Vâng lời hay hỏi để 'khai tâm'

ĐỖ ĐỨC 11/12/2016 05:12 GMT+7

TTCT - Tôi quen một giáo sư, họa sĩ người Pháp tên là Gérald Gorridge, dạy ở Trường đại học Nghệ thuật Angulem, Bordeaux (Pháp).

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Năm 2004, khi tôi đến thăm ông tại trường, thấy có ba sinh viên trình bày ba cuốn tranh truyện với ba phong cách hoàn toàn khác nhau. Tôi biết những cách làm đó rất sáng tạo, hợp với tuổi thơ nhưng rất khó khi sản xuất.

Tôi hỏi vậy in ấn thế nào khi cách cấu trúc tập sách rất khác nhau, không thể đơn thuần đóng xén như cách thông thường, Gérald Gorridge trả lời: “Các sinh viên đến đây với nhiệm vụ là sáng tạo, tìm ra cái mới, cái chưa ai làm. Còn in ấn là công việc của kỹ thuật phải lo. Chính cách làm này còn giúp các kỹ sư nghiên cứu để thiết kế cải tiến máy móc, giúp công nghệ phát triển”.

Họa sĩ Đức Hòa có lần kể cho tôi nghe chuyện một nữ họa sĩ người Nhật trình bày việc thiết kế khuôn khổ một cuốn sách tại Nhà xuất bản Kim Đồng khi bà sang làm việc với nhà xuất bản. Anh thấy trên khổ giấy 79x109, bà xén bỏ băng giấy lề khá to, trong khi ở ta mọi thiết kế theo khổ giấy được tận dụng tối đa, giấy lề chỉ được phép xén bỏ trên dưới một phân.

Nữ họa sĩ người Nhật khăng khăng bảo vệ với một lý lẽ rất nhân văn: “Độ rộng cuốn sách bằng độ rộng của hai vai đứa trẻ trên dưới 10 tuổi là phù hợp. Khi đọc sách, độ lia mắt nằm trong vùng an toàn, không phải cố nên không hại thị giác. Giấy lề thừa kia có thể cho nghiền xeo lại, nhưng mắt đứa trẻ bị tật sẽ đeo đẳng cả cuộc đời nếu tiếc tí giấy lề. Cái nào lợi hại hơn thì các bạn hãy cân nhắc!”.

Thái độ nhân văn, vị nhân sinh ấy chỉ có thể được sinh ra từ một nền giáo dục nhân văn, chăm chút bồi đắp cho nhân tính. Trong một xã hội phát triển, người ta lưu ý đến con người và chăm lo sự sáng tạo hợp lý để thế giới vận động tiến lên phía trước. Đó nên là động lực cần thiết cho bất cứ một xã hội nào cầu thị sự phát triển.

Lại nhớ xưa xem kịch, xem phim bao giờ cũng thấy phân rõ hai tuyến nhân vật địch - ta, địch thì ngớ ngẩn, ta thì thông minh láu lỉnh. Bởi vậy khi bộ phim Người thứ 41 của Liên Xô được chiếu, bao nhiêu người hốt hoảng: cô Hồng quân yêu tên Bạch vệ là mất lập trường.

Cũng như ở ta, khi con trai trưởng anh hùng tiễu phỉ Sùng Dúng Lù lấy con gái đầu lĩnh phỉ Vàng Vạn Ly, sau khi ông ta buông súng đầu hàng về bản (chính quyền hứa không bắt tội), thì cuộc kết nối đó của hai gia đình lại bị coi là lập trường không vững.

Những thành kiến quái ác ấy là do phân biệt thành phần giai cấp đối địch mà ra. Nó ăn sâu kết cặn đến mức rất khó xóa. Và đó là vấn đề của một nền giáo dục đã thiếu vắng hoặc chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc truyền tải những góc nhìn con người nhân bản.

Từ đây nối kết tới câu chuyện học theo kiểu vâng lời. Hệ lụy của nó biến người ta thành trì trệ, thiếu tính chủ động sáng tạo và suy nghĩ xa hơn, luôn có tình trạng ngóng chờ người giải thích. Đứng trước một bức tranh, nhiều người bảo khó hiểu lắm, tôi làm sao hiểu được.

Đứa trẻ được tiếp thu thứ giáo dục cơ bản là thường xuyên nghe giải thích và hướng dẫn nên tự lâm vào thói quen chờ đợi và bị động. Thật ra chỉ cần tự đặt câu hỏi sao họa sĩ vẽ thế rồi dần dà sẽ hé ra câu trả lời, tất nhiên là cấp độ hiểu sẽ nông sâu khác nhau tùy tư duy logic và phông văn hóa của người xem.

Có một nền giáo dục lấy “hỏi” làm khai tâm. Lại có một nền giáo dục lấy “vâng lời” làm khai tâm. Hai nền giáo dục sẽ tạo ra hai thế hệ, một là luôn tìm hiểu mọi việc đến nơi đến chốn, hoặc là chỉ cần vâng lời là đủ.

Và như thế nó sẽ tạo ra hai xã hội khác nhau. Một luôn luôn đòi hỏi vươn lên, luôn luôn tìm hiểu và phủ định để bước tiếp, tạo ra một xã hội phát triển, nhân văn. Và một xã hội chỉ biết làm theo mệnh lệnh, không cần sáng tạo, đến chừng mực nào đó sẽ triệt tiêu sáng tạo và tàn lụi tự thân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận