Quán cà phê gốc mít

PHÙNG HI 13/08/2013 09:08 GMT+7

TTCT - Đất nhà rộng một phần, phần nữa chất nông dân in sâu tâm khảm hay sao mà ông trồng mít xoài mận khế kín vườn, um tùm hoa lá, luân phiên kết trái theo mùa.

Phóng to
Phùng Hi

Đất rộng, nhà văn mở quán cà phê. Khách phần đông là giới văn nghệ hoặc yêu văn nghệ, chỉ bán từ 6 giờ 30 đến 9 giờ 30 mỗi ngày. Khách hàng của ông, đệ tử của nàng tiên đen (tức cà phê) gồm: phóng viên báo giấy, báo nói, báo hình. Mấy tay viết văn, làm thơ, dịch sách tự do lẫn chưa tự do. Mấy tay làm ở các ban ngành như cục thuế, thông tin văn hóa. Mấy ông giáo viên, mấy ông về hưu mê văn chương và thích tranh luận...

Vô tình câu chuyện bàn cãi ở bàn cà phê thành chuyện “bàn tròn văn nghệ”. Vợ nhà văn lãi cà phê đủ tiền chợ, còn nhà văn có chất liệu để viết, lợi cả đôi đường.

Giới văn nghệ nói vui: “Quán cà phê nhà văn nhiều cây ăn trái nhưng không trái nào ăn được”. Mận thì lạt nhách để rụng bộp bộp trên mái che, lăn đùng đùng rồi rơi xuống đất. Xoài không chua không ngọt, khế thì không ngọt không chua.

Riêng mấy cây mít trái sai giắt cục giắt hòn quanh gốc, biết ăn có ngon không hay chỉ để làm cảnh cho các tay máy nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp khai thác mọi góc độ, và kéo dài từ lúc trái bằng nắm tay đến khi to bằng mấy cái đầu, chín thơm lừng rồi rơi đánh bịch.

Hai cây mít nằm trong khu vực mái che của quán, nhà văn khoét lỗ tôn cho tán vươn lên trời, gốc nằm trong quán. Nhà văn mong ước quán cà phê thành “quán văn” nhưng coi bộ sắp định danh “quán cà phê gốc mít” mất rồi.

Người dưng

Sáng chủ nhật mưa lất phất, tôi len vào hẻm nhỏ, tắt ra đường lớn đến dự lễ sớm nơi ngôi nhà thờ phía trước. Một phụ nữ khá lớn tuổi với chiếc dù cũ móp méo phía chóp, đang chuẩn bị băng qua đường. Chị đứng lại chờ tôi cùng vài phụ nữ nữa băng qua con đường khá nhiều xe cộ dù trời chỉ sáng tinh mơ.

Chợt chị hỏi tôi: “Đến nhà thờ K mình đi hết con đường này phải không chị?”. Tôi hỏi lại: “Chị ở đâu đến mà không biết nhà thờ K?”.

- Tôi ở Cần Thơ.

Tôi ngạc nhiên:

- Chị lên Sài Gòn thăm người quen à?

- Dạ, tôi thăm hài cốt bà chủ tôi trong nhà thờ này.

Chúng tôi đang đi dọc cổng rào bên hông nhà thờ. Tôi hỏi chị thuộc giáo xứ nào ở Cần Thơ, câu trả lời khiến tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

- Tôi không có đạo.

Rồi để giải tỏa cái tính tò mò của con người lắm chuyện như tôi, chị trả lời rành rẽ:

- Tôi ở Cần Thơ, lên Sài Gòn “ở đợ” cho bà chủ suốt mười mấy năm trời. Bà có đạo, tôi thì không. Tôi sống với bà, chăm sóc bà cho đến khi bà bị bệnh, liệt giường và qua đời. Tôi chỉ biết hài cốt bà được gởi trong nhà thờ K. Mấy hôm trước tôi mơ thấy bà... Tôi rất nhớ bà nên hôm qua tôi lên Sài Gòn thuê phòng trọ để sáng nay đến thăm bà.

Đến cổng nhà thờ, chị chào tôi rồi bước vào dự lễ thật chăm chỉ dù không thể đọc kinh, làm dấu. Sau lễ, tôi nhìn thấy chị đi về phía nhà hài cốt. Nhìn theo dáng chị, một phụ nữ gần 60, tôi không khỏi ngậm ngùi cho một tình cảm dường như cũng rất thiêng liêng giữa một người chủ và một người phục vụ tận tụy, trung thành.

TTCT cảm ơn các bạn: Lưu Thị Cẩm Huyên, Sông Dài, Minh Vũ, Lê Ngọc Hạnh, Huỳnh Thị Thu Thảo, Lê Quang Thọ... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận