TTCT - Nội bộ Chính phủ Philippines có vẻ đang “diễn hài” xung quanh các tuyên bố đầy mâu thuẫn ở Biển Đông thời gian qua, nhưng thực tế thì không có gì vui vẻ cả. Ít nhất người Trung Quốc sẽ không vội cười. Trong một thông điệp được phát sóng ngày 14-5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định sẽ không rút các tàu Philippines ra khỏi những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Hơn thế nữa, ông còn tuyên bố “tình bạn” với Trung Quốc đã “kết thúc ở đây” và khẳng định dù có chết cũng không lùi bước trên Biển Đông.Đằng sau thông điệp “lạ” Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tăng nhiệt từ tháng 3, thời điểm Philippines khẳng định hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc đã neo đậu bất thường ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có tuyên bố chồng lấn.Ông Duterte (trái) và ông Locsin. Nội các Philippines có vẻ đang trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, nhưng hành động thực tế của họ vẫn là rất nhất quán. -Ảnh: Rappler Đáp lại sự hiện diện của nhóm tàu này - mà Trung Quốc gọi là tàu cá, Philippines đã điều tàu quân sự và cảnh sát biển tuần tra tại các khu vực liên quan. Tháng trước, Trung Quốc kêu gọi Manila “dừng những hành động làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng”.Tuyên bố “không rút tàu” của Tổng thống Duterte hôm 14-5 là sự phản đối của ông với lời kêu gọi của Trung Quốc. Nhưng về mặt đối nội, phát biểu trên cũng được xem như cái kết tạm cho một câu chuyện xung đột trong quan điểm của chính các quan chức Philippines.Tuần trước, dư luận Philippines dậy sóng sau khi ông Harry Roque - phát ngôn viên của Tổng thống Duterte - đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về Biển Đông, trong đó có đoạn nói đá Ba Đầu không thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuyên bố này bị cho đi ngược với quan điểm của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines, những cơ quan đã phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi đá Ba Đầu vì đây là khu vực “thuộc EEZ của Philippines”.Sự đối lập khó hiểu và có phần hài hước này tiếp diễn với việc Ngoại trưởng Philippines Theodoro Locsin nhấn mạnh chỉ Bộ Ngoại giao mới có thể lên tiếng về chính sách đối ngoại của Philippines. “Chỉ duy nhất một tiếng nói được xem như của chúng tôi. Chấm hết. Xét về chủ đề này [chính sách đối ngoại], tôi mới là người nói thay Tổng thống”, ông Locsin nhấn mạnh.Câu chuyện này diễn tả sự lệch pha trong cách tiếp cận của ông Duterte với các quan chức cấp cao khác khi nói về mối quan hệ với Trung Quốc. Từ khi nắm quyền năm 2016 tới nay, ông Duterte thường xuyên bị cho là đã ngó lơ phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chỉ vì muốn tận dụng mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.Theo giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling, ông Roque, với tư cách phát ngôn viên, đã cố gắng xoay chuyển vấn đề nhằm che lấp những mâu thuẫn trong các phát biểu về chủ đề này giữa Tổng thống Duterte và phần còn lại trong chính quyền.“Bộ trưởng Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng [Delfin] Lorenzana, cũng như phần đông trong chính quyền Philippines, đều lên án mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc tại đá Ba Đầu cũng như ở Biển Đông nói chung. Tổng thống Duterte không muốn đồng thanh với họ, kể cả khi ông ấy không ngăn cản họ làm điều đó”, ông Poling nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề có lẽ không nằm ở tranh cãi về quyền phát ngôn hay những câu nói của ông Duterte - vốn dĩ bị cho là “lúc này, lúc khác” đã nhiều năm qua. Điểm đáng chú ý nhất là câu hỏi về việc có hay không một sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền Philippines về chủ quyền ở Biển Đông, ít nhất tại khu vực đá Ba Đầu.Trong một phát biểu ngày 13-5, ông Roque lập luận rằng đá Ba Đầu không nằm trong EEZ của Philippines vì nó thuộc… “lãnh hải” của nước này. Theo đó, đá Ba Đầu nằm trong khu vực chồng lấn với hai thực thể nổi khác, tức những thực thể có khả năng tạo ra vùng lãnh hải theo luật pháp quốc tế. Hai thực thể được nhắc tới chính là đá Ken Nan và đảo Sinh Tồn.Nói cách khác, ông Roque muốn Philippines thúc đẩy chủ quyền mạnh mẽ hơn ở “nhóm đảo Kalayaan”, gồm những phần họ tuyên bố chủ quyền. Theo đó, nếu đã tuyên bố chủ quyền thì phải tính đá Ba Đầu vào diện “lãnh hải” để hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán, thay vì chỉ có khả năng khai thác tài nguyên như EEZ."Chúng tôi có một chỗ đứng ở đây và tôi muốn tuyên bố ngay một lần nữa rằng tàu của chúng tôi đang ở Thị Tứ và các nơi khác, và chúng tôi sẽ không lùi lại dù chỉ một bước."Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Thúc đẩy sức mạnh quân sựTrao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về vấn đề này, ông Poling phân tích: “Ông Roque nói đá Ba Đầu không nằm trong EEZ của Philippines vì thực thể này nằm trong lãnh hải của một đảo đá gần đó, vốn cũng đang được Philippines tuyên bố chủ quyền. Điều này hẳn nhiên chẳng có gì quan trọng, và có vẻ cố ý gây nhầm lẫn”. Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa, nơi Philippines đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và củng cố. Ảnh: Reuters Theo giám đốc AMTI, điểm rõ nhất có thể thấy từ toàn bộ những diễn biến này là việc ông Duterte và cấp dưới của mình không cùng quan điểm với phần còn lại của chính quyền. Do đó, “khả năng của Chính phủ Philippines trong việc gây áp lực hiệu quả lên Trung Quốc, hoặc tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh và đối tác của mình sẽ bị tê liệt bởi các thông điệp lẫn lộn”.Nhưng bất kể nội bộ lùm xùm thế nào, Philippines vẫn cứng rắn với câu chuyện chủ quyền ở Trường Sa, và đang có kế hoạch lớp lang để bảo vệ lợi ích. Từ sau khi tố Trung Quốc điều tàu dân quân biển tới đá Ba Đầu, Philippines đã tăng cường sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp, bao gồm đảo Thị Tứ.Với lý do duy trì việc tuần tra đề phòng Trung Quốc, Manila lên kế hoạch biến Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần quân sự quy mô, với hệ thống camera độ phân giải cao nhằm giám sát hoạt động của tàu thuyền nước khác.Hòn đảo lớn thứ hai ở Trường Sa này hiện đã có cảng, tháp liên lạc, doanh trại, cơ sở khử muối… Theo Asia Times, vị trí chiến lược của Thị Tứ ở Biển Đông thu hút sự chú ý của Mỹ, quốc gia vẫn duy trì hiệp ước quốc phòng với Philippines. Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa hai nước cũng sẽ giúp Mỹ luân phiên bố trí binh lính và thiết bị trên đất Philippines.Tất cả những diễn biến đó đều cho thấy sự phức tạp của hiện tình và ý chí chính trị của các bên ở Biển Đông, mà không một giải pháp song phương nào có thể giải quyết được rốt ráo.■ Tags: Biển ĐôngTrường SaPhilippinesRodrigo DuterteBa ĐầuThị Tứ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).