TTCT - Thủ tướng Úc Scott Morisson đã cho thế giới thấy chiến đấu với Big Tech kiểu Úc là như thế nào. Nhưng rốt cuộc phần thắng thuộc về ai trong chuyện nghỉ chơi rồi chơi lại giữa gã khổng lồ mạng xã hội và quốc gia hơn 22 triệu người dùng Internet này? Ảnh: FT Hôm 25-2, Úc thông qua Quy tắc thương lượng bắt buộc giữa đơn vị truyền thông tin tức và nền tảng kỹ thuật số, yêu cầu Facebook và Google phải trả tiền cho các đơn vị xuất bản nếu nội dung tin tức xuất hiện trên hai nền tảng của họ - ví dụ link bài viết chia sẻ trên Facebook hay kết quả tìm kiếm của Google.Trước khi bộ quy tắc này chính thức thành luật, hai công ty này đã có phản ứng trái ngược nhau: Google thỏa thuận với các đơn vị xuất bản tin tức, còn Facebook “hủy kết bạn” với nước Úc.Cụ thể, từ ngày 17-2, Facebook cấm người dùng trên toàn cầu chia sẻ link từ các nguồn của Úc; các trang Facebook của báo chí, hãng tin Úc không được post link lên chính trang của mình; và người dùng Úc không được post link tin tức, dù từ là báo Úc hay báo nước ngoài.Sau đó vài ngày, Facebook “nối lại tình xưa” với Canberra, gỡ bỏ lệnh cấm, vì Úc đồng ý chỉnh sửa một số điều trong luật, đủ để vừa lòng công ty của Mark Zuckerberg. Đến vài ngày sau nữa thì luật được thông qua.Theo luật, Facebook và Google phải thỏa thuận với các cơ quan tin tức của Úc về mức phí chi trả; nếu không sẽ phải nhờ một cơ quan độc lập phân xử và quyết định mức phí. Nếu từ chối, các nền tảng Internet sẽ phải chịu phạt.Lập luận của Thủ tướng Morrison khi bắt các nền tảng Internet phải trả tiền là họ được lợi từ nội dung tin tức được người dùng đưa lên - có thêm thông tin giữ chân người dùng và có tiền tươi thóc thật từ các nhà quảng cáo. Ngược lại, báo chí ngày càng chật vật, tốn tiền chạy quảng cáo, phải chấp nhận luật chơi cho Google và Facebook đưa ra, trong khi mô hình kinh doanh báo chí truyền thống là để quảng cáo nuôi bộ máy hoàn toàn bị phá sản.Nói như Rod Sims, chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc, Google và Facebook có quyền hành quá lớn và “cần có luật để các công ty tin tức truyền thông có cơ hội thương thảo công bằng để được chia phần từ lợi nhuận mà các nền tảng có được từ nội dung tin tức”.Những luận điểm trên giành được ủng hộ, do lẽ Facebook và Google là hai cái tên sừng sỏ trong nhóm Big Tech vốn đang bị thế giới soi và ghét, nhưng vẫn có những lấn cấn về lập luận bắt các nền tảng này trả tiền cho nội dung do chính các tờ báo đưa lên. Cũng cần lưu ý việc bài viết được chia sẻ trên Facebook hay xuất hiện trong kết quả tìm kiếm Google sẽ mang đến lượt truy cập cho chính các tờ báo, trang tin đó. Các tờ báo, hãng tin cũng chủ động chia sẻ link lên Facebook và khuyến khích độc giả của mình làm thế.Mike Masnick, nhà sáng lập Techdirt, trang web chuyên về các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực công nghệ, gọi số tiền mà Úc muốn các nền tảng Internet phải trả cho đơn vị sản xuất tin tức là một thứ thuế vô lý, đi ngược với bản chất “mở và tự do” của Internet. “Điều đó giống như không chỉ kêu kênh NBC hãy đăng quảng cáo về Techdirt mà tôi còn bắt họ trả tiền cho chính tôi. Thật vô lý” - Masnick viết.Amol Rajan, biên tập viên truyền thông của BBC, có cách so sánh khác. Những gì Úc muốn từ Facebook và Google cũng như Volvo phải trả tiền cho Đài phát thanh Magic FM (Anh) mỗi lần người lái xe của hãng này bật radio lên nghe. Volvo được lợi từ việc người lái xe có thể nghe Magic FM, nhưng nếu không có tính năng đó, người ta vẫn có thể mua xe của hãng. Tương tự, nội dung tin tức làm lợi cho Facebook, nhưng chúng vốn chỉ chiếm 4% và không có tin tức thì người ta chắc chắn vẫn dùng Facebook.Úc có vẻ đã đạt được mục đích bắt các nền tảng Internet trả tiền cho nội dung tin tức, nhưng không có chiến thắng nào đáng tuyên, xét ở khía cạnh bảo vệ báo chí và kiềm chế Big Tech. Giới phân tích cho rằng luật mới chỉ làm lợi cho các đơn vị lớn, chẳng hạn Tập đoàn News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch - người đủ sức thương thảo, đạt các thỏa thuận ưng ý với các gã khổng lồ công nghệ, thay vì các tờ báo nhỏ, địa phương.Ngoài ra, việc Google và Facebook trả tiền cho các tờ báo cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự thống trị của hai nền tảng này trong lĩnh vực quảng cáo online. Còn xét về cuộc chiến kiểm soát Big Tech của các chính phủ, dễ thấy Canberra dù quyết liệt hành động nhưng cũng để Facebook chiếm thế thượng phong. Ngay sau khi Facebook “hủy kết bạn”, Úc phải tiếp tục thương thảo với công ty công nghệ này, thay đổi một số điều khoản, lúc đó Facebook “ưng bụng” thì mới chịu.Tác giả Clare Foges của tờ The Times (Anh) muốn nhìn câu chuyện theo cách lạc quan hơn, rằng những gì diễn ra ở Úc giống như hòn đá đầu tiên chàng tí hon David ném vào gã khổng lồ Goliath. “Giờ đây khi một chính phủ tuyên chiến với Facebook, có lẽ sự rỗng tuếch đằng sau vẻ hổ báo [của nền tảng này] sẽ bắt đầu bộc lộ” - Foges viết.Trong bài viết đầy tính hiệu triệu, Foges đề nghị “Anh hãy theo gót Úc trong việc cho thấy ai mới là kẻ đặt luật chơi”, kêu gọi “các quốc gia toàn thế giới hãy đoàn kết”, do lẽ “nếu Facebook không sử dụng quyền lực của mình một cách sáng suốt, các chính phủ sẽ tước lấy nó”.■ Tags: ÚcFacebookMạng xã hộiBáo chíTranh cãiTrả tiền
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Việt Nam để quốc tang nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone trong 2 ngày THANH HIỀN 03/04/2025 Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.
Giá vàng lao dốc, giá USD ngân hàng lần đầu chạm mốc 26.000 đồng ÁNH HỒNG 03/04/2025 Sau khi tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, giá vàng quay đầu giảm mạnh, trong khi đó giá USD ngân hàng vọt lên 26.000 đồng/USD.
Lực lượng diễu binh của Bộ Quốc phòng bắt đầu hành quân vào Nam NAM TRẦN 03/04/2025 Tối 3-4, các khối thuộc lực lượng phục vụ diễu binh, diễu hành Bộ Quốc phòng đã bắt đầu lên đường bằng tàu hỏa, xuất phát từ ga Hà Nội để hành quân vào Biên Hòa, Đồng Nai chuẩn bị cho công tác huấn luyện giai đoạn 3.
Khởi tố 10 người trong vụ lập 'công xưởng' sản xuất ma túy cực lớn tại Khánh Hòa DANH TRỌNG 03/04/2025 Trương Xuân Minh cùng 9 người khác bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc lập "công xưởng" sản xuất trái phép ma túy tổng hợp cực lớn tại Khánh Hòa.