Viên cảnh sát thứ ba: Địa ngục xoay vòng và khôn kham

ZÉT NGUYỄN 07/02/2024 03:17 GMT+7

TTCT - 65 năm trước, bản thảo cuốn tiểu thuyết này ra đời và chịu chung số phận của vô số kiệt tác đi quá xa trước thời đại: không ai hiểu nổi nó, không ai chịu in nó. Sự đời có những bước ngoặt khó tả.

Flann O'Brien. Minh họa: KIRSTEN SHIEL

Flann O'Brien. Minh họa: KIRSTEN SHIEL

1. Ngày 5 tháng 10 năm 2005 là một ngày bình thường không có sự kiện gì nổi bật ở tầm quốc tế đáng để thế hệ sau phải học thuộc mà trả bài cho môn lịch sử, ngoài những tin hú họa chả liên quan gì tới nhau, như bão Stan càn quét bờ biển Mexico, hay 5 lính Thái bị giết trong cuộc bạo loạn ở miền nam Thái Lan, hay Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao Nobel Hóa học cho một bộ ba. Nếu có gì để nói thêm thì trong số giải Nobel ấy, có một cái trao cho văn chương.

Ngày 5 tháng 10 năm 2005, tập thứ ba "Orientation" của mùa 2 series phim Lost được công chiếu, một series phiêu lưu khoa học viễn tưởng kể về một nhóm người sống sót xoay xở trên một hòn đảo sau khi bị rơi máy bay, được coi là một trong những series truyền hình xuất sắc nhất mọi thời đại. 

Vào phút thứ 28, giây thứ 25, khi một nhân vật vội vã đóng gói đồ để chạy khỏi một hầm sâu trong lòng đất, máy quay lia tới cuốn sách anh ta đang đọc dở trên chiếc giường tầng. Chỉ xuất hiện đúng 1 giây và biến mất, nhưng ngay trong vài ngày sau đó, riêng ở Mỹ, cuốn sách bán được 10.000 bản. Tập "Orientation" của Lost hôm đó có 22,38 triệu người xem. 

Cuốn sách đó tên là The third policeman (Viên cảnh sát thứ ba) của Flann O'Brien. 65 năm trước, bản thảo cuốn tiểu thuyết này ra đời và chịu chung số phận của vô số kiệt tác đi quá xa trước thời đại: không ai hiểu nổi nó, không ai chịu in nó. Sự đời có những bước ngoặt khó tả.

Ấn bản đầu tiên của Viên cảnh sát thứ ba in năm 1967

Ấn bản đầu tiên của Viên cảnh sát thứ ba in năm 1967

O'Brien, người giờ đây được coi là một trong những tượng đài của văn chương Ireland hiện đại (hai tượng đài kia là James Joyce và Samuel Beckett), người vốn đam mê những trò chơi khăm, từng đùa rằng Hitler ghét ông tới nỗi đã khai mào cả đại chiến thế giới để khỏi phải đọc sách của ông. 

Không hẳn đúng mà cũng không hẳn sai, nếu ta nhìn sự kiện sau bằng cách bẻ cong logic một chút: cuốn tiểu thuyết đầu tay của O'Brien, At Swim-Two-Birds, may mắn được xuất bản nhờ người đọc duyệt là Graham Greene đánh giá cao, dẫu ngày nay nằm trong bảng xếp hạng 100 cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh xuất sắc nhất kể từ năm 1923 do Time bình chọn, chỉ bán được hơn 200 cuốn sau khi xuất bản. 

Toàn bộ những cuốn sách đẹp đẽ còn lại chưa một lần được bàn tay độc giả chạm tới đã bị thiêu ra tro bởi không quân của Đức quốc xã trong một trận bom oanh tạc dọc theo tuyến đường nơi nhà kho của Nhà xuất bản Longman tọa lạc.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai, Viên cảnh sát thứ ba, được viết mau lẹ chỉ trong vài tháng, bị từ chối bằng một lời giải thích vô cùng tế nhị từ phía Longman: "Chúng tôi thấy rõ khả năng của tác giả nhưng nghĩ rằng ông ấy nên viết bớt kỳ quái đi, thế nhưng trong cuốn tiểu thuyết mới này ông ấy lại còn kỳ quái hơn". 

Dịch ra nghĩa đen phũ phàng: tác giả viết điên quá, mông lung quá, chúng tôi không chịu được, và lần này không có Người Mỹ trầm lặng đứng ra nào đỡ đầu, nên xin kiếu.

Mãi một năm sau khi tác giả chết, Viên cảnh sát thứ ba mới được xuất bản lần đầu vào năm 1967. Tài năng của ông, dẫu được những tên tuổi lớn trên văn đàn như James Joyce hay Jorge Luis Borges ngợi ca và công nhận (những lời khen nhiệt thành dành cho At Swim-Two-Birds), vẫn không được ghi nhận một cách nồng nhiệt và bền vững. 

Rải rác và ngẫu hứng, tên tuổi ông vụt sáng, đôi khi nhờ vào một nhà biên kịch là một fan hâm mộ cuồng nhiệt, tìm cách cài cắm cuốn sách vào series mình đang viết, vì coi cuốn sách như một đầu mối để độc giả có thể hiểu những gì đang diễn ra trong bộ phim.

Viên cảnh sát thứ ba: Địa ngục xoay vòng và khôn kham- Ảnh 3.

2. Trong toàn bộ những lời mào đầu dông dài trên đây, tôi cũng đã cài vào những từ khóa mà độc giả tìm đến O'Brien thấy hoa mắt với Viên cảnh sát thứ ba: hú họa, kỳ quái, mông lung, chơi khăm. 

Vốn được nhiều nhà phê bình coi là phản tiểu thuyết, thậm chí là siêu hư cấu, viên gạch đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại, Viên cảnh sát thứ ba có trong nó rất nhiều thứ: một cuốn tiểu thuyết tội phạm, một cuộc phiêu lưu kỳ thú như Alice ở xứ sở diệu kỳ, mở đầu như một lời thú tội, trong phong cách viết đậm chất hồi ký của một người kể chuyện không có tên và không nhớ nổi tên mình.

Vốn là một học giả nghiệp dư chuyên nghiên cứu về de Selby, một nhà vật lý, nhà triết học lẫy lừng (dĩ nhiên hoàn toàn hư cấu), nhân vật chính của Viên cảnh sát thứ ba nghe theo lời dụ dỗ của người vừa làm thuê cho mình vừa là đối tác của mình, đồng thời là bạn mình John Divney, dùng ống bơm xe đạp và thuổng nện chết lão già Mathers giàu có, hòng lấy tiền trong chiếc hộp đen để xuất bản Thư mục de Selby - một cuốn sách cừ khôi vinh danh công sức nghiên cứu của mình, được kỳ vọng là một cú tát vào mặt nhiều nhà nghiên cứu phê bình chuyên sâu khác.

Chiếc hộp đen, không may, lại bị chính Divney giấu đi trong ba năm, và khi truy tìm nó, nhân vật chính đã dấn thân vào một hành trình dở khóc dở cười, bắt đầu bằng việc anh ta đi nhờ cảnh sát tìm chiếc hộp đen cho mình, bằng cách báo cáo mình bị mất trộm chiếc đồng hồ Hoa Kỳ bằng vàng. 

Nhân vật chính gặp lại chính kẻ mình đã sát hại, gặp kẻ cướp định giết mình nhưng lại tha mạng vì cùng là anh em chân gỗ, gặp những viên cảnh sát coi án mất xe đạp hay mất bơm xe đạp quan trọng ngang với án mạng, ở một thế giới có người bị treo cổ và xe đạp bị treo cổ, và ta có thể chu du vào cõi gọi là vĩnh cửu.

O'Brien, một nhà văn, một nhà báo, một công chức nhà nước, là người có ý thức tạo cho mình vô số căn cước, đi kèm với nó là vô số bút danh: tên khai sinh là Brian O'Nolan, bút danh cho tiểu thuyết là Flann O'Brien, bút danh Myles na gCopaleen (Myles của Ngựa lùn) cho vai trò bỉnh bút cầm cột báo bình luận và giễu nhại xã hội bằng tiếng Ireland và tiếng Anh cho tờ Irish Times. 

O'Brien không chịu tự khuôn mình vào một căn cước nào mà biến ảo không ngừng giữa các vai trò. Ông cũng biến sự bất khả nắm bắt của một danh tính, một sự thật, một chân lý thành một chủ đề lớn trong tiểu thuyết của mình.

Thật khó mà đọc Viên cảnh sát thứ ba bằng một con mắt nghiêm túc nhìn nhận mọi luận thuyết mà các nhân vật đưa ra với vẻ cực kỳ nghiêm túc và rành mạch đến kinh ngạc. 

Nổi tiếng là một người bịa tạc vĩ đại, O'Brien giăng một loạt lý thuyết vật lý, triết học và các loại khoa học khác trong Viên cảnh sát thứ ba mà nhân vật nào của ông cũng ăn nói như một nhà luận thuyết bịp bợm: từ "một hành trình là một ảo giác" để phủ nhận sự trôi qua của thời gian một cách thông thường, tới lý thuyết về nhà ở, chiếc áo bào mặc mỗi lần sinh nhật báo hiệu số tuổi, tới học thuyết phân tử và toàn vũ trụ.

Cái thế giới mà O'Brien dựng lên trong Viên cảnh sát thứ ba là một nơi không thể gọi tên: thiên đàng, hay địa ngục, luyện ngục hay chính là Ireland? Nơi chốn ấy là một xứ Ireland vô cùng lập dị: không nhà thờ, không một cơn mưa, thời tiết lúc nào cũng quang đãng, mây trắng bồng bềnh. 

Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra nỗi khó khăn để viết hay diễn tả thành lời trải nghiệm của nhân vật chính trong cái thế giới khôn tả nơi nhân vật luôn dửng dưng trước vô số những điều oái ăm diễn ra xung quanh.

Trong một đoạn ngắn mà sau này bị cắt khỏi sách được in, O'Brien có thể đã cung cấp cho độc giả vài chìa khóa để vặn mở Viên cảnh sát thứ ba: "[…] đó là cái bắt đầu của cái chưa kết thúc, khám phá lại những điều quen thuộc, trải nghiệm lại những điều đã trải qua, quên sạch đi những điều chưa nhớ. Địa ngục xoay vòng và xoay vòng. Về hình dạng, nó là hình tròn và về bản chất, nó vô tận, lặp đi lặp lại và gần như khôn kham". 

Chuyến phiêu lưu đầy kỳ thú của nhân vật chính quả thực là một hành trình trong địa ngục, lặp đi lặp lại, không bao giờ chấm dứt.

Anthony Burgess (tác giả A Clockwork Orange lừng danh)
Nếu chúng ta không trân trọng tác phẩm của Flann O'Brien thì chúng ta là những kẻ ngu dại xuẩn ngốc không xứng đáng có được những người vĩ đại. Flann O'Brien là một người rất vĩ đại.

3. Việc Flann O'Brien được dịch sang tiếng Việt, trong hình hài một bản dịch tuyệt vời của dịch giả Nguyễn Thị Thanh Trúc, nơi những sự lập dị và hài hước trong ngôn ngữ đều được thể hiện và gây ra hiệu quả đọc ở ngôn ngữ mới vô cùng cân xứng, là một sự việc có ý nghĩa, lớn hay nhỏ thì phụ thuộc phần lớn vào người đọc.

Cuốn tiểu thuyết vĩ đại của một nhà văn vĩ đại ấy tràn ngập những cuộc đối thoại, nơi câu trả lời luôn là sự phủ nhận của kẻ giết người và kẻ bị giết, những lời đối đáp qua lại như hai địch thủ chơi bóng bàn giữa kẻ toan giết người và kẻ sắp bị giết, những câu tường thuật và kết luận tỉnh bơ đầy tính hành chính quan liêu của người đại diện cho pháp luật đưa ra phán quyết tử hình một cách rất ất ơ. 

Thôi thì, nếu ta không vào địa ngục vòng tròn của O'Brien để thưởng cái vị của sự vĩ đại, thì ai vào địa ngục đây?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận