Chuyện má, chuyện con

MINH PHÚC 31/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - Trở thành mẹ một đứa trẻ, tôi luôn thấy rằng có những điều kỳ diệu riêng kết nối tôi gần với thế giới tuổi thơ tưởng chừng đã mất của mình.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Như buổi chiều nọ, lúc xe chạy về tới sân chung cư, tôi thấy con ướt đẫm mồ hôi dưới sân. Đứa trẻ nhìn thấy mẹ, mắt bừng sáng, nhảy cẫng lên hét to “mẹ về rồi, mẹ về rồi”.

Giọng vang âm mừng vui của trẻ nhỏ, cộng với điệu nhảy nhót hăng hái khiến cả thế giới xung quanh dường như dừng hết các hoạt động. Tất cả mọi ánh mắt quay lại với đứa trẻ con, và những nụ cười vỡ ra giòn rụm.

Lúc đó tôi thấy mình đúng là người mẹ hạnh phúc. Bởi ở nơi mình về, có đứa trẻ luôn mong đợi mình. Đó chỉ là những ngày tôi hiếm hoi về trễ.

Từ kiểu hét đó, niềm vui mừng đó của con, tôi nhớ thuở xưa của mấy anh em nhà tôi khi đợi mong má của mình. Đó luôn là những khoảng đợi chờ thật kinh khủng, thời gian căng như dây đàn. Nhà tôi nằm heo hút trong xóm vườn.

Một căn nhà duy nhất bao quanh bởi ruộng, trú thấp trong những liếp cây, chỉ cần trời chạng vạng thì nơi đó đã tối sẫm. Bóng tối như nuốt mất căn nhà, nuốt mất chúng tôi, và hãi hùng nhất là tôi sợ cả chuyện bóng tối sẽ nuốt luôn dáng hình của má mình đang trên đường trở về nhà và sẽ không bao giờ tìm được đường về nữa.

Tôi là con gái út, hay tủi thân, lúc sắp trào nước mắt tuyệt vọng thì may thay má về tới. Chúng tôi cứ thế rú, hét, la, bật khóc, với chỉ một câu trào ra: “Má về rồi, má về rồi”.

Mặc người má ướt đẫm mồ hôi, má con cứ thế ôm chầm lấy nhau hôn lấy hít để, ngọn đèn dầu trong nhà như cũng chao đi cùng những niềm vui con trẻ. Tôi hình dung ra, lúc ấy chắc là những ánh mắt bọn chúng tôi sáng bừng, lấp lánh, và chong lên cho má niềm vui bình dị, thắp lại má sức lực đã sắp rụng rời.

Má tôi về, không chỉ làm cả đám con đỡ sợ ma, sợ bóng tối, mà còn đem về nào gạo, nào bánh trái. Má tôi thuộc dạng người nhỏ con, nhưng sức má dẻo dai hơn hết thảy so với những phụ nữ khác, mà cũng có thể vì bọn tôi làm má phải thật ráng sức mình.

Má thường đi bộ từ nhà tôi lên nhà bà ngoại cách đó 4-5 cây số, đội gạo đội bánh về những lúc giỗ quải, đám tiệc, hoặc những lúc má không thể mượn gạo nhà khác được nữa do những mùa cây trái đồng ruộng thất bát.

Có khi má bơi xuồng, một mình chèo chống “vào trong đồng” theo cách má gọi vì nơi ấy xa rất xa, toàn đồng ruộng, má vào nơi ấy để cắt lúa hoặc đi gom lúa mướn. Các anh trai tôi xin theo, má không cho vì sợ các anh bỏ bê chuyện học hành. Má lặn lội một mình.

Sau này lớn lên, tôi không thể hình dung ra những lúc đó má tôi nghĩ gì. Má có động lực nào, hay cũng chỉ là chúng tôi, những đứa con má sinh ra và má phải chăm lo. Còn ba tôi đâu? Tôi không hề biết rằng những câu chuyện về mối quan hệ của những người lớn cũng là nỗi ám ảnh trong suốt thời thơ ấu của mình, mà mình không được tìm hiểu cặn kẽ.

Hồi sau này má nói đi đường “tối hù tối đui”, má cũng sợ ma mà bấm bụng đi riết về quên mệt. Má nói cứ bước tới thôi con, rồi sẽ đến nhà, chớ có tiếng động sau lưng má cũng không dám dòm lại đâu. Hoặc như khi bơi xuồng về, lúc mũi xuồng lọt vô con rạch nhỏ để về nhà là má ra trước mũi xuồng mà chèo.

Từ đầu con rạch về tới nhà tôi đâu chừng 500 thước, nhưng con rạch nhỏ, ngoằn ngoèo và tối om khiến má sợ. Má nói ngồi sau lái, nếu mũi xuồng lủi vô đám cỏ rậm chắc ngồi sau má chết điếng luôn thôi. Sau những nỗi sợ của má chắc là có ánh mắt của bọn tôi mỗi lần đón má về, có tiếng hét, tiếng khóc, cái ôm siết. Nơi mà chỉ có đủ má đủ con mới thấy ấm cúng, mặc kệ thế giới, mặc kệ bóng tối và nỗi cô đơn của căn nhà lẻ loi nơi xóm vườn.

Con làm tôi nghĩ tới má. Tôi thấy mình thua xa má quá, mình nuôi có mỗi đứa con mà mấy lúc không đủ kiên nhẫn, cũng thiếu kiềm chế la hét con. Má tôi thì không thế, luôn dịu dàng, chưa bao giờ đánh một đòn đau nào vô cánh mông chúng tôi cả.

May mà con trẻ ít biết giận lâu. Như chiều nay, thấy tôi về trễ, con nói: “Mẹ, bộ mẹ mệt, mẹ việc nhiều hả mẹ? Để con đọc cho mẹ nghe cái này mẹ vui liền à”. Hỏi con đọc gì? Con nói hôm nay con đọc thuộc bài thơ của thi sĩ Hoa Giấy rồi, Hoa Giấy là ai mẹ biết không?

Đó là nhà thơ nổi tiếng trong truyện Mít Đặc. Rồi con đọc: “Mời bạn cùng ra đây. Theo nhịp còi thể dục. Dàn hàng ngang hàng dọc. Đuổi cái lười biếng mau. Một ngày mới bắt đầu...”.

Một ngày mới bắt đầu, cho tôi, cho con, cho những kết nối rất riêng. Tôi biết ký ức vẫn nằm yên đó, chờ đúng dịp để tìm về.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận