COVID-19: Bể khổ chưa thấy bờ

DANH ĐỨC 22/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Thế giới đang ráng “mở cửa” sau cách ly, phong tỏa. Có nước muốn tuyên bố “thoát nạn!” song chưa dám, có nước thì quyết tâm “mở” bất chấp thực tế, thậm chí có nước cố “mở” cho bằng được, kệ mọi tổn thất. Trong cơn đại dịch sinh tử, xã hội nào hiện có thể bắt đầu một cuộc sống “bình thường mới” quả thật là phước lớn.

Tối chủ nhật 14-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình phát biểu với người dân, loan báo “từ ngày 15-6, một giai đoạn mới bắt đầu cho sự trở lại cuộc sống bình thường”.

Điều “bình thường mới” đầu tiên mà ông nêu là một điều hết sức nhỏ bé, nhưng to lớn với người Pháp (và nhiều dân tộc khác): mở lại tất cả các quán cà phê và nhà hàng trong khu vực Île-de-France, khu vực Paris và 7 tỉnh xung quanh, diện tích 12.000km2, dân số khoảng 12 triệu người.

Các quán cafe đang dần được mở cửa trở lại ở Pháp (Ảnh: AFP)

“Mộng bình thường” không đơn giản

Thực tế dịch COVID-19 hiện vẫn chưa cho phép Pháp mở cửa cả nước. Theo ngành y tế công cộng nước này, hôm 15-6, ngày đầu tiên mở cửa lại, đã đếm được 29 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong các bệnh viện, và 152 ca nhiễm mới.

Nếu so sánh với tình hình ở Hàn Quốc, nước hiện đang tiếp tục báo động dịch tễ giai đoạn 2, số ca nhiễm mới ở Pháp vẫn nhiều hơn gấp 4 lần (152 so với 37). Nếu tính tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch, Pháp nhiều hơn gần 13 lần - hơn 157.000 ca so với hơn 12.000 ca.

Càng “toát mồ hôi” khi so sánh số tử vong: trong khi ở Hàn Quốc có 277 ca tử vong (tỉ lệ tử vong 2,29%) thì tại Pháp, tổng số người chết đã là 29.436 người, gấp 106 lần. Việt Nam đương nhiên lại càng là một ngoại lệ đặc biệt.

Dù Hàn Quốc “đỡ khổ” hơn với đại dịch và cũng được coi là một nước chống dịch thành công, hiện giờ cả chính quyền lẫn người dân vẫn phải hết sức thận trọng, không dám lơ là dù chỉ một chút.

Tương tự, tình hình ở Trung Quốc, nơi được coi là khởi phát dịch bệnh, vẫn chưa thể khiến người dân lẫn chính quyền yên tâm. Ngày 15-6, 11 khu vực ở thủ đô Bắc Kinh đã phải phong tỏa một phần, trong khi Tân Hoa xã cho biết đã có thêm 27 ca nhiễm mới trong cộng đồng và ba ca nhiễm không triệu chứng.

Vấn đề ở hầu hết các nước hiện là chưa phá vỡ được chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây chính là khác biệt quyết định so với tình hình Việt Nam. Cũng hôm 15-6, Việt Nam đã tròn 2 tháng không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng (theo trang web của Bộ Y tế theo dõi dịch ncov.moh.gov.vn). Việt Nam cũng đã rất thận trọng: Mãi đến ngày 9-6, Thủ tướng mới cho phép mở lại vũ trường và karaoke, những nơi tập trung đông người cuối cùng được phép hoạt động trở lại. Từ đó, cần nhận ra rằng những điều nay hết sức là bình thường, “được phép” ở Việt Nam vẫn chưa “được phép”, vẫn còn là khác thường ở rất nhiều nước khác.

Trở lại với quyết định mở cửa đầu tiên của tổng thống Pháp từ ngày 15-6, có thể thấy thiệt ra Chính phủ Pháp đã bắt đầu cân nhắc điều này từ hạ tuần tháng 4 khi nhà hàng và quán cà phê đã là một trong những thói quen tạo thành tính cách Pháp.

Nếu như có những xã hội thích “ăn nhanh”, thì ngược lại cũng có vài xã hội thích ăn uống dông dài với những bữa ăn vài ba tiếng là chuyện thường. Quán xá vốn là một thói quen rộng rãi của người Pháp trước đại dịch, nhất là tại những thành phố nhỏ không có chỗ tiêu khiển công cộng. Từ đó, mở lại quán xá là nguyện vọng của cả người dân lẫn giới chủ kinh doanh. Ngành này cũng tối quan trọng với nền kinh tế Pháp, với 240.000 tiệm cà phê và tiệm ăn lớn nhỏ trên toàn quốc, theo thống kê của tờ 20 Minutes.

Tờ báo khổ nhỏ phát miễn phí này cũng cho biết thêm rằng giới chủ ngành nhà hàng mong mỏi cho mở cửa lại, cho chỉ một phần, trước ngày 1-7 để “cứu” mùa du lịch. Họ đề nghị với Bộ trưởng Kinh tế tài chính Bruno Le Maire một kế hoạch “chia ba”, theo đó ít nhất cũng là để cứu 40% số nhà hàng đã phải “quỳ một gối” trước đại dịch và e rằng không chịu đựng nổi thêm hai hay ba tháng đóng cửa nữa. Gói “chia ba” nghĩa là nhà nước hỗ trợ 1/3 số doanh thu bị mất, bảo hiểm gánh 1/3, chủ nhân chịu 1/3.

Một quyết định mở cửa quan trọng nữa mà Tổng thống Macron loan báo tối 14-6 là cho phép đi lại trở lại trong khối EU từ 15-6, và đến các nước bên ngoài khối Schengen đã khống chế được dịch từ 1-7. Nước Pháp xem ra đã hết sức đắn đo, và còn lâu mới là thực sự bình thường.

Dù đã mở cửa một phần, Paris vẫn còn thưa thớt người ra đường. Ảnh: ft.com
Dù đã mở cửa một phần, Paris vẫn còn thưa thớt người ra đường. Ảnh: ft.com

khẩu trangThận trọng là điều kiện tiên quyết

Tối 14-6, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Ngay từ ngày mai, việc đi lại giữa các nước châu Âu sẽ lại được phép. Và từ ngày 1-7, chúng ta sẽ lại được tới các nước bên ngoài châu Âu nào mà dịch được chế ngự”.

Trước đó một ngày, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố: “Chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa nên buộc phải giữ thật chặt. Nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện “mục tiêu kép”, song cần đảm bảo an toàn trước hết”.

Có thể thấy, ở đâu cũng đang có sự thôi thúc mở cửa lại. Song, mỗi nước lại có những khả năng tinh thần và vật chất khác nhau cũng như điểm xuất phát khác nhau. Nếu như ở hai nước Pháp và Ý, điểm xuất phát gần như là ô khởi đầu, lại cộng thêm những tập quán xã hội, thói quen cá nhân (không thích bị ràng buộc, dù chuyện đeo khẩu trang nay mới được xem là cần thiết) đặc thù, thì ở Việt Nam, bản năng sinh tồn chung của xã hội, cá nhân đã là bàn đạp cho ngành y tế.

Ngành này, từ tháng 12-2019, tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch căn cơ, bài bản, đúng nguyên lý đã được đúc kết từ kinh nghiệm bằng xương máu thật sự của các đợt chống dịch trước đây.

Bản năng ấy đã góp phần thúc đẩy Chính phủ đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Ví dụ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố bệnh là lây nhiễm hạn chế, thì chính quyền đã nâng lên mức lây nhiễm.

Từ đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Việc truy tìm các cấp độ tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm bệnh cũng là điều nhiều nước khác không làm được, hoặc không được làm.

Tất cả những điều đó đã dẫn tới khác biệt tối thượng: đất nước đã vượt qua mùa dịch tương đối an toàn, các thầy thuốc và cả xã hội không bị đẩy vào bi kịch là ưu tiên chữa cho ai và phải để ai chết. Bây giờ thì sự bình an ít ra là cũng đã trở lại.

Đó chính là điều khác biệt giữa Việt Nam với các nước. Ở Việt Nam nay ra đường không còn mấy lo sợ “lỡ lây bệnh thì sao?”, bởi hai tháng qua không còn lây nhiễm trong cộng đồng nữa. Trong khi đó, như ở Pháp, có ra quán xá cũng thấp thỏm “vẫn còn người chết vì COVID”, “vẫn có người mới nhiễm”. Và trên tất cả, không ai phải ghi trong bộ nhớ của mình một ám ảnh mất mát vì COVID với những người thân yêu.■

Nhiều chính phủ nay đang bị điều tra vì “phản thành tích” trong chống dịch. Như Chính phủ Ý và Pháp, hai nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh ở châu Âu. Giới lãnh đạo và các cơ quan y tế hai nước này đã bắt đầu bị công tố viện “soi” vì những xử lý không thỏa đáng với cuộc khủng hoảng. Các thủ tướng, bộ trưởng và các quan chức y tế công cộng cấp cao đều bị công tố viện điều tra.

Được biết, thủ tướng, bộ trưởng y tế và nội vụ của Ý đã bị thẩm vấn nhiều giờ ở Rome hôm 12-6 khi các công tố viên mở điều tra về khả năng quản lý sai sót của chính phủ với cuộc khủng hoảng COVID-19. Các nhà điều tra muốn biết lý do tại sao các thị trấn Alzano Lombardo và Nembro ở khu vực công nghiệp phía bắc Bologna đã không bị cô lập và tuyên bố là “vùng đỏ” ngay khi các trường hợp đầu tiên được xác định vào hôm 23-2, mà mãi đến ngày 3-3 các quan chức y tế mới đề nghị cách ly hai thị trấn này, và đến ngày 8-3 toàn tỉnh Lombardy mới bị “đóng cửa”. Cho đến nay, không ai bị buộc tội, song giờ đây ngay cả thủ tướng cũng đang bị điều tra.

Tại Pháp, theo thông tấn xã AA ngày 9-6, tòa đại hình Paris đã bắt đầu điều tra tư pháp trên toàn quốc, chiếu theo 80 đơn kiện chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe cùng một số thành viên nội các khác vì “cách quản lý cuộc khủng hoảng COVID-19”. Các cáo buộc xoay quanh các tội danh “ngộ sát” và “gây nguy hiểm cho tính mạng người khác”, theo công tố trưởng tòa Paris Rémy Heitz. Dù vô tình hay do tắc trách, phải có ai đó chịu trách nhiệm cho cái chết của 29.436 người dân Pháp và 34.371 người dân Ý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận