Cuộc sinh tử chiến e-commerce ở Đông Nam Á

HOA KIM 05/03/2021 22:00 GMT+7

TTCT - Trong lúc các dịch vụ gọi xe hụt hơi vì đại dịch, thị trường thương mại điện tử (e-commerce, TMĐT) ở khu vực Đông Nam Á lại nóng lên bởi những cú bắt tay và khoản đầu tư chiến lược, bắt đầu giai đoạn trưởng thành sau thời gian tăng trưởng nóng.

Ảnh: ckgsb.edu.cn

Theo tạp chí Nikkei Asia, trong kỷ nguyên hậu COVID-19, TMĐT sẽ là nền tảng cho sự hình thành một loạt liên minh kinh doanh mới, trong đó chứng kiến các đối thủ chạy đua để xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh với mục tiêu phục vụ càng nhiều nhu cầu của khách hàng càng tốt nhằm chiếm thế thượng phong trong thị trường kinh tế số trị giá 100 tỉ USD.


Một “rừng”, nhiều “cọp”

Sự phát triển của các start-up công nghệ trong khu vực ban đầu được thúc đẩy bởi các mô hình dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab của Singapore hay Gojek của Indonesia. Giờ đây, sự trỗi dậy nhanh chóng của Sea - doanh nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á hiện nay - đang kích thích các hoạt động hợp tác và mua lại được dự báo sẽ vẽ lại toàn cảnh thị trường trong năm 2021 và nhiều năm tới nữa khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Thành lập năm 2009, đặt trụ sở tại Singapore và niêm yết trên sàn NYSE (Mỹ) từ năm 2017, Sea được biết đến phổ biến tại Việt Nam dưới tên cũ là Garena - nền tảng phân phối những tựa game đình đám như Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online và Liên Quân. Nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, Sea đang đầu tư mạnh vào TMĐT thông qua công ty “con cưng” Shopee.

Từ tháng 7 đến tháng 9-2020, doanh thu mảng TMĐT của Sea, bao gồm tại Việt Nam và các quốc gia khác, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 618 triệu USD, trong khi lỗ hoạt động tăng từ 277 triệu USD lên 338 triệu USD, chủ yếu đến từ các khoản chi cho chiến dịch giành thị phần.

Theo dữ liệu từ iPrice Group, Shopee là sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong quý 3-2020, soán ngôi vương của Lazada ở các thị trường Philippines, Singapore và Thái Lan cũng như đánh bật Tokopedia - sàn TMĐT được SoftBank của Nhật Bản chống lưng - khỏi vị trí dẫn đầu ở Indonesia. Sự trỗi dậy thần tốc của Sea buộc Lazada có cú bắt tay hợp tác với Grab tại Việt Nam, trong khi Grab và Gojek cũng tuyên bố những khoản đầu tư mới vào mảng kinh doanh tài chính kỹ thuật số.

Nikkei Asia dẫn lời Edwin Muljono, đại diện công ty tư vấn quản lý YCP Solidiance của Indonesia, cho rằng cho đến năm 2015 nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á vẫn còn “trong giai đoạn tăng trưởng, với nhiều công ty mới xuất hiện, nhu cầu thị trường tăng nhanh và mức độ cạnh tranh tương đối thấp”. 

Giờ đây, Muljono cho biết thị trường khu vực đang trong “giai đoạn xáo động”, đánh dấu bằng sự kiện Grab mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber năm 2018. “Mặc dù tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số, thị trường đã bắt đầu trưởng thành và giai đoạn hợp nhất dường như không còn xa” - anh nói.

Nguồn tin của Nikkei Asia cũng cho biết hai “kỳ lân” Indonesia là Gojek và Tokopedia đang trên bàn đàm phán sáp nhập - một liên minh mà nếu thành hiện thực sẽ có tiềm năng tạo ra một tập đoàn công nghệ khổng lồ ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực. Gojek cũng đang thảo luận về một khả năng sáp nhập với Grab.

Các công ty quốc tế cũng muốn nhân cuộc sinh tử chiến đang diễn ra ở Đông Nam Á mà lấn sang thị trường này. Amazon của Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Singapore. Trong lĩnh vực giao đồ ăn, Delivery Hero của Đức đang tích cực mở rộng ở Đông Nam Á thông qua thương hiệu Foodpanda. Ứng dụng nhắn tin Line của Nhật thì có Line Man, một trong những dịch vụ giao đồ ăn hiện đang được sử dụng phổ biến nhất ở Thái Lan. 

Trường săn kỳ lân

Thị trường ASEAN với hơn 655 triệu dân là một trường săn kỳ lân đích thực khi có đến 12 công ty start-up được định giá từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó ứng dụng gọi xe Grab và Gojek là hai đại diện nổi bật với giá trị lần lượt 14 và 10 tỉ USD, theo một báo cáo của Google. 

Thực tế này đang dần thay đổi bởi đại dịch. Dịch vụ gọi xe bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng hạn chế đi lại và làm việc tại nhà, minh chứng là Grab và Gojek đã phải lần lượt cắt giảm 5% và 9% nhân viên vào thời điểm giữa năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu về mua sắm online và giao đồ ăn lại tăng vọt, một xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong kỷ nguyên hậu đại dịch.

Việt Nam là một ví dụ điển hình của thị trường chiến địa mới với những phần thưởng hấp dẫn vẫn đang chờ kẻ thắng cuộc. Giá trị các nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - bao gồm TMĐT, giao đồ ăn và gọi xe - đã tăng 16%, lên 14 tỉ USD, năm 2020 so với năm trước và được dự báo đạt 52 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google.

Shopee hiện đang bỏ xa các đối thủ trong nước khi thu hút 62 triệu lượt truy cập hàng tháng tại Việt Nam trong quý 3-2020, tăng hơn 80% so với một năm trước đó, theo Nikkei Asia. “Free ship” (miễn phí giao hàng) và chiết khấu thấp là dấu ấn của chiến lược tiếp thị của Shopee tại thị trường Việt Nam, giúp đưa nền tảng này trở thành sàn TMĐT phổ biến nhất cả nước. 

Theo sau là Thế Giới Di Động, với 29 triệu lượt truy cập hằng tháng trong cùng quý. Tiki và Lazada lần lượt xếp thứ 3 và 4 với 22 triệu và 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng, theo số liệu từ iPrice. Nikkei Asia dẫn lời CEO Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh nhận định nền tảng này đã thu hút người dùng vào hệ sinh thái của mình bằng cách tăng cường tích hợp thanh toán điện tử.

Đáp lại, Lazada Việt Nam và Grab Việt Nam tháng 11 năm ngoái công bố “thỏa thuận hợp tác ở nhiều lĩnh vực”. Theo đó, Lazada sẽ khai thác mạng lưới khách hàng và tài xế của Grab, hướng người dùng đến dịch vụ giao đồ ăn của Grab và sử dụng dịch vụ giao bưu kiện của Grab để vận chuyển sản phẩm đến tay người mua hàng. Ngược lại, Grab cũng giới thiệu người dùng ứng dụng mình đến với Lazada. Cả Alibaba - công ty mẹ của Lazada - và Grab đều được đầu tư bởi Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản.

“Việc hợp tác này góp phần củng cố chiến lược đặt người tiêu dùng ở vị trí trọng tâm của hai công ty, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ thanh toán điện tử thuận lợi và thông minh hơn tại thị trường Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam” - thông cáo đăng trên trang chủ của Grab Việt Nam viết.

“Mang Grab đến với các đối tác TMĐT” cũng là một trong những điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của chủ tịch Grab Ming Maa tại một sự kiện khởi nghiệp tháng 11-2020. “Chúng tôi hi vọng (việc hợp tác này) sẽ không chỉ dừng lại ở khâu giao hàng chặng cuối mà còn bao gồm các giải pháp thanh toán và những dịch vụ địa phương của Grab để chúng tôi thực sự có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng và cung cấp trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng” - ông Ming Maa cho biết.

 

 Ảnh: Straits Times

Quan hệ đối tác theo kiểu của Lazada và Grab tại Việt Nam có thể được nhân rộng ở các thị trường Đông Nam Á khác. “Tôi thấy vẫn còn rất nhiều triển vọng hợp tác” - ông Ming Maa nói. Ít nhất là tại Thái Lan, Grab đã có lộ trình hợp tác cho các chiến dịch tiếp thị xung quanh đợt cao điểm bán hàng rơi vào Ngày độc thân 11-11 hằng năm.

Lazada cũng đã hợp tác cùng Google từ tháng 11-2020 để tổ chức các khóa đào tạo cho nhà bán hàng nhằm giúp họ cải thiện doanh số, đồng nghĩa giúp cải thiện hiệu suất của chính nền tảng này. Lazada cũng tung ra chương trình mang tên “bán cho Trung Quốc”, tạo cơ hội bán hàng online xuyên biên giới cho các chủ gian hàng ở Đông Nam Á bằng cách tận dụng nền tảng toàn cầu của công ty mẹ Alibaba.

Edwin Muljono chỉ ra rằng các start-up lớn trong khu vực như Grab đang nhanh chóng mở rộng dịch vụ của họ để trở thành những siêu ứng dụng đa năng và các nhà đầu tư lớn thì thích đầu tư vào các tay chơi có tiềm lực sẵn. Điều này đồng nghĩa với việc các start-up lớn ở Đông Nam Á sẽ vừa cạnh tranh với các công ty lớn hiện hữu vừa tiến hành hợp nhất thông qua nhiều thương vụ thâu tóm.

“Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến một thị trường hợp nhất ở Đông Nam Á, do một số nhóm nhỏ doanh nghiệp dẫn dắt và được vốn đầu tư đổ về từ khắp nơi trên thế giới chống lưng” - anh chia sẻ với Nikkei Asia.■

Nhìn về phía trước, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi với sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa cũng như vaccine ngừa SARS-CoV-2. Một số công ty start-up chưa niêm yết đã bắt đầu gọi được nhiều vốn trở lại. Gojek hồi tháng 11 năm ngoái đã nhận 150 triệu USD đầu tư từ Telkomsel, một công ty viễn thông nhà nước lớn ở Indonesia.

Các công ty niêm yết như Sea thì đang tận dụng lợi thế của thị trường chứng khoán khởi sắc. Tháng 12-2020, Sea huy động được gần 3 tỉ USD thông qua các đợt chào bán cổ phiếu mới. Trong khi hầu hết các công ty khởi nghiệp, bao gồm Sea, vẫn đang lỗ ròng thì nguồn vốn mới sẽ cho phép họ mở rộng hơn nữa, góp phần thúc đẩy cạnh tranh.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận