Những cộng đồng xin-cho-tặng ở VN

TỊNH ANH 08/12/2020 19:00 GMT+7

Ở Việt Nam cũng có những cộng đồng để ai thiếu thì hỏi xin, ai có cho hay tặng, hoạt động dưới hình thức các nhóm trên Facebook, hoặc các phiên chợ không thường xuyên.

Quầy trao đôi quần áo cũ tại sự kiện Hà Nội 3 không phố thị. Ảnh: Go Green

Theo trang web chính thức của Buy Nothing, mô hình này đã xuất hiện ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia… nhưng không có Việt Nam. Thế nhưng, một cặp vợ chồng blogger du lịch người Mỹ, một cách không chính thức, đã thành lập một cộng đồng “Không mua gì” khi chuyển đến sống ở Đà Nẵng. “Nhóm đang hoạt động khá tích cực với gần 500 thành viên, gồm cả dân địa phương lẫn người nước ngoài” - cô Alicia Navarro, người điều hành nhóm Buy Nothing Đà Nẵng, chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Alicia cho biết hai vợ chồng đã tích cực tham gia một nhóm Buy Nothing khi còn ở Mỹ, nên muốn tạo một cộng đồng tương tự khi chuyển đến Việt Nam. Cũng theo đúng tinh thần của Buy Nothing, nhóm Facebook được lập ra để mọi người tặng hoặc hỏi xin đồ, không phải để trao đổi mua bán. “Hầu như ngày nào cũng có bài viết mới trên nhóm, 80-90% là ngỏ ý tặng lại đồ đạc” - cô nói. Alicia kể thêm việc đáp ứng các yêu cầu hỏi xin đồ khá khó khăn, song “đa số các yêu cầu cuối cùng cũng được đáp ứng”. Alicia và chồng trở về Mỹ hồi tháng 3, không thể quay lại Đà Nẵng vì COVID-19, nhưng Alicia vẫn điều hành nhóm Buy Nothing Đà Nẵng, và “vừa yêu cầu Buy Nothing thêm nhóm chúng tôi vào danh sách mạng lưới chính thức”.

Trong khi đó, ở Hà Nội, Go Green, một câu lạc bộ hoạt động với mục tiêu xây dựng lối sống bền vững cho cộng đồng, trong năm 2018 cũng tổ chức một buổi trao đổi đồ cũ vào tháng 7, làm tiền đề cho sự kiện “Hà Nội 3 - không - phố thị” vào tháng 12, với hoạt động trao đổi đồ cũ giữa những người tham gia.

“Điểm thay đổi lớn nhất làm nên thành công của "Hà Nội 3 - không - phố thị" là chúng tôi quan tâm rất kỹ lưỡng khâu nhận và kiểm tra đồ, đảm bảo chỉ có những món đồ còn giá trị mới được đặt lên bàn trao đổi” - Lê Thị Thảo Minh, chủ tịch CLB Go Green và là trưởng ban tổ chức chương trình, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Theo Thảo Minh, ở Hà Nội còn có một cộng đồng hoạt động online mang tên là Freecycle Hanoi, với hình thức hoạt động là xin-cho-tặng, nghĩa là khi ai đó có nhu cầu xin hoặc tặng, họ sẽ đăng lên group để tìm kiếm người cho và nhận. Mô hình này mang dáng dấp của Buy Nothing - một người sẽ chỉ cho hoặc nhận.

Thảo Minh cho biết hầu hết mọi người tới tham gia hai sự kiện do Go Green tổ chức đều có thể tìm được một thứ có ích cho mình để mang về và hạnh phúc với nó. Loại đồ được mang đến trao đổi nhiều nhất là quần áo, sau đó tới sách và các đồ trang trí nhỏ.

Là một CLB môi trường, thông điệp mà Go Green gửi vào các sự kiện đó thiên về việc bảo vệ hạn chế rác thải hơn là góc độ kinh tế: “Trước khi quyết định mua một món đồ, hãy cân nhắc thật kỹ liệu mình có cần nó không. Và khi có một món đồ bạn không còn sử dụng nữa, hãy thêm một lần nữa nghĩ xem liệu có thể có ai đang cần tới nó” - cô nói.

Đại diện CLB cũng thừa nhận không dễ để có một địa điểm cố định để hoạt động xin-cho-tặng diễn ra thường xuyên, ít nhất là với một câu lạc bộ hoạt động độc lập và các thành viên đều đang đi làm hoặc đi học, khó sắp xếp thời gian như Go Green.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận