Cần thiết, nhưng...

LÊ THANH HẢI (TP.HCM) 08/04/2013 20:04 GMT+7

TTCT - Tôi hiện là giảng viên tiếng Anh, dù không phải là người trong cuộc nhưng cũng là người trong nghề nên muốn có một vài ý góp cho vấn đề... không nhỏ này.

Tiếng Anh và... nỗi sợ hãi

Phóng to
Giảng viên William Leach hướng dẫn sinh viên năm 1 Trường đại học Tôn Đức Thắng học tiếng Anh theo chuẩn TOEIC quốc tế được đưa vào trong chương trình dạy chính khóa - Ảnh: Như Hùng

Trước hết, việc tổ chức cho giáo viên thi theo chuẩn châu Âu là cần thiết. Cần thiết để một số giáo viên có dịp “nhìn lại mình”, đừng ham làm giàu mà quên trau dồi chuyên môn. Tuy nhiên cách thức tiến hành là... không công bằng. Dao có mài mới sắc. Bao nhiêu năm trời dạy theo kiểu “chỉ để đi thi” thì thử hỏi có giáo viên nào còn nghe, nói được như thời sinh viên?

Thứ hai, Bộ Giáo dục - đào tạo làm việc quá tùy tiện. Lúc đào tạo thì không quản chất lượng, lúc sinh viên ra trường có quy định phải đạt chuẩn nào đâu, bây giờ đùng một cái bắt đi thi theo chuẩn. Không có bột thì sao gột nên hồ?

Và điều thứ ba là lãng phí. Trước khi tiến hành trên toàn quốc thì TP.HCM và Hà Nội là hai nơi được thực hiện thí điểm.

Kết quả ra sao thì mọi người cũng đã biết qua báo chí phản ánh. Vậy mà nay vẫn chi một khoản kinh phí không nhỏ để tiến hành ở khắp các tỉnh thành trong cả nước dù có thể đoán biết trước kết quả.

Vì thế, theo tôi, chuẩn châu Âu cần áp dụng ngay với sinh viên khi ra trường. Sinh viên có thể chọn thi FCE, IELTS hay TOEFL đều được. Khi được tuyển dụng vào dạy thì các chứng nhận trình độ ở trên phải còn hiệu lực, hết thời hạn phải bắt buộc thi lại.

Sinh viên các trường khác muốn đi dạy ngoài việc học thêm nghiệp vụ sư phạm cũng phải đạt chuẩn tương tự. Thay đổi dần cách thi theo hướng toàn diện hơn. Nếu làm được điều này thì chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông.

Đối với học sinh đã đạt được chứng chỉ FCE, IELTS, TOEFL với một số điểm nhất định, cho phép được chọn: hoặc được tự nguyện tiếp tục trau dồi với giáo viên, hoặc được miễn môn tiếng Anh năm học đó. Điều này vừa giúp tránh lãng phí tiền bạc vừa giảm áp lực sĩ số lớp học, tạo điều kiện cho các em khác, đồng thời cũng kích thích phong trào học ngoại ngữ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận