TTCT - Để hiểu được liệu tăng tỉ giá đôla/ đồng Việt Nam tác động như thế nào đến lạm phát phải bắt đầu từ cách tiếp cận khái niệm hiệu ứng truyền dẫn của tỉ giá vào lạm phát (Exchange Rate Pass Through). Một nước tăng tỉ giá để tăng xuất khẩu phải chấp nhận cái giá phải trả là chỉ số giá nhập khẩu và chỉ số giá sản xuất tăng lên, từ đó truyền dẫn làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Phóng to Năm 2013 tỉ giá ổn định nhưng sẽ không cố định như trước đây - Ảnh: Thanh Đạm Cái gì làm khó cho việc tăng tỉ giá? 1. Mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát rất đáng ngại khi chúng diễn ra trong môi trường kinh doanh độc quyền áp đảo yếu tố cạnh tranh. Thực tế cho thấy nhân tố chính dẫn đến lạm phát cao ở Việt Nam nếu như phá giá tiền đồng là từ các doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Để phản ứng với tỉ giá tăng lên, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền như xăng dầu, điện sẽ là chuỗi mắt xích đầu tiên làm cho chỉ số giá nhập khẩu tăng lên mạnh nhất, sau đó đến chỉ số giá sản xuất và cuối cùng truyền dẫn sang chỉ số giá tiêu dùng (xem biểu đồ). Nhìn trên hình ta thấy tám tháng sau khi tỉ giá tăng 1%, chỉ số giá nhập khẩu vẫn còn tăng khoảng 1,8%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng tăng không đáng kể (khoảng 0,2%) và có xu hướng dịu đi theo thời gian. Như vậy, nếu cho tỉ giá tăng 3-4% dần dần trong nhiều tháng, chỉ số giá tiêu dùng cả năm cũng chỉ tăng không đến 1% (tính toán của tác giả dựa vào các dữ liệu về tỉ giá và lạm phát ở nước ta giai đoạn 2000-2011). Tất nhiên nếu Chính phủ không quản lý được tình trạng tăng giá cả vô lý của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền, tác hại của tăng tỉ giá đối với lạm phát sẽ rất khó lường. 2. Mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát càng khó lường hơn nữa trong môi trường lạm phát cao. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra trong môi trường lạm phát cao thì mức độ truyền dẫn tỉ giá vào chỉ số giá tiêu dùng càng mạnh trên hai phương diện là độ lớn và độ nhanh. Tức là sau khi phá giá, lạm phát sẽ thổi bùng lên rất nhanh và rồi rất mạnh sau đó. Môi trường lạm phát và kỳ vọng lạm phát cao ở Việt Nam khiến việc tăng tỉ giá càng phải trở nên hết sức thận trọng. 3. Mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát còn phụ thuộc liệu Việt Nam có áp dụng chế độ lạm phát mục tiêu như một số quốc gia khác. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cam kết tuân thủ đến cùng một mức lạm phát mục tiêu thấp đã được ấn định trước trong trung và dài hạn. Nói cho dễ hiểu, mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát phụ thuộc vào niềm tin của công chúng đối với NHNN. Các cam kết lạm phát mục tiêu những năm trước đây liên tục bị phá vỡ với cùng một kịch bản lý do khách quan càng làm niềm tin của thị trường vào NHNN giảm đi đáng kể. 4. Mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát diễn ra trong bối cảnh NHNN vẫn và sẽ luôn luôn là một cơ quan của Chính phủ thay vì là một ngân hàng trung ương độc lập. Dự báo của doanh nghiệp và công chúng về xu hướng lạm phát sắp đến rất khó chính xác do có nhiều biến số ngoài cả lĩnh vực tiền tệ tác động đến kỳ vọng lạm phát của họ. Để an toàn, vì vậy thị trường luôn phản ứng trước và phản ứng khá cực đoan trước những thông tin không chính thống. Trong thời buổi quá nhiều thông tin kinh tế toàn cầu tác động đến từng quốc gia, người dân đòi hỏi các thống đốc ngân hàng trung ương phải xuất hiện thường xuyên để giải thích hướng đi sắp tới của chính sách. Phóng to Nguồn: Theo tính toán của tác giả Những yếu tố buộc phải tăng tỉ giá Với những lý lẽ trên đây, phải chăng Việt Nam không nên phá giá đồng tiền trong giai đoạn này? Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện ra rằng mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát phụ thuộc rất lớn vào việc tỉ giá đã được định giá sai đến mức độ nào. Nếu mức độ định giá đồng nội tệ càng cao, mức độ lạm phát sẽ càng cao nếu tỉ giá tăng lên sau đó. Vấn đề đặt ra là hiện nay đồng Việt Nam có bị định giá cao? Lạm phát cao liên tục ở Việt Nam nhiều năm qua khiến giá cả hàng hóa tính bằng đôla luôn cao hơn các quốc gia khác do tỉ giá hầu như cố định. Tính trung bình trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay, lạm phát Việt Nam luôn cao hơn ở mức xấp xỉ hai con số so với Mỹ và nhiều quốc gia mà chúng ta có quan hệ mậu dịch. Điều này có nghĩa giá hàng hóa xuất khẩu tính bằng đôla của chúng ta chắc chắn đắt hơn họ cũng xấp xỉ trên hai con số. Có chuyên gia cho rằng đồng Việt Nam đã bị định giá cao khoảng 25% và từ đó đề xuất nên phá giá khoảng 3-4% trong năm 2013. Tùy theo quan điểm và cách tính toán thời gian, nhận định về con số 25% tiền đồng bị định giá cao có thể làm ngạc nhiên nhiều người. Nhưng trên hai con số tức khoảng 10% trở lên là rất có cơ sở. Điều này có nghĩa là cả năm 2012 do tỉ giá hầu như đứng yên, tính trung bình giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn 10% so với các quốc gia cạnh tranh. Trở lại với nhận định về mức độ truyền dẫn tỉ giá vào lạm phát phụ thuộc mức độ định giá sai tỉ giá ở phần nhận định trên cho thấy đã quá muộn để điều chỉnh nhằm đưa tỉ giá hướng về giá trị cân bằng của nó. Quan niệm giữ tỉ giá ổn định để ổn định kinh tế vĩ mô là đúng. Song cố định đến mức tỉ giá cả năm 2012 hầu như đứng yên chỉ là sự ổn định giả tạo và nó sẽ làm khó cho các năm tiếp theo nếu như nền kinh tế gặp phải những cú sốc và đòi hỏi phải tăng tỉ giá để điều chỉnh về trạng thái cân bằng và hỗ trợ cho xuất khẩu. Có vẻ như chính sách tỉ giá thời gian qua chỉ tương thích với tư duy nhiệm kỳ ở nước ta. Cũng cùng một vấn đề nhưng có tới 1.001 cách lý giải khác nhau của các quan chức NHNN. Hiện tại NHNN cho rằng tăng tỉ giá sẽ không làm tăng xuất khẩu. Nhưng cú phá giá 9,3% mạnh nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam vào ngày 11-2-2011 lại được NHNN lý giải với mục tiêu là để tăng xuất khẩu và gia tăng dự trữ ngoại hối. Điều đặc biệt là với cú phá giá táo bạo lần đó, NHNN lại có nhận định lạm phát sẽ không tăng đáng kể. Kết quả cuối năm 2011 lạm phát là 18,13% trong khi mục tiêu chỉ là 7%. Chính sách điều hành tiền tệ theo kiểu “tiền hậu bất nhất” như trên khiến thị trường không thể suy đoán nổi hiện nay NHNN đang muốn gì và đó mới chính là yếu tố dẫn đến bất ổn mỗi khi NHNN điều chỉnh tỉ giá. Ngoài ra những yếu tố bên ngoài cũng là điều cần cân nhắc để điều chỉnh tăng tỉ giá. Điển hình là cuộc chiến tiền tệ toàn cầu đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc... liên tục phá giá tiền tệ để tìm kiếm lợi thế trong xuất khẩu càng làm cho hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh nếu như tỉ giá điều hành không linh hoạt. Cái khó ở nước ta là mỗi lần có thông tin điều chỉnh tỉ giá cho dù lớn hay nhỏ cũng đều được thị trường suy diễn không chính xác và do đó thường dẫn đến những cú sốc tỉ giá không mong đợi. Sở dĩ như thế phần nào là do lâu nay NHNN để cho tỉ giá cố định quá lâu. Nay bỗng nhiên có chuyên gia đề xuất tăng tỉ giá thì thị trường mới giật mình và phản ứng khá tiêu cực. Để giảm bớt tình trạng này, một mặt NHNN cần chủ động điều chỉnh tỉ giá thật nhỏ từng bước trong suốt năm. Mặt khác, NHNN cần công khai con số dự trữ ngoại hối. Tốt nhất NHNN nên cho kiểm toán dự trữ ngoại hối để củng cố niềm tin với thị trường và các nhà đầu tư. Cùng lúc đó NHNN phải khẳng định sẽ dùng dự trữ số ngoại hối này can thiệp bất kỳ lúc nào vào thị trường nếu tỉ giá tăng vượt mục tiêu. Tóm lại, sự mất cân bằng trong việc định giá sai tỉ giá tích tụ trong quá nhiều năm làm cho việc đưa chúng trở về trạng thái đúng hoặc gần đúng cũng là điều bình thường. Càng để chậm, sự mất cân đối tích tụ càng cao, việc điều chỉnh càng bất lợi. Phải chăng nhận thấy điều này, trong một trả lời gần đây trên TBKTSG, thống đốc NHNN hàm ý trong năm 2013 tỉ giá tuy ổn định nhưng sẽ không cố định như trước đây? Tags: Tỉ giáNgân hàngLạm phátNgoại tệ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Điện Kremlin: Tên lửa đạn đạo của Nga cảnh báo sự liều lĩnh của phương Tây THANH HIỀN 22/11/2024 Điện Kremlin tuyên bố việc tấn công Ukraine với tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới phát triển là thông điệp cho thấy Nga sẽ đáp trả các quyết định 'liều lĩnh' của phương Tây khi ủng hộ Kiev.