Chạy để sống

NGUYÊN TRÍ 22/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Các quốc gia châu Phi thường được ví như thánh địa sản sinh ra “những đứa con thần gió”, tức các VĐV điền kinh. Họ chạy vì đam mê, vì giấc mơ chinh phục những tấm huy chương, vì miếng cơm manh áo… Nhưng cũng có người chạy để thoát khỏi địa ngục và khát khao được sống.

Lire mơ được dự Olympic
Lire mơ được dự Olympic

Genet Lire nhốt mình trong phòng tắm một gian hàng ở sân bay quốc tế Dulles (Virginia, Mỹ) và lẩn trốn ở đó nhiều giờ liền. Những âm thanh của tiếng mở, đóng cửa, rồi cười nói của hành khách khiến ngực cô gái trẻ thắt chặt hơn vì sợ.

Nếu bị ai đó phát hiện, Lire sẽ phải lên máy bay về quê nhà Ethiopia - một địa ngục trần gian trong tâm trí cô. Câu chuyện của Lire chỉ là một trong số nhiều trường hợp buộc phải chạy trốn khỏi quê nhà qua hình thức tham dự các giải điền kinh tại Mỹ.

Địa ngục ở quê nhà

Khi câu chuyện về mảnh đời cơ cực của những VĐV điền kinh Ethiopia được báo Washington Post đăng tải, một số nhân vật chính quyết định không dùng tên thật vì sợ gia đình sẽ đối mặt với sự trả thù ở quê nhà. “Tôi thà tự sát ở Mỹ hơn trở lại Ethiopia” - Haile Mengasha, một VĐV điền kinh đang tị nạn ở Mỹ, chia sẻ.

Có hơn 30 VĐV điền kinh Ethiopia xin tị nạn ở Mỹ những năm gần đây. Họ là những tài năng với kỹ thuật, sức bền và từng tranh tài ở nhiều cuộc thi marathon từ Mỹ đến Trung Quốc và giành nhiều chiến thắng ở các quốc gia thuộc châu Âu, Bắc Mỹ và những nước dọc theo châu Phi.

Thậm chí một VĐV marathon còn đạt kỷ lục hoàn tất cuộc thi với thành tích 2 giờ 8 phút, chỉ kém hai đối thủ sinh ra ở Mỹ về thời gian. Song những VĐV điền kinh này có điểm chung: họ đều từng là nạn nhân của sự hà khắc chính trị ở Ethiopia.

Vì từ chối gia nhập Đảng Mặt trận dân chủ nhân dân cách mạng của Ethiopia (EPRDF), họ bị bỏ tù một cách vô cớ. Trong khi đó, số khác bị chính phủ cáo buộc tuyên truyền hay âm mưu chống phá EPRDF, dù tất cả đều khẳng định chưa từng tham gia cuộc chơi chính trị hay ủng hộ đảng nào tại quê nhà.

Tôi không ủng hộ bất kỳ chính phủ nào cả. Tôi chỉ muốn sống với chính mình. Tôi không theo quan điểm chính trị nào cả” - một VĐV điền kinh kể lại, đồng thời cho biết đã bị bỏ tù năm 2010 và liên tục bị tra tấn ngày này sang ngày khác.

Genet Lire khóc khi xem lại những bức ảnh gia đình
Genet Lire khóc khi xem lại những bức ảnh gia đình

Cuộc chạy trốn

Nếu không thể chạy, bạn sẽ không bao giờ tới được bất kỳ đâu” - Taddase Hailu, một nạn nhân từng bị tống vào tù và tra tấn sau liên tiếp những cuộc đàn áp ở quê nhà, không giấu được nước mắt khi kể lại. VĐV điền kinh này không thể tìm lại thời đỉnh cao sau khi bị một vết đâm ở gót chân. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được giấc mơ tìm đến một quốc gia khác của Hailu, nơi anh được sống và chạy như một VĐV bình thường.

Câu chuyện của Lire còn bi thảm hơn. Năm lên 8, cô suýt thiệt mạng trong một vụ nổ súng khi gia đình chạy trốn cuộc đàn áp. Viên đạn lạc ghim thẳng vào tay phải của Lire và để lại vết sẹo lớn như trái bóng quần vợt, dù đã 10 năm trôi qua. Em của Lire chết khi mới 3 tuổi trong sự kiện đó, còn người cha bị bắt giữ những năm sau đó.

Với Lire, cô phải ra đi vì không muốn chịu cảnh địa ngục trần gian ở quê nhà, nơi có thể giết chết sự nghiệp điền kinh. Dù biết cuộc sống ở Mỹ không hề đơn giản, nhưng Lire vẫn mạo hiểm.

Tuy nhiên, đam mê điền kinh không vì thế suy giảm với Lire. Cô chạy mọi lúc và mọi nơi. Ở trường, Lire giành chiến thắng trong những cuộc thi điền kinh và thu hút sự chú ý của các CLB địa phương.

Hồi tháng 5, Lire lập kỷ lục quốc gia ở cự ly chạy 400m với thành tích 51,44 giây. Song biến cố xảy đến bởi cô chuẩn bị sang tuổi 18 và bắt đầu phải chịu những áp lực gia nhập EPRDF. Cũng giống như cha mình, Lire từ chối gia nhập chính trị. “Đảng EPRDF không dành cho con người” - Lire nói.

Lúc này, cô gái trẻ và gia đình tính chuyện trốn khỏi Ethiopia. Hai tuần trước khi giải vô địch thế giới dành cho các VĐV trẻ diễn ra ở Oregon (Mỹ) vào tháng 7, Lire bị bắt giữ nhưng may mắn không phải chịu những đòn tra tấn vì cai ngục biết tên tuổi và tiềm năng của nữ VĐV này.

Họ cho phép Lire tập luyện vào buổi sáng, đêm thì nhốt lại. Lire sợ hãi và không biết ngày mai sẽ ra sao. Mười ngày sau đó, cô được phóng thích và quyết định lên đường sang Mỹ cùng album ảnh gia đình, nhờ số tiền thưởng 250 USD đầu tư cho chiếc máy ảnh khi thắng ở một giải trước đó.

Nuôi dưỡng giấc mơ trên đất khách

Bằng việc xuất ngoại khi tham dự các cuộc thi điền kinh quốc tế, nhiều VĐV Ethiopia quyết định ở lại xứ cờ hoa, như trường hợp của Lire. Nhưng thích nghi với cuộc sống ở Mỹ - nơi có hệ thống pháp luật rất phức tạp, chi phí ăn ở đắt đỏ, việc làm không dễ tìm và phải xa người thân - không hề dễ dàng. Biết là vậy, nhưng không một VĐV nào mơ ngày hồi hương.

Tôi rất muốn về lại quê nhà nhưng không thể. Họ sẽ giết tôi mất” - anh Hussen Betusa, người rời Ethiopia khi vẫn còn vợ ở quê nhà, thổ lộ.

Dù nước Mỹ không phải thiên đường với nhiều VĐV điền kinh Ethiopia, song khát khao được sống, được chạy với trường hợp của Lire và một số VĐV khác đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ nỗ lực theo đuổi giấc mơ.

EB, một nhân vật đồng ý kể lại câu chuyện về cuộc đời mình cho Washington Post, thừa nhận chặng đường để trở lại thi đấu vô cùng gian nan. Những vết thương do các trận đòn và tra tấn gây ra khiến EB còn không thể thở nổi huống gì là chạy. “Thậm chí khi cơn đau xuất hiện, bạn vẫn phải tiến lên” - EB nói.

Lire hiểu mọi thứ không là màu hồng, nhưng cô không để tâm nhiều đến chuyện đó. Hằng ngày cô vẫn ra sân tập chăm chỉ và thực hiện điều bản thân có thể làm tốt nhất là chạy nhanh nhất có thể, chạy để tìm kiếm hi vọng mới trong bối cảnh tương lai còn chưa biết ra sao

Để nuôi dưỡng giấc mơ, Lire và EB cùng nhiều VĐV Ethiopia khác phải tìm kiếm sự trợ giúp từ những tổ chức từ thiện hay nhà hảo tâm. May thay, họ tìm đến CLB điền kinh Black Lion do một luật sư chuyên về lĩnh vực di trú và đại diện cho nhiều VĐV thành lập, vận hành nhờ ngân sách eo hẹp. CLB này như một cộng đồng thu nhỏ dành cho người Ethiopia trên đất Mỹ. Lúc này, Lire và EB cùng các đồng hương được phép tập luyện và có sự trợ giúp của các HLV hẳn hoi.

Cuộc sống ở Mỹ với Lire, giờ đã 18 tuổi, rất khó khăn khi cô thậm chí còn không trả nổi tiền thuê nhà 400 USD/tháng và đang sống tạm với Parra, người giải quyết trường hợp xin tị nạn của Lire, đồng thời ngủ trên chiếc ghế sofa trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ.

Tuy nhiên, cô gái trẻ này vẫn giữ một hoài bão được thi đấu ở tầm cao mới: “Mục tiêu của tôi ư? Là tranh tài ở Olympic”. Trong khi đó, EB nỗ lực không ngừng vì kế hoạch tham dự cuộc thi marathon vào mùa xuân năm sau, giải đấu đầu tiên của anh suốt hơn hai năm qua.

Với không chỉ riêng Lire và những VĐV điền kinh Ethiopia khác, dự Olympic là giấc mơ cao quý nhất. Bất chấp khó khăn khi phải đại diện cho một quốc gia cụ thể mới có thể tranh tài ở Olympic, Lire chỉ được nhập tịch Mỹ sau 5 năm, thời gian dài đằng đẵng với các VĐV, nhưng ý chí của cô gái trẻ không hề bị đánh gục.■

Lire tập luyện
Lire tập luyện
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận