Chán giả bằng chữ, sang giả bằng hình

TỊNH ANH 03/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Tin tức giả (fake news) và tin xuyên tạc, sai lệch (misinformation) đang dần chuyển mình sang định dạng mới: từ nội dung chữ sang hình ảnh, và mặt trận mới: từ Facebook và Twitter sang Instagram. Vì “một bức ảnh hơn ngàn lời nói”, và còn lý do gì nữa?

MINH HOA TRANG 42 SO 37
 

Cuối tháng 8, mạng xã hội tràn ngập ảnh những khu rừng cháy dữ dội, cảnh khói bụi ngút trời, kèm những dòng chữ (dán thẳng vào ảnh) về thảm họa cháy rừng Amazon và nguy cơ diệt vong của Trái đất.

Theo BBC, ca sĩ Madonna, diễn viên Leonardo DiCaprio và cầu thủ Cristiano Ronaldo đã chia sẻ ba bức ảnh khác nhau nhưng cùng nội dung về cháy rừng Amazon lên Instagram, thu hút tổng cộng hơn 14 triệu like.

Đúng là vừa qua rừng Amazon bị cháy dữ dội, nhưng các chuyên gia phân tích đã dùng kỹ thuật kiểm tra các bức ảnh trên và xác nhận tất cả đều là ảnh cũ. Bức ảnh của Madonna hóa ra chụp từ năm 1989, còn ảnh do tài tử người Mỹ và siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha đưa lên lần lượt là hình hồi năm 2012 và 2013.

Ảnh giả còn tai hại hơn tin giả

Đây là ví dụ cho thấy hình ảnh có thể gây hiểu lầm, và từ đó trở thành công cụ đắc lực để truyền bá tin tức giả đến mức nào. Điều này cũng sẽ lý giải cho cảnh báo gần đây trong báo cáo của Đại học New York, rằng các meme (không chỉ là ảnh chế mà là bất cứ hình ảnh nào được lan truyền nhanh trên mạng) là “công cụ truyền tải tin giả” còn nguy hiểm hơn các bài viết fake news trên Facebook.

Theo Paul Barrett - tác giả báo cáo, khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter thắt chặt kiểm soát thông tin, tin tức xuyên tạc và sai lệch đã tìm được hướng đi mới: ngày càng dựa nhiều vào hình ảnh hơn là chữ viết, “và Instagram rõ ràng là nơi thích hợp nhất cho sự chuyển dịch này”.

Instagram hiện có 1 tỉ người dùng thường xuyên hằng tháng và bản chất là mạng chia sẻ các hình ảnh và video, với các nội dung gây xôn xao dễ dàng được tìm thấy thông qua hệ thống hashtag và trang Explore (hiển thị nội dung đang được nhiều người quan tâm).

Samantha Bradshaw, chuyên gia nghiên cứu các hình thức tuyên truyền trên mạng Internet, cho rằng hình ảnh và video được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng (gọi là viral) “chính là tương lai của tin tức sai lệch và tin tức giả”.

“Không ai có thời giờ đọc một đoạn dài có chứa thông tin sai nữa - Bradshaw nói với BBC - Người ta thích những hình ảnh ngắn gọn, dễ dung nạp, đôi khi hài hước nhưng chứa đựng một thông điệp chính trị nhất định”.

Tin giả trên Instagram có thể là hình ảnh gắn kèm thông điệp, hay ảnh chụp màn hình (screenshot) các bài viết trên Facebook hay Twitter. Những hình ảnh mang thông tin sai lệch này sẽ được lan truyền nhanh chóng vì cũng như trên Facebook hay Twitter, ở đâu cũng có những người tin vào bất kỳ những gì họ đọc được và nhanh chóng chia sẻ để góp phần “lan tỏa” tin tức, dù là tin giả.

Phổ biến nhất trên Instagram là các bí kíp làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, ăn kiêng giữ dáng, hay phong trào chống vaccine - dù không có cơ sở khoa học vẫn được chia sẻ rần rần.

Trao còi cho người dùng tuýt

Khi mặt trận tin giả bắt đầu chuyển đổi, hình ảnh thay chữ viết làm “vũ khí”, từ giữa tháng 8-2019, Instagram đã cho phép người dùng Mỹ report (báo cáo vi phạm) các nội dung mà họ cho là tin tức giả để nền tảng này xem xét và xử lý.

Tính năng này bắt đầu được cung cấp cho người dùng toàn cầu một tháng sau đó. Người dùng có thể bấm vào 3 dấu chấm trên góc phải mỗi ảnh, chọn “Báo cáo” (Report), sau đó chọn tiếp “Nội dung không phù hợp” (It's inappropriate) và cuối cùng là “Thông tin giả” (False information).

Instagram sẽ xem xét các nội dung do người dùng “tuýt còi” và quyết định có chuyển chúng cho các đối tác chuyên xác minh thông tin (fact check) kiểm tra hay không. Nếu xác định là thông tin sai, bài đăng bị báo cáo vi phạm sẽ không bị xóa nhưng bị thuật toán của Instagram “cấm cửa”, không hiện lên các trang hashtag và trang Explore nữa.

Stephanie Otway, người phát ngôn Instagram, cho rằng đây là “bước khởi đầu khi chúng tôi hướng đến một cách tiếp cận toàn diện hơn để xử lý thông tin xuyên tạc”. Full Fact, một trong các đối tác kiểm tra tính xác thực của thông tin, chia sẻ trên cả Facebook và Instagram, cho rằng việc cho phép người dùng báo cáo bài viết vi phạm trên Instagram có thể không mang lại nhiều thay đổi trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ giúp Facebook hoàn thiện các công cụ phát hiện tin giả của mình.

Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là một hình ảnh giả trên Instagram có thể nhanh chóng lan truyền nằm ở phía người dùng, những người thấy gì cũng tin. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần bùng phát tin giả, và điều này, than ôi, cực khó mà làm thay đổi được.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận