Bàn thêm về trách nhiệm của chuyên gia kinh tế

TRẦN VINH DỰ 21/04/2013 04:04 GMT+7

TTCT - Một trong những diễn biến thú vị của Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa diễn ra là việc tranh luận xung quanh cái gọi là vai trò của các chuyên gia đối với các quyết sách của chính phủ cũng như trách nhiệm của họ với đất nước.

Phóng to
Nhiều chuyên gia kinh tế đã tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 tại Nha Trang - Ảnh: Văn Kỳ

Nói theo cách nói của ông Bùi Trinh - chuyên gia của Tổng cục Thống kê, người tin rằng sự phát triển dài hạn của nền kinh tế phải dựa trên chính sách trọng cung, trong khi nhiều chuyên gia lại gây sức ép với Chính phủ để điều hành theo hướng tổng cầu - thì “nền kinh tế đất nước bị thế này có đóng góp không nhỏ của các chuyên gia, nhà kinh tế” và “các chuyên gia phải có trách nhiệm với nền kinh tế đất nước”.

Còn nói theo cách nói của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - viện phó Viện Quản lý kinh tế trung ương, người cho rằng giới chuyên gia nói theo cảm tính cũng nhiều - thì “tất cả mọi phân tích về chính sách phải chuẩn mực chứ không thể chỉ nói theo ý của mình”, “chúng ta phê phán Chính phủ ngập ngừng này kia trong tái cơ cấu kinh tế, có lẽ cũng có phần của chuyên gia chúng ta” và “bối cảnh kinh tế hiện nay có phần của chuyên gia”.

Không chỉ trong khuôn khổ của diễn đàn này, ở nhiều nơi, nhiều chỗ, khi nói về các nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay, đã có nhiều người quy trách nhiệm cho các chuyên gia kinh tế. Có thật các chuyên gia kinh tế là những người góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng hiện nay và họ phải chịu trách nhiệm về các hậu quả này hay không? Để trả lời câu hỏi này, phải quay lại bản chất của kinh tế học là gì và việc ứng dụng nó trong thực tế như thế nào.

Bản chất của kinh tế học

Trước hết phải nói rằng nền kinh tế của Việt Nam hôm nay không còn là nền kinh tế của 30 năm trước. Các lý thuyết và kinh nghiệm về quản lý kinh tế trong một nền kinh tế chỉ huy không còn chút giá trị đáng kể nào trong một nền kinh tế thị trường. Kinh tế học ở đây được hiểu là khoa học kinh tế nghiên cứu về nền kinh tế thị trường. Nó khởi đầu bằng các cố gắng giải thích các hiện tượng diễn ra trên thị trường mà nhìn có vẻ như mang tính quy luật.

Các nhà kinh tế học trước đây, và cho tới tận bây giờ, đều đưa ra các lý thuyết dựa trên việc khái quát hóa các hiện tượng quan sát được. Để nghiên cứu, họ phải dựa trên các giả định, phải đưa ra các công cụ phân tích logic, toán học và khoa học định lượng để giải thích và dự đoán.

Cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách nhìn rất khác nhau giữa các nhà kinh tế. Một thí dụ “vỡ lòng” trong kinh tế học là câu chuyện thị trường phản ứng nhanh hay chậm đối với một thay đổi trong chính sách. Có hai trường phái lớn có cách nhìn khác nhau về việc này, đó là trường phái cổ điển (sau này là trường phái tân - cổ điển) và một trường phái khác là trường phái Keynes.

Thí dụ, cùng một chuyện nhà nước in tiền trong điều kiện nền kinh tế đang có tỉ lệ thất nghiệp thấp, các nhà kinh tế cổ điển cho rằng nó chỉ dẫn đến lạm phát vì thị trường sẽ hầu như ngay lập tức điều chỉnh. Trong khi đó, trường phái Keynes cho rằng thị trường cần thời gian để điều chỉnh, vì thế trong ngắn hạn, tăng cung tiền dẫn đến tăng công ăn việc làm và tổng sản lượng của nền kinh tế.

Những nhà kinh tế học theo trường phái Keynes luôn cổ vũ cho sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Vì thế nhiều khi họ còn được gọi là trường phái can thiệp. Cho đến giờ, vẫn có rất nhiều nhà kinh tế học lớn của thế giới là những đệ tử nhiệt thành của trường phái này.

Paul Krugman, khôi nguyên giải Nobel kinh tế năm 2008, là một người như vậy. Ông liên tục cổ xúy cho sự can thiệp hết sức mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế kể từ năm 2008 trở lại đây, đặc biệt là việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hết cỡ (lãi suất bằng không) và tăng chi tiêu của chính phủ để cứu nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng.

Đối ngược lại là các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển, họ cổ vũ cho một thị trường tự do, tự điều chỉnh, giảm can thiệp của nhà nước. Trong khoảng vài năm trở lại đây, trường phái này có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống các chính sách gọi là austerity (thắt lưng buộc bụng) vốn được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước.

Quan niệm của họ là thị trường có thể tự điều chỉnh. Nhà nước chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khi tăng chi tiêu (và vì thế gánh nặng nợ công thêm chồng chất) và nới lỏng tiền tệ (dẫn tới lạm phát).

Giới chuyên gia kinh tế ở Việt Nam

Khác với nhiều nước có truyền thống nghiên cứu kinh tế học, Việt Nam thiếu vắng những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu lý thuyết. Các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam phần nhiều là các chuyên gia thực hành - tức là những người tìm cách ứng dụng các học thuyết kinh tế vào đời sống, thí dụ như tư vấn chính sách, làm chiến lược, hoặc thực hiện các chương trình nghiên cứu thực nghiệm nhất định.

Đội ngũ chuyên gia này của Việt Nam ban đầu được hình thành từ các công chức làm việc trong các cơ quan quản lý, các bộ, các viện nghiên cứu và các trường đại học của Nhà nước. Trên nguyên tắc, các chuyên gia này không phải là các chuyên gia độc lập. Họ là một phần của bộ máy hành chính được kỹ trị hóa. Lập trường, định hướng và phát ngôn của họ không thể tách rời khỏi vai trò của cơ quan nơi họ làm việc.

Đội ngũ này được Nhà nước tuyển dụng để tham mưu cho Nhà nước trong các quyết sách về kinh tế, thậm chí một số (ít) người còn được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng có quyền lực ban hành các chính sách. Trách nhiệm của họ, dù là đứng dưới góc độ trực tiếp ra quyết định hay dưới góc độ tham mưu, cũng là để giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế có hiệu quả hơn. Vì thế, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, họ cũng có một phần trách nhiệm.

Gần đây đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các chuyên gia có thể coi là độc lập. Họ là các quan chức đã nghỉ hưu, giảng viên các trường đại học tư thục, nhân viên các công ty hoặc tổ chức tư nhân, một số chuyên gia và giáo sư Việt Nam ở nước ngoài. Con số này còn khá ít ỏi và họ không được tiếp cận nhiều tới các nguồn thông tin hoặc số liệu quan trọng của Nhà nước.

Họ cũng không được tham gia nhiều vào các chương trình hoặc các dự án của Nhà nước. Mặc dù có thể xuất hiện nhiều trên báo chí hay diễn đàn, họ không phải là những người thật sự có ảnh hưởng tới các quyết sách của bộ máy hành chính.

Tuy thế, các chuyên gia độc lập lại có một vai trò quan trọng. Đó là phản biện chính sách. Những người phản biện khác với những người làm chính sách ở chỗ họ không nhất thiết phải đưa ra các đề xuất hoàn chỉnh như người làm chính sách, mà họ sẽ tập trung hơn vào việc chỉ ra các chỗ sai lầm trong các đề xuất hay dự thảo của những người làm chính sách. Nói nôm na, họ không cần phải đẻ ra trứng gà nhưng có thể chỉ ra quả trứng nào ung, quả trứng nào không.

Những ý kiến phản biện có cần thiết hay không? Đương nhiên là cần thiết vì nó giúp công chúng, những người làm chính sách và những người ra quyết định có thêm một góc nhìn mới.

Người phản biện có cần phải có tinh thần trách nhiệm cao hay không? Đương nhiên là rất cần. Trên thực tế, những người phản biện sẽ phải chịu rủi ro về uy tín cá nhân khi đưa ra những ý kiến ngây thơ, sai lầm, hoặc lập luận thiếu thực tế.

Nhưng như đã nói ở trên, bản chất của kinh tế học là sự đa dạng. Kinh tế học hiếm khi đưa ra một đáp số duy nhất cho một vấn đề cụ thể. Vì thế, việc tồn tại các lập trường khác nhau, các đề xuất khác nhau, các ý kiến khác nhau giữa các nhà kinh tế trên mỗi vấn đề đang gặp phải của nền kinh tế là chuyện đương nhiên. Vai trò của các nhà chính trị là trên quan điểm và lập trường của mình, phải xây dựng được bộ máy trên cơ sở tuyển chọn những nhà kinh tế phù hợp nhất với công việc mà nhà chính trị cần phải thực hiện.

Sẽ luôn có những ý kiến phản biện, thậm chí gay gắt, với lập trường và chính sách của nhà nước. Điều đó là rất cần thiết và phải được khuyến khích. Càng có nhiều luồng ý kiến khác nhau thì những người ra quyết định càng có thông tin và lựa chọn khi ra quyết định. Trách nhiệm cuối cùng thuộc về các nhà chính trị và bộ máy mà các nhà chính trị này tuyển chọn.

Đối với người phản biện, vấn đề sẽ thuộc về uy tín cá nhân của họ, nó có thể mang lại danh tiếng hoặc tai tiếng. Và đó chẳng phải là một điều thật sự lớn sao?

Tiếp cận cùng một vấn đề, nhưng kinh tế học lại đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau, nhiều mô hình hay lý thuyết khác nhau. Nhiều khi các lý thuyết này lại dẫn tới những khuyến nghị về chiến lược hoàn toàn trái ngược nhau. Vì thế, dù được gọi là một khoa học, nó thường không cho người ta một đáp án duy nhất. Chuyện tranh luận, thậm chí cãi cọ, giữa các nhà kinh tế về một khuyến nghị chiến lược (dù là cho nhà nước hay cho doanh nghiệp) là chuyện hết sức bình thường.

Nói như vậy không có nghĩa kinh tế học là một thứ khoa học vô dụng. Kinh tế học cung cấp cho mọi người các công cụ để tư duy. Người ta có thể xuất phát từ niềm tin khác nhau, và vì thế có các giả định khác nhau. Nhưng khi đã có hệ thống các giả định này, cũng giống như các nguyên liệu đầu vào của một nhà máy, nó sẽ ra một loại thành phẩm nhất định.

Quy trình này là một quy trình khoa học. Vì thế, nó ngăn ngừa sự tùy tiện trong tư duy và trong ra quyết định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận