan Xuân Loan (dịch từ tuyển tập Người mình)

Nhà văn Nga người Matxcơva Sergey Shargunov (42 tuổi) nổi tiếng khi mới 19 tuổi với những tác phẩm đầu tay được in trên các tạp chí dày uy tín của Nga. Trong ba tiểu thuyết được các nhà xuất bản quyền lực của Nga in ấn: Đứa bé bị trừng phạt, Hoan hô!, Tôi là ai?, anh đưa ra những câu hỏi và trả lời của mình về thế giới, với một phong cách văn học "kinh điển cho thế kỷ tiếp theo", và "với một tính cách lạc quan con người hiếm gặp trong văn học Nga kể từ thời "Taras Bulba" của Gogol" - như nhận xét của nhà văn Nga Z. Prilepin. Đăc biệt, Đứa bé bị trừng phạt đã mang đến cho anh giải thưởng cho các tác giả trẻ Nga Debut khi anh mới 21 tuổi. Năm 2017, anh được trao giải thưởng Sách lớn cho cuốn sách viết về nhà văn Nga, sĩ quan bạch vệ và nhà yêu nước Katayev - Đuổi theo mùa xuân vĩnh cửu.

Sergey Shargunov

Sergey Shargunov

Nhưng văn học chỉ là một mảng hoạt động của Sergey Shargunov, người thú nhận bị "xé nát" bởi ba lĩnh vực: chính trị, văn học và báo chí. Ngoài việc sáng tác, anh hiện là đại biểu Đuma Nga, tổng biên tập tạp chí văn học Yunost và đứng chuyên mục cho tờ báo Độc Lập Nga, dẫn chương trình Sách mở trên kênh Russia-24…

Tấm thẻ là truyện ngắn trong tuyển tập Người mình, được đánh giá là lời kể chuyện chân thành, sâu sắc và hướng thiện về thời mình đang sống và những con người của nước Nga đương đại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận