​Biển, vĩ cầm và lời tạ từ

QUANG THI 23/09/2014 23:09 GMT+7

TTCT - Trong 50 năm làm họa sĩ (10 năm học vẽ và 40 năm sáng tác, giảng dạy), đây là lần thứ 10 họa sĩ Uyên Huy tổ chức triển lãm cá nhân.

Tình ca trên biển - bút lụa
Tình ca trên biển - bút lụa

Ông cho biết “Một thoáng vĩ cầm và một chút biển” (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 19 đến 30-9) sẽ là triển lãm cá nhân cuối cùng của mình.

Trong hội họa, có những họa sĩ thường sáng tác gắn với chủ thể nào đó, hoặc có sở thích vẽ biệt hiệu của mình gắn liền với những bức tranh. Chẳng hạn Từ Bi Hồng (Trung Quốc) chỉ vẽ ngựa. Lúc sinh thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí yêu thích một chú chó nhỏ nên những bức Vườn xuân Bắc - Trung - Nam của ông thường “điểm xuyết” thêm một chú chó nhỏ. 

Khởi đầu từ Giải thưởng đặc biệt hội họa Esso năm 1973 với bức tranh Nhạc chiều, tranh của Uyên Huy luôn gắn liền với những hình ảnh vĩ cầm, chim bồ câu và những ly rượu - những thứ có thể khiến tâm hồn họa sĩ lên men say.

Chim bồ câu là khát vọng hòa bình trong tâm hồn ông từ những năm chiến tranh của thập niên 1970, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đã theo ông suốt những tháng năm còn lại.

Vĩ cầm là nỗi rung động của tâm hồn chàng sinh viên với bài thơ Thu ca run rẩy, đầy nỗi lòng trắc ẩn, khắc khoải của thi sĩ Pháp Paul Verlaine. Đó cũng là hình ảnh người thầy cũ, họa sĩ Văn Đen (1919-1988), cựu giáo sư Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, hay kéo đàn vĩ cầm cho sinh viên nghe. 

Họa sĩ Uyên Huy
Họa sĩ Uyên Huy

Ở 49 bức tranh (tổng hợp, acrylic...) của triển lãm lần này, phân nửa là số tranh theo chủ đề Một thoáng vĩ cầm... ấy. Ngoài vẽ, họa sĩ Uyên Huy còn gắn liền với hoạt động giảng dạy (từng là trưởng khoa hội họa, mỹ thuật ứng dụng của Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM), là nhà giáo ưu tú, và hiện là chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Những công việc có vẻ công chức, mô phạm ấy không làm cho tranh của ông cứng nhắc mà vẫn lai láng cảm xúc. Nhìn cây đàn vĩ cầm ở mỗi bức tranh có thể thấy âm vang của tiếng nhạc lan tỏa khắp các mảng màu. Nhìn một cánh chim bay thấy như một tiếng nhạc kêu thánh thót còn rớt lại. 

Uyên Huy quan niệm rằng “nhạc trung hữu họa, họa trung hữu nhạc” (trong nhạc có tranh, trong tranh có nhạc). Ông nói: “Hội họa là âm nhạc của thị giác thì âm nhạc cũng là hội họa của thính giác”. Thế nên, tranh của Uyên Huy cứ lúng liếng say trong tiếng chim, tiếng nhạc...

Phân nửa còn lại là tranh sáng tác về chủ đề biển. Đây không phải là chủ đề ngẫu nhiên, nó xuất phát từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Và Uyên Huy sáng tác trên tinh thần một công dân - họa sĩ để thể hiện thái độ của mình.

Ông nói: “Từ lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tôi thấy cả nước ta, rất nhiều họa sĩ, nhà thơ sáng tác về đề tài biển đảo. Cá nhân tôi cũng phẫn uất trước hành động của Trung Quốc, tranh tôi vẽ cũng về đề tài đó!”. 

Vĩ cầm và chim - tổng hợp
Vĩ cầm và chim - tổng hợp
Vĩ cầm vàng - tổng hợp
Vĩ cầm vàng - tổng hợp

Từng kêu gọi các họa sĩ phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, từng đưa các đoàn họa sĩ đi thực tế sáng tác đề tài về biển đảo, họa sĩ Uyên Huy cũng có những tác phẩm của mình cho tình yêu biển đảo, biên cương Tổ quốc. Nhưng tranh của ông không phải là những khẩu hiệu, những sự phản đối thẳng thừng...

Tranh biển của Uyên Huy cũng là cây vĩ cầm, cánh chim hải âu... như một lẽ: ai cũng có thể thể hiện tình yêu biển đảo qua lăng kính tâm hồn mình.

Thời gian gần đây, họa sĩ Uyên Huy soạn nhiều sách. Mới ra lò tháng 9 này là quyển Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975.

Trước đó, năm 2013 ông đã cho ra đời quyển Phương pháp tư duy và thực hành bố cục mỹ thuật. Tiếp theo, ông tiết lộ đang soạn một công trình đã được Bộ VH-TT&DL xét duyệt. Thế nên, triển lãm Một thoáng vĩ cầm và một chút biển được thông báo là triển lãm cá nhân cuối cùng của ông. 

Uyên Huy đã “chia tay” điều này với những dòng tâm sự: “Tôi xác định mình là một họa sĩ - nhà giáo. Thời gian 10 năm học vẽ, 40 năm hoạt động vẽ với cuộc đời tôi tới nay đã là cái nghiệp.

Biên soạn sách mỹ thuật để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy... âu cũng là niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời tôi. Đó cũng là cách để giúp công chúng có cơ hội hiểu sâu hơn và các em sinh viên cũng có cái gốc để đi lên, tiếp cận những cái mới!”.

Mơ biển - acrylic
Mơ biển - acrylic
Trầm tích biển - tổng hợp
Trầm tích biển - tổng hợp
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận