TTCT - Bạn bè tình cờ gặp lại, trao đổi nhanh nhanh số điện thoại, cùng câu hẹn hò rằng: “Bữa nào cà phê nói chuyện lâu hơn, mày nhé!”. Phóng to Minh họa: SALEM Tình nhân mới quen nhau, thay cho lời ngỏ ý, cũng vẫn bâng quơ nhiều ý nghĩa là mai mốt cà phê nghen anh, nghen em. Phụ nữ lâu lâu cũng muốn ra quán ngồi, thong thả, ung dung, hưởng thụ chút tự do và nhàn rỗi mà có khi phải chắt bóp lắm mới có được. Đàn ông bàn chuyện làm ăn, công việc, khách hàng, đối tác… tất nhiên lại hay đi cà phê. Laptop, khói thuốc, và một ly nước đăng đắng thơm thơm, càng dễ làm việc, càng dễ thành công hoặc cảm thấy mình thành công. Vui cũng cà phê. Buồn cũng cà phê. Không vui không buồn cũng cà phê nốt. Cà phê là mốt, là sành điệu, là cá tính kia mà! Lâu lâu lại hỏi nhau rằng biết quán nào mới mới không, biết chỗ nào hay hay không? Rảnh rỗi thì đi cà phê, nghe nhạc, suy ngẫm giết thời gian. Thời gian là thứ không cần giết nó vẫn “chết” đi, đều đặn, tích tắc, vô hình. Giang hồ gọi là “thiền” cho qua ngày đoạn tháng vậy mà. Mở cửa ra là thấy cà phê ngay đầu hẻm. Bước chân ra đường mới biết thành phố bây giờ quán cà phê đâu đâu cũng có. Quán đẹp, sân vườn, non bộ, bàn ghế chỗ mộc, chỗ sang. Tiếp viên chỗ lịch sự chỗ gợi cảm. Thức uống chỗ ngon lành chỗ cá tính, trang trí chỗ sến chỗ Tây, đủ kiểu đủ điều. Từ cà phê bệt ở công viên, góc phố cho tới lộng lẫy ở trung tâm, cà phê tồn tại như một điều tất nhiên, hợp thời đến không sao hiểu được. Ngày mưa ngày nắng, cuối tuần hay thứ hai, thì cà phê vẫn có khách quen của quán. Đi cà phê không phải chỉ để uống cà phê. Tất nhiên. Đôi lúc cà phê cùng bạn thân, nghe bạn tắc lưỡi khi cầm tờ hóa đơn, kêu khẽ rằng ở đây tính mắc quá hả. Mấy trái chanh dây này ở chợ bán có bao nhiêu một ký. Chợt băn khoăn nhớ ra ở chợ đâu phải chỉ có mấy trái chanh dây. Còn có rau, có cá, có bữa chiều của cả nhà, chưa chắc đã bằng chầu cà phê này. Đôi khi ngắm phố phường lại tần ngần thấy chị bán trái cây dạo đẩy xe ngang qua, có anh bánh cam đường dừng chiếc xe cũ kỹ lại nghỉ mệt dưới bóng mát xà cừ trước quán. Khách tự hỏi một ý thật buồn cười, chẳng biết cả xe bánh của anh ấy có đủ một lần cà phê hay không nhỉ?! Khách cà phê tất nhiên không nghĩ xa xôi đến mẹ ở quê, hay mua cá nhỏ, đôi khi lại là tép mòng tép trấu đong bằng lon, có lẽ mấy ngàn. Đến đứa trẻ bán vé số vừa ngang qua, tần ngần ngước lên nhìn hàng quán, mơ ước hay thèm thuồng? Cuộc sống có những quy tắc của nó, chẳng thể cái gì cũng cứ mãi “quy ra thóc” như ngày xưa được. Vậy hà cớ gì mà ta đôi lúc lẩn thẩn mỗi khi đi cà phê thế này? Chị Hai và ông giữ xe Hổm rày để ý sáng nào chị Hai cũng xách xe đi chợ, mặc dù chợ nhỏ cách nhà chưa tới ba trăm mét, và cũng vì suốt nhiều năm nay chị đều đi bộ, trừ những dịp phải mua nhiều thứ khi nhà có đám tiệc chị mới đi xe ra chợ lớn, vậy nên mới tò mò… Hỏi, chị chỉ cười cười không nói. Thế nên lén lén theo sau, tính hiếu kỳ chắc sinh ra từ trong máu! Rồi chưng hửng vì chị đạp xe ra chợ nhỏ, mua đồ, về. Chẳng có gì hơn để khám phá. Cuối tuần, một phần muốn phụ chị, một phần tìm hiểu, thế nên cũng dắt xe đi chợ… gần! Phát hiện ngôi chợ có thêm người giữ xe, một ông già nhỏ bé, có vẻ ngờ nghệch nhưng nhiệt tình quá cỡ. Nói tiếng giữ xe cho sang chứ chợ nhỏ xíu, trước giờ ai có đi xe cũng dựng đó bước tới lui mua mấy món đồ rồi lên xe chạy, chẳng cần người coi mà cũng không mất mát lần nào. Bây giờ xuất hiện ông già giữ xe nhìn tồi tội, khách mua gửi nhưng thói quen vẫn liếc mắt coi chừng xe mình, nói nôm na là gửi cũng như không. Ông già giữ xe lăng xăng dọn chỗ, khiêng phụ đồ người này, dời giùm xe người nọ, lao động nhiệt tình hăng hái. Có người mua xong lên xe rồ máy chạy mất, có người nhăn mặt miễn cưỡng rút ra tờ một ngàn hay hai ngàn, nhưng cũng có nhiều người vui vẻ trả tiền lại còn thăm hỏi cảm ơn. Loáng thoáng tiếng chị bán rau: “Ông già coi vậy chứ tội, con cái bỏ đi biệt tích không ai nương tựa. Kệ, để ổng giữ xe rồi bà con mình phụ ổng ít đồng mua gạo ăn…!”. Chợt hiểu chị Hai mà chạnh lòng. Chị ở với vợ chồng mình, nhưng chị cũng chẳng có con nương tựa lúc tuổi già! TTCT cảm ơn các bạn: Trang Loan, Ninh Thị Kiều Hạnh, Phan Thi Luyen, Lương Hoài Sơn, Lê Tấn Thời, Lưu Cẩm Vân,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố. Tags: Cà phêNhật ký thành phốGiữ xe
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Trình sửa Luật Năng lượng nguyên tử, Thủ tướng được quyết chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân NGỌC AN 05/05/2025 Việc sửa đổi dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử, triển khai các dự án điện hạt nhân.
Mổ cả trăm con heo chưa tới một con có lòng se điếu, sao bán đầy thị trường? A LỘC 05/05/2025 'Lòng se điếu - phèo hai da - hiếm lắm, ai nói mua là có là nói dóc đó, thực tế không có đâu', chủ một cơ sở giết mổ heo tập trung ở Đồng Nai khẳng định.
Thêm một vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là 'người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết' CHÍ QUỐC 05/05/2025 Ông ngoại chở cháu trên xe máy đều tử vong vì tai nạn giao thông. Đáng chú ý, người ông bị tai nạn tử vong được cơ quan điều tra xác định là 'người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết' nên không khởi tố vụ án.
Bạn đọc phân tích nguyên nhân Đà Lạt vắng khách dịp lễ dài ngày M.V 05/05/2025 Nhiều bạn đọc nêu lý do vì sao dịp lễ 30-4 có nhiều ngày nghỉ nhưng Đà Lạt vắng khách hơn kỳ vọng. Ngược lại ngành chức năng báo cáo lượng khách đến Lâm Đồng tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước do không gian du lịch Đà Lạt mở rộng ra vùng lân cận.