Xây công trình xanh, được hưởng lãi suất thấp

D.NGỌC HÀ 05/08/2022 06:57 GMT+7

TTCT - Hệ số phủ xanh có ý nghĩa gì với những đô thị đang chịu nắng nóng dữ dội hiện nay, và nhà nước nên có những khuyến khích nào cho các công trình xanh? Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.


Xây công trình xanh, được hưởng lãi suất thấp - Ảnh 1.

Trồng nhiều cây xanh trong đô thị để giảm nhiệt độ trong thời tiết nắng nóng. Trong ảnh: cây xanh rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM). Ảnh: LÊ PHAN

Theo ông, biện pháp nào để giảm nóng trong đô thị?

- Thiết kế đô thị để đối phó với nắng nóng là chủ đề "nóng" ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nước ở vùng Trung Đông, nơi nhiệt độ trung bình mùa hè có thể lên 43 độ C, có thời điểm gần 50 độ C. Nhưng ở nhiều nơi, hiện tượng nắng nóng chưa được quan tâm đúng mức trong quy hoạch, trong đó có VN. 

Có thể do ngập lụt tác động tức thì, khiến sinh hoạt hằng ngày, hoạt động kinh tế bị đình trệ, gây chết người, hậu quả hiện hữu, còn tác hại nắng nóng không hiện hữu rõ ràng, những hậu quả lâu dài hơn nên chưa phải là điều quan tâm trước mắt.

Trong lý thuyết về quy hoạch có một khái niệm là hiệu ứng đảo nhiệt (heat island effect). Đô thị có bề mặt bêtông hóa lớn, dẫn đến hiện tượng phản nhiệt trên nền bêtông làm nhiệt độ không khí ở giáp bề mặt đô thị nóng hơn bình thường. Ở Hà Nội, nhiệt độ ở nội ô và ngoại thành thường chênh lệch nhau đến 4 độ C.

Để giảm nhiệt trước tiên phải trồng nhiều cây xanh, ánh nắng mặt trời được lọc qua lớp cây xanh sẽ dịu đi trước khi xuống mặt bêtông, làm giảm hiện tượng đảo nhiệt. 

Quy hoạch của Singapore có tiêu chí về hệ số phủ xanh (green plot ration) bên cạnh hệ số sử dụng đất. Tại khu vực trung tâm quốc đảo và trung tâm các khu đô thị đều quy định hệ số phủ xanh tối thiểu là 4.0, nghĩa là 1ha đất thì diện tích phủ xanh phải đạt tối thiểu 4ha, bao gồm cây xanh trên mái, sân, trên mặt tiền và phủ quanh công trình. 

Như vậy việc xây dựng đô thị không làm giảm mà còn tăng diện tích cây xanh. Nhưng quy chuẩn quy hoạch ở VN chưa có tiêu chí về hệ số phủ xanh.

Cách thứ hai mà Singapore và các nước Trung Đông áp dụng là làm hệ thống mái che. Các đường đi bộ đến nhà ga, trạm xe buýt và không gian công cộng quan trọng đều có mái che tránh mưa nắng. 

Công trình được thiết kế đổ bóng lên nhau và lên các không gian công cộng, làm mát các tòa nhà, tạo sự dễ chịu cho người đi bộ. Ngoài ra cần giữ lại và tạo ra nhiều không gian mặt nước, vừa giải quyết bài toán ngập lụt, vừa giảm nhiệt đô thị, giảm lượng bụi trong không khí, gia tăng giá trị đất đai.

Xây công trình xanh, được hưởng lãi suất thấp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng. Ảnh: ENCITY

Ông có nghĩ rằng quy hoạch, thiết kế đô thị đối phó với nắng nóng sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng đất?

- Nhà cửa ở VN phần lớn là nhà mặt đất, chiếm nhiều không gian mà hiệu quả sử dụng đất kém, thiếu không gian cho cây xanh. 

Khi khuyến khích sử dụng nhà chung cư là mô hình nhà ở chủ yếu nhằm tối ưu hiệu quả đất đai, Singapore giữ được tỉ lệ rừng bao phủ chiếm tới 40% bề mặt quốc đảo và diện tích đất công viên trên đầu người đạt 8m2 (tính cả rừng), rất cao nếu so với mức 0,5m2 của TP.HCM.

Một quốc gia có quỹ đất hạn hẹp như Singapore, nơi mà một thành phố phải cáng đáng các chức năng của một quốc gia (đất quân sự với các hoạt động bắn đạn thật, cảng, sân bay, nhà máy điện và các hồ chứa nước) còn phủ xanh được thì không có lý do gì mà TP.HCM không thể. 

Ở VN, các sân trường, sân các cơ quan nhà nước, công sở ở VN hiện nay gần như bêtông hóa 100%. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể thêm thảm cỏ và những hàng cây thay vì lát đá toàn bộ diện tích như hiện nay để mát hơn, thu hút thêm các hoạt động vào ban ngày.

Vấn đề chung của nhiều đô thị là các tòa nhà phụ thuộc hoàn toàn vào máy điều hòa không khí, nếu không có máy điều hòa thì không hoạt động, không tự "thở" được. 

Để giảm tiêu thụ điện năng, giảm chi phí vận hành, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên, các tòa nhà cần thiết kế để khai thác thông gió tự nhiên nhiều hơn.

Nhiều chủ đầu tư ngại theo xu hướng công trình xanh, thiết kế xanh do chi phí đầu tư khá cao?

- Điều này không đúng trong mọi trường hợp. Công trình xanh đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc và chất xám hơn để thiết kế nhưng nó giúp giảm chi phí vận hành, tốt hơn cho sức khỏe con người, cho môi trường. 

Tiếc là phần lớn nhà đầu tư (cả tư nhân và nhà nước) thường quan tâm đến chi phí ban đầu hơn là lợi ích cho người sử dụng trong suốt vòng đời của công trình. 

Muốn mọi người chú ý hơn đến công trình xanh, Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích, như công trình xanh, công trình có diện tích phủ xanh lớn thì sẽ được tăng tầng cao, tăng hệ số sàn. Có lợi ích kinh tế trước mắt sẽ dễ thuyết phục nhà đầu tư hơn, Nhà nước nên đi đầu xu hướng này.

Singapore và một số nước áp dụng chính sách: nếu xây dựng công trình, căn hộ xanh thì được vay tiền lãi suất thấp hơn. 

Một số quỹ cho vay buộc chủ đầu tư phải đạt được một số tiêu chí về môi trường hoặc được vay với lãi suất thấp hơn nếu đạt các tiêu chí về môi trường cao hơn, trong đó có tiêu chí về cây xanh. Cách này đánh vào lợi ích tài chính của nhà đầu tư và người tiêu dùng để khuyến khích phát triển xanh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận