Chung quy là tại thiếu thị trường

HUY THỌ 07/04/2025 08:48 GMT+7

TTCT - Gần đây, giới báo chí thể thao bàn tán nhiều về câu chuyện Lý Hoàng Nam - người từng hai lần vô địch quần vợt đơn nam SEA Games

Chung quy là tại thiếu thị trường - Ảnh 1.

Tay vợt Lý Hoàng Nam. Ảnh: Nam Trần

Gần đây, giới báo chí thể thao bàn tán nhiều về câu chuyện Lý Hoàng Nam - người từng hai lần vô địch quần vợt đơn nam SEA Games - đã quyết định chia tay môn này để chuyển sang pickleball, dù mới 28 tuổi.

Trên thế giới, chúng ta cũng đã thấy nhiều ngôi sao làng banh nỉ chuyển sang chơi pickleball, nhưng hầu hết đều ở tuổi qua 40 và đều đã giã từ sự nghiệp đỉnh cao từ lâu, giờ chơi pickleball cho vừa với tuổi tác, bởi môn này không quá đòi hỏi thể lực như quần vợt.

Chuyện giã từ quần vợt của Nam không phải vì anh lớn tuổi, cũng không phải vì anh thấy mình không còn cơ hội duy trì đỉnh cao (dù đỉnh cao đó chỉ là SEA Games). Gợn lên trong cuộc chia tay của Hoàng Nam là những mâu thuẫn trong vấn đề quản lý thể thao đỉnh cao. 

Cục Thể dục thể thao thì đương nhiên chả lấy đâu ra tiền mà đầu tư cho Nam, khi một năm anh cần đến 5 tỉ đồng để đi thi đấu và tập huấn. Liên đoàn thì nằm trong tay vị chủ tịch là một doanh nhân du lịch, hầu hết tài trợ cho liên đoàn là dòng tiền nhỏ nhoi của mỗi công ty của chủ tịch, chứ không có ai khác.

Gánh nặng chi phí lo cho Nam đều dồn hết lên câu lạc bộ quản lý của anh. Có điều, quần vợt Việt Nam không có một thị trường để hái ra tiền, nên câu lạc bộ cũng đuối. Mà không chỉ đuối, họ còn bực, khi mỗi lần Nam đoạt huy chương vàng SEA Games thì cả liên đoàn lẫn Cục Thể dục thể thao nhảy vào cứ như là công lao to lớn của mình.

Tóm lại, chuyện của quần vợt, của bóng đá và của chung cả làng thể thao đỉnh cao Việt Nam là không có được thị trường đúng nghĩa. Không thể có môn thể thao nào phát triển một cách bền vững, nếu nó chỉ là cuộc chơi của vài người có tiền. Tiền bỏ ra mãi đương nhiên phải xót, nên dần dà, nhiều tiền đến mấy, yêu đến mấy cũng bỏ chạy.

Ngày nào mà thể thao nói chung, từng môn nói riêng, không gầy dựng được thị trường - nghĩa là không có đông đảo người mê để mua vé đi xem, người chơi để sẵn sàng bỏ tiền cho thần tượng..., thì ngày ấy thể thao vẫn còn là được chăng hay chớ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận