Hai cảnh báo thiết thực nhất từ hội nghị G-20

(HTTP://WWW.VIE-PUBLIQUE.FR) 13/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Hội nghị thượng đỉnh G-20 kết thúc, kinh tế thế giới vẫn cứ trôi dạt. Mọi hi vọng Trung Quốc sẽ giải cứu nợ cho Hi Lạp và châu Âu biến thành thất vọng não nề.

Còn Mỹ, “độc nhất siêu cường” của 10 năm trước, thì hiện diện ở G-20 “không kèn không trống”. Trong bối cảnh đó, hai đề xuất của G-20 rất đáng quan tâm.

Phóng to
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng có nỗi lo về công ăn việc làm và bảo vệ xã hội - Ảnh: Reuters

Hôm 27-10, EU đề ra một kế hoạch giải cứu nợ Hi Lạp dựa trên Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) với 1.000 tỉ euro huy động từ các “mạnh thường quân”, chủ yếu là Trung Quốc. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã điện đàm ngay cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Tờ L’Expansion loan tin: “Ông Nicolas Sarkozy đã thông báo cho ông Hồ Cẩm Đào những chi tiết của kế hoạch cứu nguy vùng kinh tế Euro. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, Trung Quốc, vốn đang nắm trong tay 500 tỉ USD tiền nợ của châu Âu, sẽ sẵn sàng bơm tiền cho EFSF”. Thế là báo chí hối hả loan: Trung Quốc sẽ cấp từ 50-100 tỉ USD để cứu Hi Lạp. Tối hôm đó, ông Sarkozy lên truyền hình phát biểu một câu khiến chính giới Pháp mặt mày “xanh rờn”: “Trung Quốc có tiền. Tôi cứ việc cầm thôi!” (1).

Trung Quốc lặng thinh, Mỹ giả lả

Bảo vệ xã hội (protection sociale) khác với an sinh xã hội (sécurité sociale) ở chỗ “an sinh xã hội là những cơ chế thường xuyên áp dụng trong hoàn cảnh bình thường, còn bảo vệ xã hội là những cơ chế dự phòng nhằm giúp các cá nhân đương đầu với những hậu quả của các khủng hoảng kinh tế tài chính có thể đe dọa an ninh kinh tế từng cá nhân hoặc gia đình cá nhân đó do làm giảm đi nguồn thu nhập của họ hay làm bội tăng các chi tiêu...”.

Một tuần sau, tại G-20 Cannes, trái với sự mong đợi vô vàn ấy, ông Hồ Cẩm Đào đã đọc một bài diễn văn mà theo Tân Hoa Xã, “ông nói đến giá cả hàng hóa, năng lượng, an ninh lương thực, công ăn việc làm”.

Trong bài phỏng vấn độc quyền đăng trên Le Figaro 2-11-2011, cũng thấy ông nói đủ chuyện trần đời, song tuyệt nhiên không nói đến tiền bạc cứu châu Âu! Bản tin về cuộc gặp riêng giữa ông với Tổng thống Pháp Sarkozy (2) cũng toàn những khuyên nhủ chung chung: “Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: Việc giải quyết vấn đề nợ này của châu Âu rốt cuộc tùy thuộc châu Âu mà thôi. Chúng tôi tin chắc rằng châu Âu đủ khôn ngoan và khả năng giải quyết”. Chẳng khác gì ông Hồ Cẩm Đào bảo ông Sarkozy: “Các ông tự cứu mình đi!”.

Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhạt nhòa như vị trí của cựu siêu cường thế kỷ 20. Cuộc họp báo của ông sau hội nghị tại trung tâm báo chí ở nhà hát Claude Debussy lèo tèo một dúm nhà báo Mỹ, trái với những cuộc họp báo rần rần như vỡ chợ ngày nào của các ông Bush hay Clinton, mà sự xuất hiện của tổng thống Mỹ đồng nghĩa với những hứa hẹn viện trợ bao la.

Trong những ngày này ở G-20 Cannes, các cuộc họp báo của phái đoàn Trung Quốc mới là tâm điểm chú ý của những kẻ trông chờ phép lạ, chớ đến dự họp báo của ông Obama, “con nợ” lớn nhất thế giới, để làm gì! Thật vậy, chưa bao giờ một tổng thống Mỹ lại khiêm tốn trong một hội nghị quốc tế như vị tổng thống thứ 44 này: “Chúng tôi đến Cannes này không một chút ảo tưởng. Sự khôi phục rất mong manh. Các nền kinh tế tiên tiến, trong đó có Mỹ, vẫn đang tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm, song không đủ nhanh. Cầu trên thế giới cứ yếu đi. Trên khắp thế giới, mấy trăm triệu người không có công ăn việc làm hoặc chỉ được làm chút ít thời gian. Khi trở về lại nước Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đạo luật “công ăn việc làm”, một đạo luật sẽ đưa dân chúng trở lại với công ăn việc làm, cho dù chúng tôi cũng đang ra sức hoàn thành trách nhiệm giảm thâm thủng ngân sách trong những năm tới”.

Công ăn việc làm và bảo vệ xã hội

Không hẹn mà gặp, tuyên bố bế mạc hội nghị của Tổng thống Sarkozy, trong cương vị chủ tịch hội nghị, cũng đã mở đầu bằng một ta thán về vấn nạn công ăn việc làm y hệt ông Obama: “Sự khôi phục kinh tế thế giới đã hết hơi, chủ yếu ở các nước phát triển, thất nghiệp lên đến những mức không tài nào chấp nhận được!”.

Công bố của Cơ quan thống kê lao động Mỹ (Bureau of Labor Statistics) đưa ra hôm ấy càng minh họa cho các than vãn của hai ông Obama và Sarkozy: tỉ lệ lạm phát ở Mỹ từ 9% trong tháng 9, đến hết tháng 10 tăng lên 9,1%, và tỉ lệ này gấp đôi tỉ lệ cách đây năm năm (3)! Dò lại danh sách tỉ lệ thất nghiệp các nước sẽ thấy tỉ lệ này ở Pháp là 9,5%, ở Ý là 8,1% (cùng trong tháng 5-2011), ở Anh là 7,6% (tháng 3-2011), còn ở Hi Lạp những 16,5% (tháng 7-2011)...(4)!

Thành ra, giải quyết bài toán công ăn việc làm chính là một ưu tiên của G-20. Ông Sarkozy loan báo: “Chúng tôi đã dứt khoát nhất trí rằng để khôi phục tăng trưởng và niềm tin, công ăn việc làm phải ở trung tâm của mọi biện pháp và chính sách tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và quân bình. Chúng tôi quyết tăng cường các nỗ lực chống nạn thất nghiệp, khuyến khích tạo ra công ăn việc làm...”.

Đến đây ông đề cập một lo âu thật sự khác của G-20: “Không chỉ các nước phát triển đang lâm nguy mà ngay các nước đang hoan hỉ phát triển cũng lâm nguy. Tại các thị trường đang nổi lên xuất hiện các dấu hiệu tổn thương: giá nguyên liệu tăng tác động đến tăng trưởng và ảnh hưởng đến các nhóm dân chúng dễ tổn thương nhất”. Và ông nói thay các lãnh đạo G-20 khác: “Chúng tôi nhìn nhận rằng cần phải đầu tư vào những nền móng của các chính sách bảo vệ xã hội trong từng nước một, đặc biệt là làm sao cho người dân có được chăm sóc y tế, làm sao bảo vệ được thu nhập của người cao tuổi, khuyết tật cùng các gia đình phải trợ cấp, những người thất nghiệp và những người lao động nghèo”.

Còn nhiều biện pháp khác được chủ tịch hội nghị G-20 Sarkozy đọc qua bản tuyên bố chung cuộc dài 10.755 chữ và gồm đến 95 khuyến cáo. Song có lẽ hai khuyến cáo trên gần gũi, thiết thực hơn cả: công ăn việc làm và bảo vệ xã hội. Khi các thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, EU đang vì nợ nần mà “hụt hơi” như chính thú nhận của các ông Obama và Sarkozy, thì cầu tiêu dùng và nhập khẩu sẽ giảm, tai họa khủng hoảng thừa sẽ nổ ra ở các nước “đang trồi lên”. Thành ra, khuyến cáo khẩn thiết của họ là: 1/ Làm gì thì làm, tái cơ cấu gì thì tái cơ cấu, vẫn phải đạt mục đích là có tạo ra được công ăn việc làm hay không. 2/ Và nhất là phải ráng mà bảo vệ xã hội.

Tại sao hai khuyến cáo trên lại mở đầu bản tuyên bố bế mạc, chứ không phải những khuyến cáo tăng cường giám sát tài chính, tăng cường IMF...? Đó là vì, hơn ai hết, G-20 hiểu rằng cuộc khủng hoảng nợ dây chuyền khắp thế giới này sẽ đánh vào những người có nguồn thu nhập thấp nhất xã hội, chứ các “triệu phú đôla” nào có hề hấn gì. Bảo vệ những người này chính là bảo vệ xã hội, bảo vệ chế độ.

__________

(1) http://www.lemonde.fr/politique/article/2011/10/30/l-aide-de-la-chine-a-la-zone-euro-de-l-argent-sale-pour-dupont-aignan_1596202_823448.html
(2) Rencontre du Président Hu Jintao avec le Président français Nicolas Sarkozy, http://be.china-embassy.org/fra/zxxx/t873983.htm
(3) http://articles.latimes.com/2011/nov/05/business/la-fi-1105-jobs-20111105
(4) List of countries by unemployment rate, http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_unemployment_rate

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận