Chuyện gì cũng có nguồn cơn. Để hình dung vì sao tại diễn đàn Quốc hội lại có vẻ diễn ra cảnh tranh nhau quyền duyệt dự án đầu tư công (tít một bài báo trên báo Tuổi Trẻ: “Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không?”), phải quay lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và các biện pháp vượt khủng hoảng những năm sau đó. Ảnh: Frontpage Mag Trong bối cảnh khó khăn lúc bấy giờ, Chính phủ liên tục tung ra những gói “kích cầu đầu tư”, bơm vốn cho nền kinh tế. Nhiều khoản được dùng vào việc bù lãi suất cho doanh nghiệp, giảm thuế VAT, trợ cấp cho người nghèo... nhưng cũng có nhiều khoản chi trực tiếp vào các dự án đầu tư công, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Những năm sau đó, các gói kích cầu này dẫn tới tâm lý các địa phương bằng mọi cách tìm dự án đầu tư công cho địa phương mình, xem đó như biện pháp dễ nhất để doanh nghiệp địa phương có việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để các quan chức tham nhũng chia phần miếng bánh ngân sách. Từ đó mới có những chuyện thường xuyên lên mặt báo như tình trạng thi công trước tìm vốn sau, quyết định đầu tư cho những dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, xin điều chỉnh nâng vốn đầu tư và nặng nề nhất là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2012 là năm cao điểm, nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới trên 100.000 tỉ đồng. Đó là bối cảnh ra đời Luật đầu tư công vào năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015. Luật, theo tờ trình của Chính phủ thời điểm đó, nhằm khắc phục tình trạng “phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước”. Tuy nhiên, do luật nghiêng về trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư nên ngay lập tức gây ra tắc nghẽn, tức ngân sách có tiền mà tiêu không được. Ở đây có tình trạng đi từ thái cực này sang thái cực khác: ngày xưa địa phương tự quyết nhiều dự án, dù chưa có tiền cũng “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp ứng trước để làm dẫn tới nợ đọng, nay để có thể nhận cấp vốn phải trải qua nhiều bước nhiêu khê, thủ tục rối rắm, ai nấy rên trời. Thế là Quốc hội phải ngồi xuống bàn chuyện sửa Luật đầu tư công vừa có hiệu lực xong! Có thể thấy sửa luật lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn gây ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đó là mục đích chính và một trong những nút thắt nằm ở chỗ ai có thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn: Quốc hội hay Chính phủ? Tuy nhiên, bàn theo hướng Quốc hội có đủ nguồn lực, thời gian để phê duyệt các dự án đầu tư công hay không là không đúng bản chất vấn đề. Nguồn lực của Nhà nước là thống nhất, nên rất dễ điều chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bản chất của vấn đề là chuyện ai duyệt sẽ tác động như thế nào tới các nút thắt của quá khứ: chặt chẽ để tránh thất thoát ngân sách, nhưng không nhiêu khê rối rắm đến mức không triển khai các dự án đầu tư được. Nhìn như thế sẽ thấy thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn không tác động nhiều lắm với các nút thắt này; nó nằm ở chỗ khác, chủ yếu ở thủ tục hành chính và việc lợi dụng thủ tục để tư lợi. Nút thắt của Luật Đầu tư công nằm ở chỗ các thủ tục hành chính rối rắm và việc lợi dung thủ tục để tư lợi Thế nhưng giả sử luật trao quyền này cho Quốc hội, có nguy cơ nếu phát hiện đầu tư tràn lan, lãng phí, chủ đầu tư có thể phủi tay nói đã được Quốc hội phê duyệt. Dĩ nhiên danh mục vẫn do các địa phương đề xuất, Bộ Kế hoạch - đầu tư thay mặt Chính phủ trình Quốc hội, nhưng do nơi quyết định không phải là cơ quan hành pháp, các nơi này sẽ không có nhiều động lực soạn thảo sao cho dự án có hiệu quả cao nhất. Họ sẽ nghĩ cái đó đã có Quốc hội lo. Ngược lại, giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm, Quốc hội sau này dễ dàng làm công việc giám sát, hậu kiểm hơn. Quốc hội vẫn có thể có tiếng nói quyết định trong nhiều trường hợp như khi phê duyệt ngân sách, đặt ra các tiêu chí mà dự án đầu tư sử dụng ngân sách phải tuân thủ mới được đưa vào danh mục đầu tư... Thay vì tranh cãi chuyện Quốc hội có duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công hay không, tại sao không bàn làm thế nào để đưa sự công khai minh bạch vào Luật đầu tư công, từ đó mới ngăn ngừa lãng phí hay thất thoát; minh bạch từ khâu lập kế hoạch để người dân có quyền tham gia ý kiến đến khâu đấu thầu, triển khai, đem vào sử dụng để toàn xã hội và báo chí giám sát. Và để làm được điều đó, điều 14 (công khai, minh bạch trong đầu tư công) phải được biên soạn chi tiết hơn, có cả những biện pháp chế tài để bảo đảm việc thực thi. Đó mới là chuyện đáng bàn. ■ Tags: Chủ đầu tưThủ tục hành chínhLuật Đầu tư côngQuản lý dự án đầu tư công
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".