Bắt mạch thể thao 2021…

HUY ĐĂNG 09/01/2021 19:30 GMT+7

TTCT - Với tình hình đại dịch vẫn hoành hành khắp nơi trên thế giới, người hâm mộ thể thao có lý do để lo lắng cho một năm 2021 đầy ắp những sự kiện hàng đầu.

Euro 2020 nhiều khả năng vẫn diễn ra bất chấp dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Vòng chung kết Euro, Olympic Tokyo, một hệ thống những giải đấu nhà nghề như Grand Slam (quần vợt), Công thức 1 (đua xe) vẫn tiếp tục bị đe dọa…

Truyền hình lên ngôi

Xét về yếu tố kinh doanh, bóng đá có lẽ là môn thể thao ít chịu ảnh hưởng nhất nhờ lợi thế bản quyền truyền hình. Từ trước khi xuất hiện COVID-19, bản quyền truyền hình đã trở thành công cụ kiếm tiền chủ yếu của các CLB hàng đầu châu Âu, đặc biệt là ở những giải hấp dẫn như Premier League. Hầu hết các đại diện Premier League đều có doanh thu từ truyền hình chiếm 70-80% tổng doanh thu.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng cho thấy 85,8% doanh thu - tương đương 3,3 tỉ euro - của tổ chức này là tiền bản quyền truyền hình, 12,4% (478 triệu euro) là các bản quyền thương mại, trong khi tiền vé và các khoản thu khác chỉ chiếm 1,8%.

Cũng vì vậy, những người điều hành Premier League kiên quyết không hoãn giải đấu khi dịch bệnh có dấu hiệu một lần nữa bùng phát trong cộng đồng ở xứ sương mù. Ngay với các đội bóng tính đến tuần này, đã có Manchester City và Fulham xuất hiện nhiều ca bệnh. Trong khi việc cho khán giả vào sân được thử nghiệm vài tuần lễ cuối năm đã sớm phải dẹp bỏ vì nhiều thành phố của Anh không kiểm soát nổi dịch bệnh, ban tổ chức Premier League vẫn khăng khăng bóng tiếp tục lăn.

Dù sao thì các giải đấu hàng đầu châu Âu còn chưa phải đi đến phương án thi đấu tập trung - cách thức được cho là cuối cùng để các giải bóng đá diễn ra không còn kiểm soát được dịch bệnh. Làng bóng đá đỉnh cao vì thế nhiều khả năng vẫn diễn ra bình thường trong năm 2021, bao gồm VCK Euro. Việc thi đấu không khán giả sau một năm vừa qua cho thấy trên thực tế cũng không quá tiêu cực như nhiều người nghĩ.

Cách đây không lâu, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định hủy VCK World Cup U20 tại Indonesia, nhưng Euro ở một đẳng cấp khác. Thống kê cho thấy 51 trận đấu ở VCK Euro 2016 thu hút đến hơn 5 tỉ lượt xem truyền hình, trong đó riêng trận chung kết là 600 triệu lượt. Dễ hiểu khi UEFA bỏ túi đến hơn 1 tỉ euro nhờ giải đấu số một của mình năm đó. Ở VCK năm nay, con số này có lẽ chỉ tăng chứ không giảm, đặc biệt khi khán giả nhiều khả năng không được vào sân.

Khả năng kiểm soát dịch bệnh với làng bóng đá đỉnh cao cũng tương đối đơn giản. 24 đội bóng tương đương 552 cầu thủ, tính cả ban huấn luyện thì con số tổng cộng cũng chỉ vào khoảng 1.000 người. Vấn đề duy nhất của Euro 2020 (vẫn giữ tên này dù đã dời sang 2021) là giải đấu ban đầu dự kiến được tổ chức ở 12 quốc gia. Có thể UEFA sẽ phải tính đến phương án gom về một nơi để dễ bề kiểm soát dịch.

Ảnh: AP

Olympic lại bị đe dọa

Trong khi đó, Olympic có những nỗi lo lớn hơn nhiều. So với 552 cầu thủ của Euro, Olympic Tokyo có quy mô tham dự đông gấp 20 lần, với hơn 11.000 VĐV. Nhưng điều nguy hiểm nhất là họ đến từ quá nhiều quốc gia khác nhau, tổng cộng 206 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có rất nhiều quốc gia không có được những điều kiện y tế, kiểm tra sức khỏe đủ chuẩn. Việc kiểm soát dịch bệnh với cộng đồng đông và hỗn tạp như thế là rất khó.

Đau khổ cho nước chủ nhà ở chỗ kinh phí tổ chức một kỳ Olympic lại tốn kém hơn nhiều so với một giải bóng đá. Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 25 tỉ USD cho các công trình cơ sở hạ tầng và chi phí tổ chức (khoảng 15 tỉ USD). Tất nhiên, hủy bỏ hay hoãn Olympic không khiến Nhật Bản tổn thất toàn bộ số tiền đó, nhưng khoản tiền tổ chức về cơ bản là mất trắng. Đó là chưa kể những tác động gián tiếp. Ước tính của Nikkei Asia cho biết nền kinh tế Nhật mất 600 - 700 tỉ yen (5,4 - 6,3 tỉ USD) khi hoãn Olympic lại một năm.

Dịch bệnh vẫn còn quá phức tạp khiến truyền thông dự đoán Olympic Tokyo sẽ bị hủy hoàn toàn. Đó cũng là điều mà ban tổ chức thừa nhận khi đưa ra quyết định hoãn 9 tháng trước - rằng nếu không thể tổ chức đúng lịch dời lại vào năm 2021 thì kỳ Olympic này sẽ bị hủy. Nếu điều đó xảy ra, thiệt hại của Nhật Bản sẽ còn lớn hơn nhiều.

Ngay cả nếu bấm bụng “liều” tổ chức, Olympic Tokyo vẫn đối mặt nguy cơ hiu quạnh vì chưa chắc các VĐV và nước tham dự dám và muốn di chuyển, rồi tập trung đông người từ nhiều nơi như vậy, vào thời buổi này. Một vấn đề nữa là những ngôi sao lớn của giới thể thao ở các môn nhà nghề như bóng đá, bóng rổ, quần vợt, quyền anh… sẽ không háo hức lắm với một kỳ thế vận hội đầy lo âu như vậy, nhất là khi họ có thu nhập có thể lên đến hàng chục triệu USD. Với họ, sẽ là quá mạo hiểm để tới tranh huy chương ở Tokyo.

Sự phân hóa

Các giải đấu thể thao lớn quả thực dễ kiểm soát dịch bệnh hơn nhiều một khi thi đấu mà không có khán giả. Vấn đề là tính toán về tổn thất tài chính cũng như độ thu hút. Điển hình như quần vợt. Roland Garros và Mỹ mở rộng đã được tổ chức trong giai đoạn cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh tạm lắng. Nhưng nhiều giải đấu hạng 2 như Nhật mở rộng, Trung Quốc mở rộng… bị hủy bỏ hoàn toàn. Các ngôi sao chỉ chấp nhận mạo hiểm vì những giải đấu thật lớn.

Thêm vào đó, quy mô cồng kềnh của các quy trình đi lại, cách ly, xét nghiệm COVID-19… ở nhiều nước cũng tạo nên khó khăn tài chính cho các giải đấu, nhất là ở các nền thể thao trung bình hay ở những nước đang phát triển. Khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm ở Trung Quốc, các VĐV Trung Quốc bị kỳ thị khắp nơi. Một chuyện bên lề, với riêng bóng bàn, Qatar vẫn sẵn sàng tiếp đón đội tuyển Trung Quốc sang cách ly và tập huấn một thời gian dài trước khi tổ chức giải bóng bàn mở rộng của họ. Lý do Qatar đưa ra là “giải đấu sẽ không còn hấp dẫn nếu mất đi tuyển Trung Quốc”. Điều đó cũng dễ hiểu khi có đặc quyền dành cho cường quốc bóng bàn số một thế giới.

Đại dịch cũng khiến việc tập huấn hầu như đình trệ hoàn toàn trong năm qua. Thiệt thòi nhất vì điều này là những nền thể thao trung bình hoặc nhỏ. Olympic nếu có diễn ra nhiều khả năng sẽ vẫn chỉ là sân chơi riêng dành cho VĐV của những nền thể thao hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nga… - những người vẫn được tập luyện và thi đấu trong môi trường đỉnh cao suốt một năm qua.■

F1 lỗ thê thảm

Hệ thống Giải đua xe Công thức 1 (F1) là một trong những sự kiện thể thao thiệt hại nặng nhất, với tổng cộng 13 chặng đua bị hủy và nhiều chặng khác bị hoãn vì đại dịch. Chưa có thống kê về tài chính của F1 trong năm 2020, nhưng một báo cáo cách đây vài tháng cho biết trong quý 2, F1 đã giảm đến 96% thu nhập so với cùng kỳ năm ngoái - tức từ 620 triệu USD còn 24 triệu USD. Ước tính F1 sẽ thua lỗ 136 triệu USD trong năm 2020.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận