TTCT - Vụ đôi co lần này giữa Iran và Anh - Mỹ khởi đầu từ cuộc biểu tình nhắm vào tòa đại sứ Anh cùng tư thất nhân viên ngoại giao Anh ở thủ đô Tehran hôm 29-11 năm ngoái. Người biểu tình gỡ cờ Anh xuống, thay bằng cờ Iran. Kỳ 1: Những dấu hiệu đe dọa Phóng to Người dân thủ đô Tehran, Iran kỷ niệm 33 năm cuộc cách mạng Hồi giáo tại quảng trường Azadi ngày 11-2 - Ảnh: Reuters Truyền hình Iran liên tục tường thuật vụ việc và nhắc lại vụ chiếm đóng tòa đại sứ Mỹ năm 1979, sau khi nước Cộng hòa (CH) Hồi giáo Iran vừa được tuyên bố thành lập. Hôm sau, Bộ Ngoại giao Anh đóng cửa Sứ quán Iran tại London, trục xuất tất cả nhà ngoại giao Iran, rút nhân viên ngoại giao của Anh từ Iran về nước (1). Một số nước châu Âu khác (Đức, Pháp, Hà Lan, Ý) triệu hồi đại sứ của mình, Thụy Điển đóng cửa tạm thời sứ quán để chia sẻ với Anh. Khủng hoảng với Iran nhanh chóng lên tầm châu Âu: theo công ước Vienne 1963 về quan hệ lãnh sự, bảo vệ các sứ quán là cơ sở cho việc duy trì quan hệ ngoại giao. Oán cừu từ thế kỷ trước Anh và Iran bắt đầu căng thẳng từ năm 1952-1953 khi thủ tướng Iran lúc đó là Mohammed Mossadeq có ý định quốc hữu hóa Công ty dầu hỏa Anh - Ba Tư do lợi nhuận chia quá “ức hiếp”: 85% cho phía Anh, Iran chỉ được 15%.Những vụ tấn công vào các cơ sở ngoại giao phản ánh mối thâm thù từ các thế kỷ nay. Mối thù với người Anh khởi đầu từ việc người Anh đã khai thác dầu hỏa của Iran trong vỏ bọc của Công ty dầu hỏa Anh - Ba Tư (APOC) được thành lập từ năm 1909. Anh và Iran bắt đầu căng thẳng từ năm 1952-1953 khi thủ tướng Iran lúc đó là Mohammed Mossadeq có ý định quốc hữu hóa công ty dầu này do lợi nhuận chia quá “ức hiếp”: 85% cho phía Anh, Iran chỉ được 15% (2). Vụ quốc hữu hóa này đã dẫn đến việc thủ tướng Mossadeq bị lật đổ và sự thân Mỹ hoàn toàn của quốc vương Reza Shah. Từ đó, trong nội bộ Iran luôn có hai xu hướng: đồng tình với nước ngoài và bài ngoại. Vụ lật đổ quốc vương Reza Shah và thành lập CH Hồi giáo Iran năm 1979 phản ánh xu hướng này. Thù oán với Anh, tiếp nối thù oán với Mỹ từ một thế kỷ hơn qua, là như thế. Ngay cả một người được xem là “cải cách” như tổng thống Mohammad Khatami, đắc cử năm 1997, trong một phỏng vấn độc quyền cho CNN, đã giải thích rằng cách cư xử không thích hợp của Mỹ khiến Iran không ngừng bị Mỹ hạ nhục: sự dính líu của Mỹ vào vụ lật đổ thủ tướng Mossadeq năm 1953 là một thí dụ (3). Đến khi nước CH Hồi giáo Iran ra đời sau khi đại giáo chủ Khomeini từ Pháp về nước ngày 1-2-1979, mối thù này đã bùng nổ và không thể hàn gắn được đến ngày nay. Năm 1979, vua Mohammed Reza Shah bị lật đổ. Vị vua này (lên ngôi thay thế vua cha bị người Anh lật đổ năm 1941 vì bị xem là thân Đức quốc xã) được đánh giá là thân Mỹ. Sau khi nhà nước CH Hồi giáo Iran được thành lập, xung đột ngoại giao với Mỹ bùng nổ hôm 4-11-1979 khi một nhóm thanh niên chiếm đóng Sứ quán Mỹ tại Tehran và giữ làm con tin 52 nhà ngoại giao Mỹ. Ngày 24-4 năm sau, Mỹ đã tổ chức một cuộc đột kích giải cứu song thất bại khiến tám binh sĩ Mỹ bỏ mạng, phải bỏ dở chiến dịch. Sau đó Mỹ quay qua điều đình, đến ngày 20-1-1981 mới đưa được các nhân viên ngoại giao “con tin” về nước sau một thỏa thuận tại Algers trước đó một ngày. Từ đó, Mỹ cắt đứt quan hệ với Iran, nhờ Thụy Sĩ đại diện quyền lợi cho mình tại Iran. Thật ra, Iran không “độc quyền” việc tấn công các sứ quán nước ngoài. Tháng 1-2007, Iran tố cáo binh sĩ Mỹ đóng tại Iraq đã đột kích Lãnh sự quán Iran tại thành phố Erbil, cách thủ đô Baghdad 320km về phía bắc, bắt giữ năm nhân viên lãnh sự quán. Iran tố cáo binh sĩ Mỹ đã đánh vào lãnh sự quán lúc 5 giờ sáng, tước vũ khí bảo vệ. Vụ đột kích xảy ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Mỹ George W. Bush đọc diễn văn loan báo sách lược mới về Iraq. Trong diễn văn này, ông Bush tố cáo Iran và Syria trợ giúp “phe khủng bố và nổi dậy” trong và ngoài Iraq, đồng thời cảnh cáo rằng Mỹ “sẽ tìm cách lần ra và dẹp các mạng lưới cung cấp, huấn luyện vũ khí tối tân cho kẻ thù của chúng ta” (4). Ngay sau vụ đột kích này, chủ tịch tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ lúc đó là nghị sĩ Joseph Biden, nay là phó tổng thống Mỹ dưới trào Tổng thống Obama, đã phát biểu với ngoại trưởng Rice rằng: “Nếu tổng thống quyết định tấn công Iran để rượt đuổi các mạng lưới đó, tôi tin rằng việc cho phép tổng thống sử dụng quân lực tại Iraq không bao gồm việc này” (5). Hiềm khích hạt nhân/cấm vận Vụ tấn kích Lãnh sự quán Iran tại Erbil năm 2007 hay vụ tấn công Sứ quán Anh cuối tháng 11 năm ngoái là biểu hiện của những hiềm khích hiện tại trong khuôn khổ mối oán thù đã có từ thế kỷ trước. Vụ tấn công Sứ quán Anh tại thủ đô Tehran xảy ra chỉ tám ngày sau khi Mỹ, Anh và Canada loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua một nghị quyết bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc và gia tăng” về chương trình hạt nhân của Iran một ngày trước đó (18-11-2011). Ba ngày sau, Iran loan báo bắt giữ 12 người làm gián điệp “nằm vùng” cho CIA. Tám ngày sau đó, Sứ quán Anh bị tấn công. “Bánh ít đi, bánh quy lại” rất nhanh chóng trong quan hệ đối kháng giữa Iran và Anh, Mỹ, lần này nguyên cớ về phía Âu - Mỹ là những ngờ vực về chương trình hạt nhân của Iran, và ngược lại về phía Iran là các biện pháp trừng phạt của Âu - Mỹ. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên mới có những biện pháp trừng phạt. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng thông qua bốn nghị quyết liên quan đến Iran, các nghị quyết 1737 (năm 2006), 1747 (2007), 1803 (2008) và 1929 (2010), ấn định một số biện pháp cấm vận liên quan đến các chương trình nhạy cảm phổ biến hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo; việc cấm chỉ Iran xuất khẩu cung cấp bất cứ vũ khí cùng vật tư liên quan nào, cùng việc cấm chỉ cung cấp cho Iran bảy loại vũ khí quy ước cùng vật tư liên quan; việc cấm chỉ di chuyển (ra nước ngoài) và đóng băng tài sản một số nhân vật và tổ chức… (6). Iran trên bàn cờ Trung Đông Một ấm ức khác mà các nước Âu - Mỹ cùng đồng minh Israel “cắm chốt” tại Trung Đông luôn hậm hực Iran là quan hệ gắn bó giữa Iran với Syria. “Liên minh” này cũng mới mẻ từ sau khi nước CH Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979. Quan hệ này bắt đầu phát triển cùng với cuộc chiến tranh Iran - Iraq, trong đó Syria ngả về phía Iran đóng cửa đường ống dẫn dầu của Iraq trên lãnh thổ Syria. Quan hệ này ngày càng phát triển, không chỉ giữa hai nước với nhau mà cả với Iraq. Tháng 7 năm ngoái, Iran, Syria và Iraq đã ký kết một hiệp định trị giá 10 tỉ USD xây dựng đường ống khí đốt từ các mỏ khí đốt của Iran đến một cảng của Syria trên Địa Trung Hải, chảy qua Iraq; đổi lại Iraq nhận được 20 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, còn Syria được 20-25 triệu m3. Cũng tháng 7 năm ngoái, đại giáo chủ Khamenei loan báo việc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân CSR của Iran cung cấp 5,8 tỉ USD tài trợ cho Syria. Tại sao một số tiền khổng lồ cho Syria vào lúc Iran đang kiệt quệ tài chính? Năm ngoái IAEA đã đánh giá rằng cơ sở hạt nhân Kibar của Syria tại Deir al Zour, từng bị Israel không kích năm 2007, có thể là lò phản ứng hạt nhân “chui” (7). Cùng một kẻ thù chung là Israel, mối quan hệ giữa Iran và Syria cùng với các tổ chức Hezbollah và Hamas chỉ có thể là gắn bó, cũng như quan hệ giữa Israel và các nước Âu - Mỹ. Vai trò mới lạ của Trung Quốc Việc Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm 20-1 lên tiếng cảnh cáo Iran chớ sản xuất vũ khí hạt nhân, nhân chuyến công du Trung Đông, là một “khúc rẽ” trong cuộc đôi co hạt nhân với Iran. Tuyên bố trên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ năm ngày sau khi Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner rời Bắc Kinh mà không nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc về lệnh trừng phạt Iran. Vậy tại sao Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại phát biểu cảnh cáo Iran? Trên bề mặt lý lẽ, Trung Quốc vẫn trung thành với chủ trương “ngoại giao trước đã, rồi mới cấm vận”. Phát biểu trên cũng mới chỉ trong phạm vi “ngoại giao”. Nay ông Ôn Gia Bảo phát biểu như thế vì có thể đã đến lúc Bắc Kinh hoặc cảm thấy tiềm năng hạt nhân của Iran đang dần đến chỗ “bất khả hoàn” và sẽ nguy hiểm cho cả Trung Quốc, hoặc nhận thấy một thúc ép nơi Trung Quốc sẽ làm tăng vị thế của Bắc Kinh hơn nữa. Và phát biểu này được đưa ra khi nào là tùy ý Trung Quốc, chớ không do sức ép của Mỹ. Trong bối cảnh đó, tin của Tân Hoa xã hôm 2-2 không khó hiểu: “Iran mong muốn sớm nối lại đàm phán về hạt nhân với các cường quốc thế giới” (8). __________ (1) Pourquoi les miliciens iraniens s’en prennent à l’ambassade britannique?, Lemonde.fr | 30.11.11(2) Iran United States relations, Wikipedia(3) Ali M. Ansari, “Confronting Iran”, tr.155.(4) US Forces Raid Iranian Consulate in Iraq, Detain 5 (Update2), Bloomberg, January 11, 2007(5) Senators fear Iraq war may spill to Iran, Syria, Reuters, Thu Jan 11, 2007(6) Security Council Committee established pursuant to resolution 1737 (2006), http://www.un.org/sc/committees/1737/(7) http://www.irantracker.org/foreign-relations/syria-iran-foreign-relations(8) L’ Iran souhaite reprendre bientôt les négociations sur le nucléaire avec les puissances mondiales (officiel), xinhua 2012-02-02 Tags: Trung QuốcChiến tranhIranHạt nhânVùng VịnhCấm vậnHiềm khích
Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt Tổng thống Yoon MINH KHÔI 10/12/2024 Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu nhanh chóng bắt giữ 8 nhân vật chủ chốt, trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Thành công của ST25 giúp ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu toàn cầu KHẮC TÂM 10/12/2024 Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - cho rằng gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".
Nguy cơ ngừng hoạt động vì nợ tiền thuê đất hàng trăm tỉ đồng, Thảo cầm viên Sài Gòn nói gì? LÊ PHAN 10/12/2024 Với việc đứng trước nguy cơ bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất, Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí.
Bánh chè khớp gối chân phải của diễn viên Thương Tín bị bể đôi, bác sĩ nói không thể hồi phục HOÀI PHƯƠNG 10/12/2024 Hiện tại, diễn viên Thương Tín đang được nhạc sĩ Tô Hiếu cưu mang tại nhà riêng ở TP.HCM, trong thời gian ông chờ đi tái khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.