Trong chia rẽ và sợ hãi

DANH ĐỨC 03/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ ngày 6-11 tới, bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ viện, 35/100 ghế thượng viện cùng 39 ghế thống đốc tiểu bang và vùng lãnh thổ đã và đang diễn ra trong sự phân hóa xã hội chưa từng thấy.

Hiếm khi nào một cuộc bầu cử lớn ở Mỹ diễn ra trong bầu không khí chia rẽ như năm nay.-Ảnh: vox.com
Hiếm khi nào một cuộc bầu cử lớn ở Mỹ diễn ra trong bầu không khí chia rẽ như năm nay.-Ảnh: vox.com

 

Trong những ngày này, trang web của Nhà Trắng không ngớt tung hô thành tích của Tổng thống Trump, đồng thời so sánh ông với người tiền nhiệm Barack Obama một cách “chà đạp”. Trang chủ Nhà Trắng tối 29-10 chạy tít: “Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 2008, đang giành lại vương miện nền kinh tế cạnh tranh bậc nhất thế giới”. Dòng tít đó gián tiếp đổ lỗi cho ông Obama và phe Dân chủ đã làm nước Mỹ “suy thoái”.

Một bài viết khác thì phân tích: “Nhờ cắt giảm thủ tục hành chính quan liêu mà Tổng thống Trump đã tiết kiệm được 33 tỉ USD so với 245 tỉ USD chi phí tốn kém mà Tổng thống Obama đã gây ra”. Chỉ trích “chế độ cũ” dường như là một mũi vận động tranh cử cho Đảng Cộng hòa của ông Trump.

Tiếc là làng báo mà ông Trump ghét cay ghét đắng lại không đăng lại những báo cáo thành tích ấy của Nhà Trắng, mà tiếp tục dè bỉu ông Trump.

Một mũi vận động tranh cử khác của ông Trump và phe Cộng hòa là tố cáo báo chí phe Dân chủ “đang tung hết sức lực để đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa, phe bảo thủ và bản thân tôi đã gây ra sự chia rẽ và lòng hận thù quá lâu trong đất nước chúng ta” - ông Trump viết trên Twitter hôm 28-10. “Tổng thống sẽ tiếp tục vạch ra sự tương phản giữa hai đảng, đặc biệt vào những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử” - phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders bồi thêm trong cuộc họp báo ngày 29-10.

Nói cho ngay, có cuộc bầu cử nào mà không diễn ra trong phân hóa, kể cả trong bới móc, bêu riếu nhau, không chỉ riêng ở Mỹ? Thế nhưng, hiếm có khi nào nền chính trị Mỹ lại bao phủ một bầu không khí hận thù, sợ hãi như hiện nay. Từ đâu đã dẫn tới sự chia rẽ và hận thù đó?

Giáo sư tâm lý trị liệu và hành vi học Đại học California, Los Angeles (UCLA) Joseph M. Pierre mô tả xã hội Mỹ trên webiste “Tâm lý học ngày nay”: “Hoa Kỳ chưa từng mất đoàn kết đến thế. Đất nước dường như đã đứt gãy không thể phục hồi dọc theo các ranh giới chính trị và tư tưởng: Cộng hòa-Dân chủ; tự do-bảo thủ; màu đỏ (Cộng hòa)-màu xanh (Dân chủ)... Người theo đảng này hay đảng kia có khuynh hướng tự nhốt mình trong các “toa xe” tư tưởng của họ, và tự bịt mắt mình để chỉ tiếp xúc một cách chọn lựa các tin tức, từ đó châm ngòi cho sự phân cực chính trị”.

Một tiến sĩ tâm lý khác, Bobby Azarian, từ tháng 12-2017 quả quyết rằng ông Trump đã tạo ra sự lo âu sợ hãi ở cả hai phe: với phe hữu là nỗi sợ người nhập cư, còn với phe tả là sự sống lại của chủ nghĩa ưu sinh da trắng.

Tiến sĩ Azarian cũng cho rằng “việc (ông Trump) chụp mũ báo chí cánh tả cũng như chính quyền Obama là “ma quỷ” đã biến nhiều người theo cánh hữu thành những kẻ toàn tâm, toàn ý theo thuyết âm mưu”.

Cuộc bầu cử, vì thế, diễn ra trong bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Đầu tuần này, Cesar Sayoc, 56 tuổi và là người ủng hộ ông Trump, đã bị bắt vì là nghi phạm chính trong vụ gửi bom thư tới hàng loạt lãnh đạo cấp cao của phe Dân chủ. Rồi ngay sau vụ chuỗi bom thư là vụ xả súng trong một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh khiến 11 người chết.

Giáo sĩ Do Thái Jeffrey Myers, thoát chết sau vụ nổ súng, vạch rõ: “Đây không phải là chuyện phe màu đỏ hay màu xanh, chẳng phải chuyện phân biệt nam nữ... Đầu óc hận thù trong nước chúng ta là một vấn đề thực sự. Hận thù ở quanh chúng ta song chẳng ai màng đến”.

Trong khi đó, có tin phe Cộng hòa đang điều chỉnh chiến lược. Bloomberg 30-10 loan tin: “Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết chính quyền Trump đã “buông” cuộc đua hạ viện..., thay vào đó tập trung vào các khu vực truyền thống của phe bảo thủ cho các ghế thượng viện và thống đốc”.

Ông Trump vận động cho các ứng cử viên Cộng hòa là chuyện đã đành. Nhưng cựu tổng thống Barack Obama đang làm điều hiếm thấy với các cựu tổng thống. Hôm 1-8, ông Obama loan báo trên Twitter cá nhân: “Hôm nay, tôi tự hào đứng tên hậu thuẫn một loạt ứng viên Dân chủ ấn tượng - những nhà lãnh đạo đa dạng, yêu nước và đầy nhiệt huyết như chính nước Mỹ mà họ đang ra tranh cử để đại diện”.

Đến 1-10, ông lại nhắn tiếp một tin tương tự và liên tục kêu gọi cử tri đi bầu. Sau vụ xả súng ở Pittsburgh, ông đăng trên Twitter: “Tất cả chúng ta phải chống lại sự thù hận nhắm vào những người có quan điểm, hoặc cách yêu thương và cầu nguyện khác biệt. Và chúng ta phải thôi tạo điều kiện cho những kẻ muốn hại người vô tội dễ dàng sở đắc một khẩu súng”.

Cuộc bầu cử này sẽ diễn ra trong bối cảnh đối đầu kịch liệt và một bầu không khí hận thù đầy chia rẽ. Và đó là còn chưa nói tới sự can thiệp từ bên ngoài vào tiến trình dân chủ đó - một nguy cơ không hề nhỏ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận