Chuyện xem World Cup: Có gì đó sai sai ...

HUY THỌ 16/06/2018 22:06 GMT+7

TTCT - Chưa có năm nào bản quyền truyền hình World Cup ồn ào như năm nay. Và ngồi ngẫm nghĩ lại toàn bộ câu chuyện xem World Cup của người Việt chúng ta, thấy có cái gì đó sai sai...

Biếm họa DAD
Biếm họa DAD

 

Hồn nhiên “chôm”!

World Cup đầu tiên mà người Việt được xem truyền hình trực tiếp chính là vào năm 1982. Năm ấy, chúng ta được xem ké sóng truyền hình của Liên Xô, thông qua tín hiệu từ Đài Hoa sen. Vì Liên Xô không coi hết toàn bộ giải đấu nên dĩ nhiên chúng ta không được thưởng thức trọn vẹn. Nhưng sá gì, lần đầu được xem trực tiếp, nên được trận nào quý trận đó.

Bốn năm sau, với Mexico 1986, chúng ta được xem nhiều hơn. Nhiều hơn không phải nhờ Liên Xô phát sóng nhiều trận hơn, mà các nhà đài ở Việt Nam “năng động” hơn khi lấy sóng của người hàng xóm Thái Lan. Hồi ấy, những trận đấu lấy sóng từ Thái Lan còn nguyên logo của họ trên màn hình. Còn tiếng thì chúng ta “đè” xuống để lấp bằng tiếng của bình luận viên nhà mình.

Thật ra, nói một cách thật sòng phẳng thì đây là hành vi... ăn trộm! Đơn giản bởi FIFA bán bản quyền đàng hoàng. Người Thái phải bỏ tiền ra mua đàng hoàng. Còn chúng ta thì ngang nhiên lấy về, cứ như sóng truyền hình là chim bay trên trời, vô chủ, nên ai bắn được thì nhậu! Xin lỗi, thời thế bây giờ khác rồi. Bắn con chim trời cũng bị lên án, và chẳng may nó nằm trong sách đỏ thì ngồi tù như chơi. Còn sóng truyền hình World Cup, chôm kiểu ấy là ra tòa án quốc tế!

Ấy vậy mà, thời ấy, ai ai cũng khen nhà đài Việt Nam năng động!

Cái sự năng động ấy nó kéo dài cho đến tận hôm nay. Trong những ngày vừa qua, khi VTV chưa mua được bản quyền, không ít người Việt Nam hồn nhiên lên mạng bày tỏ quan điểm và chỉ vẽ cho nhau cách “năng động”: VTV không mua được bản quyền thì chả sao, chúng ta lên Internet vào các trang x, y, z... mà xem. Chịu khó nghe bình luận tiếng Ả Rập, hơi khó chịu một chút, nhưng được coi miễn phí!

Cái đó gọi là bất chấp tất cả, miễn có lợi cho mình là được! Và từ một chuyện nho nhỏ là xem World Cup, chợt nghĩ nó đem lại tác hại không hề nhỏ chút nào, nếu đã đọc Khuyến học của Fukuzawa Yukichi.

Fukuzawa là một nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật Bản. Chân dung của ông được in trên tờ bạc mệnh giá 10.000 yen, thể hiện tầm quan trọng của ông với người Nhật. Trong tác phẩm Khuyến học, Fukuzawa có kể một câu chuyện thế này: Ngôi trường Keio do ông sáng lập mời một người Mỹ sang dạy về văn học Mỹ. Theo quy định của Bộ giáo dục Nhật lúc bấy giờ, muốn dạy văn học Mỹ thì phải có bằng tốt nghiệp khoa học tại Mỹ. Nhưng vị người Mỹ mà trường Keio mời lại không có bằng, dù rất giỏi.

Nhiều người khuyên Fukuzawa là cứ khai mời ông ấy sang dạy tiếng Anh (không cần bằng cấp khoa học do Mỹ cấp), miễn sang được thôi, còn dạy gì là chuyện của trường. Fukuzawa dứt khoát không chịu. Ông cương quyết đấu tranh với Bộ giáo dục Nhật Bản để thay đổi quy định, chứ không dối trá cho xong việc.

Người Nhật chấp nhận tư tưởng ấy của Fukuzawa, và họ đã trở thành một quốc gia thẳng thớm.

Nếu làm theo tư tưởng ấy của Fukuzawa, chắc chúng ta sẽ từ chối, hoặc lên án chuyện đi “chôm” sóng để xem World Cup miễn phí, sai luật. Đằng này, ai ai cũng khen chuyện làm sai ấy là... năng động!

Chuyện cua Việt

Chúng ta có vô vàn chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt để nói về chuyện người Việt thiếu đoàn kết. Ví dụ, một doanh nhân Nhật thì không bằng một doanh nhân Việt. Nhưng ba doanh nhân Việt thì không hơn nổi một doanh nhân Nhật. Đơn giản bởi khi ấy ba ông Việt lo đánh nhau! Hay một ông nông dân mang hai cái giỏ ra đồng bắt cua. Một cái có nắp, một cái không. Hỏi tại sao thì ông bảo: Giỏ không nắp dùng đựng cua Việt, giỏ có nắp đựng cua Nhật. Bởi, cua Nhật thì nó xếp chồng lên nhau để làm thang cho đồng loại leo lên mà trốn nên phải có nắp. Còn cua Việt, con này trèo lên thì con kia níu chân kéo xuống, do đó không cần nắp.

Lấy chuyện tiếu lâm ấy áp vào chuyện mua bản quyền thì mới thấy thấm thía. Cứ thử nghĩ mà xem, nếu VTV là một ông anh cả đúng nghĩa thì sao? Anh cả kêu các em đài địa phương, các em kinh doanh truyền hình trả tiền lại và bảo: Anh sẽ đại diện nhà mình đi mua bản quyền. Mua về thì chúng ta cùng chia nhau để khai thác. Việc ai phải đóng bao nhiêu dựa vào số lượng thuê bao - với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền; còn đài địa phương thì dựa vào chỉ số “rating” chương trình thể thao.

Nếu làm cách ấy, 12 triệu đô cho gói bản quyền World Cup 2018 thì có là bao, bởi bèo gì cũng có chục triệu người Việt xem World Cup mà. Tính bình quân, mỗi người chỉ góp 1,2 đôla (chưa đến 30.000 đồng) là đủ để vui hơn cả tháng. Rồi doanh nghiệp, cũng khối người có nhu cầu quảng cáo mùa World Cup đấy chứ. Nói đâu xa, xem bóng đá là phải uống bia. Mà bia là một thị trường phong phú, béo bở ở nước mình, lo gì không có quảng cáo.

Đấy, nếu đoàn kết, tất cả đều là chuyện nhỏ! Tôi rất sợ khi có ý kiến từ một sếp làm truyền hình cho rằng ở Việt Nam chưa hề có tiền lệ các đài cùng liên kết khai thác bản quyền World Cup. Ô hay, cái gì “tiền lệ” tốt thì giữ, không tốt thì đổi chứ.

Làm ơn hãy học người Singapore: “tiền lệ” của họ là cuộc đối đầu không khoan nhượng trong việc chạy đua mua bản quyền truyền hình bóng đá giữa hai cái tên Singtel và Starhub. Nhận thấy cuộc đua này sẽ đẩy giá mua bản quyền lên ngày càng cao, Chính phủ Singapore làm trọng tài để buộc hai đơn vị này ngồi lại với nhau. Kết quả cái tiền lệ không hay ho bị xóa bỏ, và mấy năm nay Singtel với Starhub đã “hòa thuận”. Còn Thái Lan, bản quyền được mua bởi sự “đoàn kết” của chín đại gia với giá 44 triệu USD, rồi giao cho ba kênh True Visions, Amarin TV và Channel 5 khai thác.

Thiên hạ sống chung với nhau sao mà dễ dàng...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận