TTCT - Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Barack Obama và ứng viên Cộng hòa Mitt Romney diễn ra tối 3-10 ở Denver (Colorado) đánh dấu chặng nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2012.

Chỉ còn một tháng trước khi dân Mỹ chính thức đi bỏ phiếu để lựa chọn tổng thống cho bốn năm tiếp theo.

Obama chỉ trích Romney "không trung thực"
Romney - Obama: 1-0

Phóng to
Cuộc tranh luận đầu tiên vào tối 3-10 giữa ông Barack Obama (trái) và ông Mitt Romney mở đầu chặng nước rút cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012 - Ảnh: maboot.com

Năm 2012 là một năm bầu cử kỳ quặc. Nếu dựa vào những chỉ dấu lịch sử, hai ứng viên cho chiếc ghế Nhà Trắng năm nay đều không có bất cứ cơ hội thắng cử nào. Nếu tái đắc cử, ông Barack Obama là tổng thống đầu tiên kể từ năm 1948 tới nay thắng khi tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 8%. Với ông Romney, ứng viên tổng thống giàu nhất nhì trong lịch sử Mỹ, cuộc thăm dò của Bloomberg công bố hôm 26-9 cho thấy cử tri thậm chí coi ông “khó ưa” hơn cả cựu tổng thống George W. Bush, người đẩy nước Mỹ tới khủng hoảng và sa lầy trong hai cuộc chiến và gần đây bị coi là “người không được ưa nhất” nước Mỹ.

Với ông Obama, những kỳ vọng về thay đổi của bốn năm trước giờ là thực tế nặng nề của thời gian cầm quyền và một loạt lời hứa không được thực hiện. Cử tri thất vọng vì ông không cải thiện được kinh tế như cam kết, kinh tế Mỹ trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp luôn giữ ở mức 8-10% suốt bốn năm qua. Phe Dân chủ thất vọng vì cho rằng ông yếu đuối và nhượng bộ phe Cộng hòa thái quá trong những cuộc đối đầu.

Về đối ngoại, nước Mỹ tiêu diệt được Osama Bin Laden, cải thiện được phần nào hình ảnh ở nước ngoài nhưng vị thế suy giảm nghiêm trọng trước sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương cùng những diễn biến mới ở Trung Đông Ả Rập, khủng hoảng ở Syria - Iran đang đặt cho Mỹ nhiều thách thức mới. Nhưng giữa hai ứng viên kém hoàn hảo, ở thời điểm nước rút, lợi thế đang có phần nhỉnh hơn cho người đương nhiệm.

“Bất ngờ tháng 10” của Romney

Dấu hiệu sa sút đầu tiên của ông Romney là chuyến công du nước ngoài đầy tai tiếng khi ông chỉ trích nước Anh - đồng minh thân cận nhất - về Olympic, phát biểu bị chỉ trích ở Ba Lan rồi phê phán người Palestine ở Israel. Tiếp đó là màn trình diễn tệ hại tại đại hội Đảng Cộng hòa khi ông Romney quên nhắc tới những người lính Mỹ trong khi quân đội nước này vẫn đang ở Iraq và Afghanistan. Ngay sau đó, khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào sứ quán Mỹ ở Libya, Ai Cập hôm 11-9, ông Romney cũng phản ứng vội vàng để rồi một lần nữa bị chỉ trích là cơ hội về chính trị và non kém về đối ngoại.

Nhưng tệ hại nhất phải kể đến video clip quay lén trong một lần gây quỹ với những nhân vật giàu có ở Florida, những người trả tới 50.000 USD/người để có mặt. Trong phút “thành thật”, ông Romney chỉ trích 47% cử tri, những người ủng hộ ông Obama, là những kẻ “không nộp thuế”, “ăn bám chính quyền”, là “nạn nhân” và đặc biệt là “tôi không quan tâm tới những kẻ đó”.

Có thể coi video clip đó là “bất ngờ tháng 10” của cuộc bầu cử này. Nhiều cây viết bình luận đã bắt đầu nói lời từ biệt sớm đối với ông Romney. Các cuộc thăm dò mới đều nói phương án thắng được đa số đại cử tri đoàn của ông Romney gần như bằng không.

Một phát biểu xúc phạm thậm tệ đối với những cử tri như những người làm công ăn lương thu nhập thấp, các cựu binh... những người mà ông Romney vô cùng muốn lấy phiếu. Theo cách nói đó thì ông Romney gạt thẳng một nửa dân số nước Mỹ ra khỏi tính toán của mình. Cho đến giờ, vẫn rất khó hiểu tại sao một chính trị gia lâu năm và cả đời tính toán chuyện chạy đua vào Nhà Trắng lại có những sơ suất thiển cận vậy.

Kẻ “ngậm thìa bạc” không dễ mến

Với nhiều người, ông Romney là người sinh ra đã “ngậm thìa bạc” cả đời không biết đến cuộc sống khổ sở. Bố ông Romney là cựu thống đốc bang, từng là ứng viên tổng thống, một trong vô số biệt thự của ông Romney thậm chí có thang máy riêng cho xe hơi. Nhắc đến ông Romney, báo giới thường chỉ trích chuyện vị cựu thống đốc Massachusetts này thuộc tầng lớp thượng lưu, xa cách không hiểu dân nghèo cũng như đại đa số nước Mỹ.

Trên báo đài, người ta thường nghe nhiều chuyện về việc ông không dám công bố chi tiết nộp thuế của mình vì có tỉ lệ nộp thuế thấp hơn người nghèo cùng những nghi ngờ về các tài khoản ở nước ngoài. Dù có tài sản tới 250 triệu USD, một trong những ứng viên tổng thống giàu nhất trong lịch sử, ông Romney trả chưa đầy một nửa mức thuế dành cho những người giàu nhất nhờ lách luật.

Đây không phải lần đầu tiên ông Romney lỡ lời trong cuộc chạy đua này. Đáng ngạc nhiên là một người cực cẩn trọng, tỉ mỉ trong mọi chi tiết như ông Romney lại liên tục mắc những sai lầm trong phát ngôn. Còn nhớ hồi đầu năm, trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Romney đã mạnh miệng tuyên bố “tôi thích sa thải người” trong bối cảnh cử tri Mỹ vẫn đang vật lộn với chuyện công ăn việc làm.

Tỉ lệ ủng hộ ông Obama bắt đầu tăng kể từ sau đại hội Đảng Dân chủ. Nhưng câu bình luận “47%” của ông Romney có vẻ là dấu chốt hoàn toàn cho cuộc bầu cử này. Ông Obama là tổng thống không hoàn hảo và có nhiều sai lầm trong nhiệm kỳ đầu, nhưng chính sự yếu kém của ông Romney đang mở rộng đường để ông Obama được tái đắc cử.

Từ châu Âu, tờ Spiegel viết “Ai cần một kẻ thiếu chuyên nghiệp ở Nhà Trắng?”. Tờ New York Times ngày 24-9 có bài xã luận “Why Romney is slipping?” (Tại sao Romney đang thất thế?) đánh giá ông Romney thất bại vì “luôn sẵn sàng né tránh sự thật” và không hiểu mong muốn của người dân thông thường. “Trên góc độ nào đó, việc ông Romney mất dần vị thế là bởi hai phát ngôn gần đây cho thấy sự yếu kém của ông đối với cử tri” - bài báo viết.

Trên PBS, Mark Shield chỉ ra ví dụ là tỉ lệ “không ưa” ông Romney tại Florida, một bang chiến lược, tăng từ 29% hồi tháng 1 lên 35% hồi tháng 5 và trên 50% vào giai đoạn nước rút này.

Và dù cử tri không hài lòng hoàn toàn với những điều hành kinh tế của ông Obama, ông vẫn được coi là người được “yêu quý”. Tỉ lệ này với ông Romney thì hoàn toàn ngược lại - số người thấy ông “không dễ mến” luôn ở mức trên 50%.

“Ông Romney có thể thoải mái theo đuổi chiến dịch nông cạn và ngạo mạn này thêm sáu tuần nữa, nhưng ông không nên ngạc nhiên nếu cử tri không còn quan tâm [đến ông] nữa” - bài xã luận của tờ Times viết.

Tuần trước, cử tri đã bắt đầu bỏ phiếu sớm ở Iowa và trong tuần này bỏ phiếu sớm cũng bắt đầu ở Ohio, một bang tranh chấp quan trọng, trước khi bỏ phiếu sớm lần lượt được tiến hành ở khoảng 30 bang khác.

Do đặc thù hệ thống hai đảng và cách bầu theo đại cử tri đoàn ở Mỹ, kết cục cuộc bầu cử thực tế được quyết định ở khoảng mười bang tranh chấp với khoảng 6% số cử tri (một số bang truyền thống của từng đảng thì hầu như các bên đã biết kết quả ngay từ trước và không còn tính cạnh tranh). Trong khoảng mười bang tranh chấp này, Ohio (18 phiếu đại cử tri) và Florida (29 phiếu) là những bang quan trọng nhất. Đây là hai bang quan trọng vì có tổng số phiếu xấp xỉ bằng tổng số phiếu của 8-9 bang tranh chấp còn lại.

Cuộc thăm dò của ĐH Quinnipiac/New York Times/CBS tuần trước cho thấy ông Obama đã nới rộng khoảng cách với ông Romney ở cả hai bang quan trọng Florida và Ohio. Theo các tính toán, nếu thua cả ở Florida và Ohio thì sẽ không có cơ hội nào cho ông Romney giành đủ 270/538 phiếu đại cử tri để thắng cử. Xác suất thắng cử của Tổng thống Obama theo trang tổng hợp thăm dò FiveThirtyEight của Nate Silver vào tuần trước hiện là 79,7%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận