Họa phúc cùng hưởng, có riêng mình tôi đâu!

CÁT KHUÊ 13/05/2015 17:05 GMT+7

TTCT - Nhan Thế Luân là một trong những cái tên không quá xa lạ với cộng đồng người dùng Internet ở VN. Trang nhaccuatui.com (NCT) mà Luân cùng các bạn mình sở hữu, phát triển rồi kinh doanh đang là một trong những trang web nghe nhạc trực tuyến có số lượng người truy cập cao nhất VN.

Nhan Thế Luân - Ảnh: Quang Định

Từ một trang web dành cho việc up và down nhạc, NCT phát triển nhanh chóng với doanh thu quảng cáo sau mấy năm khởi nghiệp đã lên đến con số hàng chục tỉ đồng. Thêm nữa, việc ký hợp đồng với hai hãng “cá mập” là Universal và Sony để có bản quyền phát hành nhạc trên trang web của mình cũng là một lợi thế cho công ty của Nhan Thế Luân.

Dù thế, NCT đã liên tục phải đối mặt với sự chỉ trích từ nhiều phía, thậm chí là lên án xung quanh vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Cởi mở, thân thiện, mềm dẻo là những ấn tượng từ Nhan Thế Luân khi anh dành cho TTCT một cuộc trao đổi không né tránh...

Khi họa phúc cùng hưởng

Có vẻ anh chung yếu tố khởi nghiệp “đơn giản” như nhiều nhà tài phiệt khác trên thế giới, cái yếu tố thường được nhắc đến khi đã thành công, rằng 25 tuổi, 10 đôla cho một tên miền giá nhiều triệu đôla bây giờ... Nguồn cơn của sự hứng khởi trị giá 10 đôla ấy là gì, và lúc đó anh đang thế nào ít ra là so với bây giờ?

- Ban đầu tôi chưa bao giờ dám nghĩ NCT được nhiều người biết đến như ngày hôm nay, trở thành một công ty, được cho là có giá nhiều triệu đôla... Bởi vì ban đầu chỉ là một ý tưởng làm chơi cho vui. Và đương nhiên, thời điểm đó có hàng trăm website nhạc “chơi cho vui” khác.

Tôi đã cần và có chút gì đó may mắn để có được câu chuyện ngày hôm nay. 10 đôla thật ra chỉ là do mọi người trêu đùa cho vui chứ khởi nghiệp mà có 10 đôla chắc đi mua vé số sẽ hay hơn. Lúc đó tôi là một lập trình viên vừa ra trường. Giờ thì không còn làm lập trình nhưng kiến thức vẫn còn tốt để “hù dọa” được các em nhân viên kỹ thuật trong công ty (cười)!

Tám năm từ cái thuở ban đầu ấy, cộng đồng mạng và nền tảng công nghệ VN thay đổi ra sao nếu nhìn qua lăng kính phát triển của NCT? Điều gì nằm trong dự tính của anh và điều gì làm anh thật sự bất ngờ?

- Tôi chưa thấy ngành nào thay đổi nhanh như Internet. Nếu như tám năm trước Internet còn là điều gì đó hơi xa lạ với mọi người, đường truyền chậm với tốc độ tính bằng đơn vị Kbs, giờ thì đi đâu cũng có thể kết nối Internet từ máy tính đến điện thoại, tốc độ tính bằng Mbs, bằng Gbs.

NCT của chúng tôi từ một website đơn giản chỉ hai người làm từ lập trình, sản phẩm cho đến hỗ trợ khách hàng và thậm chí duyệt bài hát... đến hôm nay đã là hơn 90 người. Nhạc thì từ chất lượng 20Kbs, 32Kbs, giờ thì 320Kbs thậm chí lossless... người dùng mới nghe. Từ một website, một server giờ thành một hệ thống với cả trăm server.

Nói chính xác là mình biết công nghệ sẽ thay đổi nhanh nhưng mình bất ngờ là nhanh khủng khiếp đến mức đôi khi không chạy theo kịp.

Các nhà đầu tư dành lời khen ngợi cho anh khi quyết định mở quỹ rằng anh là người biết cần làm gì, không cần làm gì, nhất là khi phải đối mặt với luật pháp. Anh có thừa nhận một trong những yếu tố giúp NCT phát triển ban đầu cũng nhờ sự “tranh tối tranh sáng” của luật bản quyền, luật về ứng xử với Internet tại VN?

- Việc gì chẳng có hai mặt, phải chấp nhận, tìm cách vượt qua chứ đừng than vãn. Quan điểm của tôi là vậy. Ừ thì NCT phát triển ban đầu nhờ “bức tranh tối sáng” của bản quyền, nhưng bức tranh ấy cũng dành cho khoảng 400 website nhạc khác thời điểm đó đấy chứ! Họa phúc cùng hưởng, có riêng mình ai đâu!

Có một câu hỏi từng được đặt lên bàn CEO đầu tiên của Yahoo Vietnam, rằng anh sẽ đứng về phía ai - người dùng của anh với tài khoản trên nền tảng ứng dụng anh đang quản lý, và luật pháp - CEO đó đã nói họ đứng về phía luật pháp. Còn anh có chung câu trả lời hay cố tìm một cách ứng xử mềm dẻo hơn không?

- Tôi muốn đạt được cả hai! Vì một sản phẩm tốt cho người dùng nhưng lại vi phạm pháp luật thì khó mà tồn tại lâu dài. Nhưng ngược lại thì còn... chết sớm hơn! Phải tìm cách cân bằng thôi.

Ví dụ như nhu cầu của người dùng là không thích trả tiền khi nghe nhạc thì mình cho họ nghe miễn phí, nhưng bù lại họ phải xem quảng cáo. Mình bán quảng cáo kiếm nguồn thu về thay vì thu của người sử dụng.

Tuy nhiên, dù chúng tôi sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng nhưng nếu cơ quan chức năng hay tòa án yêu cầu cung cấp một vài cá nhân nào đấy có yếu tố vi phạm pháp luật thì mình phải hỗ trợ họ. Suy nghĩ đơn giản hơn sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng.

Việc ký hợp đồng phân phối nhạc có bản quyền từ Sony Music và Universal Music ở VN đã thay đổi NCT ra sao, theo anh, về cả hình ảnh lẫn thực tế kinh doanh?

- Về kinh doanh thì chắc cũng ảnh hưởng vì chi phí có bản quyền tăng cao (mà hình như mỗi năm đều tăng cao hơn thì phải). Tuy nhiên hình ảnh công ty cũng được trong và ngoài nước đánh giá cao hơn, chắc là đẹp đẽ hơn so với trước...

 

 

Ở nơi mọi người tập trung vào đội khách

Anh học hỏi được nhiều từ cách làm của ai hay mô hình nào thành công trên thế giới? Anh nhận thấy những gì còn lạc hậu và bó buộc trong môi trường kinh doanh ở VN, đặc biệt là kinh doanh trực tuyến như NCT?

- Ban đầu thật sự làm chơi cho vui nhưng sau thì cũng học hỏi rất nhiều. Ngày xưa tôi không thích đi đó đi đây, giờ thì thích đi lắm để tới nơi học hỏi mô hình kinh doanh, sản phẩm cho đến mô hình văn phòng làm việc, văn hóa công ty...

Tôi may mắn đã được đến trụ sở Google, Facebook của Mỹ, Baidu của Trung Quốc và một số công ty trị giá hàng tỉ đôla khác của Nhật Bản. Đến đó mới thấy mình nhỏ bé so với các nước khác và mình chẳng là gì cả, một hạt cát sa mạc. Đã thế, môi trường kinh doanh cho Internet ở VN còn khó khăn hơn nhiều.

Tôi nghĩ nó giống như một trận đá bóng giữa Brazil và đội tuyển VN. Khán giả, quan chức, truyền thông... ủng hộ và tập trung vào... đội khách! Trọng tài cũng thế luôn! Các cầu thủ thì chỉ mong hết trận để được... đổi áo với cầu thủ nổi tiếng!

Một clip trời ơi đất hỡi của nước ngoài cũng có thể được các báo ồ lên đưa tin, giật tít rằng đã được hàng chục ngàn lượt xem trên kênh Y (ví dụ), trong khi trên NCT của chúng tôi hay một số trang mạng VN khác, một clip hàng triệu người xem nếu có bài thì bị cho là PR, trả tiền để được viết, được nhắc đến... Người dùng VN tâm lý đa số vẫn thích hàng ngoại và “dìm” hàng Việt.

Một vấn đề khác là sản phẩm của VN sẽ phải ràng buộc thêm một số giấy phép, quy định đi kèm nhưng sản phẩm nước ngoài thì không. Kết quả là tất cả các mảng chính của Internet ở VN hiện tại thì các công ty nước ngoài đứng đầu!

Một cộng đồng chia sẻ nhạc trên nền tảng NCT đang kinh doanh, họ có cho anh cái nhìn khái quát nào về giới trẻ Việt hôm nay trong sự thưởng thức, cách sống và cả... lý tưởng sống nữa?

- NCT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc nên cũng khó nói cách sống hay lý tưởng cụ thể và cao xa. Nhưng cũng có thể thấy giới trẻ nước mình ít người có đam mê và tâm huyết khi làm việc, chưa thật sự chiến đấu hết mình vì lý tưởng và đam mê đấy. Nếu hỏi ai muốn làm hay có ý tưởng gì thì rất nhiều người có thể trình bày hoành tráng nhưng chỉ 20-30% trong số đó làm, may lắm 10% ra được sản phẩm chứ chưa dám nói đến thành công.

Các bạn trẻ cho rằng ý tưởng là nhất nhưng xin thưa là thế giới có hàng tỉ người, những gì mình nghĩ ra thì chắc chắn đã có người khác nghĩa ra rồi. Mà từ ý tưởng ra sản phẩm là một câu chuyện, câu chuyện dài, đôi khi rất rất dài... (thở dài)

Nếu có đối tác mua lại NCT, cái giá nào đối với anh sẽ là không thể? Ví dụ như đối tác đó có “nhân thân xấu” chẳng hạn?

- Câu này không chỉ hỏi NCT mà có thể hỏi cả các tập đoàn lớn khác và tôi tin không ai “say no” với business cả, nếu đó chỉ là một cơ hội. Tôi thích câu của một nhà đầu tư rằng “công ty sinh ra không phải để bán mà là có thể được mua”. Hãy hiểu theo nghĩa đấy sẽ thấy mọi việc đơn giản hơn.

Làm kinh doanh thì không ai từ chối bất kỳ điều gì mang đến lợi ích cho cổ đông (trừ các công ty liên quan đến an ninh quốc gia). Nên nếu thật sự có công ty khổng lồ nào đấy xuất hiện đề xuất mua lại với một chiến lược phát triển tốt thì cũng nên cân nhắc. Đương nhiên là yếu tố “nhân thân xấu” nếu có cũng được xem xét rất cẩn thận!

Cảm ơn anh đã chia sẻ.  

Anh có trả bản quyền cho những sản phẩm có lợi (dù gián tiếp) trên website anh quản lý? Anh trả cho ai và trả bao nhiêu một năm? (*)

- Hiện tại bên cạnh hai chi phí server đường truyền và nhân sự thì bản quyền là nhóm chi phí cao thứ ba với NCT. Tổng số tiền vì yếu tố kinh doanh không thể nói ra nhưng có thể nói được tính bằng đơn vị tỉ đồng mỗi năm.

Thậm chí NCT có riêng một công ty con chuyên làm việc về các vấn đề bản quyền. Về phía tác giả, NCT làm việc cùng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) với mấy chục ngàn ca khúc đăng ký và hằng năm luôn là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ.

Về phía hãng ghi âm thì NCT ký với khá nhiều hãng đĩa và nhà cung cấp nội dung trong nước như MusicFaces, Wepro, VMG, SaigonNight, VTV, Hãng phim Trẻ... cho đến hãng nước ngoài như Thúy Nga, Universal, Sony Music, KDM (Hàn Quốc), Mono (Thái Lan)...

Về phía ca sĩ, NCT ký kết với hơn 700 ca sĩ, tự sản xuất khoảng 300 MV bởi NCT Production. Ngoài ra NCT còn áp dụng hình thức thanh toán theo lượt nghe/lượt xem cho các bài hát, MV mới, hình thức này mới nhưng cũng thanh toán rất tốt, có ca sĩ mỗi đợt thanh toán nhận được vài chục triệu đồng.

 (*): Câu hỏi nhạc sĩ Quốc Trung đặt cho Nhan Thế Luân.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận