Cận cảnh học thêm

TTCT - Bấy lâu ai cũng chủ quan nghĩ rằng học thêm - dạy thêm mang nhiều tiêu cực, như là học sinh bị ép học thêm, dạy thêm tràn lan, hình ảnh người thầy xấu đi khi dạy thêm... Thế nhưng hỏi chuyện trực tiếp học trò học thêm từ thôn quê đến thành phố thì thấy... không phải vậy!

Phóng to

Tại tỉnh Phú Yên, tôi đặt một số câu hỏi chung cho nhiều nhóm học sinh của các trường THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Trần Bình Trọng, THPT chuyên Lương Văn Chánh, THPT Nguyễn Huệ và đã nhận được những câu trả lời hồn nhiên và hết sức bất ngờ.

Các bạn có học thêm không? Vì sao phải học thêm?

- Có, có. Dạ có chứ ạ (đồng thanh).

- Không thể không học thêm. Không học thêm là học không nổi.

- Các bạn học thêm thì mình cũng phải học thêm cho kịp bạn. Học thêm thấy vui mà.

- Nếu không học thêm thì không đủ, học trên lớp không bao giờ đủ.

- Em thích đi học thêm vì thầy cô dạy thêm vui vẻ, nhiệt tình, nhất là không bị dò bài (kiểm tra bài cũ).

Có bạn nào trong lớp không học thêm?

- Rất ít.

- Hầu hết các bạn đều học thêm, ít nhất cũng học một đến hai môn.

- Cũng có một vài bạn tự học. Vài bạn khác chắc là nhà... không đủ tiền.

- Một số bạn học thêm kiểu a dua, tới lớp học thêm để chọc phá. Thích thì đi, không thích thì thôi, có khi chạy làng (không đóng tiền) thầy cô.

Chúng ta thường học thêm môn gì?

- Toán, lý, hóa.

- Em chỉ học thêm tiếng Anh.

- Tụi em học thêm các môn sẽ thi đại học thôi.

Tại sao không học thêm môn văn, sử, địa?

- Môn văn có văn mẫu, sử, địa thì học thuộc bài, cần gì thì coi thêm trên mạng.

- Những môn này tự học được, còn toán, lý, hóa không có thầy cô dạy thêm là học không vô, khó lắm.

- Thầy cô dạy môn xã hội thường dễ chịu. Nhưng nếu ai làm khó, dò bài nhiều thì tụi em bỏ luôn môn đó.

Khi học thêm có thấy mình tiến bộ trong học tập?

- Có chớ. Có tiến bộ (đồng thanh).

- Trước kia môn toán em toàn một hai (điểm 1, 2) nay toán của em được bảy tám.

- Nếu không khá hơn tụi em học thêm làm gì!

Thầy cô trên lớp có gợi ý các bạn học thêm hay là các bạn tự tìm tới?

- Ít có thầy cô gợi ý học thêm. Thầy cô có lớp dạy thêm tại nhà hoặc thuê nhà gần trường để dạy. Ai dạy thêm, ai không, biết hết rồi thì cần gì gợi ý.

- Tụi em thấy mình dở môn nào thì tự động học thêm môn đó.

- Tụi em tìm đến thầy cô dạy hay,

có tiếng nhưng nếu không hiểu, không hợp thì tụi em chuyển sang học chỗ khác ngay.

- Ai vui tính, dạy tận tình, dễ hiểu là tụi em kéo tới học. Các thầy cô cũng phải cạnh tranh với nhau.

- Không thầy cô nào dám ép buộc tụi em tới nhà học thêm đâu.

- Khi tụi em nói “khó quá” thì cũng có thầy cô khuyên đi học thêm nhưng không dám nói đến cua (lớp dạy thêm) của thầy cô đó.

Nếu bây giờ cấm hẳn dạy thêm thì các bạn thấy sao?

- Ui, không được đâu (đồng thanh la).

- Nếu cấm thì hơi gay đó. Tụi em “dính” vô rồi, bây giờ không học thêm thì không thể tự học được.

- Không học thêm chết liền!

- Không cho học thêm ở nhà buồn lắm, đâu biết làm gì.

- Em phản đối.

- Nếu cả nước cấm hết, ai cũng như ai khi thi đại học thì chấp nhận được.

- Nhưng làm gì cấm tiệt hết được.

Học thêm nhiều có ảnh hưởng đến việc học các môn khác?

- Tối về học các môn khác.

- Không ảnh hưởng gì, bởi nếu không đi học thêm cũng đâu có tự học được.

- Đi học thêm nhiều thấy mệt nhưng bù lại vui.

Ba mẹ có than tốn tiền học thêm không?

- Không, ba còn biểu đi học thêm nhiều môn nữa.

- Tiền học thêm không nhiều, so với cái tụi em học được, hiểu được thì cũng đáng (đồng tiền).

- Ba mẹ quyết tâm cho tụi em ăn học, tốn chút đỉnh ráng được.

Từ những câu trả lời của học sinh có thể kết luận: không thể cấm dạy thêm - học thêm (vi phạm pháp luật) với chương trình học hiện hành, cùng việc dạy và học nhắm vào thi cử như hiện nay, đặc biệt là phương pháp dạy học cũ kỹ và chưa thay đổi cách kiểm tra đánh giá từ cấp quản lý. Nói như giáo sư Hoàng Tụy, chúng ta đã tạo ra một nền hư học cổ lỗ. Và không thể chối cãi rằng giáo viên dạy thêm, một kiểu làm kinh tế tư nhân, “buộc” mừng khi học trò ngày càng mất tính tự học. Nếu ngược lại, còn ai đi học thêm?

Tôi không tiện hỏi: “Ba mẹ các bạn làm gì?”, nhưng tôi biết trong số các em có ba mẹ làm ruộng, thợ hồ, bảo vệ, nhân viên khu giải trí, bán hàng rong, bỏ mối hàng... mới thấy các bậc phụ huynh hi sinh ghê gớm cho con em mình.

Cuộc phỏng vấn chưa làm thống kê này biết đâu sẽ là một gợi ý cho việc Bộ GD-ĐT đang hồ hởi triển khai đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nước nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận