Công chức nghỉ việc: Thay đổi nền công vụ từ nhu cầu tự thân

TRUNG TRẦN 14/08/2022 06:04 GMT+7

TTCT - Một sự thật là ở rất nhiều tỉnh thành, kể cả ở các thành phố tỉnh lỵ trung tâm, con cái lớn lên vẫn được bố mẹ hướng nghiệp thi vào các trường có ngành đào tạo mà bố mẹ đang làm việc, như ngân hàng, bưu điện, kho bạc, tài chính…

Công chức nghỉ việc: Thay đổi nền công vụ từ nhu cầu tự thân - Ảnh 1.

Ảnh: The Economist

Chiến lược dài hơi của họ là con cái mình sẽ có một vị trí trong chính công sở đấy khi ra trường, thuận tiện thì sẽ là vị trí của bố mẹ trước khi về hưu. 

Việc thi đỗ công chức với rất nhiều cử nhân, kỹ sư mới ra trường, hoặc thậm chí có 3-5 năm kinh nghiệm, vẫn được coi là một thành tích đáng được ghi nhận trong phần đầu cuộc đời, kể cả khi nó thường vẫn phải kèm một khoản tiền, có khi lên đến 4-5 năm tiền lương mà Nhà nước trả cho họ.

Công chức vẫn là một từ danh giá, trong cách nhìn của số đông người Việt. Cho dù khi nói đến sự trì trệ, chồng chéo, thiếu hiệu quả trong công việc, người ta lại dùng từ chỉ cái địa điểm mà công chức làm việc: công sở.

Quyết định khó khăn

Việc gia tăng tình trạng công chức bỏ việc hiện nay, có phản ánh sự kém hấp dẫn của công sở nhà nước, hay là chỉ dấu cho khả năng các công sở này thay đổi và cải tiến hiệu quả công việc trong vài năm tới vì có cơ hội để có một chất lượng đầu vào tốt hơn? 

Thực tế, rất nhiều người trẻ đủ và thừa khả năng làm tốt việc của một công chức cấp thấp đến cấp trung - tức là từ nhân viên lên đến ngạch chuyên viên hay trưởng phòng.

Nhưng số làm việc tốt dần lên từng ngày ít hơn rất nhiều so với số trì trệ dần đi do sức ì của hệ thống, cơ chế, và khả năng để họ thoát ra khỏi sự trói buộc không rõ nguồn cơn đầu mối đấy hầu như là bằng 0, một khi họ đã qua tuổi 40. 

Với công chức, bỏ việc vẫn là một quyết định khó khăn, vì nếu tiếp tục một công việc khác tương tự, vẫn trong hệ thống thì họ sẽ thất thế. Nó khác với sự vận động của thị trường lao động tư nhân, nhảy việc là để tìm cơ hội mới tốt hơn hoặc để thăng tiến.

Không có một thị trường lao động minh bạch và có tính cạnh tranh tương đối, trong khi công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt khiến môi trường công quyền trở nên trong sạch hơn, đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn cho những đối tượng định làm việc sai trái. 

Câu chuyện khó nói của đội ngũ công quyền xưa nay vẫn không phải là thu nhập từ lương thấp, mà là ít đi cơ hội để có thu nhập từ ngoài lương - vốn không phải lúc nào cũng là không chính đáng. Số lượng công chức hưởng lợi được từ một hệ thống khép kín đang giảm. Đấy là một lý do để họ dứt áo ra đi.

Điểm khác biệt giữa nhân viên ngành y tế hay giáo dục và công chức hành chính hay công quyền là nhiều lĩnh vực nhà nước có một hệ thống doanh nghiệp tư nhân song song rất lớn để công chức có sự lựa chọn. 

Kỹ năng nghề nghiệp, mối quan hệ đã xây dựng từ thời kỳ làm nhà nước, khả năng giao tiếp, và đôi khi cả… tửu lượng vẫn sẽ phát huy tác dụng nếu họ chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân ở lĩnh vực tương ứng. 

Nhiều nhân viên y tế cũng bỏ bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư, giáo viên nữa, nhưng do tính chất nghề nghiệp hết sức đặc thù, trừ khi chuyển nghề hẳn, họ không có nhiều lựa chọn.

Cơ hội để nền công vụ thay đổi

Ngoài ra, cũng nên nhìn nhận khía cạnh tích cực của tình trạng công chức nghỉ việc, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Nó góp phần phá vỡ uy thế danh giá của khái niệm "biên chế" vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều nơi, đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn. 

Nó buộc một số công chức - vốn không thể sống bằng đồng lương èo uột - phải năng động hơn nếu không muốn bị tụt hậu. Về mặt phân bổ nguồn lực lao động, nó giúp thị trường lao động có thêm một nguồn cung. Dù khó thấy hơn và lâu dài hơn, nó còn là lý do để lớp trẻ lớn lên, biết tự chọn cho mình một lối đi riêng, trước khi bố mẹ can thiệp.

Làn sóng nghỉ việc trong lĩnh vực công cũng có thể coi là cơ hội để chính cơ quan công quyền tự đổi mới và nâng cao hiệu năng công vụ - một trụ cột quan trọng của chính phủ kiến tạo. Nhưng cũng có những nguy cơ hiển hiện với nền hành chính nói riêng, và năng lực cung cấp dịch vụ công từ nhà nước nói chung, khi tình trạng công chức nghỉ việc diễn ra. 

Đó là vấn đề chất lượng lao động và năng suất của những người ở lại. Để làn sóng này trở thành điểm khởi phát cho một công cuộc cải tổ hệ thống công quyền thì hệ thống phải xem đấy là một nhu cầu tự thân.

Nói cho cùng, nền công vụ ở đâu cũng mang chung đặc điểm là tính quan liêu. Những nước phát triển hàng đầu, nổi tiếng về đổi mới sáng tạo như Đức, Mỹ, khi nói tới hệ thống công vụ - hành chính, cũng là những nơi nổi tiếng về tệ quan liêu máy móc. 

Hệ thống hành chính trong nhiều trường hợp đóng vai trò là bộ phanh của cỗ máy quốc gia để nó tiến lên phía trước với tốc độ và phương hướng được kiểm soát.

Đổi mới hệ thống hành chính công vụ, do đấy thường là công việc khó khăn và ít được ưu tiên nhất, bởi khi động chạm vào nó tức là động vào một cỗ máy chằng chịt những mối quan hệ và một rừng những luật định quy trình - tìm ra đầu mối đầu tiên để gỡ thật khó ngang đội đá vá trời.

Nhưng nếu nó vẫn không nhúc nhích thì nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia, nhân lực sẽ bị lãng phí kinh khủng. Không thể mãi để hàng chục ngàn thanh niên tốt nghiệp đại học chỉ sau vài năm gia nhập đội ngũ công chức lại trở thành những hình ảnh "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", thậm chí trở thành trở lực cho sự phát triển.

Không thiếu những trí thức trẻ có đầy đủ nhiệt huyết và lý tưởng để phụng sự quốc gia khi chọn con đường trở thành người công chức thạo việc và mong muốn nhận lại sự đãi ngộ tương xứng và minh bạch. 

Một phần, sự rõ ràng và chuyên nghiệp của lĩnh vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp FDI, dần dần cũng là động lực để bộ máy công quyền vận hành tốt hơn - ví dụ rõ ràng là sở thuế và các cơ quan bảo hiểm xã hội. Nhưng chiếc máy cái để thay đổi nó triệt để, phải xuất phát từ các cơ quan cao nhất, đang quản lý nó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận