TTCT - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như đã, đang và sẽ diễn ra mà VN là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất, hiện tượng di dân có lẽ sẽ diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Nhiều gia đình ở ĐBSCL chỉ còn lại người già và trẻ em, do người trong độ tuổi lao động đã bỏ xứ đi làm thuê -T.Trình Những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra ấy đã buộc nhiều cư dân tại các vùng bị ảnh hưởng phải rời bỏ quê hương bản quán của mình để tìm kiếm những nguồn sinh kế khác mà nơi đến chắc chắn là những đô thị. Tình trạng di dân từ các vùng nông thôn đến các khu đô thị chắc chắn sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn tại nơi xuất cư lẫn nơi đến cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Trẻ thiếu học hành, vắng tình thương cha mẹ Khi người dân lũ lượt rời bỏ nơi mà mình đã từng gắn bó trong một thời gian dài để đi tìm nguồn sinh kế mới thì bản thân các địa phương xuất cư ấy sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Những ảnh hưởng đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại chính các địa phương ấy khiến cho việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của những nơi này sẽ không diễn ra như mong muốn, do không có đủ nguồn nhân lực. Vì phần lớn những người di cư là những người còn sức lao động nên tại các địa phương có người xuất cư sẽ còn lại những người lớn tuổi không còn sức lao động hoặc trẻ em chưa đủ tuổi lao động. Điều đó sẽ làm cho gánh nặng an sinh xã hội ở những địa phương này thêm nặng nề hơn. Bên cạnh đó, việc người dân “đóng băng” các hoạt động nông nghiệp để đến những nơi khác lập nghiệp cũng sẽ đưa đến việc thất thu thuế, dẫn đến sụt giảm nguồn thu để đầu tư cho những địa phương này. Và điều này dĩ nhiên sẽ làm cho ngân sách của quốc gia bị ảnh hưởng thêm. Đó là những hệ quả có thể xảy ra đối với những địa phương có đông người xuất cư. Đối với bản thân các gia đình có người di cư cũng sẽ gặp phải những vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Trước hết, tình trạng di cư sẽ làm tan vỡ các mối liên hệ vốn bền chặt của gia đình, giờ đây, việc di cư thì gia đình đã bị chia nhỏ với một số thành viên phải rời đi để kiếm sống ở nơi xa xôi hơn. Mối quan hệ gia đình lỏng lẻo này có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy khác như ly hôn, việc chăm sóc người già trong gia đình. Hiện tượng di dân cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa trẻ em ở những gia đình có người di dân. Xã hội hóa là quá trình trẻ được uốn nắn, dạy dỗ để trở thành một thành viên hợp chuẩn trong tương lai và ở quá trình này, gia đình, mà cụ thể là cha mẹ, đóng vai trò quan trọng nhất. Với tình trạng di dân, có lẽ những trẻ em ở các gia đình di dân sẽ không thụ hưởng được quá trình xã hội hóa đầy đủ như mong đợi và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các em khi bước vào tuổi vị thành niên sau này. Nếu cả gia đình cùng di chuyển đến các đô thị để kiếm sống thì các em nhỏ cũng khó có khả năng thụ hưởng được nền giáo dục đúng mực do không thể tiếp cận được với trường học một cách chính danh như khi còn ở địa phương của mình. Và nhiều khả năng là các em khi cùng di cư với gia đình thì các em sẽ bỏ học để tham gia kiếm sống cùng với cha mẹ hay anh chị của mình. Tức là các em sẽ rơi vào hoàn cảnh bị thất học và sau này khi trưởng thành các em sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn để có thể kiếm sống một cách đàng hoàng, hợp chuẩn. Những người nông dân lớn tuổi ở miền Tây đang là lao động chính trên các công trình tại Phú Quốc -Duy Khánh Cần có bảo hiểm về thiên tai, lũ lụt Điều cần xác định đó là ở các đô thị như TP.HCM, người dân nhập cư là một nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa của TP và tất nhiên cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP. Bên cạnh mặt tích cực, việc di dân ồ ạt vào các đô thị đã và đang đặt ra cho nơi tiếp nhận những vấn đề hết sức nan giải. Có thể kể ra một số vấn nạn đang ngày càng trầm trọng ở TP.HCM, đó là tình trạng kẹt xe do tốc độ tăng dân số cơ học (di dân) quá cao. Các dịch vụ như nước sạch, điện, trường học (nhất là trường tiểu học), y tế cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Tình trạng nhập cư ngày càng nhiều cũng dẫn đến sự quá tải trong bộ máy quản lý hành chính, quản lý trật tự an toàn xã hội. Sự quá tải về dân số ở các đô thị là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hình thành của các khu nhà ở phi hợp pháp, gây khó khăn cho việc quy hoạch và quản lý đô thị. Bên cạnh đó, với những người nhập cư không có tay nghề vì họ vốn chỉ chuyên tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi đến các đô thị, họ chỉ có thể làm hoặc tạo ra những việc làm dẫn đến những hệ lụy cho việc quản lý đô thị như buôn bán trên hè phố, kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường... Do vậy, trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế truyền thống của nhiều cư dân, là nguyên nhân của việc di cư, trước hết ở tầm vóc quốc gia, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những yếu tố góp phần vào sự biến đổi khí hậu. Vấn đề này đã được nêu ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mới được các quốc gia thông qua gần đây. Về chính sách đối với các cư dân thuộc các vùng nông thôn, có lẽ cần chuẩn bị cho họ những phương thức sinh kế mới qua việc đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các vùng nông thôn. Cần phải có hệ thống bảo hiểm về thiên tai, lũ lụt, hạn hán cho các cư dân tại các khu vực có liên quan, nhằm giảm nhẹ những cái giá mà họ phải trả do sự biến đổi của điều kiện tự nhiên để họ có thể bám trụ lại được nơi cư ngụ của mình. Nếu chúng ta vẫn cứ để cho người dân tự mình đối diện với thiên tai, hạn hán thì việc họ phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để tìm đến những nơi ở khác để kiếm sống là điều không thể tránh khỏi trong tương lai.■ Tags: Di dânĐBSCLDi cưBỏ ruộng ra phốDi dân ĐBSCL
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.