Từ phân ban đến lựa chọn môn: Lại thấp thoáng nguy cơ thất bại

VĨNH HÀ 15/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình mới 2018 ở lớp 10. Điểm khác biệt lớn ở cuộc đổi mới chương trình lần này là học sinh có những môn học bắt buộc và môn học được lựa chọn. Những vướng mắc đang đặt ra cho việc triển khai chương trình mới này đã gợi lại thời “phân ban” từng thất bại.

 
 Tiết học ở Trường THPT Xuân Trường (Nam Định). Đây là ngôi trường dự kiến có phương án lựa chọn các môn khoa học tự nhiên chiếm đa số. Ảnh: Vĩnh Hà

Phân ban và sự thất bại ngay ở điểm xuất phát

Chương trình phân ban THPT được Bộ GD-ĐT thí điểm từ năm học 2003 - 2004 tại gần 50 trường của 11 tỉnh, thành với hai ban: khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn toán, lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội và nhân văn (ban C, học nâng cao văn, sử, địa, ngoại ngữ). 

Bộ GD-ĐT dự kiến thí điểm một năm rồi triển khai đại trà từ năm học 2004 - 2005. Nhưng phải đến hai năm sau, chương trình mới triển khai được đại trà với đề xuất mới của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, bổ sung một ban bên cạnh hai ban khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) theo thiết kế ban đầu. Ban mới này ban đầu có tên là cơ sở, về sau được ấn định tên là cơ bản. Ngay lập tức giới chuyên môn gọi đây là “ban không phân ban”. Như vậy, dù thí điểm hai ban nhưng từ năm học 2006 - 2007 chương trình phân ban có tới ba ban.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, sau ba năm triển khai đại trà phân ban, năm học 2008 - 2009 cả nước có gần 85% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, hơn 14% học ban KHTN, ban KHXH&NV chỉ đạt khoảng 2%.

Những biến tấu của phân ban sau năm 2010 dẫn đến việc phần lớn các trường THPT trên cả nước chỉ còn ban cơ bản. Để “cứu vớt phân ban”, các trường THPT có ban cơ bản A (học chương trình cơ bản, chọn thêm nâng cao môn toán, lý, hóa), ban cơ bản D (học cơ bản và có nâng cao các môn toán, văn, ngoại ngữ). Một số nơi có ban cơ bản C (học cơ bản, thêm nâng cao môn sử, địa), nhưng sách giáo khoa nâng cao chủ yếu được sử dụng như sách tham khảo.

Thực chất, việc phân lớp ở THPT thời kỳ này chỉ để chạy theo các khối thi đại học. Nhưng từ năm 2014, đề thi tuyển sinh ĐH - CĐ (kỳ thi “ba chung”) đã không ra dựa trên chương trình - sách giáo khoa nâng cao. Với tâm lý "học gì thi nấy”, quyết định này như dấu chấm hết cho chương trình phân ban lay lắt từ khi mới khai sinh.

Nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của phân ban là mô hình cứng nhắc, không phù hợp với nhu cầu người học. Phần lớn học sinh THPT có hướng học nâng cao một số môn theo định hướng nghề nghiệp, nhưng khi đăng ký phân ban sẽ phải học nâng cao những môn khác không cần thiết. Học sinh vẫn phải học đủ 13 môn học, trong đó có những môn nâng cao theo ban, nên theo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông, cách thức tổ chức như thế khiến học sinh quá tải.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT thời điểm đó, thì việc học sinh chủ yếu chọn ban cơ bản vì có hướng chọn nhiều hơn, linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng học sinh. Cũng ở thời điểm này, nhiều nhà quản lý giáo dục nhắc đến khái niệm “dạy học phân hóa”. Có lẽ thực tế thất bại của phân ban cũng có giá trị là đưa ra một gợi ý cho cuộc đổi mới tiếp theo.

 
 Học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP.HCM) trong giờ học. Từ năm học tới, các em sẽ học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: NHƯ HÙNG

Dạy học phân hóa: Giữa mộng và thực

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT (sắp triển khai cho lớp 10 năm học tới), ngoài 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh (toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn 5 trong số 10 môn học lựa chọn được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế & pháp luật); khoa học tự nhiên (các môn vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ, nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Việc chọn môn học phải đảm bảo nguyên tắc chọn ít nhất 1 môn trong mỗi nhóm môn học trên.

Học sinh lớp 10 dựa trên năng lực, ý thích, hướng đi cho nghề nghiệp tương lai sẽ có thể chọn 1 trong 3 định hướng trên để chọn môn học.

Trong chương trình mới, ngoài phần nội dung cơ bản, mỗi môn học có các chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học). Theo đó, mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn (tổng thời lượng 105 tiết/năm học).

So với thời phân ban, đây là một bước tiến vì chương trình cho phép học sinh linh hoạt hơn trong chọn môn học phù hợp nhu cầu. Có thể thấy ngay là, với mỗi sự lựa chọn, có những môn học mà học sinh sẽ không học trong suốt 3 năm học.

Lập luận của những nhà xây dựng chương trình là học sinh đã học căn bản toàn diện ở 9 năm học (tới hết lớp 9), nên ở bậc THPT, các em hoàn toàn có thể không học lịch sử, địa lý, kinh tế & pháp luật… mà chỉ chọn học các môn tự nhiên và ngược lại.

Trong điều kiện lý tưởng, khi trường THPT có đủ giáo viên, đủ số phòng học và lý tưởng hơn nữa là có phòng học bộ môn cho tất cả các môn học, chuyên đề… thì sẽ có thể tổ chức “lớp học cố định, học sinh di chuyển”. Ngoài các môn học bắt buộc mà học sinh phải học theo tổ chức lớp truyền thống, các em có thể di chuyển đến các phòng học bộ môn tùy môn học các em đăng ký mà không bị ràng buộc bởi tổ chức lớp học như truyền thống.

Một sự đề cao tính phân hóa như thế có nhiều ưu điểm. Vấn đề là nó sẽ được thực hiện như thế nào ở các trường THPT trong thời gian tới.

Theo tính toán kiểu số học, với chương trình mới, sẽ có đến hơn 100 tổ hợp môn học mà học sinh có thể lựa chọn. Và có những lo âu về cảnh xáo trộn mạnh khi có môn nhiều học sinh chọn, có môn lại rất ít em muốn học; chuyện thừa, thiếu giáo viên và thiếu phòng học… ắt sẽ ập tới.

Tuy thế, việc cho phép chọn trên 100 tổ hợp sẽ không thể xảy ra. Các văn bản pháp lý của Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường tùy theo điều kiện hiện có để xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Và như thế, khác với thời phân ban, sự chủ động và linh hoạt được trao vào tay hiệu trưởng các trường THPT. Nếu đúng như “kịch bản” này, mỗi trường có thể có một cách tổ chức riêng. “Các trường có thể xây dựng 3-6 tổ hợp môn học và tư vấn cho học sinh dự tuyển vào lớp 10 năm học mới lựa chọn” - ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), gợi ý.

Thực tế có câu trả lời khác. Không phải trường nào cũng có thể triển khai suôn sẻ. Thiếu giáo viên, thiếu phòng học, thiếu thời gian thực hiện, thiếu cơ chế để có thể áp dụng linh hoạt các giải pháp để sử dụng tài nguyên chung (cơ sở vật chất, giáo viên) trên một địa bàn là những bất cập nhãn tiền.

Hiện tại, theo Bộ GD-ĐT, khối THPT trên cả nước thừa hàng trăm giáo viên nhưng cũng thiếu đến trên 11.000 giáo viên (tùy môn học và tùy theo địa phương).

Cũng theo số liệu Bộ GD-ĐT cung cấp năm 2021, cả nước còn 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học. Tỉ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy học. Hầu hết các trường THPT chỉ học 1 buổi/ngày. Nhiều trường phải học cả ngày thứ bảy, bố trí học chéo ca mới có thể dạy được hết chương trình hiện hành.

Về phòng học bộ môn, cấp THPT được đầu tư tốt nhất, nhưng tính đến năm 2021 cũng mới đáp ứng 76,6% và chưa đồng bộ. Để đáp ứng yêu cầu dạy học ở chương trình mới, mỗi nhà trường cần ít nhất 1 phòng học bộ môn hóa học, 1 phòng học bộ môn sinh học, 1 phòng học bộ môn âm nhạc, 1 phòng học bộ môn tin học, 1 phòng học ngoại ngữ, 1 phòng thiết bị dùng chung, 1 phòng học bộ môn có các thiết bị trình chiếu… Nhưng thực tế phần lớn các trường mới chỉ có phòng học tin học, phòng học để thực hành - thí nghiệm chung cho các môn lý, hóa, sinh.

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, năm 2022 sẽ cần hơn 23.700 giáo viên nghệ thuật các cấp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng với bậc THPT, đến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.000 giáo viên nghệ thuật.

Tới thời điểm này, khi việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 năm học 2022 - 2023 kề cận, số lượng giáo viên nghệ thuật ở bậc THCS là tạm đủ, nhưng bậc tiểu học đang thiếu trên 4.000 người. Trên 2.800 trường THPT trên cả nước chưa có giáo viên nghệ thuật.

Căn cứ vào yêu cầu mỗi trường THPT cần ít nhất 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật thì cả nước hiện cần 5.700 giáo viên môn nghệ thuật. 

“Liệu cơm gắp mắm” và…?

Bối rối, tự tìm cách học hỏi lẫn nhau là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội, trong khi Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn riêng về vấn đề này.

Một số hiệu trưởng THPT hiện nay cho biết họ chọn phương án “dễ làm nhất”. Cụ thể là đưa ra 2-3 lựa chọn cho học sinh, chủ yếu là hai hướng: chọn các môn KHTN và KHXH. Nhưng nhiều hiệu trưởng cho biết khảo sát nhu cầu cho thấy đa số học sinh muốn học các môn KHTN.

Một số môn học sẽ có rất ít nhu cầu, trong đó môn nghệ thuật có nguy cơ chết yểu vì nhiều lý do. Gần 3.000 trường THPT trên cả nước không có giáo viên nghệ thuật. Giải pháp luân chuyển giáo viên nghệ thuật từ tiểu học, THCS lên có những khó khăn do cơ chế của từng tỉnh, thành khác nhau. Hơn nữa, giáo viên nghệ thuật ở các cấp học dưới chỉ cần đảm bảo mục tiêu phổ cập, nâng năng lực thẩm mỹ cho học sinh, họ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu ở cấp THPT là “định hướng nghề nghiệp”. Và đây cũng là môn khá “kén người học”.

Với tình thế phải “liệu cơm gắp mắm”, hầu hết các trường sẽ không tổ chức lớp có môn nghệ thuật nếu có quá ít học sinh đăng ký. Việc này chỉ thực hiện được khi mỗi tỉnh, thành có lộ trình và giải pháp để đạt được các điều kiện tối thiểu, có cơ chế cho việc tổ chức các lớp học/môn học/chuyên đề theo hướng liên trường, trong địa bàn cụm trường, quận huyện, cơ chế để sử dụng tài nguyên chung (thiết bị, giáo viên). Danh sách những môn học “không đắt hàng” khác cũng sẽ không ngắn, nếu nhìn vào nhu cầu người học hiện nay.

Và như vậy, để không gây nên xáo trộn về chuyện thừa, thiếu giáo viên hiện có, các trường phải tổ chức được một dạng “tiệc buffet” cho học sinh chọn trong số “món” có thể đáp ứng. “Nếu học sinh có nguyện vọng chọn trường sẽ buộc phải có nhiều nguyện vọng theo ưu tiên 1, 2, 3. May mắn đỗ nguyện vọng 1 thì được vào lớp có tổ hợp môn phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp, nếu không sẽ phải vào các lớp khác theo nguyện vọng 2, 3 và buộc phải học những môn không đúng sở trường và định hướng nghề nghiệp”, một số hiệu trưởng nhận xét.

Phương án trên nghe có vẻ ổn với nguyên tắc “liệu cơm gắp mắm” của các trường, nhưng đã bắt đầu tách ra khỏi mục tiêu lý tưởng mà chương trình mới 2018 đặt ra. Cụ thể là sẽ có một số lượng học sinh không được lựa chọn môn học theo sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai mà chọn vì “không còn lựa chọn nào khác”. Khi tình trạng này trở nên phổ biến, chương trình mới ở cấp THPT sẽ bị lệch mục tiêu. Nói một cách khác, nó sẽ lại thất bại ở một tình thế khác với phân ban trước đây.

“Chúng ta có 4-5 năm để chuẩn bị, nhưng cho tới thời điểm này vẫn rất nhiều thiếu thốn. Việc đáp ứng hết nhu cầu người học là không thể đạt được”, một hiệu trưởng trường THPT chia sẻ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận