Để trẻ em đọc sách …

DUY VĂN 02/06/2017 02:06 GMT+7

TTCT - Xứ sở của Svetlana Alexievich - Nobel văn chương 2015 - đang tìm cách xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em như thế nào?

Các độc giả trẻ tham gia sự kiện flashmob ở Minsk (Belarus) "Đọc trong thành phố lớn" nhân Ngày văn hóa và chữ viết Slavo (2015)

 Đất nước Bạch Nga đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề quan trọng này bằng một cuộc thăm dò và điều tra quy mô, mà một báo cáo quốc gia hiếm hoi trong vòng 20 năm qua đưa ra.

TTCT trích giới thiệu như một mong muốn mang tới những tham khảo hữu ích cho những người cũng đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, cùng câu hỏi: Khi nào chúng ta có một nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này từ góc nhìn của khoa học giáo dục?

Báo cáo mang tên “Tình trạng hiện đại và xu hướng phát triển việc đọc của trẻ em ở Cộng hòa Belarus: theo các kết quả nghiên cứu của nước cộng hòa” (*) do Thư viện Quốc gia Belarus thực hiện.

Một trong những lý do khiến cuộc điều tra được tiến hành là vì “công nghệ truyền thông và thông tin hiện đại đã thay đổi đáng kể và đang tiếp tục thay đổi không chỉ những cách thức và phương tiện sản xuất các sản phẩm và dịch vụ, mà còn cả lối sống của con người, bắt đầu từ việc hiện thực hóa các quyền công dân cho đến việc tổ chức sử dụng thời gian”.

Vì một trong những nguồn lực chính cho sự phát triển đất nước, cho sự cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới là trình độ học vấn và văn hóa của người dân.

Theo báo cáo, trong khi những yêu cầu với con người trong xã hội thông tin đang thay đổi và tăng theo thời gian, thì việc đọc vẫn là chìa khóa để mở cánh cổng thông tin.

Và nếu 20-30 năm trước, việc đọc được đánh giá như một giá trị xã hội, sự hiện diện tủ sách gia đình như sự thể hiện danh giá, việc đọc sách, chứ không phải tạp chí, chiếm ưu thế thì hiện nay việc đánh giá sự đọc như một giá trị xã hội đã mất đi ý nghĩa của nó.

Cùng với đó, việc đọc - tức khả năng tiếp nhận thông tin văn bản - có nhiều cách khác nhau, bằng những thiết bị kỹ thuật khác nhau, nên vấn đề phát triển việc đọc cần được xem xét trước tiên trong bối cảnh phát triển không gian thông tin.

Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng thành công lớn nhất đạt được ở những nước thực hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực đọc là trọng tâm của chính sách này được đặt vào việc đọc của trẻ em và thiếu niên.

Báo cáo khảo sát các trẻ em trong hai nhóm: nhóm lứa tuổi phổ thông nhỏ (7-10 tuổi) và nhóm lứa tuổi phổ thông vừa (11-15 tuổi) với tổng cộng 2.800 em, ở các vùng khác nhau của thủ đô và 64 điểm dân cư trên toàn quốc.

Đồng thời, vì tính đến đặc thù của thói quen đọc và đam mê đọc được hình thành ở trẻ em ngay từ thuở nhỏ, người hướng dẫn đầu tiên và chủ yếu việc đọc của trẻ là gia đình, chủ yếu là cha mẹ, cuộc điều tra cũng tìm hiểu cả ở các bậc cha mẹ xem việc đọc có là một giá trị xã hội đối với họ hay không. Hoạt động của các định chế tạo thành cơ sở hỗ trợ và phát triển việc đọc của trẻ em, đặc biệt là thư viện, cũng được quan tâm.

Chính các quản thủ thư viện hiện nay - theo báo cáo - đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển văn hóa đọc và thông tin của trẻ em, bởi họ là trung gian giữa người đọc và thông tin.

Sự đọc trong thời gian rảnh

Trẻ em Belarus, giống phần lớn trẻ em thế giới, không thiếu các hình thức vui chơi. Trả lời câu hỏi “Em làm gì trong thời gian rảnh?”, 63,8% học sinh lớp nhỏ (7-10 tuổi) trả lời: “Đọc sách, báo, tạp chí”. Đối với trẻ em nhóm tuổi lớn hơn (từ lớp 5-9), việc đọc chiếm hàng thứ ba (hơn 56%), chỉ thua việc giao tiếp với bạn bè (63,4%) và chơi ngoài phố (59,5%).

Điều đó cho thấy trẻ em Belarus nói chung vẫn chọn lựa việc đọc như một trong những loại hoạt động yêu thích nhất trong giờ rảnh.

Đặc biệt, báo cáo cho thấy từ 11 tuổi trở đi, số trẻ em chọn việc đọc vào thời gian rảnh bắt đầu giảm. Nếu với trẻ em lớp nhỏ, việc nghe lời cha mẹ là bắt buộc, uy tín của cha mẹ là không tranh cãi, thì từ tuổi 15, việc giao tiếp với bạn bè, những mối quan tâm nhóm của trẻ đã khiến giảm dần tầm quan trọng của phụ huynh.

Để có một bức tranh chính xác hơn về thái độ của trẻ với việc đọc, các thiếu niên được mời chia sẻ ý kiến về việc đọc của các bạn đồng trang lứa.

Trẻ em tuổi từ 11-15 cho biết bạn bè đồng tuổi mình ít đọc, nêu ra những nguyên nhân chính như sau: có nhiều nguồn thông tin lựa chọn khác như tivi, radio, Internet (70,5%), không có thời gian cho việc đọc (27,8%), đồng thời cho rằng hiện nay đọc không còn là mốt (16,9%).

Những thông tin này sẽ giúp suy nghĩ về việc chọn lựa các con đường và phương tiện cho việc phổ biến hóa sự đọc cho các định chế văn hóa sách (như thư viện). Lối thoát khỏi tình hình này cũng được giới trẻ đề nghị: giảm bớt thời gian ngồi bên máy tính và tivi, tư vấn sách hay và tưởng thưởng cho việc đọc.

Các phân tích chỉ ra xu hướng “đọc phổ thông”, tức đọc những tạp chí giải trí, dễ hiểu và dễ tiếp nhận, không đòi hỏi sự tham gia của quá trình tư duy để suy nghĩ hoặc nghiền ngẫm nội dung văn bản.

Liệt kê những tạp chí phổ biến nhất trong giới trẻ từ 7-10 tuổi cho thấy phần lớn là những ấn bản dễ đọc kiểu Bạn có biết, Chuột Mickey, Ở nhà một mình..., cạnh đó là một số tạp chí giúp phát triển nhận thức như Vòng quanh thế giới hay Hành tinh.

Còn về sách, trong số 10 đầu sách phổ biến nhất của trẻ em lớp nhỏ có các quyển sách kinh điển Nga bên cạnh văn học nước ngoài.

Mặc dù trong danh sách có “sử thi” Harry Potter của J.K. Rowling, nhưng thủ lĩnh của danh sách này vẫn là những tác phẩm đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ và thời đại, như Bác Phedor, Con chó và con mèo, Cá sấu Ghena và các bạn của E. Uspenski, Mít đặc của N. Nosov...

 

 Vai trò của thư viện và phụ huynh

Báo cáo này cũng cho thấy cả trẻ em lớp nhỏ lẫn lớp vừa đều thích đọc ở thư viện thiếu nhi. Có 81% trẻ em từ 7-10 tuổi và 84% trẻ từ 11-15 tuổi ghi danh ở thư viện thiếu nhi, trong đó hơn 1/3 đi tới thư viện vài lần trong tháng.

Đặc biệt là trẻ em từ 7-10 tuổi ở các điểm dân cư miền quê: 41,3% trẻ em lớp nhỏ ở các làng quê đến thư viện mỗi tuần một lần, so với lứa tuổi này ở thành phố: 18,4%.

Với trẻ em ở miền quê, thư viện là nguồn văn hóa chính. Từ đó, báo cáo giới thiệu thêm những hình thức để thư viện trở nên hấp dẫn hơn: các nhóm đọc, các kiểu trò chơi cho các nhóm độc giả trẻ, những giải thưởng...

Trong giai đoạn hình thành việc đọc của trẻ em, hơn một nửa các bậc cha mẹ Belarus nhận mình là người chỉ huy, trong khi 1/3 trao quyền chọn lựa cho con.

Đối với đa số, việc đọc trong gia đình là thảo luận những gì đã đọc, hoặc một bộ các tác phẩm văn học dành cho cả gia đình hay một số thành viên của nó.

Kỷ nguyên các công nghệ truyền thông cũng để lại dấu ấn trong cả quan hệ gia đình, mà thuật ngữ “ghẻ lạnh” - khi con người thích giao tiếp từ xa qua điện thoại, Internet hơn là đối thoại trực tiếp - trỗi dậy. Muốn tác động lên quá trình “ghẻ lạnh” này, cần tới những chính sách theo từng giai đoạn, trong đó việc đọc của gia đình góp phần quan trọng.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của con người với sách diễn ra trong gia đình nhờ những câu chuyện kể, đọc cho trẻ nghe. Việc đọc ở gia đình sẽ đưa trẻ vào thế giới sách, là một phương tiện dễ kiểm soát hơn trong giáo dục con người, như một độc giả, từ trước khi chúng biết mặt chữ. Các thăm dò cho thấy 13% các bậc cha mẹ nhận thức việc đọc ở gia đình trong khái niệm này.

Nhưng trẻ càng trưởng thành, ảnh hưởng của cha mẹ đối với chọn lựa tác phẩm của trẻ càng giảm, nhường chỗ cho bạn bè. Và thư viện, như một định chế xã hội, thực hiện chức năng thông tin, học tập và giáo dục, cũng mất dần ảnh hưởng khi trẻ khôn lớn.

Điều đó đòi hỏi những nghiên cứu tiếp tục mà đầu tiên là chính các định chế giáo dục: “Việc ngày nay trẻ mất niềm tin vào thầy cô như người trợ giúp trong việc chọn lựa tác phẩm có thể là tín hiệu cho những vấn đề toàn cầu lớn hơn trong việc học tập và giáo dục”.

Những kết quả được tóm gọn trên đây dù sao cũng chỉ phản ánh thái độ với việc đọc và cách gieo cấy, thâm canh thói quen này cho giới trẻ Belarus. Nhưng báo cáo này cũng giúp tham chiếu cho việc đọc của trẻ em Việt Nam.

Chỉ vài câu hỏi: Trẻ em Việt Nam có thời gian rảnh hay không, đối chiếu với thực tế những đứa bé mặt mày bơ phờ tranh thủ ăn bữa chiều trên xe máy giữa các “ca” học thêm, không biết trả lời đâu là thời gian chạy chơi và đọc sách.

Mà khi chúng chọn lựa việc đọc thì một số đầu báo nhi đồng hay thiếu niên ít ỏi cũng đang trở thành “của hiếm” trên các quầy báo đang ngày càng thưa thớt trong cơn sóng phát triển của mạng xã hội... Hệ thống thư viện nhà nước gần như trở thành xa xỉ phẩm, được củng cố bằng những nỗ lực của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện đóng góp cho những tủ sách làng, xã...

Có lẽ cũng cần một cái nhìn đa chiều như thế để phát triển một thói quen, mà theo nhận định của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ từ năm 1983:

Việc đọc như một hiện tượng xã hội có thể sánh ngang với việc tích lũy vốn con người. Đó là vốn kiến thức, trí tuệ, kinh nghiệm giao tiếp và thể hiện cá nhân sáng tạo. Vốn con người dựa trên việc đọc có thể được tích lũy và sử dụng, có thể được chia sẻ hào phóng với bạn bè mà việc chia sẻ đó không hề làm con người cạn kiệt.

Con người, sở hữu vốn liếng này, sẽ dễ tìm được sự nhìn nhận của xã hội, ngôn từ phong phú hơn, thể hiện mình tự do hơn và hiểu người khác tốt hơn, nói tóm lại, con người đó sẽ xã hội hóa thành công”.

Nhiều cá nhân như thế, hiển nhiên, sẽ hình thành trình độ dân trí cao và văn hóa của một đất nước. ■

(*): Phát hành ở Minsk năm 2012

Trả lời của các chuyên gia cho câu hỏi: “Theo ý bạn, ai ảnh hưởng lên sự chọn lựa tác phẩm văn học của trẻ?”.

Trách nhiệm hình thành mối quan tâm tới việc đọc phần lớn được các chuyên gia quy cho gia đình: 85% các thủ thư và 89% giáo viên nhận định thế. Trường học nằm ở vị trí thứ hai về mức độ ảnh hưởng, tiếp đó là thư viện.

Về tác động lên các ưu tiên văn học của trẻ em, các quản thủ thư viện nhận định cha mẹ đóng vai trò đáng kể, trong khi các nhà sư phạm nhận trách nhiệm đó về mình. Các kết quả thăm dò cho thấy các thủ thư đã nhận định chính xác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận