Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô lập di chúc sớm?

CẢNH CHÁNH 27/04/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Việc ngày càng có nhiều người trẻ đi lập di chúc đang trở thành một hiện tượng nóng ở Trung Quốc.

 
 Người dân đến tư vấn tại văn phòng Ngân hàng Di chúc Trung Quốc.-Ảnh: sohu.com

Cộng đồng mạng Trung Quốc mới đây phát sốt lên với thông tin một nữ sinh 18 tuổi lập di chúc để lại số tiền hơn 20.000 tệ (khoảng 70 triệu đồng) trong tài khoản tiết kiệm cho một người bạn, lý do người bạn này đã quan tâm giúp đỡ khi cô trong giai đoạn đau buồn nhất.

Tân Quán Doanh (30 tuổi, người Sơn Đông) đã lập di chúc vào tháng 11-2020 vì sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cô nhận thấy tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cô muốn người thân mình có cuộc sống tốt hơn nên tự nhủ nếu chẳng may cô ra đi, cô vẫn sẽ để lại gì đó cho gia đình để giúp họ có cuộc sống ổn định. 

Anh Hà (22 tuổi, nhân viên lập trình) muốn lập di chúc vì công việc tăng ca liên tục, cuộc sống khiến anh luôn mệt mỏi, căng thẳng. Mỗi khi tăng ca về khuya, anh lại nghĩ đến việc lập di chúc.

Độ tuổi lập di chúc đang trẻ hóa

Vào giữa tháng 3, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc công bố Sách trắng năm 2020 phân tích dữ liệu của ngân hàng. Theo dữ liệu này, trong bốn năm gần đây, số người thế hệ 8X (sinh năm 1980 - 1989), 9X (sinh năm 1990 - 1999) lập di chúc tăng gần 6 lần; thậm chí thế hệ 10X (sinh năm 2000 - 2009) cũng đã bắt đầu lập di chúc.

Vào thời điểm năm 2017, dữ liệu ngân hàng này cho biết có 55 người thế hệ 10X lập di chúc, năm 2018 là 123 người, năm 2019 là 166 người và đến cuối năm 2020 đã lên tới 553 người, cho thấy độ tuổi lập di chúc đang ngày càng trẻ hóa.

Trong số di chúc của thế hệ 8X, có đến 97,23% liên quan đến nhà cửa, tài khoản ngân hàng. Tại Trung Quốc, 8X là một thế hệ có rất nhiều người giỏi đầu tư, có lẽ vì vậy mà 13,6% di chúc của những người thuộc thế hệ này liên quan đến cổ phần công ty; 15,89% liên quan đến chứng khoán - một tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các nhóm tuổi khác. Về nghề nghiệp, hơn 50% người lập di chúc từ 30 - 39 tuổi là nhân viên quản lý cao cấp và nhân viên kỹ thuật chuyên ngành.

Ngân hàng Di chúc Trung Hoa thành lập từ năm 2013, đến nay đang bảo quản 190.000 tờ di chúc, và người lập di chúc trẻ nhất là 17 tuổi. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, người đủ 16 tuổi được xem là có năng lực hành vi dân sự nên có thể lập di chúc.

 Lập di chúc không phải là một dấu chấm hết, là một khởi đầu để sau này sống tích cực hơn

- Một người thuộc thế hệ 9X đã lập di chúc

Vì sao họ lập di chúc sớm?

Người già lập di chúc chủ yếu để tránh gia đình xào xáo vì thừa kế tài sản, giúp đơn giản hóa thủ tục thừa kế, tài sản (chủ yếu là bất động sản). Một số khác lập di chúc để đảm bảo cuộc sống cho người bạn đời. 

Việc lập di chúc của giới trẻ Trung Quốc lại chủ yếu nhằm tránh trường hợp bố mẹ họ không biết con cái mình có tài sản gì, khiến tài sản bị thất lạc. Hiện trạng bất ổn trong hôn nhân gia tăng trong vài thập kỷ qua cũng khiến nhiều thanh niên lập di chúc để bảo vệ tài sản trước hôn nhân.

Và điểm khác biệt nữa là di chúc của những người trẻ không chỉ có tài sản thực tế mà có cả tài sản ảo: như tài khoản WeChat, QQ, Alipay, tài khoản game online. Có những di chúc thậm chí còn để lại quyền thừa kế nguồn khách hàng đang sở hữu, thú cưng... 

Theo Bộ luật dân sự sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2021 của Trung Quốc, tài sản ảo cũng thuộc phạm vi tài sản có quyền thừa kế. Vì vậy, có người đã ghi trong di chúc như sau “không được xem lịch sử tìm kiếm và bộ sưu tập ảnh trong di động của tôi; xin hãy xóa tất cả tài khoản mạng xã hội và hủy sim điện thoại của tôi”. 

Có người để lại tài khoản WeChat cho bố mẹ thừa kế vì trong đó có nhiều hình ảnh lưu niệm.

 
 Hướng dẫn lập di chúc 

 Người già lập di chúc chủ yếu cho con cái hay vợ/chồng thừa kế; nhưng người trẻ Trung Quốc lập di chúc cho cả bố mẹ/người thân và cho bạn bè thừa kế.

Trần Khải Tăng, người phụ trách Ngân hàng Di chúc Trung Quốc, cho rằng 30 tuổi là độ tuổi tốt nhất để lập di chúc. Ông giải thích: 30 tuổi là người vừa có một chút thành quả trong công việc, hoặc vừa lập gia đình, quan hệ giữa bạn đời và bố mẹ chưa thân thiết, nếu chẳng may bạn ra đi trước, họ rất có thể sẽ tranh chấp tài sản, do đó cần có sự sắp xếp trước.

Đấy là trường hợp của anh Lưu Hạ (33 tuổi), người đột nhiên phát hiện ung thư vào tháng 4-2020. Sau khi được phẫu thuật, anh tỉnh dậy là đối diện yêu cầu từ bố mẹ muốn anh lập di chúc ngay, lý do là gia đình anh vừa nhận tiền giải tỏa, bố mẹ sợ vợ anh ôm hết tiền. Lưu Hạ đã mất gần 1 tháng để lập di chúc sao cho vừa lòng cả hai phía.

 Người trẻ đến tư vấn tại Ngân hàng di chúc Trung Quốc - ảnh: baidu.com

 

 Không nên quá đau buồn, chị chỉ đi một nơi rất xa, có thể rất lâu mới quay về. Nhớ mua đồ ăn cho ông bà nội, ông bà ngoại. Trời lạnh mua thêm áo cho họ. Bố mẹ nhờ cả vào em chăm sóc, nhớ dành thời gian bên bố mẹ

- Một cô gái 19 tuổi để lại lời nhắn cho em trai trên app Di chúc WeChat

Giới trẻ lo âu và lo xa

Những người tán thành việc lập di chúc sớm cho rằng đó là việc tốt, hi vọng ngày càng nhiều người có ý thức lập di chúc để lỡ xảy ra tai nạn, bất trắc, tờ di chúc sẽ làm giảm mọi tranh chấp. Họ có câu: “Tương lai và tai nạn, không biết cái nào đến trước”.

Đường Đường, một cô gái thuộc thế hệ 9X ở Thượng Hải, chia sẻ trên trang Chinanews: nếu năm nay có thai, cô sẽ lập di chúc ngay. Chứng kiến nhiều bạn bè khi sinh con phải vào phòng hồi sức cấp cứu, cô nghĩ đến việc sinh con là sợ. 

Là con một trong nhà, tài sản của Đường đều do bố mẹ cho, sau khi kết hôn, chồng cô trở thành người thừa kế thứ nhất của cô nên Đường muốn lập di chúc để bảo đảm cuộc sống về già của bố mẹ.

Nhưng có người phản bác Đường. Lữ Đức Văn, một cư dân mạng lập luận “thế hệ 9X chưa có nhiều mối quan hệ xã hội, kinh tế chưa hoàn toàn độc lập hay trở thành trụ cột gia đình, do đó chưa đủ điều kiện lập di chúc”. 

Đồng quan điểm, nhiều cư dân mạng trẻ cho biết họ không có tài sản, chỉ có khoản nợ, nên đùa rằng họ sẽ viết trong di chúc “xin thanh toán giùm tôi khoản nợ trên AliPay; tôi không có tài sản chỉ có tài khoản QQ, game online, tài khoản WeChat”.

Trên tờ Nam Phương Cuối Tuần, tiến sĩ tâm lý Trương Khả Tiến cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ lập di chúc cho thấy sự lo âu xã hội của họ. Họ sống trong thời đại công nghệ thông tin, kè kè điện thoại, lên mạng mọi lúc mọi nơi, sáng mở mắt là có thể đọc được đủ loại thông tin đang xảy ra trên thế giới, trong đó có nhiều thông tin tiêu cực, khiến họ luôn có cảm giác mọi thứ đang diễn ra ngay xung quanh mình. 

Dần dần, tới lượt họ tự nhủ một ngày nào đó họ cũng sẽ gặp phải những sự cố như vậy và trở nên lo lắng, thậm chí lo âu về cái chết.

 
 Chứng nhận di chúc của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc. Ảnh: baidu.com

Theo báo cáo điều tra sức khỏe người dân năm 2020 của bác sĩ Đinh Hương với hơn 70.000 người, 53% người khảo sát lo lắng bị đột tử; trong đó 6% thường xuyên lo lắng, thậm chí lo lắng mỗi ngày. Trong khi những người già lại ít lo về việc đột tử hơn, thế hệ 9X, 10X lại có tỉ lệ lo lắng chiếm lần lượt 60% và 58%.

Lữ Đức Văn, một nhà nghiên cứu tại Học viện xã hội (Đại học Vũ Hán), nhìn nhận việc ngày càng nhiều người trẻ nước ông muốn lập di chúc, quy hoạch tương lai sớm hơn, biết suy nghĩ về trách nhiệm với người khác… là một sự tiến bộ. 

Cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội, đời sống vật chất được nâng cao, con người ngày càng chú trọng sức khỏe, cái chết do vậy cũng thường trở thành đề tài của người trẻ.

Theo Nam Phương Cuối Tuần, việc tư vấn, dự thảo, đăng ký, bảo quản và thực hiện di chúc có chi phí lên đến 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng), phí dịch vụ được tính trên tài sản trong di chúc. ■

Di chúc online

Năm 2020, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc thiết lập App Di chúc WeChat, với những lời nhắn gửi hạnh phúc. Ngay năm đó, đã có đến 70.000 lượt người để lại lời nhắn cho người thân, bạn bè.

Từ tháng 2 đến tháng 3-2020, khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, cũng là giai đoạn có nhiều người để lại lời nhắn nhất, có hôm ngân hàng nhận được hơn 1.000 di chúc. Họ đa phần thuộc nhóm người tuổi từ 20 - 30 (chiếm 38,7%); tiếp theo là nhóm dưới 20 tuổi (chiếm 27,4%). Họ để lại lời nhắn với người yêu hiện tại, người yêu cũ, người thầm yêu trộm nhớ; với bố mẹ, bạn thân.

Tuy nhiên, luật sư Trần Đan Đan khi trả lời phỏng vấn trang Chinanews đã khẳng định Di chúc WeChat hay các dạng di chúc trên mạng khác là không có tính pháp lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận