Ly nước không bao giờ đầy của người Hàn

HOA KIM 07/02/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Cải cách có hệ thống được hậu thuẫn bởi các quyết sách mạnh mẽ và đầu tư thích đáng đã mang lại quả ngọt nhanh chóng và bền vững cho nền khoa học công nghệ Hàn Quốc.

Sinh viên Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KAIST) nghiên cứu robot trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Bloomberg

Sau 5 năm liền thống trị bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới của Bloomberg, năm 2020 Hàn Quốc mới “chịu” nhường ngôi đầu cho Đức để xuống vị trí thứ 2 trong số 60 quốc gia được công bố (Việt Nam xếp thứ 57). Trong một danh sách khác do Đại học Cornell, INSEAD và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2019, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 11 trong số 129 quốc gia được xếp hạng.

Đó là những chỉ dấu đáng tin cậy về phong độ vượt trội của Hàn Quốc trong cường độ nghiên cứu và phát triển (R&D), một chỉ số thể hiện đầu tư R&D của chính phủ và tư nhân và số lượng nhà nghiên cứu làm việc trong và giữa cả hai khu vực. 

Hàn Quốc có tỉ lệ các nhà nghiên cứu chuyển từ khu vực tư nhân sang nhà nước từ năm 2017 đến 2019 cao nhất trong số 71 quốc gia, theo dữ liệu từ League of Scholars, một công ty tuyển dụng chuyên về lĩnh vực học thuật.

Thành công đến từ ngọn

Việc Hàn Quốc leo lên vị trí dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo toàn cầu là một thành tựu đáng nể khi nhìn lại lịch sử nhiều biến động của quốc gia này: từng là thuộc địa của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20, sau đó bị kéo vào cuộc chiến và căng thẳng ngoại giao dai dẳng với người láng giềng trên bán đảo Triều Tiên. 

Thành tựu này là kết quả của quá trình đổi mới kiên định theo nguyên tắc “từ trên xuống” nhằm thúc đẩy “sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, tư nhân và cộng đồng học thuật trong quá trình kiến thiết quốc gia”, tạp chí Nature dẫn lời ông Tim Mazzarol của Đại học Western Australia trong bài viết “Con đường trở thành nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu của Hàn Quốc” hồi tháng 5-2020.

Tổng thống Park Chung Hee từ lúc lên nắm quyền sau cuộc binh biến năm 1961 cho đến khi bị ám sát năm 1979 đã có nhiều quyết sách giúp kinh tế Hàn Quốc phát triển thần tốc. Ông đưa đất nước lột xác sau chiến tranh từ một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ và phải viện đến các công ty nước ngoài để xây dựng các cơ sở công nghiệp trong nước trở nên tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động trong nước, chẳng hạn như quần áo và dệt may. 

Quan trọng hơn hết, sự hỗ trợ mạnh mẽ cho R&D là trọng tâm trong Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất năm 1962, thể hiện qua việc thành lập Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) vào năm 1966 và Bộ Khoa học và công nghệ một năm sau đó.

Bối cảnh mới là chất xúc tác cho sự xuất hiện của các tập đoàn gia đình trị khổng lồ liên kết với nhà nước, còn được biết đến là các chaebol. Chính phủ khuyến khích các chaebol đầu tư mạnh vào R&D trong khi ra sức bảo hộ các tập đoàn này khỏi sự cạnh tranh từ bên ngoài. 

Với cường độ nghiên cứu và phát triển tập trung vào kiến thức ứng dụng tăng cao, các công ty lớn như LG, Lotte và Samsung bắt đầu chuyển hướng sang các ngành công nghiệp nặng mới như hóa dầu, sản xuất ôtô, đóng tàu và điện tử tiêu dùng.

Samsung là một hình mẫu chaebol điển hình, liên tục mở rộng lĩnh vực hoạt động nhờ các chính sách bảo hộ của chính phủ giúp sức. Xuất phát từ một công ty kinh doanh hàng tạp hóa vào năm 1938, Samsung lần lượt lấn sân sang dệt may sau Chiến tranh Triều Tiên, điện tử vào những năm 1960, sau đó là các ngành công nghiệp nặng, hàng không vũ trụ và máy tính trong những năm 1970 và đầu thập niên 1980. Đến những năm 1990 và 2000, Samsung đã là công ty hàng đầu thế giới về máy tính bảng và điện thoại di động, cũng như thiết kế và sản xuất chip máy tính.

Năm 2018, tập đoàn này tạo ra khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước hơn 50 triệu dân. Samsung (hiện là chaebol lớn nhất Hàn Quốc) cũng là doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc có thứ hạng cao nhất trong danh sách Nature Index, một bảng xếp hạng các tổ chức dựa trên đóng góp cho các bài báo nghiên cứu được xuất bản trên 82 tạp chí khoa học tự nhiên uy tín. 

Samsung cũng góp mặt trong cả 9 liên minh đại học - doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc được Nature Index 2020 xướng tên. Trong đó, liên minh thành công nhất là giữa Samsung với Đại học Sungkyunkwan ở Seoul với 159 bài báo đứng tên chung trong giai đoạn 2015-2019, nổi bật nhất là trong lĩnh vực điện hóa học và phát triển các nguồn năng lượng mới như pin lithium-ion.

Đầu tư cho tương lai

Những người kế nhiệm ông Park kế thừa tầm nhìn của vị lãnh đạo nhiều tranh cãi về việc lấy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Đầu tư của chính phủ và tư nhân vào R&D tăng vọt, và năng lực nghiên cứu cơ bản của Hàn Quốc không ngừng được mở rộng. Từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, sự chú ý của chính phủ chuyển hướng sang các ngành công nghệ cao như thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) được thành lập năm 1971 và cho đến nay vẫn là một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong nước.

Các chương trình mục tiêu xây dựng cấp quốc gia cũng được thiết lập. Năm 1995, chính phủ bắt đầu kế hoạch 10 năm trị giá 1,5 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng quốc gia và cung cấp các chương trình công cộng để tận dụng tối đa lợi ích mà nó mang lại. 

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã thúc đẩy nhiều chaebol chuyển từ việc phụ thuộc vào hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp - đặc trưng của một “con hổ kinh tế” - sang công nghệ và các sản phẩm và dịch vụ thâm dụng tri thức như chất bán dẫn, điện thoại di động và ứng dụng di động. 

Làm việc cùng các chaebol, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng như Gyeonggi, một khu vực gần 13 triệu dân bao quanh thủ đô Seoul, hiện được coi là đầu tàu kinh tế và đổi mới của quốc gia.

Gyeonggi đã đưa cơ sở hạ tầng sản xuất và R&D của khu vực tư nhân đến với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu địa phương và quốc gia. Ví dụ, Samsung Electronics, công ty con “đẻ trứng vàng” của Samsung, có trụ sở tại Gyeonggi và đang hợp tác với khoa hóa Đại học Sungkyunkwan để phát triển một vật liệu bán dẫn có khả năng giảm lượng bức xạ tiếp xúc trong khi chụp ảnh X-quang y tế. 

Đến năm 2010, Hàn Quốc đã có 105 trung tâm đổi mới sáng tạo cấp khu vực và 18 khu công nghệ, cũng như 7 chương trình quốc gia nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các chương trình cụm công nghiệp.

Mặc dù tài trợ của chính phủ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu cho R&D và các chương trình thúc đẩy phát triển chuyển dịch và chuyên môn về khoa học, kỹ thuật và quản lý, cán cân đầu tư vào R&D đang nghiêng về khu vực doanh nghiệp tư nhân khi các công ty chạy đua kiếm bằng sáng chế.

Chi tiêu cho R&D của tư nhân chiếm gần 80% tổng chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc vào năm 2019, một tỉ lệ vượt trội so với các nước nổi tiếng về đổi mới sáng tạo như Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ - những nơi đầu tư của tư nhân chỉ ở mức 70%. Sự chuyển dịch này được khuyến khích bởi các ưu đãi thuế dành cho R&D tại Hàn Quốc và việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài.

Ảnh: IAM Media

Thế hệ sáng tạo mới

Những năm 2010, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại Hàn Quốc. Các công ty này hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi được dẫn dắt bởi một thế hệ doanh nhân mới, nhận hỗ trợ của chính phủ và tiếp quản một cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia lúc này đã khá phát triển so với thế giới.

Woowa Brothers (công ty mẹ của ứng dụng đặt đồ ăn Baemin) là một trong số rất nhiều ví dụ về thế hệ doanh nghiệp trẻ đang lên tại xứ sở kim chi. Công ty khởi nghiệp năm 2010 có trụ sở tại Seoul đã khai thác hạ tầng băng thông rộng quốc gia để xây dựng một ứng dụng giao đồ ăn di động kết nối nhà hàng, khách hàng và tài xế. 

Tháng 12-2018, Woowa gia nhập câu lạc bộ “kỳ lân” - một vị thế hiếm hoi dành cho các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD - nhờ tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm trong nước và quốc tế. Công ty được Delivery Hero của Đức mua lại vào tháng 12-2019 trong một thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD. Phát triển robot giao hàng, công nghệ xe tự hành và các hệ thống quản lý doanh thu và khách hàng trực tuyến dành cho nhà hàng là những mục tiêu tiếp theo mà Woowa đang hướng tới.

Cách tiếp cận có hệ thống của Chính phủ Hàn Quốc là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một nền kinh tế đổi mới và sáng tạo không ngừng, và có khả năng biến các ý tưởng từ phòng thí nghiệm thành sản phẩm và những ngành công nghiệp mới. 

Thành tố cuối cùng nhưng không thể thiếu để làm nên sự thành công này, theo ông Martin Hemmert - giáo sư Đại học Cao Ly và là một chuyên gia về các hệ thống đổi mới sáng tạo ở Đông Á, chính là tư duy văn hóa của người Hàn. “Không có chỗ cho thói tự mãn. Ly nước (đối với họ) luôn luôn vơi một nửa” - ông nói.■

5,3 tỉ USD

Là số tiền mà Hàn Quốc dự kiến chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong năm 2021, tăng 12% so với năm 2020. Ngân sách này tập trung dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo, mạng không dây 6G, tên lửa vũ trụ và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Bộ Khoa học và công nghệ nước này thông báo đầu tháng 1.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận