TTCT - Gia đình tôi có người bị ung thư vú, không biết thế hệ con cái có di truyền không? Làm sao phát hiện sớm? (U.M., Đồng Tháp) - Ung thư vú (K vú) là một trong những bệnh lý ác tính thường gặp nhất, chiếm đến 30% tất cả loại ung thư được chẩn đoán ở nước ta. Nỗ lực dự phòng K vú là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó việc sàng lọc nhằm chẩn đoán sớm và can thiệp điều trị đúng lúc đã mang lại hiệu quả cao. Để đạt được điều này, không chỉ từ phía y bác sĩ mà chính các chị em cũng cần hiểu rõ những yếu tố nguy cơ của mình và biết cách giảm nguy cơ. Yếu tố nguy cơ Có rất nhiều yếu tố nguy cơ K vú đã được đề cập (tuổi có kinh sớm, mãn kinh trễ, không cho con bú, dùng hormone thay thế sau mãn kinh, thừa cân, ít vận động thể lực), trong đó sự tương tác giữa yếu tố môi trường, lối sống, hormone và di truyền đóng vai trò quan trọng. Đánh giá nguy cơ K vú rất khó vì y học chưa biết rõ ngưỡng nguy cơ. Tuy nhiên nếu nguy cơ cả đời theo tính toán trên 30% hay nguy cơ ở độ tuổi 40-50 trên 8% được coi là cao (theo Viện Chăm sóc y tế châu Âu). Nguy cơ K vú được tính toán bằng các lưu đồ nguy cơ như lưu đồ Tyrer-Cuzick hoặc BOADICEA. Không có công cụ nào tiên đoán chính xác ai sẽ bị K vú hay không. Tuy nhiên các lưu đồ giúp hiểu đầy đủ yếu tố nguy cơ của K vú là gì và ý nghĩa của nó đối với sức khỏe của mình. Mỗi công cụ chỉ ước tính nguy cơ dựa trên những yếu tố mà nó đánh giá, vì vậy sẽ có độ mạnh và hạn chế riêng. Lưu đồ Tyrer có vẻ đầy đủ nhất, kết hợp tiền sử gia đình với những yếu tố nguy cơ khác như tuổi có kinh, tuổi mãn kinh, có dùng hormone thay thế, tuổi mang thai đủ tháng lần đầu, quá cân hay béo phì và kết quả của sinh thiết vú. Có thể dùng phần mềm Risk Evaluator để tìm hiểu. Nhập các thông tin yêu cầu, lưu đồ tự động cho kết quả về tỉ lệ nguy cơ của đối tượng trong vòng 10 năm và suốt đời sống. Việc sàng lọc bằng cách đánh giá và phân tầng nguy cơ như vậy rất cần thiết. Nếu tính ra nguy cơ cả đời ≥ 30% hoặc > 8% ở tuổi 40-50 hoặc có chị/em/mẹ bị K vú có nghĩa là khả năng chị em mang gen quy định K vú có thể đến hơn 10%. Những chị em này buộc phải đi khám chuyên khoa để được chọn phương cách sàng lọc phát hiện sớm K vú. Ở các nước tiên tiến, biết rõ có đột biến gen trong gia đình sẽ được khuyên thử gen là bước tiếp theo. Yếu tố gia đình Trên thực tế hầu hết người bị K vú không tìm thấy nguyên nhân, nhưng một số chị em lại có yếu tố nguy cơ gia đình rõ rệt. Đó là những người có hai người thân (cùng huyết thống) trực hệ bị K vú ở tuổi dưới 50, hoặc có ba người bị K vú ở tuổi dưới 60 hay có bốn người K vú ở bất kỳ tuổi nào. Những gia đình như vậy khả năng cao mang gen phát triển K vú. Những gen có liên quan đến K vú đã được biết. Đột biến gen BRCA1 và BRCA2 thường gặp ở những người cùng huyết thống bị K vú (lên đến 20%). Khi có đột biến này, nguy cơ K vú suốt cuộc đời lên đến 80%. Hầu hết K vú mang gen BRCA1, đây là loại K vú có ba đặc tính “không”: không có thụ thể với estrogen, không có thụ thể với progesterone, không có thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô người - 2 (Her2). Mang BRCA2 thường là những trường hợp K vú lẻ tẻ, có thụ thể với estrogen và progesterone, chỉ 16% có ba “không”. Như vậy các lưu đồ đề cập trên còn có ý nghĩa ước tính xu hướng mang đột biến BRCA1 hay 2 vốn đi cùng với nguy cơ K vú, từ đó sàng lọc ra người cần được tư vấn về đi thử gen. Ngoài ra, những người từng xạ trị vùng trên cơ hoành (lồng ngực, đầu mặt cổ) khi còn trẻ (để trị bệnh ác tính chẳng hạn) là đối tượng nguy cơ K vú rất cao vì dễ bị đột biến gen BRCA1 hoặc 2 sau 20-40 năm. Nguy cơ cao nhất nếu xạ trị vào độ tuổi 14 bởi tích tụ “ăn tia” vào giai đoạn phân chia tế bào vú lúc dậy thì. Không phải tất cả các chị em đều phải thử gen để tìm nguy cơ K vú. Luôn phải có sự tư vấn trước khi được chỉ định thử. Hiện việc thử gen chỉ áp dụng cho chị em mang những gen nguy cơ cao và có đột biến đặc biệt về BRCA1 và BRCA2. Việc thử gen thường bắt đầu ở người có K vú hoặc ung thư buồng trứng để khẳng định gen của gia đình đó, sau đó mới cân nhắc đến những người khác trong gia đình. Cả khi được thử, các chị cần biết phần trăm dương tính thật cũng như có thể dương tính với một biến thể mang ý nghĩa không chắc chắn (có 5% test BRCA1 hoặc 2 có những đột biến không có ý nghĩa tức không nguy hại). Do vậy khi đánh giá nguy cơ K vú, tiền sử gia đình nhất là trong hai thế hệ liên tiếp rất được quan tâm. Điều này vô cùng cần thiết trước khi khởi dùng thuốc ngừa thai kết hợp cho những người hơn 30 tuổi hoặc khởi dùng hormone thay thế kết hợp cho người hơn 50 tuổi. Tags: Lá thư bác sĩ
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.