Vì sao muỗi ưu ái tôi đến vậy?

YÊN LAM 18/10/2023 05:15 GMT+7

TTCT - Một người thơm tho theo chuẩn con người có thể chả là gì đối với khứu giác của muỗi.

Những người đặc biệt được muỗi ưa thích - hay còn được gọi là "nam châm muỗi" - đi đâu cũng được bạn bè ưu ái vì mang lại cảm giác yên tâm: có họ thì bảo đảm muỗi chừa mình ra. Với giới khoa học, họ còn là đối tượng nghiên cứu quan trọng để xác định chính xác điều gì đã "quyến rũ" những kẻ hút máu này.

Nghe nói ngoài đây nhiều muỗi lắm, mà cũng không đến nỗi nhỉ.  Tranh: scarecrowbar.com

Nghe nói ngoài đây nhiều muỗi lắm, mà cũng không đến nỗi nhỉ. Tranh: scarecrowbar.com

Hướng nghiên cứu này thực chất là xác định muỗi thích mùi gì, mùi đến từ đâu, và làm sao để xóa mùi đó trước khứu giác cực nhạy của chúng. Muỗi không bạ đâu đốt nấy mà lựa chọn con mồi kỹ càng; và khổ thay, chúng lại có khả năng thần sầu là xác định chính xác mục tiêu ưa thích trong một không gian rộng, phức tạp và có nhiều nguồn mùi khác nhau. Đây là kết quả thí nghiệm về mùi người và muỗi sốt rét của Diego Giraldo, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Johns Hopkins.

Theo bài báo công bố trên tạp chí Current Biology hồi tháng 5, nhóm nghiên cứu cho các tình nguyện viên ngủ trong 8 chiếc lều đặt trong sân trượt băng có mái che. Mỗi lều có một ống dẫn để đưa mùi cơ thể của người bên trong và CO2 (thông qua hơi thở) đến một khu vực chung đầy muỗi đói bay vo ve. Mỗi ống gắn vào một đĩa đường kính 10cm, và camera hồng ngoại quan sát chuyển động của muỗi, xem chúng sẽ đáp vào đĩa nào. 

Kết quả cho thấy muỗi có tỉ lệ đậu vào đĩa liên quan đến tình nguyện viên trước đó đã được xác nhận là "nam châm muỗi" nhiều gấp 4 lần so với người thu hút ít muỗi nhất. Khu vực kiểm nghiệm rộng lớn, 8 nguồn phát mùi lẫn lộn, nhưng "thật kinh ngạc là lũ muỗi có thể phát hiện chúng ta giỏi đến thế" - Giraldo nói.

Các nhà nghiên cứu sau đó xác định được 15 hợp chất có thể truyền trong không khí trong mùi cơ thể của tất cả các tình nguyện viên tham gia. "Nếu một người tiết ra một lượng lớn hợp chất mà muỗi đặc biệt yêu thích, người đó có khả năng hấp dẫn hơn đối với muỗi" - Stephanie Rankin-Turner, một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Nhóm của Giraldo chỉ muốn kiểm nghiệm khả năng phát hiện mục tiêu của muỗi trong không gian rộng và đa nguồn phát, chứ việc muỗi bị thu hút bởi mùi từ con người là điều giới khoa học đã nhất trí từ lâu. Lindy McBride - phó giáo sư sinh học tiến hóa tại Đại học Princeton - lưu ý muỗi rất nhạy cảm với cả những mùi mà con người không ngửi được. 

Một người thơm tho theo chuẩn con người có thể chả là gì đối với khứu giác của muỗi. "Ví dụ, muỗi thích mùi cánh tay, trong khi có ai trong chúng ta nghĩ cánh tay mình có mùi gì đâu" - New York Times dẫn lời McBride. Ngoài mùi, độ "thu hút" muỗi của một người có thể tùy vào nhóm máu. Muỗi thích những người có nhóm máu O hơn, dù vẫn chưa rõ lý do.

Việc ta có "thơm ngon" trong mắt muỗi hay không cũng phụ thuộc vào các nguyên nhân hành vi. "Nếu bạn tập luyện cường độ cao ngoài trời, bạn có thể thở mạnh hơn và thở ra nhiều CO2 hơn, điều này có thể dẫn đường cho muỗi đến. Mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi đọng lại vài giờ, hòa lẫn với vi khuẩn trên da, cũng gửi tín hiệu mạnh mẽ cho muỗi" - Christopher Potter, phó giáo sư khoa học thần kinh Trường Y Đại học Johns Hopkins, nói. Bác sĩ Bazzoli bổ sung rằng nếu bạn uống một vài cốc bia bên bãi biển hoặc vài ly margarita trong quán, mồ hôi sẽ có cồn, cũng là thứ "dụ" muỗi.

Cái khó của cả "nam châm hút muỗi" lẫn giới khoa học là biết rõ nguyên nhân nhưng không có giải pháp chống muỗi cá nhân hiệu quả, nhất là khi muỗi ngày càng thích nghi với môi trường và khí hậu mới. 

Mùi cơ thể có thể thu hút muỗi, nhưng khử mùi đó đi - bằng cách rửa sạch hay xức hương thơm lên - chưa chắc sẽ khiến muỗi "buông tha". Tệ hơn, một nghiên cứu công bố trên tập san iScience hồi tháng 5 chỉ ra điều ngược lại: rửa xà phòng có thể còn khiến mùi của ta hấp dẫn hơn với muỗi.

Nghiên cứu thực hiện trên 4 tình nguyện viên, mỗi người rửa một cánh tay với một trong bốn loại xà phòng khác nhau, và để nguyên tay còn lại. Sau đó họ sẽ bọc hai tay vào ni lông trong vòng 1 giờ, rồi các mảnh ni lông đó được đưa vào khu vực chứa muỗi để quan sát. 

Các nhà nghiên cứu bất ngờ khi thấy việc rửa tay bằng xà phòng làm tăng số lượt muỗi đậu vào các tấm ni lông trong một số trường hợp, cho thấy các sản phẩm vệ sinh có thể làm tăng độ hấp dẫn của người với muỗi. 

Đồng tác giả nghiên cứu, Clément Vinauger, trợ giáo sư sinh hóa Đại học Công nghệ Virginia, thừa nhận mối tương quan này không nhất quán và số lượng mẫu của nghiên cứu còn nhỏ. Cần phải tiếp tục nghiên cứu với nhiều mẫu xà phòng và tình nguyện viên hơn, cũng như với nhiều giống muỗi hơn.

Dù sao, những nghiên cứu nói trên cũng đang góp vào nỗ lực chung, tìm ra mồi nhử muỗi cũng như thuốc chống muỗi hiệu quả hơn. Trước mắt, Vinauger khuyên "hãy thử nghiệm với các loại xà phòng khác nhau để xem loại nào có tác dụng tốt nhất". 

Trong khi đó, cách đuổi muỗi tốt nhất theo các chuyên gia được New York Times nhờ tư vấn là: sử dụng các sản phẩm không có mùi thơm và không xức nước hoa nếu phải tới chỗ lắm muỗi; tránh quần áo đen, xanh đậm, cam và đỏ tươi - những màu thu hút muỗi; mặc áo dài tay và quần dài.

Hay một mẹo đơn giản của tiến sĩ McBride: lấy một chiếc quạt và hướng nó xuống gầm bàn. Lũ muỗi tưởng là bất trị sẽ chao đảo trong gió, vì thật ra "chúng không giỏi bay cho lắm".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận