Chỉ Trung Quốc & Việt Nam đi ngược FIFA!

HUY ĐĂNG 29/03/2018 18:03 GMT+7

TTCT - Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều tuân theo định hướng của FIFA: nói không với việc để các quan chức nhà nước lãnh đạo nền bóng đá, trừ Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Cai Zhenhua (phải) và cựu danh thủ David Beckham. Ảnh: Getty Images
Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Cai Zhenhua (phải) và cựu danh thủ David Beckham. Ảnh: Getty Images


Không có chuyện “1 lúc đá 2 sân”

Nếu lên Google tìm kiếm với 2 từ khóa “football” (bóng đá) và “politics” (chính trị), bạn sẽ thấy một loạt câu chuyện khác nhau, gần nhất là câu chuyện của Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Tây Ban Nha (RFEF).

Hồi cuối năm 2017, làng bóng đá Tây Ban Nha đón nhận một cú sốc khi ông Ángel Villar, chủ tịch RFEF, phải từ chức vì dính cáo buộc tham nhũng. Trong thời gian chờ đợi cuộc bầu cử diễn ra khoảng giữa năm 2018, chức chủ tịch tạm quyền do ông Juan Luis Larrea đảm nhiệm.

Điều đáng nói là Hội đồng Thể thao quốc gia Tây Ban Nha (tương đương Tổng cục Thể dục thể thao của Việt Nam) lại “ngỏ ý” muốn làm việc cùng RFEF trong việc bầu chọn chủ tịch mới. Ngay khi nhận được thông tin này, FIFA lập tức gửi đến RFEF cảnh báo mang nội dung: “Chúng tôi đã gửi một bức thư đến RFEF để bày tỏ mối lo ngại về tình trạng này, mọi LĐBĐ thành viên nên quản lý công việc của mình một cách độc lập”.

Phía RFEF sau đó lại tiết lộ họ đã làm việc với FIFA và “không muốn vắng mặt ở World Cup 2018”. Điều đó đồng nghĩa FIFA đã cảnh báo sẽ loại tuyển Tây Ban Nha khỏi World Cup 2018 nếu chính phủ nước này can thiệp trực tiếp vào việc bầu cử chủ tịch.

Đó không phải là một lời nói đùa, bởi trong quá khứ cơ quan đầu não bóng đá thế giới từng cấm cửa nhiều nền bóng đá tham dự các giải đấu chính thức của FIFA vì để chính phủ can thiệp quá sâu. Điển hình là hai trường hợp của Indonesia và Kuwait vào năm 2015 (hiện đã được gỡ bỏ án phạt).

Thế nào là “không để chính phủ can thiệp vào LĐBĐ”? Khái niệm này thật ra khá mơ hồ, xuất phát từ quy định trung lập trong các vấn đề chính trị của FIFA. Điều thứ 19 luật FIFA ghi: “Mỗi LĐBĐ thành viên của FIFA phải quản lý công việc của mình một cách độc lập mà không bị can thiệp bởi bất kỳ bên thứ ba nào”. Cũng trong điều luật này, FIFA khẳng định chuyện bầu cử càng đặc biệt phải tuân theo nguyên tắc làm việc độc lập.

FIFA không đưa ra quy định cụ thể nào về việc cấm các quan chức nhà nước tham gia LĐBĐ. Nhưng rõ ràng nếu điều này diễn ra, các quan chức này phải đảm bảo được tính độc lập của mình trong việc bầu cử, cũng như đưa ra những quyết định trong công việc của LĐBĐ nếu không muốn bị FIFA “soi”.

Hạn chế này khiến ở hầu hết các quốc gia có nền bóng đá phát triển, giới chính khách thường ít khi tham gia tranh cử. Các cựu danh thủ, doanh nhân và luật sư là những đối tượng quen thuộc trong những cuộc bầu cử chủ tịch LĐBĐ.

Vì sao Trung Quốc được FIFA lơ?

Kể cả ở Đông Nam Á - “vùng trũng” của bóng đá thế giới, trường hợp này cũng không nhiều. Ngoài Indonesia từng bị phạt nặng, những quốc gia phát triển bóng đá như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Myanmar đều tuân thủ triệt để nguyên tắc của FIFA.

Điển hình như chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung. Vị chủ tịch 63 tuổi này từng giữ chức cảnh sát trưởng hoàng gia Thái Lan, nhưng ông chỉ ra ứng cử chức chủ tịch FAT khi đã về hưu.

Trường hợp tương tự là ông Edy Rahmayadi, người còn là tướng lĩnh quân đội Indonesia khi đắc cử chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI) hồi năm 2016, nhưng về hưu sau đó không lâu.

Còn ở Singapore, chủ tịch Lim Kia Tong là luật sư, trong khi chủ tịch LĐBĐ Myanmar là tỉ phú Zaw Zaw - doanh nhân. Chủ tịch LĐBĐ Malaysia là hoàng tử Isamil Idris, tuy thuộc hoàng gia nhưng không đảm nhận chức vụ nào trong chính phủ nước này.

Ngoại lệ hiếm hoi của thế giới bóng đá là Trung Quốc, quốc gia lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cầu thủ 3 năm qua từ giấc mơ bóng đá của ông Tập Cận Bình. Ông Cai Zhenhua (Thái Chấn Hoa), chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ Trung Quốc (CFA), đồng thời cũng giữ chức phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Không chỉ có ông Cai, phó chủ tịch Zhang Jian (Trương Kiếm) cũng là quan chức Tổng cục TDTT Trung Quốc.

Vậy tại sao FIFA lại không can thiệp những dấu hiệu bất thường của CFA? Theo Aneliya Petrova - luật sư trong ngành thể thao làm việc tại Thượng Hải, cơ quan đầu não thế giới đã cố tình làm ngơ. “Công bằng mà nói, tôi nghĩ FIFA ban đầu không quan tâm lắm đến bóng đá Trung Quốc, chẳng có gì đặc biệt để phải bận tâm. Những năm sau này, Trung Quốc dần trở thành một thị trường bóng đá lớn mạnh, FIFA không muốn mất thị trường này và cũng cần tiền. Mà tiền thì Trung Quốc không thiếu...” - Petrova phân tích.

Có thể phải bổ sung là bên cạnh Trung Quốc còn có Việt Nam, với một loạt cán bộ Tổng cục TDTT tham gia LĐBĐ như ông Trần Quốc Tuấn, Lê Hoài Anh...■

Sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào các hoạt động bóng đá là rất rõ rệt. Mới hồi năm ngoái, chính phủ đưa ra một dự thảo về việc đánh thuế những bản hợp đồng ngoại binh của các CLB Trung Quốc. Theo đó, các CLB Trung Quốc khi mua cầu thủ nước ngoài sẽ phải đóng thêm một khoản tiền tương đương phí chuyển nhượng. Khoản tiền này sẽ dùng để góp vào chương trình phát triển bóng đá do Chính phủ Trung Quốc xây dựng. Dự thảo này bị các CLB phản đối mạnh mẽ, vì cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã “can thiệp thô bạo” vào bóng đá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận