Tương phản đồng hiện

LÊ THIẾT CƯƠNG 23/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Có nhiều cách để đi từ mình đến với thế giới bên ngoài, đến với điều mình muốn thể hiện. Người thì vẽ kiểu thực, người thì vẽ kiểu không thực. Nhưng bất luận đi kiểu gì, vẽ kiểu gì thì cũng phải đến được với mình, tìm được mình.

Hai chị em
Hòa hợp

Là nghệ sĩ, ai chẳng phải đặt ra cho mình cái đích “con mắt khác”, “con đường khác” vì nghệ thuật thì không nằm ở nội dung mà là ở cách kể nội dung.

Sở hữu tay nghề vững về hình, có lẽ khởi thủy Nguyễn Minh Nam cũng bước ra từ điểm nhìn tả thực. Hội họa hiện thực, siêu thực hay cực thực đã nhiều người cày nát, nên Nam tách ra một ngách hẹp khác, vẫn quen thuộc để không lãng phí sở trường của mình mà vẫn đủ lạ.

Một ngày một đời
Một ngày một đời

Con đường quen - lạ của Nguyễn Minh Nam là con đường vừa thực vừa ảo, thực mà hư, tỉnh đấy mà mơ đấy. Để kể được câu chuyện hư thực đó, Nam đã cho nhân vật trong tranh của mình khi đặc khi rỗng, khi đục khi trong, lúc đầy lúc vơi. Những nhân vật nửa người nửa pha lê ấy tạo hiệu ứng như “mờ chồng” trong điện ảnh. Người này trong người kia, mình trong họ, mình là mình mà cũng đồng thời là người khác, cảnh với người là một. Tất cả ở trong nhau, hòa vào nhau, đồng hiện.

Giấc mơ người nông dân
Giấc mơ người nông dân

Nguyễn Minh Nam đặc biệt thích hiệu quả của tương phản. Tương phản của đặc rỗng, trong đục như đã nói, bên cạnh đó là tương phản của nhân vật và bối cảnh. Những hình ảnh của con người hiện đại đối lập với bối cảnh, hình ảnh, đồ vật xưa cũ. Những cô gái thời hiện đại mặc đồ bơi hai mảnh, những chàng trai mình trần mặc quần jean đứng, nằm, ngồi bên trong, cạnh những hoành phi, cửa võng, y môn, trường kỷ cổ, sơn son thếp vàng, đục chạm cầu kỳ họa tiết tứ linh, tứ quý, bát quái, chữ Vạn, chữ Thọ, con dơi đồng tiền, hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt...

Hòa hợp
Hai chị em

 

Tự họa 3
Tự họa 3

Sự đối nghịch vô lý này tạo ra “nụ cười” hiếm hoi trong hội họa hôm nay. Một nụ cười nhạo báng hay phản biện? Không biết nhưng chắc chắn đó là nụ cười - câu hỏi. Mới và cũ, truyền thống và hiện đại, bảo thủ và cách tân... là những gợi ý mà người xem tranh Nam có thể nhận ra và tự trả lời theo cách của mình.

Vàng son một thời
Vàng son một thời

Một điều đặc biệt thú vị nữa trong tranh của Nam là bút pháp. Thường thì những người tả thực thích kiểu tả khối, ánh sáng bằng vờn tỉa nhưng Nam lại làm khó mình bằng nét. Tranh Nam từ hình đến khối đến đậm nhạt, ánh sáng là tổ hợp của nét, nét to - nhỏ, nét ngắn - dài, nét dày - mỏng, nét thanh - đậm, nét mác - sổ như một kiểu thư họa, thảo thư, lúc thì đá thảo, lúc thì cuồng thảo. Suy cho cùng vẫn là tương phản. ■

Triển lãm cá nhân Son vàng một thuở của họa sĩ Nguyễn Minh Nam trưng bày 25 bức sơn dầu, diễn ra từ ngày 18 đến 24-9-2015 tại Blue Gallery, 28 Tràng Tiền, Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận