TTCT - Mua quà lưu niệm trong những chuyến đi là một thôi thúc khó cưỡng, ngay cả khi ta biết chắc rằng đa số chúng sẽ không hữu dụng gì mấy, rồi cũng bám bụi khi mang về thôi Ảnh: UBuyMua quà lưu niệm trong những chuyến đi là một thôi thúc khó cưỡng, ngay cả khi ta biết chắc rằng đa số chúng sẽ không hữu dụng gì mấy, rồi cũng bám bụi khi mang về thôi. Nhưng cũng không nên tự trách bản thân, vì thói quen mang chút gì của vùng đất mới về nhà là bản chất của con người, và có khi đã xuất phát từ gần 3.000 năm trước.Khi tìm thấy những hạt hổ phách đặc trưng của vùng Scandinavia có niên đại 980 TCN trên đất Ireland, các nhà khảo cổ tin rằng chúng được những thủy thủ Ái Nhĩ Lan xa xưa mang về sau nhiều ngày rong ruổi đến miền Bắc Âu. Không ít người còn đặt giả thuyết đây là một trong những món quà lưu niệm đầu tiên trong lịch sử loài người, dù chưa có thêm chứng cứ nào xác đáng.Lược sử quà lưu niệmCho đến tận những năm 1400, khi điều kiện đi lại đã thuận tiện hơn tại châu Âu, những dòng người sùng đạo có cơ hội làm các "tour" đến các địa điểm hành hương hay di tích quan trọng của giáo hội Thiên Chúa. Sau mỗi chuyến đi, các tín đồ có dịp mang về những "phù hiệu hành hương", chứng nhận họ đã đến một nhà thờ hay một địa điểm tôn giáo. Vật lưu niệm này là một bước ngoặt: du khách có cái gì đó minh chứng hoặc làm kỷ niệm cho chuyến đi, thay cho thói quen lấy vài viên gạch, hòn đá từ các công trình kiến trúc mang về nhà.Đến thế kỷ 17, một trào lưu mới hình thành. Các thanh thiếu niên giàu có ở châu Âu thường du hí sang nhiều quốc gia láng giềng, xem đây là một phần khi tới tuổi trưởng thành. Ngành công nghiệp quà lưu niệm lúc bấy giờ có dịp thực sự bùng nổ đáp ứng nhu cầu của các cậu ấm cô chiêu muốn sở hữu những món đặc trưng ở vùng đất mới. Nhiều phiên bản quà lưu niệm ngày ấy vẫn tồn tại suốt hàng trăm năm qua, như những chiếc móc khóa hay những bức tượng thu nhỏ của các danh lam thắng cảnh.Dù ở thời đại nào, theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nilou Esmaeilpour, lưu giữ các ký ức là một mong muốn tự nhiên của loài người. Vì thế, những món quà lưu niệm không chỉ đơn giản là món trang sức hay đồ trang trí, mà thực sự là một phần trong câu chuyện mà con người muốn kể. Và tập hợp quà lưu niệm từ những chuyến đi của mỗi người có thể tượng trưng cho những trải nghiệm, khát vọng và sự phát triển của cá nhân ấy."Trưng bày hoặc sử dụng các món quà lưu niệm, bạn có thể gửi đến người khác những góc nhìn về bản thân. Chẳng hạn, món quà lưu niệm từ một chuyến đi leo núi khó khăn có thể nói lên sự kiên nhẫn ở bạn. Một món quà lưu niệm mang về từ ngoại quốc sẽ thể hiện tinh thần phiêu lưu của người chủ món quà ấy" - Nilou Esmaeilpour nói với trang Thrillist.Đánh răng tìm lại kỷ niệmMua quà khi đi xa đã "ăn vào máu" con người, nhưng có một thực tế: những món đồ khiến người ta nhớ lại chuyến đi, nhưng hầu như không được sử dụng. Nhiều người muốn phá "lời nguyền" này bằng cách chủ động tìm kiếm những món độc lạ. Với cây bút tự do người Mỹ Joshua Hunt, đó là những tuýp kem đánh răng.Chia sẻ trên New York Times, Hunt kể lúc trước anh cũng thường chuộng những món quà lưu niệm truyền thống hơn, chẳng hạn một chiếc đĩa ăn đặc trưng của Stockholm, hoặc một cuốn sách hiếm của ông lão buôn đồ cổ ở Hong Kong. Nhưng rồi, Hunt nhận ra nếu đem về nhà thì những chiếc đĩa kia cuối cùng cũng sẽ nằm gọn trong một ngăn tủ. Còn mấy cuốn sách rồi cũng bị chuyển từ kệ này sang kệ khác. Cất giữ ký ức theo kiểu này có vẻ không ổn.Giờ thì đi tới đâu, Hunt cũng săn lùng những loại kem đánh răng hiếm thấy quê nhà. Với anh, kem đánh răng không chỉ sao lưu ký ức đủ lâu, mà còn nhanh chóng gợi những kỷ niệm của chuyến đi, vẽ ra trước mắt phong cảnh, nét đẹp văn hóa của một vùng đất ấy chỉ bằng một lần... đánh răng.Lúc đầu, Hunt bán tín bán nghi, nhưng rốt cuộc cũng thừa nhận cách làm này có tác dụng thật. Mỗi hương vị kem đánh răng được anh mua ở những quốc gia khác nhau luôn nhắc lại đúng khoảng thời gian và địa điểm một cách cụ thể và sống động khi anh đến đất nước ấy."Mới đây khi lên đường đến Naples (Ý) cũng là lúc tôi vừa dùng hết tuýp kem đánh răng nhãn hiệu TePe mang về từ Thụy Điển hồi đầu năm. Năm ngoái, kỳ nghỉ đông ở Phần Lan đưa tôi đến mối tình lâu dài với Salutem, loại kem đánh răng dịu nhẹ dễ chịu. Trước đó nữa là kem đánh răng có mùi đinh hương của Botot, vốn nguyên thủy được làm ra cho vua Louis XV của Pháp. Đại dịch đến, dành 6 tháng ẩn náu trong một khách sạn nhỏ ở Tokyo, tôi dường như rơi vào tâm trạng đen tối y như màu sắc của kem đánh răng than Kobayashi Sumigaki" - Hunt viết.Cuối cùng, anh kết luận: "Ở bất cứ nơi nào, dù chuyến đi dài hay ngắn, luôn có một loại kem đánh răng giúp bạn có thể nhìn lại ký ức, chỉ sau mỗi lần lấy kem lên bàn chải". Tags: Kem đánh răngQuà lưu niệmDu lịchKỷ niệmLưu niệmKý ức
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Buôn bán thức ăn đường phố 'bẩn' sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng PHẠM TUẤN 12/12/2024 Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump nói giám đốc FBI từ chức là 'ngày tuyệt vời với nước Mỹ' KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.