Vùng Vịnh: Gương vỡ lại lành?

SÁNG ÁNH 12/01/2021 21:05 GMT+7

Sau 3 năm rưỡi giận lẫy, nguýt xéo, xúc xiểm, gièm pha và xô đẩy, đầu năm 2021, tại đại hội thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC), 6 nữ anh hào dầu hỏa của khu vực lại chị chị em em thắm thiết ôm hôn nhau.

GCC là tổ chức quốc tế quy tụ Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Oman, UAE và Kuwait. 6 quốc gia độc lập này có nhiều lý do để hợp tác thân thương. Họ cùng một khu vực địa lý là vùng Vịnh, cùng sống nhờ một nguồn tài nguyên là dầu hỏa, cùng một dân tộc là Ả Rập, cùng một văn hóa là đạo Hồi và cùng một thể chế là quân chủ chuyên chế. 

Họ còn cùng một bảo mẫu là đế quốc Ottoman cho đến Thế chiến I. Sau đó họ lại được đế quốc Anh đỡ đầu và sau Thế chiến II, vì trở về quê thu vén, cần bán nhà, Anh quốc đã nhượng lại giá hời cho đế quốc Mỹ. Trong 6 nước này, về phần diện tích và dân số, chị hai là Saudi. Các tiểu quốc còn lại, nếu không nhờ Anh quốc khéo chia để trị thì đã biến mất: Qatar nhập vào Saudi, Kuwait trở về với Iraq, Bahrain bị Iran thôn tính và UAE thì là cái quái gì.

Thượng đỉnh GCC là nơi để các nước vùng Vịnh giàn hòa. Ảnh: middle-east-online.com

Tình duyên ngang trái

Trường hợp của Oman trong chị em nhà này khá đặc biệt. Ở vị trí địa lý ngoài cùng, đế quốc Oman trong lịch sử quay lưng với bán đảo mà nhìn về châu Phi và Ấn Độ Dương. Bờ biển Pakistan cách Mascat có 400km trong khi Mecca, thánh địa Hồi giáo, cách 2.200km sa mạc. 

Khi Hồi giáo phân chia thành hai nhánh choảng nhau chí chóe là Shia và Sunni, thì Oman đứng ngoài với thuyết “trung lập”, và tự gọi là Hồi giáo Ibadi. Nhìn qua là thấy khác, ngay cả trong phục sức, Oman cũng có kiểu khăn quấn lạ mắt riêng.

Nửa thế kỷ qua, các nước này từ vô danh trở thành số má. Chị cả Saudi, dưới thời vua Faisal (trị vì 1964 - 1975), được thế giới biết đến khi dẫn đầu phong trào tăng giá dầu thô để phản đối chiến tranh 1973 với Israel. Đây là cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất, thực ra là cần thiết vì nó chỉnh lại kinh tế Tây phương, lúc đó về mặt này nửa ăn nửa đổ đi.

Nước Mỹ, nhờ giá dầu tăng lên mà khai thác được các giếng nội địa. Trước đó, giá dầu quá rẻ nên chẳng bõ công. Nhờ thế giờ Hoa Kỳ trở thành độc lập về năng lượng. Nói qua, vua Faisal trước khi bị ám sát (tháng 3-1975) có hứa giúp miền Nam Việt Nam thay cho Mỹ bằng cách bán dầu chỉ lấy giá vốn, muốn mua bao nhiêu cũng được.

Qatar ngày nay là quốc gia giàu nhất thế giới theo bình quân đầu người, là chủ nhân một vũ khí lợi hại và đẳng cấp quốc tế là đài truyền thông Al Jazeera. UAE thì mở cửa cho du lịch và đi mua sách kỷ lục Guinness. Họ mang về nhà lật ra từ trang 1 trở đi và bắt đầu tìm cách vượt qua các kỷ lục trong đó, cái gì cũng muốn nhất thế giới (tất nhiên, “Bánh chưng lớn nhất thế giới” vẫn phải ngậm ngùi nhường cho Việt Nam).

Dubai (UAE) trở thành trung tâm tài chánh và du lịch thành công, sẵn sàng chờ kỷ nguyên hậu dầu khí. Saudi thì vô địch về sắm vũ khí Mỹ, qua đó hoạnh họe định làm trùm khu vực Trung Đông và khối Ả Rập. Ai Cập trong khối này xuống dốc đứt phanh. Tại Trung Đông, sự ra đi của đế chế Shah Iran khiến vị trí thứ phi của Mỹ còn trống một chỗ. Vai trò này được Saudi sẵn lòng đảm nhận, nhưng có một khó khăn.

Năm 1979, một thầy Hồi cùng mấy trăm thủ hạ đột ngột chiếm thánh địa Mecca và tự xưng Mahdi (tức “kẻ khôi phục Hồi giáo”). Ông này phê bình vương tộc Saudi là chỉ lo hưởng thụ chứ không lo sống thánh thiện theo tôn giáo. Năm trước, một phong trào bảo thủ tôn giáo tương tự, nhưng thuộc giáo phái Shia, mới lật đổ thành công “Vua của các vua” ở Iran. Hoàng gia Saudi tái mét mặt mày sau khi chiếm lại Mecca, đêm nằm ngủ vẫn giật bắn mình.

Nếu các tiểu quốc vùng Vịnh ít nhiều cởi mở về mặt chính trị (như Oman, Kuwait), hay về mặt văn hóa, xã hội (Qatar, UAE), thì Saudi lại khép kín và khắt khe, để giữ ngôi cho các chúa. Saudi từ ngày lập quốc (1932) không có một cuộc bầu cử chính trị đã đành, bầu hoa hậu cũng không có luôn. 

Phụ nữ đi đâu phải tùy thuộc đàn ông trong nhà, không được tự lái xe, không được ngồi chung xe với người ngoại tộc, điện ảnh, ca nhạc, rạp hát bị cấm. Đây là để chiều các thành phần tôn giáo bảo thủ sau vụ nổi loạn 1979 nói trên.

Chính sách bảo thủ của Saudi về mặt tôn giáo khiến nước này mâu thuẫn với một cô lắm chuyện là Qatar - nước dự kiến tổ chức World Cup bóng đá 2022, nước vừa sắm tòa nhà The Shard cao nhất London! Vậy đã thấy ghét, Qatar sau những biến loạn Mùa xuân Ả Rập lại còn ủng hộ các phong trào khác với tôn chỉ và chính kiến của Saudi. 

Qatar tại Ai Cập ủng hộ Anh em Hồi giáo của tổng thống bị quân đội lật đổ là Morsi. Tại Lybia, Syria cũng vậy. Tại Yemen thì rắc rối hơn. Tại đây, phong trào Islaat được Qatar đỡ đầu thuộc liên minh chính phủ cũng được Saudi ủng hộ. Trong khi UAE, đồng minh với Saudi, thì lại lơ là với chính phủ này.

Bấy nhiêu rối rắm dẫn tới tại sao các ả vùng Vịnh ngày hôm nay lại làm hòa thắm thiết hôn nhau.

Vì sao phải giàn hòa?

Các nước trong khối GCC. Ảnh: Britannica

Thứ nhất là vì hết tiền! Vùng Vịnh mà hết tiền? Chứ sao nữa. Giá dầu đang giảm nên thu nhập xuống. Quân chủ Saudi tồn tại nhờ mấy chục năm nay nuôi công dân và vỗ béo bằng dầu mỏ. Ai cũng no đủ và ăn học tử tế, tốt nghiệp thì được vào bộ máy nhà nước hay quân đội, được đeo kính mát đi xe điều hòa mà chẳng phải làm gì. 

Hiện nay số bằng cấp Saudi rất cao, các đại học Saudi đã đạt đến đẳng cấp quốc tế, và nhất là rất nhiều phụ nữ đỗ đạt mà thất nghiệp. Họ có trình độ chuyên môn, hiểu biết mà muốn đi đâu, làm gì cũng khó khăn và thực ra, không đi học thì chẳng biết làm gì, học xong lại càng không biết làm gì! Cánh đàn ông giờ cũng thất nghiệp và lạm phát trình độ chuyên môn. Quốc gia lâm vào túng thiếu, không phải là lúc gây nhau mãi với láng giềng.

Thứ nhì là chiến tranh Yemen. Saudi gửi quân sang can thiệp, tưởng thái tử chỉ tay là giặc kéo nhau bỏ chạy ngoài cõi Thiên Sơn. Nhưng không phải vậy, tháng 9-2019, giặc Houthi bắn có 25 tên lửa mà làm ngưng 50% mức sản xuất dầu của Saudi trong 2 tuần lễ. Thất bại ở chiến trường Yemen khiến phe Saudi - UAE đâm ra mâu thuẫn nội bộ. 

Saudi ủng hộ chính quyền miền Bắc vì nó gần biên giới Saudi. UAE ủng hộ thành phần miền Nam vì UAE chỉ cần an ninh mặt biển để bảo đảm các tuyến xuất dầu. Tưởng dễ thì tôi cũng giúp anh một tay nhưng khó khăn như vậy thì anh thông cảm, tôi lo chuyện nhà tôi còn chưa xong! Trong khi đó, thành phần Yemen thân Saudi phải liên minh với Yemen thân Qatar, thôi thì hòa, vui vẻ cả đôi bên.

Thứ ba là ảnh hưởng của Iran. Saudi cô lập Qatar vì chế độ này bị coi là thân Iran. Khi cô lập Qatar, phong tỏa và cấm bay qua không phận, không cho tàu bè tiếp tế, thì Qatar làm gì? Qatar có chết đói không? Qatar gọi điện cho Iran giao cơm đến tận nhà, còn xuống mở cửa mời anh giao cơm lên, hai bên nói cười khúc khích, hình như là nói xấu Saudi. Càng cô lập Qatar thì ảnh hưởng của Iran ở đó càng tăng, chứ không có bớt.

Thứ tư là quyền lợi của Hoa Kỳ. Qatar không phải là Cuba thù nghịch, mà là nước có căn cứ Hoa Kỳ lớn nhất trong khu vực - căn cứ không quân Al Udeid. Căn cứ trị giá 1 tỉ đôla này xây hồi những năm 1990. Năm 2019, nó được nới rộng thêm với khoản đầu tư 1,8 tỉ đôla nữa. 

Ngoài bỏ tiền xây dựng, mỗi năm Qatar còn trang trải 60% phí tổn trấn đóng của 100 phi cơ và 11.000 lính Mỹ, là 650 triệu đôla. Năm 2017, Saudi có kế hoạch đánh Qatar và chiếm khu vực sản xuất dầu khí, nhưng Kuwait can thiệp với Mỹ để kịp ngăn.

Liệu đây có thể coi là thành công ngoại giao của chính quyền Donald Trump, hay thành công riêng của phò mã Jared Kushner? Mà duyên nợ của nhà Kushner với Qatar cũng không ít. Năm 2015, khi ông Trump bắt đầu vận động tranh cử, cha con Kushner níu được long bào của một vương Qatar là HBJ al Thani. 

Vị này OK, tôi bỏ 500 triệu, nhưng các bạn phải lo được phần còn lại. Nhà Kushner sau đó kèo nài được thêm công ty Trung Quốc Anbang (An Bang bảo hiểm Tập đoàn) bỏ thêm 4 tỉ. Trước khi tế thế, Anbang đã kịp bỏ chạy khỏi cam kết này. Hoàng thân al Thani thấy thế cũng ôm cặp đựng tí tiền còm chạy nốt, để bố con Kushner bơ vơ. Nói thêm, năm 2018, Anbang bị nhà nước Trung Quốc xiết về tội lường gạt, chủ tịch Ngô Tiểu Huy lãnh án 18 năm tù.

Trước từng có đồn đại là vì vụ tanh bành đó nên năm 2017, Jared Kushner mới ủng hộ thái tử Saudi mạnh tay với Qatar để trả thù. Chẳng ai biết được tường tận, chỉ biết là giờ Kushner đang muốn lãnh công “người hòa giải”! Về phần Tổng thống Trump, khi thăm Saudi đã bênh ngay nước này và đổ luôn cho Qatar là ủng hộ khủng bố, tức trước đá họ đi, nhưng giờ vẫn nhận công là tôi mang họ về.

Thực chất, “hòa hoãn” tại vùng Vịnh không phải là thành công của phò mã Kushner, mà là thất bại của Saudi trong việc cô lập Qatar, đánh đổ hoàng tộc ở đó, hay thay đổi chính sách của họ, và cả thất bại trong đòi hỏi cấm đoán đài Al Jazeera, phải nói là kênh truyền thông tự do và cấp tiến bậc nhất khu vực. Mọi chuyện giờ trở lại như xưa, phí cả công gây sự lắm lời.■

Tháng 12-2015, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ký thỏa thuận quân sự về mở căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Chưa cần biết Mỹ nói gì, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Qatar, đã gửi 3.000 quân nhân sang nước này. Saudi sau đấy nguội hẳn, tuy vì sĩ diện vẫn phải đợi 3 năm mới nở được một nụ cười duyên làm lành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận