Không còn tình yêu

JAVIER MARÍAS 08/11/2013 00:11 GMT+7

TTCT - Rất có thể mục tiêu chính của các hồn ma, nếu họ vẫn tồn tại, là ngăn cản mong muốn của những người còn sống, hiện ra khi sự có mặt của họ không được chào đón và lẩn biến đi nếu có ai trông chờ hay đòi hỏi.

Tuy vậy, các tài liệu mà ngài Halifax và ngài Rymer thu thập được trong những năm 1930 cho ta biết, đôi khi, có những thỏa thuận giữa ma và người.

Phóng to

Một trong những trường hợp khiêm nhượng và cảm động nhất là chuyện về một bà cụ sống ở thị trấn Rye khoảng năm 1910, một nơi chốn phù hợp cho những mối quan hệ lâu bền, vì cả Henry James lẫn E.F. Benson đều từng sống ở Rye độ vài năm trong cùng ngôi nhà có tên là Lamb House (họ sống ở đó trong những quãng thời gian khác nhau, Benson thậm chí còn trở thành thị trưởng), hai nhà văn rất mực bận rộn với những chuyến viếng thăm và sự trông đợi, hay có lẽ, niềm hoài nhớ ấy.

Thời trẻ, bà cụ này (nhũ danh Molly Morgan Muir) là người hầu cho một quý bà cao tuổi, giàu có. Molly giúp việc cho bà, gồm cả việc đọc tiểu thuyết để bà dịu nỗi buồn chán vì bà chẳng có nhu cầu gì mấy mà lại gánh chịu cảnh góa phụ từ sớm và không thể tránh khỏi: theo người dân trong thị trấn, bà Cromer-Blake đã phải chịu đựng sự thất vọng ngang trái thi thoảng trong tình yêu sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi, và có lẽ điều này - hơn là cái chết của ông chồng ít được hay hoàn toàn không được nhớ tới - đã khiến bà có vẻ cáu bẳn và thu mình vào cái tuổi mà những phẩm chất ấy ở một phụ nữ không còn hấp dẫn hay duyên dáng hay là đối tượng đùa cợt nữa.

Sự chán nản khiến bà uể oải đến nỗi bà gần như không thể tự mình đọc cái gì một mình trong im lặng, vì vậy bà sai người hầu đọc to cho bà nghe những chi tiết về các chuyện tình và cảm xúc mà với mỗi ngày trôi qua - và chúng trôi qua rất nhanh và đơn điệu - dường như càng xa cách hơn căn nhà ấy. Bà luôn lắng nghe thật lặng lẽ, tuyệt đối đắm chìm trong câu chuyện, và thảng hoặc lắm mới yêu cầu Molly Morgan Muir đọc lại một đoạn hay một mẩu đối thoại mà bà không muốn giã từ mà trước hết không cố tỏ ra lưu luyến.

Mỗi khi Molly đọc xong, nhận xét duy nhất của bà là: “Molly, giọng của cô thật dễ thương. Với chất giọng đó cô sẽ tìm thấy tình yêu”.

Chính trong những buổi đọc ấy hồn ma của ngôi nhà xuất hiện. Mỗi tối, khi Molly đang đọc những câu văn của Stevenson, Jane Austen, Dumas hay Conan Doyle, cô có thể nhận ra hình dáng một chàng trai trẻ, thuần hậu, một anh chàng vững chãi. Lần đầu thấy anh đứng tì hai khuỷu tay trên lưng ghế bà già đang ngồi, như thể anh ta đang chăm chú lắng nghe truyện cô đang đọc, cô suýt rú lên vì sợ hãi.

Nhưng chàng trai trẻ ngay lập tức nhấc một ngón tay lên môi trấn an, ra hiệu cô cứ tiếp tục và đừng tiết lộ sự có mặt của anh. Anh có một gương mặt hiền lành và một nụ cười bẽn lẽn thường trực trong đôi mắt giễu cợt, thỉnh thoảng nhường chỗ cho, giữa những đoạn u sầu, vẻ nghiêm túc ngây thơ và đầy cảnh giác của một người không rành rọt cách phân biệt giữa cái có thực và cái tưởng tượng.

Cô gái nghe theo, cho dù trong ngày đầu tiên đó cô không thể không ngước lên quá thường xuyên nhìn qua cái chỏm trên đầu bà Cromer-Blake, người cũng nhìn lên theo, như thể tự hỏi một cái mũ giả định nào đó đang bị lệch hay như thể đèn không đủ sáng. “Gì thế, cô bé? - bà hỏi, hơi bực mình - Sao cô cứ ngước nhìn cái gì hoài vậy?”. “Không có gì ạ - Molly Morgan Muir đáp - Chỉ là cách cháu cho mắt nghỉ ngơi trước khi quay lại cuốn sách thôi. Đọc lâu thế này làm cháu mỏi mắt”.

Chàng trai với chiếc khăn quấn quanh cổ khẽ gật đầu và cử chỉ đó có nghĩa là cô gái sau này có thể tiếp tục thói quen ngước nhìn và nhờ đó ít ra có thể thỏa mãn con mắt tò mò của mình. Vì kể từ đó, đêm nào cũng thế, trừ rất ít ngoại lệ, cô đọc cho bà già mà cũng là đọc cho anh, mà bà già chưa bao giờ ngoảnh lại hay khám phá ra sự hiện diện của chàng trai trẻ.

Chàng trai không nấn ná hay xuất hiện vào bất cứ lúc nào khác, do đó trong suốt bao năm trời Molly Morgan Muir chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện với anh hay hỏi anh là ai hay từng là ai hay tại sao anh lại nghe cô đọc sách.

Cô ngẫm tới khả năng anh biết đâu là nguyên do của sự thất vọng trong tình yêu bị cấm đoán mà bà chủ của cô gánh chịu đâu đó trong quá khứ, nhưng bà chủ chưa bao giờ chia sẻ bí mật nào, bất chấp những lời bóng gió của những trang sách được đọc to ấy và của chính Molly trong những cuộc trò chuyện chậm rãi trong đêm suốt cả nửa cuộc đời.

Có lẽ tin đồn là không đúng và bà chủ chẳng có gì đáng để kể lại, ấy là lý do tại sao bà đòi nghe những câu chuyện xa xôi nhất, lạ lẫm nhất và khó xảy ra nhất. Hơn một lần, Molly có ý định làm điều tử tế, nói cho bà nghe chuyện gì diễn ra sau lưng bà để bà chia sẻ với cô niềm hào hứng nho nhỏ hằng ngày, kể cho bà nghe về sự hiện diện của một người đàn ông giữa những bức tường vô tính, trầm tư, trong đó chỉ có tiếng vọng, đôi khi nguyên cả ngày đêm, của giọng họ.

Giọng của bà chủ ngày càng già hơn, lẩn thẩn hơn, còn giọng của Molly Muir, mỗi sáng, bớt đẹp đi một tí, yếu ớt hơn và nhợt nhạt hơn, và trái ngược với dự đoán, không mang đến tình yêu cho cô, ít nhất không phải là một thứ tình yêu sẽ ở lại, một thứ tình yêu có thể cầm nắm được.

Nhưng bất cứ khi nào cô định đầu hàng sự quyến rũ đó, cô sẽ đột nhiên nhớ lại cử chỉ ra hiệu im lặng của chàng trai - ngón tay trên môi, thỉnh thoảng lặp đi lặp lại với ánh nhìn hơi có vẻ trêu chọc - và thế là cô giữ im lặng. Cô không muốn chọc giận anh chút nào. Có lẽ ma cũng dễ chán chường như góa phụ.

Sau khi bà Cromer-Blake mất, Molly vẫn ở trong ngôi nhà ấy, buồn và mất phương hướng nên cô ngừng đọc sách mất mấy ngày: chàng trai không xuất hiện. Tin rằng chàng trai quê muốn có được học vấn mà chàng rõ ràng là đã thiếu trong cuộc đời, nhưng cũng sợ rằng không phải vậy mà sự hiện diện của chàng gắn một cách bí ẩn với bà già mà thôi, cô quyết định đọc to trở lại để gọi anh về, lần này cô không chỉ đọc tiểu thuyết mà còn cả sách về lịch sử và khoa học tự nhiên.

Mất ít lâu chàng trai mới xuất hiện trở lại - có lẽ ma cũng để tang, họ có lý do làm điều ấy hơn ai hết - nhưng cuối cùng chàng cũng xuất hiện trở lại, có lẽ bị thu hút bởi những nội dung mới mà chàng tiếp tục lắng nghe với cùng vẻ chăm chú, nhưng lần này chàng không đứng, tì vào lưng ghế mà thoải mái ngồi hẳn xuống ghế bành, thỉnh thoảng vắt chân chữ ngũ, cầm tẩu thuốc trên tay như một vị trưởng tộc mà anh không bao giờ trở thành.

Cô gái, ngày càng già đi, càng nói chuyện thân mật hơn với anh, nhưng chưa bao giờ được trả lời: ma không phải lúc nào cũng nói được, mà cũng không phải lúc nào cũng muốn nói. Và như thế mối liên kết đơn phương ấy phát triển, năm tháng cứ thế trôi qua, cho đến một ngày nọ chàng trai không hiện ra, rồi cả những ngày và tuần kế tiếp cũng không thấy chàng đâu.

Cô gái, giờ đã khá già, thoạt tiên lo lắng như một người mẹ, sợ một tai nạn hay chuyện không may nghiêm trọng nào đó đã xảy ra với anh, không nhận thức được rằng những chuyện ấy chỉ có thể xảy ra với người sống, chứ ai không còn sống thì lại an toàn. Hiểu ra điều này, nỗi lo lắng của bà chuyển sang tuyệt vọng.

Tối tối, bà nhìn chằm chằm vào cái ghế bành trống rỗng và nguyền rủa sự im lặng, hỏi những câu hỏi đau buồn với hư không, ném những lời trách móc vào không gian vô hình.

Bà băn khoăn không biết mình đã phạm phải lỗi lầm gì và bà háo hức tìm những cuốn sách mới có thể khơi dậy lòng hiếu kỳ của chàng trai để khiến chàng quay trở lại, những thể loại mới và tiểu thuyết mới, và bà nôn nao chờ đợi từng kỳ truyện Sherlock Holmes mới, vì bà tin tưởng kỹ năng và văn chương của ông hơn bất kỳ món mồi khoa học hay văn chương nào khác.

Bà tiếp tục đọc to mỗi ngày, để xem chàng trai có đến hay không.

Một tối nọ, sau nhiều tháng sầu muộn, bà phát hiện ra cái đánh dấu sách kẹp trong một cuốn của Dickens mà bà đã kiên nhẫn đọc cho chàng trai trong khi chàng vắng mặt không còn ở chỗ bà đánh dấu nữa, mà đã được dời sang chỗ khác cách đó nhiều trang. Bà cẩn thận đọc trang chàng đánh dấu, và rồi cay đắng bà hiểu ra và gánh chịu nỗi thất vọng vốn có thể đến trong mọi cuộc đời, cho dù cuộc đời ấy kín đáo hay tĩnh lặng đến thế nào chăng nữa.

Trong trang sách ấy có một câu như thế này: “Và khi cô già đi và nhăn nheo, chất giọng mờ đục của cô không còn làm chàng vui sướng nữa”.

Ngài Rymer nói rằng bà già ấy trở nên phẫn uất như một người vợ bị từ chối, và rằng hoàn toàn không chấp nhận phán xét này và không chịu câm lặng, bà lớn tiếng mắng mỏ khoảng không:

“Ngươi không công bằng. Ngươi không già đi và ngươi cứ muốn có những giọng đọc trẻ trung, tươi tắn, ngươi muốn ngắm những gương mặt đầy căng rạng rỡ. Đừng nghĩ là ta không hiểu ngươi, ngươi trẻ trung và vẫn mãi trẻ trung. Nhưng ta đã dạy dỗ ngươi, giải khuây cho ngươi bao nhiêu năm nay, nếu nhờ ta mà ngươi học được bao nhiêu điều, kể cả học đọc, thì cũng đừng tới mức mà ngươi để lại cho ta những lời nhắn phũ phàng qua chính cuốn sách mà ta luôn chia sẻ với ngươi.

Hãy nhớ rằng khi bà mất đi, ta có thể dễ dàng đọc trong im lặng, nhưng ta đã không làm vậy. Ta biết ngươi có thể đi tìm những giọng nói khác, không có gì ràng buộc ngươi với ta và đúng là ngươi chưa từng đòi hỏi gì ở ta nên ngươi chẳng nợ nần gì ta.

Nhưng nếu ngươi có chút lòng biết ơn nào, ta yêu cầu ngươi ít nhất một tuần một lần đến nghe ta đọc và hãy kiên nhẫn với giọng của ta, cho dù giọng ta không còn đẹp đẽ và không còn làm ngươi vui sướng, bởi vì giờ đây nó sẽ không bao giờ mang tình yêu đến cho ta. Ta sẽ cố tiếp tục đọc tốt hết sức mình. Nhưng hãy tới, bởi vì giờ đây ta đã già, ta mới là người cần ngươi đến đây giải khuây cho ta”.

Theo ngài Rymer, hồn ma thanh xuân thuần hậu vĩnh hằng đó không phải là hoàn toàn không hiểu biết và chàng đã nghe rõ lý do hay ít ra cũng hiểu biết ơn nghĩa là gì.

Từ đó, cho đến khi chết, Molly Morgan Muir hào hứng và sốt sắng đợi đến mỗi thứ tư, ngày mà tình yêu câm lặng và không chạm tới được của bà chọn để trở về với quá khứ của thời của chàng, mà thực ra ở đó không có quá khứ và không có thời gian.

Và người ta nghĩ rằng chính điều ấy đã khiến bà sống thêm nhiều năm nữa, tức là với một quá khứ và một hiện tại và cả một tương lai hay có lẽ chỉ là niềm hoài nhớ.

Javier Marías sinh năm 1951 tại Madrid. Ông được xem là một trong những nhà văn “tinh tế và tài năng nhất của văn học Tây Ban Nha đương đại“ (đánh giá của tờ The Boston Sunday Globe). Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đã được dịch ra 34 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Bạn đọc Việt Nam đã có dịp làm quen với hai tiểu thuyết của ông là Trái tim bạc nhược và Người đàn ông đa cảm.

Tác giả mang lại cảm hứng lớn nhất cho ông là Shakespeare. Ngoài viết văn, ông còn là dịch giả (dịch Faulkner, Conrad, Stevenson, Laurence Sterne... sang tiếng Tây Ban Nha) và giảng dạy về văn học Tây Ban Nha tại Anh và Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận