Các gói kích thích kinh tế hiệu quả đến đâu?

HẢI MINH 24/06/2013 19:06 GMT+7

TTCT - Thử nhìn lại các gói kích thích kinh tế và cách thức các nền kinh tế “dẫn đạo” thực hiện những lời hứa, cam kết phục hồi kinh tế ra sao, sau năm năm?


Gói giải cứu bất động sản ở Mỹ nhắm đúng đối tượng là người mua nhà còn nợ, loại bỏ mọi lo ngại về đầu cơ và có các cơ chế kiểm soát giải ngân chặt chẽ - Ảnh: Nevadanewsbureau.com


Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô trên diện rộng vào mùa thu năm 2008. Nền kinh tế thế giới như va phải một bức tường kể từ đó. 

Phòng tuyến đầu tiên là chính sách tiền tệ, nhưng các biện pháp thông thường đã đạt tới giới hạn ở nhiều nước. Chính sách lãi suất ở nhiều nước - bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản - là điều chỉnh lãi suất về mức danh nghĩa gần không, không còn tác dụng nữa.

Chính sách tài khóa do đó được viện đến với hi vọng hồi phục kinh tế toàn cầu. 

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Washington tháng 11-2008, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết “sử dụng các chính sách tài khóa để kích thích cầu nội địa với tác dụng nhanh chóng, thích hợp, trong khi duy trì một khung chính sách đảm bảo sự bền vững về tài khóa”. 

Những nền kinh tế “dẫn đạo” đã thực hiện lời hứa đó ra sao, năm năm sau đó?

Quy mô các gói kích thích

Gần như mọi nước thuộc G20 đều công bố các gói kích thích kinh tế. Tổng cộng gói kích thích kinh tế của G20 vào khoảng 692 tỉ USD vào năm 2009, chiếm 1,4% GDP các nước này và hơn 1,1% GDP toàn cầu (con số này thấp hơn so với kêu gọi của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, vào khoảng 2% GDP toàn cầu mới đủ vực dậy nền kinh tế).

Ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chi 424 tỉ USD cho gói kích thích trong năm 2009, với phần chia của họ trong tổng gói kích thích toàn cầu là 39% (Mỹ), 13% (Trung Quốc) và 10% (Nhật Bản). Gói kích thích của Mỹ cũng tương đương 1,9% GDP năm 2008, của Trung Quốc là 2,1% và Nhật Bản là 1,4% GDP.

Trong khi hầu hết các nước đều có chương trình kích thích kinh tế, quy mô các gói kích thích là hoàn toàn khác nhau, một số nước tỏ ra hết sức dè dặt (Pháp chỉ đưa ra một gói kích thích tương đương 0,7% GDP năm 2009). 

Hiệu quả tương đối của hai biện pháp kích thích kinh tế phổ biến nhất cũng gây tranh luận quyết liệt: giảm thuế hay tăng chi tiêu?

Thường thì các nước sử dụng các biện pháp này theo cách trước - sau: đầu tiên là một làn sóng kích thích chi tiêu nhằm tăng cầu nội địa, sau đó là cắt giảm thuế hoặc ngược lại. 

Chẳng hạn, Mỹ đã tăng chi tiêu trước rồi giảm thuế sau trong giai đoạn tháng 1-2008 tới tháng 1-2009. Còn gói kích thích của Đức bắt đầu bằng giảm thuế trước và tăng chi tiêu sau, cũng trong cùng giai đoạn. Úc và Tây Ban Nha cũng áp dụng cách tương tự Đức giai đoạn 2008-2009.

Sự khác biệt cũng là rất lớn giữa các nước khi tung ra các gói kích thích kinh tế về tỉ phần tăng chi tiêu và giảm thuế. Ở Mỹ, giảm thuế chiếm khoảng 45% gói kích thích. Một số nước, bao gồm Brazil, Nga và Anh, tập trung chủ yếu vào cắt giảm thuế. 

Những nước khác như Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ lại tập trung cho tăng chi tiêu. Tính tổng cộng các nước G20, trừ Mỹ, khoảng một phần ba gói kích thích là cho cắt giảm thuế, phần còn lại là tăng chi tiêu.

Tranh cãi ở Mỹ

Gói kích thích có thời hạn 10 năm của Mỹ (2009-2019) và quy mô vào khoảng 831 tỉ USD đã mang tới những hệ quả khác nhau cho nền kinh tế, hiện vẫn là vấn đề thời sự gây tranh cãi nhiều cả trong giới học thuật lẫn kinh doanh. Tuy nhiên, quan điểm chung là gói kích thích đó đã không thành công.

Michael Grabell - một nhà báo - đã dành thời gian đến các dự án từ tiền kích thích kinh tế ở 15 bang khác nhau và đọc hàng nghìn tài liệu của chính quyền để hoàn tất cuốn sách của ông in năm 2012: Money well spent?: The truth behind the trillion-dollar stimulus, the biggest economic recovery plan in history (Tiền có được tiêu khôn ngoan?: Sự thật đằng sau gói kích thích nghìn tỉ đô, kế hoạch phục hồi kinh tế lớn nhất lịch sử).

Grabell đã tới nhiều dự án từ tiền kích thích kinh tế của Mỹ, như thủ đô chế tạo nhà di động của nước Mỹ Elkhart (Indiana), khu vực nhà máy hạt nhân sông Savannah, hay một trong những doanh nghiệp năng lượng mặt trời đầu tiên của Mỹ Solyndra ở Fremont (California)...

“Gói kích thích làm được nhiều điều tốt đẹp, nhưng đã thất bại trong việc mang lại sự hồi phục mạnh mẽ mà dư luận chờ đợi - Grabell bình luận - Tiền bạc bị trải ra quá rộng trong nhiều chương trình đã ngốn mất ngân sách sẵn có. Các khoản giảm thuế không đủ mạnh và rộng rãi để vượt qua nỗi lo sợ mất việc làm, mất nhà hay nhiều năm nghỉ hưu không có thu nhập”.

Nhưng các dự án trong gói kích thích kinh tế ở Mỹ đều rất cụ thể và mọi người dân có thể theo dõi tiền ngân sách đã được giải ngân ra sao qua nhiều kênh, mà trước hết là trang mạng công khai của chính quyền recovery.gov, trong đó liệt kê chi tiết tiền chi cho các dự án ở từng bang và cả ở quy mô liên bang. 

Nhưng ngay cả như vậy, nhiều dự án vẫn bị chỉ trích là không được cân nhắc đầy đủ và các quyết định đã đưa ra vội vàng.

“Chẳng hạn như khu vực sông Savannah - Grabell nói - Họ chi 1,6 tỉ USD cho một vùng chỉ có vài chục nghìn dân. Tỉ lệ thất nghiệp ở đó giảm từ 10,2% xuống 8,5%, nhưng tác động là không nhiều”.

Hiệu quả Nhật Bản

Những tin tức mới nhất từ Nhật Bản vào tháng 6-2013 cho thấy nước này đã có thặng dư tài khoản vãng lai gấp đôi trong tháng 4-2013 so với cùng kỳ năm trước, và dư nợ của ngân hàng tăng ở mức nhanh nhất trong ba năm qua, dấu hiệu cho thấy chính sách tài khóa tích cực của chính phủ để kích thích kinh tế đã phát huy tác dụng ban đầu.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng 1% trong quý 1-2013, một sự hồi phục còn chậm nhưng chắc chắn dưới thời tân Thủ tướng Shinzo Abe. Tài khoản vãng lai thặng dư ở mức 750 tỉ yen (7,70 tỉ USD), tăng 100,8% so với cùng kỳ năm trước và lớn hơn nhiều so với dự đoán trung vị 320 tỉ yen, theo thông tin từ Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 10-6.

Trong gói kích thích tháng 1-2013, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng chi mua trái phiếu chính phủ từ 3.800 tỉ yen (389 tỉ USD) lên 7.500 tỉ (hay 768 tỉ USD). Tính tổng cộng chính quyền dự định chi khoảng 100 tỉ USD cho các dự án công trong gói kích thích kinh tế.

Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống hạ tầng quy mô lớn nhất thế giới xét về tỉ lệ phân bổ. Nhưng dự án đó khiến chỉ số chứng khoán Nikkei tăng gần một phần ba tính tới nay, vượt mức 13.000 điểm vào tuần trước. Ngoài ra, đồng yen cũng mất 10% giá trị so với đồng USD, giúp kích thích xuất khẩu. 

Tất nhiên, gói kích thích gây ra lo ngại về nợ công, tăng thuế trong tương lai và sự phân bổ công bằng cho tất cả, nhưng cho tới giờ nó đã phát huy tác dụng.


Họ làm gì với bất động sản?

Trong gói kích thích kinh tế của Tổng thống Barack Obama tháng 3-2009, có một phần lớn dành cho bốn công ty cho thuê vay nhà lớn nhất ở Mỹ (chiếm hai phần ba các bất động sản có thế chấp ở Mỹ) là Wells Fargo, Bank of America, JP Morgan Chase và Citigroup.

Gói kích thích cho nhà ở dự kiến giúp cơ cấu lại 3-4 triệu hợp đồng cho vay mua nhà, hướng tới những chủ nhà mắc kẹt trong giá cho vay cao. Phần quan trọng nhất của gói kích thích là các tiêu chí được đưa ra rõ ràng.

Gói hỗ trợ của chính phủ đề nghị mức vay mới với lãi suất chỉ 4%, nới thời hạn vay lên 40 năm và ân hạn thêm cho các khoản vay quá hạn chưa trả được. Những người cho vay được phân loại làm hai hạng: có tiền sử tín dụng tốt và xấu.

Với những người có tiền sử tín dụng tốt, quy định yêu cầu họ phải đang ở trong căn nhà mà họ định tái cấu trúc khoản vay, có khoản nợ ít hơn 729.750 USD, phải chứng minh được là mình đang gặp khó khăn tài chính và chương trình có thời hạn đăng ký.

Với những người có tiền sử tín dụng rủi ro, các điều kiện cũng tương tự nhưng kèm theo quy định là sau năm năm, lãi suất với các khoản vay mới sẽ tăng nhưng không cao hơn lãi suất thị trường ở thời điểm đó.

Những nhà đầu tư bất động sản, những người muốn mua căn nhà thứ hai và những ai có khoản nợ trên 729.750 USD đều không được tham gia chương trình này.

Vấn đề như vậy không nằm ở việc đưa ra các quy định như thế nào mà là tính hợp lý của những quy định đó, thông tin cần thiết về thu nhập, các khoản vay... của người có nhu cầu tham gia gói “giải cứu nhà ở” đều có sẵn, công khai và dễ tiếp cận để nhà chức trách đánh giá chính xác ai sẽ được/ai không được vay hỗ trợ từ ngân sách.

Với hạ tầng thông tin tài chính đầy đủ, sự ràng buộc về minh bạch hóa của chính quyền (thông qua những công cụ như trang recovery.gov và nhiều định chế kiểm tra chéo khác), sự hợp tác thật sự từ người dân, gói hỗ trợ không gặp phải những vấn đề đau đầu như ở Việt Nam: xác định thế nào là thu nhập và thế nào là thu nhập thấp, làm sao xác định người muốn tham gia gói hỗ trợ có phải là mua căn nhà thứ hai hay không (nhờ cách đứng tên hộ), có gặp khó khăn về tài chính hay không, sự minh bạch của cơ quan điều hành và quản lý quỹ...

Gói kích thích bất động sản này đảm bảo tiền chảy đúng vào người mua nhà, nhắm tới mục tiêu giải tỏa nợ cho người dân và giảm bớt nỗi lo về nhà ở. Doanh nghiệp bất động sản nếu được hưởng lợi từ quá trình này thì cũng chỉ là một tác dụng phụ tích cực, chứ không phải là đích đến của các khoản cứu trợ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận