Từ điển cho người "bình thường"

LÊ QUANG 31/08/2023 17:32 GMT+7

TTCT - Ở những ngôn ngữ mà tiếng nói đời thường ngoài vỉa hè có một khoảng cách rất xa với chữ viết trong văn thơ hoặc văn bản, như tiếng Đức, sự rối rắm của ngôn ngữ trong văn bản của nhà chức trách gửi cho công dân đôi khi đạt tầm thảm họa.

Minh họa: Chaim Garcia/artofchaimgarcia.com

Minh họa: Chaim Garcia/artofchaimgarcia.com

Ngôn ngữ trong văn bản của nhà chức trách gửi cho công dân có một đặc điểm mà ai từng bập vào sẽ nhận ra ngay: phải đọc đi đọc lại vài lần mới may ra hiểu được. Ở những ngôn ngữ mà tiếng nói đời thường ngoài vỉa hè có một khoảng cách rất xa với chữ viết trong văn thơ hoặc văn bản, như tiếng Đức, thì tình hình đôi khi đạt tầm thảm họa. 

Công chức quen dùng lời lẽ cao siêu, hay người dân quá dốt? Lúc đó, ai sẽ giúp ta, nếu không phải AI?

Bao nhiêu người bị gạt ra ngoài lề vì ngôn ngữ?

Ngót hai chục năm nay tôi làm việc với Bộ Tư pháp Đức, và tôi có một câu đùa không bao giờ nhạt: "Một người Đức bình thường đọc bản án đánh máy gửi về nhà, thường không hiểu mình được trắng án hay sắp bị treo cổ". 

Quả thật, cái gọi là ngôn ngữ của nhà chức trách đã tự nó phát triển thành một con quái vật độc lập, với những khái niệm đôi khi tách hẳn khỏi cuộc sống thường nhật, các văn bản luật còn tệ hơn, vì chỉ có luật gia mới hiểu trong đó nói gì.

Thử đọc câu phi lộ của tập tài liệu thông tin về luật thừa kế ở ở bang Lower Saxony (Đức): "Quý vị đã bao giờ suy xét khả năng, điều gì sẽ xảy ra với tài sản của mình khi quý vị không còn nữa?", và tôi cam đoan rằng một người "bình thường" có học vấn bậc trung - chưa nói đến người ít chữ, hoặc ngoại kiều vốn chiếm tới 28,7% dân số theo thống kê 2022 - phải chớp chớp mắt đọc lại lần nữa. 

Từ ít lâu nay, người dân Lower Saxony chỉ việc gí điện thoại di động có cài ứng dụng thông dịch từ "tiếng Đức công sở" thành "tiếng Đức vỉa hè" để quét văn bản và nhận được hỗ trợ. Trong trường hợp trên là bản dịch: "Người nào cũng có thể chết đột ngột, vậy thì ai sẽ được thừa hưởng tài sản?".

Những từ dài nhất trong tiếng Đức. Một nửa số này là từ chỉ các nội quy, đạo luật...

Những từ dài nhất trong tiếng Đức. Một nửa số này là từ chỉ các nội quy, đạo luật...

Câu cú ngắn gọn, từ ngữ xuôi tai, mỗi câu một ý chứ không rằng thì là mà dây cà ra dây muống. Ngôn ngữ đơn giản sinh ra nhằm diễn đạt thông tin một cách dễ hiểu nhất có thể, sao cho những người không quen chữ nghĩa hoặc trí tuệ bình thường nhưng gặp đôi chút rắc rối về đọc hiểu và đánh vần cũng có thể ngộ ra được. 

Nguyên tắc này được gọi là "giao tiếp không rào cản", và cùng với nó, xã hội hy vọng sẽ đạp đổ rào cản cuối cùng khả dĩ loại trừ một cơ số người trong một xã hội luôn vươn tới hòa hợp và bình đẳng: chính là ngôn ngữ.

Từ mấy năm nay, Bộ Tư pháp bang ở Hanover, bang Lower Saxony luôn ban hành những văn bản chính thức viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu để ai cũng đọc được. Ví dụ các thông cáo về dịch vụ chăm sóc trẻ em hoặc cách làm đơn xin trợ cấp xã hội.

Ví dụ thực tế: phổ biến về luật thừa kế

Điều khoản này quy định về việc từ chối thừa kế. Nguyên văn như sau:

"Nếu tổng cộng tất cả các nghĩa vụ được thực hiện lớn hơn tài sản tích lũy cho những người thừa kế, hoặc nếu điều này ít nhất được cho là có thể, thì những người thừa kế sẽ phải cân nhắc liệu có nên từ chối tài sản thừa kế hay không. Nếu những người thừa kế làm như vậy, họ sẽ không nhận được tài sản của di sản, nhưng họ cũng sẽ không phải gánh bất kỳ khoản nợ nào".

Và bài dịch sang ngôn ngữ đơn giản là:

"Bạn không muốn thừa kế? Người thừa kế có thể nhận di sản thừa kế hoặc từ chối di sản thừa kế. Người đã chết để lại đồ vật và tiền, nhưng cũng có thể mắc nợ. Có thể khoản nợ của người chết nhiều hơn tài sản thừa kế. Vậy thì người thừa kế không nên nhận di sản thừa kế, qua đó không bị gánh khoản nợ của người đã chết. Khi đó người thừa kế cũng không nhận được đồ vật và tiền của người đã chết".

Cả một đội quân sinh viên vào cuộc

Bộ Tư pháp đã nhận được sự hỗ trợ từ các sinh viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Hildesheim. Ở đó, tại Viện nghiên cứu dịch thuật và truyền thông chuyên ngành, có một trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ đơn giản - cho đến nay là độc nhất vô nhị trên đất Đức. 

Trước khi các văn bản được công bố ở dạng thân thiện với người đọc, chúng phải được "dịch" với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo trong một quy trình tốn khá nhiều thời gian.

Kể từ năm 2011, các sinh viên khóa thạc sĩ hai năm sẽ học thêm một môn về cách viết lại các nội dung phức hợp bằng vốn từ vựng giản lược, đó là môn "chuyển ngữ văn bản và phương tiện truyền thông".

Để đạt được mục tiêu đó, về cơ bản họ phải xây dựng được cái gọi là "hệ thống ngôn ngữ đơn giản". Meike Knoop, sinh viên học kỳ 3 môn chuyển ngữ truyền thông và đã dịch một số văn bản trực tuyến cho Bộ Tư pháp, tâm sự: "Vấn đề lớn nhất là hầu như không có bất kỳ nguồn tham chiếu nào. Không có từ điển ngôn ngữ đơn giản, mà chỉ có một số giải pháp mẫu để người dịch tham khảo. Trong khi tiếng Anh có một từ tương ứng cho hầu hết mọi từ tiếng Đức, thì những người dịch ra ngôn ngữ đơn giản chúng tôi chỉ có cuốn Từ điển các từ đồng nghĩa, luôn phải vắt óc ngẫm nghĩ để đơn giản hóa các thuật ngữ trừu tượng".

Công việc vô cùng vất vả với các văn bản của bộ máy công quyền. Meike Knoop nói: "Tôi phải tự tra cứu nhiều thuật ngữ trước khi có thể dịch chúng". Gặp những trường hợp quá khó, cô phải chuyển đến các nhân viên của Bộ Tư pháp. 

Tối thiểu bốn người làm việc với một văn bản: tác giả, hai dịch giả và khâu cuối cùng là một biên tập viên đến từ nhóm mục tiêu. Trung tâm nghiên cứu hiện đang xây dựng một cơ sở dữ liệu thuật ngữ để lưu trữ các văn bản đã được biên soạn và biên tập cẩn thận.

Lĩnh vực mới mẻ

Khoa ngôn ngữ học cho đến nay ít chịu bận bịu với ngôn ngữ đơn giản, ví dụ như với câu hỏi liệu có và thông tin nào bị mất đi trong quá trình đơn giản hóa ngôn ngữ.

Ở Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin), Anatol Stefanovich là nhà ngôn ngữ học duy nhất nghiên cứu chủ đề này. Anh mô tả lĩnh vực này là "rất mới đối với tôi" và cho biết người ta biết rất ít về nhóm khách hàng mục tiêu. Ngôn ngữ đơn giản không phải là ngôn ngữ nhóm, mà là một sản phẩm nhân tạo. 

Nhà ngôn ngữ học truyền thông Christiane Maass, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hildesheim, cho biết: "Chúng tôi đang hạ thấp triệt để các rào cản ngôn ngữ để càng nhiều người có thể vượt qua chúng càng tốt".

Để kiểm tra hiệu quả, trước tiên bà đưa tất cả các văn bản dịch cho những người khiếm thính đã học ngôn ngữ ký hiệu ở độ tuổi khá muộn và do đó có vốn từ vựng hạn chế. Bà Maass tin chắc: "Nếu nhóm người này hiểu văn bản thì người khác cũng hiểu".

Nhưng "tin chắc" và "nắm chắc" là hai chuyện khác nhau, vì nhóm rất không đồng nhất. Nhà giáo dục ngôn ngữ Sven Nickel ở Bremen ước tính rằng hơn 7 triệu người ở Đức mù chữ chức năng, tức là họ có thể hiểu các từ riêng lẻ nhưng không đọc được các câu dài. 

Ngoài ra cũng phải tính đến nhóm người khiếm thính, khó học, những người mắc chứng kém trí nhớ và những người nhập cư có ít vốn tiếng Đức. Rõ ràng các nghiên cứu trong lĩnh vực này tụt hậu thê thảm so với nhu cầu của xã hội.

Từ điển cho người "bình thường" - Ảnh 4.

Ý chí chính trị về bao phủ xã hội bao gồm mong muốn càng nhiều người càng tốt có thể tự thông tin cho mình một cách độc lập. Trên thị trường đã có một số đầu sách văn học và bài giảng giáo lý của nhà thờ bằng ngôn ngữ đơn giản. 

Cổng thông tin trực tuyến Nachrichtenleicht (Thông tin dễ hiểu)" và các tạp chí như Klar & Deutlich (Thông suốt & Rõ ràng)" cung cấp thông tin bằng hình ảnh và câu ngắn về tình hình thời sự. 

Chính phủ liên bang cũng đã ban hành quy định về "Truyền thông Internet không rào cản". Tất cả các cơ quan chức năng cấp liên bang gần đây đã được yêu cầu cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ đơn giản. Ít nhất thì đã có khởi đầu.

Luật chơi mới

Chưa hề có từ điển ngôn ngữ đơn giản. Các "dịch giả" hầu như luôn đến từ môi trường thực tế, tức là thường từ các hiệp hội tự phát để tương trợ lẫn nhau. Ý tưởng về ngôn ngữ đơn giản có lẽ bắt nguồn từ Tổ chức "People First" của Hoa Kỳ, là tổ chức vận động cho quyền của người kém khả năng học tập từ năm 1974 và phát triển rộng rãi hơn từ năm 1996. 

Ở Đức, "Mạng lưới ngôn ngữ dễ hiểu" đã tồn tại từ năm 2006, một hiệp hội phát triển các quy tắc cho ngôn ngữ dễ hiểu. Viện nghiên cứu ở Hildesheim cũng bám theo những định hướng này.

Nhưng ngôn ngữ đơn giản được áp dụng càng rộng rãi thì cơ sở lý thuyết càng trở nên quan trọng. Bởi vì trong khi một số quy tắc vật lý dễ thực hiện, chẳng hạn như tăng khoảng cách giữa dòng và in khổ chữ lớn, thì những quy tắc khác lại xung đột về ngôn ngữ học. 

Ví dụ: mạng lưới này khuyến nghị tránh dùng phủ định từ, nhưng như nhà ngôn ngữ học Maass phản đối có lý, phủ định từ là một thành tố có trong mọi ngôn ngữ và không thể đơn giản bị bãi bỏ.

Đơn vị nghiên cứu của bà Maass tìm cách bố trí cách phủ định hợp lý hơn trong ngôn ngữ đơn giản. Ví dụ, thay câu "không nên sống ở trung tâm ồn ào" bằng câu "nên sống ở khu vực yên tĩnh", hoặc "không phải trả phí dịch vụ" bằng câu "dịch vụ miễn phí". 

Điều quan trọng là không viết bất cứ điều gì ẩn ý. Bà nói: "Nhiều văn bản giả định thông tin được coi là người đọc đã biết trước rồi, hoặc các văn bản pháp lý thường viết ở thể bị động - đó là điều cần phải tránh". 

"Rinderkennzeichnungs-und Rindfleischetikettierungsüberwachungs­aufgabenübertragungsgesetz" gồm 63 chữ cái (dịch nghĩa: Luật chuyển giao nhiệm vụ giám sát việc đánh dấu bò và dán nhãn thịt bò) là tên một đạo luật mà bang Mecklenburg-Vorpommern ở bắc Đức năm 1999 đưa ra.

Để đơn giản hóa trong tài liệu in ấn, nghị viện bang cho phép viết tắt là RkReÜAÜG. Bộ trưởng nông nghiệp bang phải xin lỗi trước nghị viện vì cái tên "có thể hơi dài", và thực tế là trong buổi điều trần các nghị sĩ đều tưởng là chuyện đùa. Năm 2023 luật này bị bãi bỏ, nhưng không phải vì lý do có tên quá dài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận