TTCT - Ngày 11-9, cuộc chiến Nga - Ukraine bước qua ngày thứ 200. Sáu tháng rưỡi kể từ ngày được Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động, "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm trợ giúp các Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LNR) vẫn chưa ngã ngũ. Ukraine bắt đầu mở các đợt phản công ở đông bắc đất nước. Ảnh: APThông tấn xã Nga TASS 13-9 loan tin: "Cả quân đội Ukraine và các lực lượng DPR đều không kiểm soát hoàn toàn thành phố Svyatogorsk, người đứng đầu DPR Denis Pushilin cho biết hôm thứ hai". Bài báo của TASS về sự bất phân thắng bại ở Svyatogorsk (theo người Nga) hay Sviatohirsk (theo người Ukraine), một thị trấn ở phía bắc vùng Donetsk của Ukraine bên bờ sông Siverskyi Donets, cách thành phố Sloviansk 30km, có thể được xem là kết luận của TASS về tình hình cuộc chiến sau 6 tháng.Donetsk và Lugansk: "giải phóng" tới, "giải phóng" luiÔng Pushilin còn cho biết có thấy lính đánh thuê người Ba Lan trong khu vực, song "lực lượng chúng tôi đang ra sức (đánh đuổi). Hy vọng sẽ thắng lợi" - TASS trích lời ông. Ông này cũng thông báo quân Ukraine còn đang tìm cách chiếm khu định cư Liman gần đó, song đã bị quân DPR đẩy lui.Cùng ngày, TASS đưa một tin khác mà kết cục lạc quan hơn với Nga: "Pushilin cho biết gần như tất cả binh sĩ Ukraine tìm cách tiến tới sân bay Donetsk đã bị vô hiệu hóa bởi tiểu đoàn Sparta Artyom Zhoga dũng cảm. Kẻ thù, có thể được kích động bởi một số đánh giá cường điệu của truyền thông phương Tây, đã cố gắng tiến về phía sân bay Donetsk, nhưng gặp phải sự chống trả dũng cảm và thực tế là toàn bộ cánh quân địch này đã bị vô hiệu hóa". Hôm thứ bảy 10-9, chỉ huy tiểu đoàn Sparta Artyom Zhoga cũng đã bác bỏ tin tức nói quân đội Ukraine đã chiếm sân bay Donetsk, theo TASS.Trong quá khứ và trong hiện tại, sân bay Donetsk luôn là mục tiêu hàng đầu mà các bên nhắm đến. Năm 2014 từng nổ ra trận sân bay Donetsk khi phe ly khai DPR tấn công sân bay quốc tế này hôm 26 và 27-5 trong cuộc chiến Donbass lúc bấy giờ. Đến 28-9 cùng năm nổ ra trận sân bay Donetsk lần thứ nhì. Đây là mục tiêu chiến lược không chỉ bởi vai trò của sân bay quốc tế, mà còn do lãnh thổ này là khu vực cuối cùng của thành phố Donetsk mà quân Chính phủ Ukraine còn giữ được. Trận sân bay Donetsk lần thứ hai kéo dài từ cuối tháng 9 sang đến tháng 1-2015. Ngày 21-1-2015, quân Chính phủ Ukraine tại đây bị tràn ngập. Tháng 5 vừa rồi, nhân kỷ niệm trận đánh sân bay này lần thứ nhất, quân Ukraine mở lại cuộc tấn công nhằm tái chiếm.Ngày 24-2, chiến dịch của Nga bắt đầu, quân đội Nga tấn công thủ đô Kiev của Ukraine từ phía bắc, có thể với ý định lật đổ chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nga cũng tấn công thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, nhưng cuối cùng buộc phải rút lui. Do Ukraine bị áp đảo về vũ khí và quân số, không ít người nghĩ cuộc chiến sẽ chóng vánh. Nhưng sau nhiều tuần giao tranh, Nga đã phải rút lui trong sự kháng cự dữ dội của Ukraine. Quân đội Nga từ bỏ mục tiêu chiếm thủ đô Kiev và tự đặt ra một mục tiêu hạn chế hơn ở khu vực phía đông Ukraine.Sang tháng 3, quân đội Nga, từ phía nam, tấn công chiếm tỉnh Kherson nhằm kiểm soát bờ Biển Đen của Ukraine và tạo thành cầu nối trên bộ giữa khu vực Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 với DPR và LNR. Tháng 4 qua đi không có chiến dịch hay sự kiện nào lớn của quân đội Nga, trừ vụ tấn công nhà ga xe lửa ở Kramatorsk, trong tỉnh Donetsk, khiến hơn 50 thường dân thiệt mạng.Việc Ukraine đánh chìm soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga, chiếc Moskva, hôm 14-4 bằng hai quả tên lửa nội địa Neptune, đã chọc thủng hào quang bất khả chiến bại của hải quân Nga. Song, quân đội Nga vẫn tiếp tục bao vây cảng Mariupol. Đến 20-5, các binh sĩ Ukraine cuối cùng tại cảng đầu hàng, sau trận đánh bao vây nhà máy Azovstal, nhưng cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đen vẫn dùng dằng. Cuối tháng 6, lực lượng Ukraine đã treo trở lại cờ trên đảo Rắn ở gần thành phố Odessa, hòn đảo mà Nga đã chiếm được từ đầu cuộc xung đột.Đầu tháng 7, sau nhiều tuần bị pháo kích và giao tranh trên đường phố, thành phố cuối cùng do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Lugansk, Lysychansk, rơi vào tay Nga. Chiến thắng này giúp Nga thắt chặt quyền kiểm soát với toàn bộ tỉnh Lugansk ở miền Donbass. Tuy nhiên những tuần sau đó, Matxcơva chỉ đạt được những bước tiến không đáng kể ở tỉnh Donetsk.Tới tháng 8 thì quân đội Ukraine bắt đầu phản công, trước hết là ở tỉnh Kherson. Đây cũng là lúc Ukraine triển khai các hệ thống tên lửa mới được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác cung cấp để phá hủy các kho đạn và các cơ sở hạ tầng quân sự của Nga. Ukraine tấn công cả một căn cứ không quân Nga ở Crimea.Tháng 9 này đang chứng kiến một loạt cuộc phản công chớp nhoáng nữa của Ukraine, giúp họ chiếm lại phần lớn tỉnh Kharkiv ở phía đông bắc đất nước, bao gồm thành phố trọng yếu Izium. Ba tháng 7, 8, và 9-9, cuộc chiến diễn ra khốc liệt ở Donbass. Sau khi rút quân, có lẽ vì bất ngờ, Nga đã lại siết chặt trận tuyến, tái tập trung quân vào con đường quan trọng xuyên qua Lugansk và hướng tới Donetsk.Do tình hình diễn biến dồn dập, phức tạp, và Nga chỉ công bố thông tin qua các hãng tin nhà nước, còn Ukraine đã ban bố một lệnh cấm phóng viên tiếp cận chiến trường, đã xuất hiện những tin tức trái nghịch. Sự lộn xộn này cũng phản ánh tính co giãn của chiến sự, nay chiếm, mai mất, mốt chiếm lại.Vũ khí khí tàiCó thể thấy trong giai đoạn đầu, quân đội Nga chiếm ưu thế về vũ khí, khí tài, tuy cũng có lúc chịu thiệt hại tăng, thiết giáp, trực thăng do trúng tên lửa Javelin hay Stinger, đặc biệt khi tác chiến trong thành phố. Thế nhưng sau đó, quân Nga đã giành chiến thắng trong các trận chiến kéo dài vài tuần để giành các thành phố chiến lược ở miền đông và nam Ukraine, qua đó bộc lộ những hạn chế về vũ khí của Ukraine.Quân đội Nga chậm rãi sử dụng ưu thế về khối lượng lớn, trang bị pháo, và quân số, để đánh bại các lực lượng Ukraine yếu thế hơn. Lợi thế về hỏa lực của Nga bộc lộ rõ khi các đơn vị tác chiến điện tử, phòng không và thiết giáp Nga có thể tập trung vào các khu vực rất nhỏ, cho phép tạo ra ưu thế cục bộ so với các vị trí phòng thủ của Ukraine, vốn thất thế do phải phòng thủ co cụm kéo dài.Những gì diễn ra tại chiến trường Ukraine đã được Viện Nghiên cứu liên quân RUSI của Anh báo trước, trong một khảo sát đăng giữa tháng 2-2022, 10 ngày trước khi ông Putin phát lệnh tấn công hôm 24-2. Tác giả báo cáo, Sam Cranny-Evans - chuyên gia phân tích C4ISR, tức chỉ huy kiểm tra, thông tin, điện toán (C4) và tình báo, giám sát và thám thính (ISR) - cảnh báo: "Pháo binh sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Ukraine và Nga. Việc Nga chiếm ưu thế về pháo tự hành và ISTAR (thu thập thông tin tình báo chiến trường) sẽ cho thấy tính quyết định của ưu thế này, và có thể mang lại một số kết quả chiến lược. Một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ liên quan đến việc sử dụng rộng rãi pháo binh chiến thuật của cả hai bên". Theo tác giả, điều này đã xảy ra vào năm 2015 ở Ukraine khi các trận giao tranh diễn ra ở cường độ cao nhất và dù khả năng tấn công mặt đất của không quân Nga đã được cải thiện, rõ ràng phần lớn khả năng sát thương của Nga vẫn là nhờ vào pháo binh.Sau khi phân tích các đặc điểm của hỏa lực Nga, tác giả đưa ra một số gợi ý cho Ukraine, chủ yếu là sử dụng máy bay không người lái (UAV) và radar phản pháo kích: "Quân lực Ukraine (UAF) phải quản lý và bảo quản cẩn thận các nguồn lực hạn chế của họ, chọn những thời điểm thích hợp để tung ra các trận chiến phản công có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến". Theo tác giả, UAV sẽ cung cấp thông tin tình báo sống còn từ trên không để hỗ trợ xác định mục tiêu, với sự hỗ trợ của các radar phản lực. UAF sẽ có lợi thế hơn trong nhận định địa hình, điều có thể cho phép họ chỉ định các tọa độ phản pháo ở các khu vực cụ thể cho từng trường hợp. Tuy nhiên, quân Nga cũng có năng lực đánh giá địa hình và điều chỉnh đáng gờm.Đánh giá đó được thể hiện qua mẩu tin của Bộ Quốc phòng Nga đề ngày 13-9: "Thông tin liên lạc của phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine đã bị các đơn vị tác chiến điện tử Nga chặn đứng trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Các đơn vị tác chiến điện tử của Bộ chỉ huy Trung tâm (CMD) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quân sự đặc biệt để bảo vệ các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Các binh sĩ đã hơn 100 lần xuất kích, phát hiện vị trí của những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ukraine và báo tọa độ cho tác xạ".Trong những điều kiện đó, có thể nhất trí với Theresa Blackmon của Research News 13-9 rằng: "Ukraine không thể thắng trong một cuộc đấu pháo trực diện với Nga, và trên thực tế, họ đang thua trong cuộc chiến tiêu hao". Tuy nhiên, HIMARS, hay hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, đã dẫn đến nhiều diễn biến bất ngờ đang diễn ra ngay lúc này. Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa chính xác, tầm xa do đồng minh cung cấp để tấn công các bãi tập kết vũ khí và trung tâm hậu cần của Nga. Các cuộc tấn công làm đứt quãng việc cung cấp nhiên liệu và đạn dược phía Nga, cũng như gây hiệu ứng tâm lý lớn trong quân Nga. Tác giả kết luận: "Cuộc chiến Ukraine là một cuộc xung đột bao gồm các giai đoạn khó khăn rõ rệt, của những điều chỉnh và tái điều chỉnh chiến lược. Ukraine và đồng minh đã có đáp án của họ. Nga sẽ phải tìm được câu trả lời tương ứng".Sức mạnh tinh thầnNgoài vũ khí và đạn dược, 6 tháng chiến tranh đã qua còn là thước đo sức mạnh tinh thần mỗi bên.Ba tuần sau khi quân Nga tấn chiếm Ukraine, bao vây thủ đô Kiev, hôm 15-3 xuất hiện bài viết "Từ giận dữ đến hành động: những cảm xúc tinh thần và cuộc xâm lăng Ukraine" của tác giả Valerie Morkevičius trên Hội đồng Carnegie. Sau khi điểm lại một số quan điểm về cảm xúc theo Thomas Aquinas (thế kỷ 13), David Hume, Adam Smith (thế kỷ 18), tác giả lấy đó làm khuôn khổ để diễn giải "tính chính đáng" cho cuộc chiến Ukraine: "Theo quan điểm của những người theo Aquinas, một tu sĩ và nhà tư tưởng Thiên Chúa giáo, trải nghiệm cảm xúc tiêu cực (như buồn bã, giận dữ, sợ hãi, thậm chí thù ghét) là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn, một điều tốt đẹp nào đó đã bị xâm phạm hoặc bị đe dọa". Theo tác giả, "chúng ta có phản ứng tự thâm tâm với những điều sai trái trên thế giới, và nhận ra những cảm xúc này có thể là bước đầu tiên trong việc hình thành một phản ứng chính đáng".Tác giả cảnh cáo "không được lẫn lộn sự tức giận chính đáng nhắm vào Putin và Nhà nước Nga với sự tức giận nhắm vào người Nga và mọi thứ khác của Nga". Mặt khác, tác giả cũng cảnh báo không được tin rằng Ukraine là tuyệt đối đúng: "Ngay bây giờ, trong cuộc xung đột, Ukraine phải duy trì một tiêu chuẩn cao việc tôn trọng các Công ước Geneva (về tù binh chiến tranh), bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền của tù binh". ■Cuộc chiến Ukraine nổ ra hôm 24-2 sau khi hai thủ lĩnh Pushilin của DPR và Leonid Pasechnik của LNR đồng thanh nài Tổng thống Putin cứu giúp. Nhân dịp này, nhật báo Anh The Guardian chạy tít: "Thời điểm vàng của họ: các thủ lĩnh ly khai ở Donetsk và Lugansk say sưa với vị thế đang lên". Thủ lĩnh DPR Pushilin trước năm 2018 hầu như "vô danh" trước tên tuổi của Alexander Zakharchenko, thủ lĩnh tiên khởi của phe ly khai Donbass. Nhưng rồi ông Zakharchenko đột ngột thiệt mạng trong một vụ nổ bom xe vào năm đó, mà an ninh Ukraine nói do chính Nga đạo diễn. Ông Zakharchenko khi còn sinh tiền đã tự lập đội quân riêng và có bộ trưởng quốc phòng riêng. Tất cả bị giải thể sau khi ông chết, và ông Pushilin lên thay. Ông Pushilin hầu như không có kinh nghiệm chiến tranh, song nổi tiếng vì những phát biểu rất "tình cảm": "Donbass nên là một phần của đế chế Nga. Tôi không thấy có gì xấu cả". Còn thủ lĩnh phe ly khai ở Lugansk, Pasechnik, trước 2014 là trung tá an ninh Ukraine, nhưng khi chiến sự nổ ra ông đã chọn phe ly khai Lugansk. Tags: NgaUkraineChiến tranh
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.