Vì sao người Hoa đổ tới Mỹ tăng vọt

THANH TUẤN 04/06/2024 10:10 GMT+7

TTCT - Kinh tế khó khăn, việc làm bấp bênh, ngày càng nhiều người Trung Quốc, kể cả tầng lớp trung lưu, tìm cách di cư vào Mỹ, bao gồm cả con đường bất hợp pháp.

Ảnh: Daily Mail

Ảnh: Daily Mail

Bức tường sảnh khách sạn ở trung tâm Quito, thủ đô Ecuador, đầy những thông báo bằng tiếng Hoa. "Đi Colombia ngày mai và cần người đồng hành, số WeChat ở dưới", một tờ rơi ghi. Một poster khác: "Trọn gói đi xuyên rừng ở Panama, 1.700 USD". 

Vài chục người Trung Quốc vật vờ quanh đó: người trẻ, người già, cả gia đình với trẻ nhỏ. Một số đeo ba lô to và kéo vali. Tất cả đang trên hành trình tìm kiếm cuộc đời mới ở Mỹ.

Xing Weisen, 35 tuổi, râu ria rậm rạp và nói nhiều hơn người khác. Bấy giờ là tháng 5-2023 và anh đã mất một tuần để tới được Quito từ Tây Ninh (thủ phủ tỉnh Thanh Hải), Trung Quốc. Anh tới Ecuador vì đây là nước gần Mỹ nhất không yêu cầu visa với người Trung Quốc.

Tăng hàng chục lần

Xing đã quá tuyệt vọng và muốn rời đại lục. Năm 2020, cả cha mẹ anh qua đời: mẹ bị ung thư, cha vì bệnh tim. Xing bán hầu hết tài sản để lo y tế cho họ. Sau đó anh mượn tiền bạn bè kinh doanh đồ thể thao online nhưng thất bại trong đại dịch vì chính sách zero Covid.

Xing gia nhập làn sóng lớn người Trung Quốc đi con đường nguy hiểm vào Mỹ từ Nam Mỹ. Năm 2021, chính quyền Panama đếm được 200 người nhập cư Trung Quốc đi qua Darién Gap, con đường bộ nguy hiểm giữa Nam và Trung Mỹ; năm 2022 con số này tăng gấp 10; và năm 2023 đã là hơn 25.000 người. 

Khoảng 37.000 người Trung Quốc bị bắt vì nhập cư trái phép vào Mỹ trong năm 2023, theo cơ quan hải quan và biên phòng Mỹ, tăng gần 10 lần so với năm 2022, 50 lần so với 2021, và hơn gấp đôi cả 10 năm trước cộng lại.

Báo Anh The Economist đã trao đổi với khoảng 50 người nhập cư Trung Quốc ở đây. Lý do của họ rất đa dạng: sợ đi tù vì những gì viết trên mạng; một số nói xã hội không chấp nhận họ là người đồng tính; nhưng phần nhiều giống như Xing, vì lý do kinh tế. 

Hết tiền, cạn hy vọng, Xing quyết định bắt đầu lại. Anh nói Mỹ là "lựa chọn hiển nhiên" với anh và nhiều người di cư. Anh là lứa 9X, lớn lên khi quan hệ giữa hai nước đầm ấm, và thế hệ anh tiếp cận với văn hóa Mỹ nhiều hơn. 

Xing tham gia các nhóm chat trên WeChat và Telegram, nơi mọi người chia sẻ hành trình tới Mỹ. Các nhóm này có cả hàng chục nghìn thành viên. "Quá nhiều người muốn ra đi, không thể tưởng tượng được đâu", anh nói với The Economist.

Xing không mua vé bay từ đại lục sau khi nghe nhiều người bị từ chối không được bay. Anh đi tàu tới Hong Kong rồi bắt máy bay đi Thái Lan, xong bay tiếp tới Istanbul, cuối cùng là Ecuador. 

Anh không nói với ai về kế hoạch của mình. Đêm trước khi đi, anh gặp một người bạn thân để uống chia tay. Khi họ tạm biệt, Xing ôm chặt người bạn - điều làm bạn anh bất ngờ vì người Trung Quốc thường không làm vậy. "Vì đó có thể là lần cuối tôi gặp anh ấy", Xing nói.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Hai ngày trước khi lên xe buýt đi Tulcán, thị trấn Ecuador giáp với Colombia, Xing phải làm một số việc ở Quito. Anh đi tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng và tới cửa hàng tạp vụ mua một đống bao cao su. 

Đêm đó trong phòng khách sạn, Xing lôi ra 2.500 USD và buộc thành các bó nhỏ. Anh xé vỏ bao cao su và tuồn các bó tiền vào, rồi nhét hết tất cả vào một chai dầu gội đầu. "Để cảnh sát tham nhũng ở đây không thấy tiền và tịch thu", anh nói.

Thay đổi lớn

Wang Zhongwei, 32 tuổi, đi cùng vợ, bố mẹ vợ, con gái 7 tuổi và con trai 14 tháng tuổi trên con đường nguy hiểm này. "Đi thuyền hết hai tiếng thì con tôi khóc suốt cả hai. Tôi sợ nó không thở nổi khi khóc khản cả tiếng", Wang kể lại với Nikkei Asia. 

"Tôi vẫn nhớ tiếng nó khóc tới tận lúc này". Khi Wang và gia đình tới được biên giới Mỹ - Mexico, một băng tội phạm ở đây gí súng và yêu cầu mỗi người nộp 800 USD. 

Họ phải lột cả đồ lót để băng đảng kia thấy họ đã nộp hết tài sản trước khi vượt biên giới. Bất kể quãng đường gian nguy, Wang nói "không hối hận đi bộ tới đây. Ở lại thì gia đình tôi chẳng còn hy vọng gì".

Các chuyên gia nói làn sóng người Hoa nhập cư trái phép tới Mỹ cho thấy bức tranh bi quan. Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc năm 2022 và 2023 cho biết tổng số người di cư khỏi đại lục đã là hơn 300.000 mỗi năm so với mức trung bình 190.000/năm giai đoạn 2009-2019. 

"Tình trạng di cư bất hợp pháp lớn như vậy rất bất thường với đất nước có thu nhập trung bình và kinh tế tăng trưởng như Trung Quốc, vì đi bất hợp pháp rất rủi ro", Victor Shih, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc ở Đại học California San Diego, nói với Nikkei Asia. 

"Tôi nghĩ nó cho thấy phần nào nỗi tuyệt vọng, chứ rất khó giải thích thuần túy từ góc độ kinh tế - tôi nghĩ phần nhiều là vì chính sách".

Trước kia hầu hết người di cư Trung Quốc đi bằng con đường dễ hơn - visa du lịch hay học đại học Mỹ. Nhưng với một số người trung lưu Trung Quốc, lựa chọn đó giờ không còn. 

Đi học thì đắt đỏ, trong khi visa ngày càng khó xin do quan hệ song phương xấu đi. Rất nhiều người giờ chọn con đường nguy hiểm nhiều cướp bóc, rủi ro và có thể là cái chết khi đi xuyên rừng để tới biên giới Mỹ - Mexico.

"Có những thảm kịch mà anh không thấy trên báo chí", Wang nói. "Nhìn vào khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng ngân hàng sẽ tiếp theo, thì ngành nào sống nổi đây?". Wang từng có nhà máy may mặc ở thành phố Ôn Châu chuyên xuất khẩu hàng nữ tới châu Âu. 

Trước đại dịch, anh có 30-40 công nhân và kiếm được lợi nhuận tầm 30.000-60.000 USD mỗi năm. Anh và vợ sống thoải mái, có nhà và xe hơi. Nhưng đại dịch khiến anh phải đóng cửa nhà máy, sau đó thì chồng chất nợ nần.

Ảnh: The New York Times

Ảnh: The New York Times

Khoảng 1/3 doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không còn đủ khả năng tài chính vì thiếu tiền mặt và không thể vay mượn, điều có thể ảnh hưởng tới 18 triệu nhân công, theo báo cáo hồi tháng 2 của Học viện Tài chính, Đại học Nhân dân. Báo cáo dựa trên thăm dò 2.349 công ty nhỏ, chủ yếu trong ngành sản xuất và bán lẻ.

Sau khi đóng cửa nhà máy năm 2021, Wang làm nghề lái xe công nghệ, nơi anh gặp nhiều lái xe khác trước kia cũng là chủ doanh nghiệp. "Hầu hết làm xuất khẩu", anh nói. Anh có ít tiền tiết kiệm nhưng gánh nặng kinh tế ngày càng tăng. 

"Mỗi ngày tôi đều nghĩ tới tự sát", anh kể. "Tôi có cảm giác cả thế giới là cái lồng mà tôi không có hy vọng nào". 

Anh trai Wang, đang sống ở Los Angeles, nói với anh về "con đường bộ tới Mỹ". Wang xem chỉ dẫn trên Douyin (TikTok của Trung Quốc) và YouTube để chuẩn bị cho hành trình, hạ quyết tâm, rồi bán nhà, mang theo toàn bộ tiền tiết kiệm.

Nguồn thu lớn cho các băng đảng

Năm 2023, theo số liệu của chính quyền Panama, có hơn 500.000 người nhập cư đi qua tuyến Darién Gap, khu vực rừng rậm và nguy hiểm mà các tuyến người nhập cư lậu vào Mỹ thường sử dụng, cũng là tuyến đường bộ duy nhất từ Nam tới Bắc Mỹ. 

Trong số này, hơn 25.000 là người Trung Quốc - nhóm quốc tịch lớn thứ tư và lớn nhất ngoài châu Mỹ.

"Đây là hiện tượng mới mà các năm trước không có", Giuseppe Loprete, trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế IOM ở Panama, nói. "Số người vậy là rất đông trên chặng đường rất dài. Với các băng nhóm buôn người, đây là dịch vụ rất lớn". 

Người nhập cư Trung Quốc - không giống nhiều quốc tịch khác đi qua Darién Gap như Venezuela hay Haiti - thường đi tuyến "VIP", có các thành viên nhóm Gulf, băng ma túy lớn nhất Colombia, làm hướng đạo.

Tuyến này nhanh và đỡ vất vả hơn, bao gồm đủ thứ phương tiện, từ đi thuyền, đi bộ, đến cả cưỡi ngựa dọc bờ biển Caribe hoặc Thái Bình Dương, mất vài ngày, thay vì cả tuần lễ như các tuyến rẻ tiền. 

Ảnh: Nikkei Asia

Ảnh: Nikkei Asia

Những kẻ đưa người ở Necocli nói các tuyến rẻ nhất tốn khoảng 350 USD, còn tuyến đi thẳng nhất thì khoảng 850 USD. Một số tuyến khác nữa, như qua đảo San Andres (chỉ cách Nicaragua vài giờ), giá có thể lên tới 5.000 USD/người. Các băng đảng tội phạm nhờ vậy kiếm được hàng chục triệu USD mỗi tháng.

Dẫu vậy, người nhập cư bất hợp pháp nhiều khả năng vẫn sẽ phải đối mặt với trộm cướp, bạo lực và nhũng nhiễu dọc đường đi. Đứng chờ thuyền ở bờ biển để tới Panama cùng bạn, Wu Xiaohua, 42 tuổi, nói anh chọn đường này vì muốn tới Mỹ càng nhanh càng tốt. 

Là người Hồ Nam, Xiaohua từng lái taxi ở Thượng Hải, nhưng kể từ đại dịch, cuộc sống đã khó khăn hơn nhiều. "Có nhiều vấn đề với nền kinh tế. Chúng tôi không có lựa chọn khác mà buộc phải sinh tồn. Vì vậy tôi muốn tới Mỹ", anh nói. 

"Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản: chi phí y tế chấp nhận được, có nơi để ở, con cái có thể tới trường và gia đình được an toàn".■

Đi trên dây

Làn sóng người Trung Quốc nhập cư qua đường Darién Gap trở nên đông đảo tới mức tiếng Hoa đã xuất hiện từ "zouxian" ("tẩu tuyến": "đi trên dây") để mô tả hành trình này. "Người nhập cư Trung Quốc đặc biệt rủi ro", ông Loprete của IOM nói.

"Họ được coi là giàu có hơn nên dễ bị nhắm tới. Ngôn ngữ cũng là vấn đề nếu có chuyện xảy ra vì sẽ khó chăm sóc y tế cho họ hơn". Trên đường đi, người Trung Quốc cũng dễ bị lừa gạt. Chuyện đánh đập hay cướp bóc diễn ra thường xuyên ở phía bên Panama.

Khi đến Mỹ, những người xin tị nạn thường phải đợi 6 tháng trước khi xin được giấy phép làm việc. Một số trường hợp gần đây phải mất vài năm để xử lý giấy tờ.

Thường thì những người xin tị nạn từ Trung Quốc có tỉ lệ thành công cao hơn những người nhập cư khác, khoảng 67% theo dữ liệu giai đoạn 2001-2021, cao hơn nhiều so với các nhóm sắc tộc khác. Kể cả những người bị từ chối cũng ít khi chịu rời Mỹ, mà thường tìm cách ở lại bất hợp pháp.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Panama trả lời Al Jazeera nói: "Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và sẽ trấn áp bất cứ hoạt động di cư trái phép nào và tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực này".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận