​Ý nghĩa của một cuộc phản kháng

DUY VĂN 09/07/2015 21:07 GMT+7

Chính quyền sẽ lãnh gánh nặng tăng giá điện cho đến khi hoàn tất kiểm toán Công ty Hệ thống điện Armenia (ENA). Sự nhượng bộ này vẫn chưa thể giúp giải tán những cuộc biểu tình kéo dài hơn tuần qua ở Yerevan, sau khi Ủy ban điều phối dịch vụ công Armenia (KROU) thông báo kể từ ngày 1-8-2015 giá điện sẽ tăng 16%!

Người biểu tình Armenia tiếp tục phong tỏa đường phố chính Yerevan tối 28-6 - Ảnh: Armenia Now

Hai ngày sau tuyên bố của KROU, ngày 19-6 tổ chức xã hội “Không cướp bóc” tuyên bố “bãi công ngồi” trên quảng trường Tự Do ở trung tâm thủ đô Yerevan, yêu cầu chính phủ bãi bỏ “quyết định tội ác” trước ngày 22-6.

Tới ngày này, khi yêu cầu của họ không được đáp ứng, những người biểu tình đã tuần hành trên đại lộ Bagramyan dẫn tới dinh tổng thống. Rạng sáng 23-6, cảnh sát đã dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình, bắt giữ 237 người (đã được trả tự do ngay hôm sau). Vụ đụng độ chỉ khiến dòng người biểu tình đông hơn và đến đêm 23-6, ước tính có từ 18.000-20.000 người tham gia phản kháng.

Theo lời Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tại cuộc họp báo ngày 27-6, chính phủ sẽ cho tiến hành kiểm toán để xem xét tính hợp lý của quyết định tăng giá điện của ENA. Nếu kết quả kiểm toán khẳng định tính hợp lý của quyết định thì người tiêu dùng sẽ phải trả theo giá mới.

Ngược lại, chính phủ sẽ bảo đảm trả lại người tiêu dùng tiền lạm thu, còn các quan chức để xảy ra việc này sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, những chương trình xã hội chính phủ dự kiến bù đắp cho hộ nghèo vẫn sẽ được triển khai. 

Mọi người ở đây chỉ muốn một chuyện - thoát khỏi nghèo đói. Chúng tôi không cần nắm chính quyền. Cứ để tổng thống yên vị của mình, ông ta không trực tiếp có lỗi. Chúng tôi chỉ không muốn những kẻ độc quyền sống bằng máu của chúng tôi...".

 

Lời một người biểu tình Yerevan

Tuy nhiên, những người biểu tình đã không hào hứng đáp lại đề nghị này. Theo Armenia Now, đến sáng 29-6 đã xuất hiện sự chia rẽ trong những người biểu tình. Một số nhóm biểu tình vẫn không chịu giải tán theo lời kêu gọi của nhóm “Không cướp bóc” - một trong những nhóm chủ chốt tổ chức biểu tình, kể cả khi “Không cướp bóc” tuyên bố sẽ thúc đẩy để hủy bỏ hoàn toàn việc tăng giá.

Các lực lượng hành pháp thì tuyên bố sẽ lập lại trật tự và “sẽ hành động trong khuôn khổ pháp luật, với những người vi phạm pháp luật sẽ bị bắt”. Theo TASS, đêm thứ bảy sang ngày chủ nhật 28-6, trên quảng trường trung tâm Yerevan tập trung từ 5.000-6.000 người.

Dẫu sao, động thái ngày 27-6 của Yerevan có thể xem là một bước “hoãn binh”. Bởi trước đó, hôm 25-6, Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan tuyên bố sau cuộc họp hội đồng bộ trưởng: chính phủ sẽ không rút lại quyết định tăng giá điện vì “không còn phương cách nào khác và chính phủ cũng không còn tiền để bù lỗ”.

Biểu tình đá bóng

Vì sao việc tăng giá điện lại dẫn đến một cuộc phản kháng rầm rộ?

Theo báo cáo “Bức tranh xã hội Armenia và nạn đói nghèo” do Cơ quan Thống kê Armenia cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện, số người nghèo ở Armenia trong năm 2013 chiếm gần 32% dân số (967.000 người, tức cứ ba người Armenia thì có một người nghèo).

Đặc biệt, mức người cực nghèo năm 2013 đã tăng so với năm 2008 tới 1,1%. Mức lương bình quân của Armenia là 250 USD/tháng (gần 5,5 triệu đồng). Trong khi đó, chỉ trong ba năm qua đồng dram đã giảm giá tới 20%.

Trong tình hình này, quyết định của KROU ngày 17-6 chấp thuận tăng giá điện theo đề nghị của ENA (vốn là công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Inter RAO UES) đã đổ dầu vào lửa. Được biết ENA hiện đang gặp nhiều vấn đề tài chính, với tổng nợ lên tới 250 triệu USD (để so sánh: GDP của Armenia là 10 tỉ USD).

ENA giải thích nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện ở Armenia đã sản xuất ít điện hơn (do mưa ít) và việc sửa chữa nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này lâu hơn dự kiến khiến ENA lâm cảnh nợ nần. Tuy nhiên, Yerevan cáo buộc lỗi là từ phía ENA, vốn đã chi quá tay cho các nhà cung cấp và nhà thầu, điều hiển nhiên ENA phủ nhận.

Dù nguyên nhân là gì thì việc tăng giá này chắc chắn gây thêm khó khăn cho người nghèo Armenia. Thủ tướng Hovik  Abrahamyan trong cuộc họp báo ngày 25-6 đã giới thiệu những biện pháp hỗ trợ người nghèo trong đợt tăng giá điện này: 105.000 hộ gia đình, tương đương khoảng 400.000 người, sẽ được tăng trợ cấp lên mức 24.000 dram/năm (tương đương 50 USD), tổng cộng số tiền hỗ trợ người nghèo đỡ bị tổn thương thêm trong đợt tăng giá này sẽ vào khoảng 2,5 tỉ dram (gần 5 triệu USD).

Theo ghi nhận từ trang web Armenia News.arm, đa số người biểu tình có thái độ hòa hoãn. Họ nghe nhạc, hát, nhảy múa, chơi bóng. Họ còn mời cảnh sát nước và táo, quét dọn rác bẩn trên đường phố, mời cảnh sát cùng... đá bóng giao hữu! Họ kêu gọi những người không tham gia phản kháng mỗi đêm từ 21g-22g tắt hết đèn và các thiết bị điện tử trong nhà. Theo họ, đó là cách gây thiệt hại cho ENA vốn đã đưa ra mức giá “ăn cướp”.

Tuy nhiên, đến đêm thứ hai (29-6), theo Armenia Now, đã không còn âm nhạc và nhảy múa trên đại lộ Bagramyan nữa. Sự nghi kỵ đã xuất hiện.

Người biểu tình Armenia quét dọn rác tại hiện trường - Ảnh: varlamov.ru

Maidan hay không Maidan?

Ngay sau khi biểu tình nổ ra, một số phương tiện truyền thông phương Tây và Nga đã so sánh các diễn biến ở Yerevan với những cuộc biểu tình trên quảng trường Độc Lập (Maidan) ở Ukraine hồi tháng 2-2014. Chẳng hạn, tác giả Thomas Grove viết trên Wall Street Journal so sánh “công nghệ biểu tình” ở Yerevan với Maidan, hay tác giả Leonid Bershidsky trên BloombergView thì khẳng định “những cuộc phản kháng này thật sự là nhằm chống Matxcơva”.

Theo Bershidsky, nhiều người Ukraine hi vọng Armenia sẽ trở thành đồng minh của mình. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov (người gốc Armenia) trên trang Facebook của mình thì nhắc lại những nhà hoạt động Maidan cũng đã bị cảnh sát tấn công, và động viên người biểu tình Armenia “ý chí tự do” sẽ chiến thắng. Một số nhà đối lập thân châu Âu ở Armenia đã gắn những cuộc phản kháng Yerevan cho việc Armenia gia nhập Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EAEC) hồi đầu năm nay.

Nguy cơ chính trị hóa một cuộc phản kháng xã hội là điều Yerevan đang lo ngại nhất. Bởi trong tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay, không khó diễn giải vấn đề theo lăng kính chính trị chủ quan.

Đã có các kêu gọi cảnh giác với “cách mạng màu”, lo ngại #ElectricYerevan (hashtag trên Twitter về cuộc biểu tình chống tăng giá điện ở Yerevan) sẽ là một Maidan (cuộc biểu tình kéo dài ở Kiev tháng 2-2014 dẫn tới chính biến lật đổ tổng thống Yanukovich ở Ukraine) thứ hai.

Những người cảnh giác nguy cơ “cách mạng màu” đã vin vào thực tiễn sau: Do những yếu tố lịch sử mà điện năng Armenia phụ thuộc nặng nề vào Nga: 80% cơ sở điện lực Armenia hoặc thuộc sở hữu của Nga, hoặc đã được nhượng quyền cho các công ty Nga. Theo giám đốc Trung tâm phân tích về toàn cầu hóa và hợp tác khu vực Stepan Grigoryan, việc điều hành ở những công ty này không phải luôn hiệu quả.

Tình hình tương tự với ENA, từ lâu đã có đồn đoán về hục hặc giữa ENA với Chính phủ Armenia trong việc chi tiêu của ENA. Hai bên cáo buộc lẫn nhau, trong đó ENA cho biết ”các chi tiêu sai mục đích là theo lệnh của chính quyền sở tại và việc tăng giá là nhằm bù đắp các phí tổn này”.

Trong khi đó, hồi tháng 2, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã ghé Armenia trong chuyến công du nam Kavkaz. Về mặt chính thức, truyền thông cho biết bà Nuland đến để dàn xếp vụ trao trả hai tù nhân người Azerbaijan mà Armenia đang giam giữ vì những “hoạt động phá hoại” ở khu vực tự trị Nagornyi - Karabakh (tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia).

Nhưng theo nhà báo Armenia Naira Hayrumyan, sau chuyến đi này chính quyền Armenia đã đồng ý bán thác Vorotan cho Mỹ trong nỗ lực đa dạng hóa chủ đầu tư khu vực năng lượng Armenia. Ngày 17-6, KROU đã trao cho công ty Mỹ Contour Global Hydro Cascade giấy phép thời hạn 25 năm để khai thác thủy điện thác Vorotan với giá 180 triệu USD.

Sau chuyến đi mà bà Nuland cũng đề nghị hợp tác với Armenia trong cuộc chiến chống tham nhũng, một hội đồng chống tham nhũng đã được thành lập để - như Naira Hayrumyan cho biết - “làm trong sạch đội ngũ các quan chức chính quyền Armenia cũng như để xem xét lại công việc của các công ty nhà nước Nga vốn đang sở hữu phần lớn tài sản Armenia”.

Với những sự kiện này, dễ hiểu vì sao có người không chấp nhận những nguyên nhân thuần túy kinh tế xã hội của cuộc biểu tình, nhìn thấy qua cuộc phản kháng thuyết âm mưu và yếu tố chống Nga. Trong khi đó, những người biểu tình Yerevan khẳng định họ chỉ phản đối việc tăng giá điện và nạn tham nhũng. Họ không bài Nga cũng không ủng hộ EU, không phải là con rối được phương Tây giật dây cho những lợi ích địa chính trị.

Báo Sự Thật Komsomol (Nga) tường thuật từ hiện trường: họ đã bị những người biểu tình từ chối trả lời vì kênh truyền hình Nga “Rossiya 24” đã “so sánh Yerevan với Kiev”. Một người biểu tình khi chấp nhận trả lời đã hỏi: “Tại sao các người nói dối? Chúng tôi không hề mang vũ khí. Chúng tôi không phải là Maidan. Tại sao lại phát đi thông tin như thế? Không có chính trị ở đây. Chúng tôi đơn giản chỉ mệt mỏi vì tham nhũng, và chúng tôi chống việc tăng giá điện!”.

Chính quyền Yerevan hiển nhiên hiểu sự nguy hiểm của tình hình hiện nay thể hiện qua quyết định nhanh là sẽ cho kiểm toán ENA. Trong lời kêu gọi gửi tới giới trẻ, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cảnh báo nguy cơ chia đất nước thành hai phe “của mình” và “của họ”: “Tôi muốn kêu gọi các bạn trẻ đang cất tiếng nói của mình trong cuộc biểu tình: các bạn thân mến, đừng sợ nhận trách nhiệm mới và hãy giúp giảm bớt không khí nghi kỵ trong xã hội bằng cách trở thành người tham gia thật sự vào quá trình thảo ra các bước đi”.

Ông cũng hứa sẽ gặp các lãnh đạo cuộc biểu tình để cùng nhau giải quyết vấn đề, đặc biệt sẽ trừng phạt những quan chức tham nhũng trong vụ tăng giá, nếu có.

Những diễn biến sắp tới có giúp giải tỏa những nghi ngờ trong lòng người Armenia, hoặc phủ nhận ý kiến cho rằng nỗi lo “cách mạng màu” chỉ là huyễn hoặc? Hãy chờ xem.        

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận