Đạo đức nào của thị trường tự do?

THANH VÂN 27/11/2012 19:11 GMT+7

TTCT - Theo nhận xét của nhà sử học Braudel, trong số khá nhiều nghĩa của từ “nhà tư bản” mà ông liệt kê được qua quá trình truy nguyên nguồn gốc thuật ngữ, thì từ này chưa bao giờ được dùng theo nghĩa thân thiện!

Phóng to

Ngay cả những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản cũng ít khi dám thừa nhận rằng cho dù nó không phải là cao quý hoặc lý tưởng, nhưng cũng đáng trọng về mặt đạo đức. Chủ nghĩa tư bản và gắn liền với nó là thị trường tự do sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng nhập nhằng về đạo đức ấy, nhưng một cái nhìn thẳng thắn vào chủ nghĩa tư bản là điều cần thiết.

Phóng to
Tiến sĩ Tom Palmer - Ảnh: www.ovguide.com

Giáo sư Tom Gordon Palmer sinh năm 1956 tại Đức, là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato, phụ trách lĩnh vực đào tạo của viện, phó chủ tịch chương trình quốc tế của quỹ nghiên cứu kinh tế Atlas và là tổng giám đốc Sáng kiến toàn cầu vì tự do thương mại, hòa bình và thịnh vượng của quỹ Atlas. Ông đã viết nhiều tiểu luận nổi tiếng về kinh tế và chính trị.

Sự phản ứng tiêu cực trước chủ nghĩa tư bản và thị trường vốn bắt nguồn từ quan niệm bắt rễ sâu trong tất cả các nền văn hóa. Chẳng hạn, chúng ta đều tôn vinh sự hi sinh vì lợi ích của cộng đồng một cách không vụ lợi, và vì vậy việc chủ nghĩa tư bản đề cao đồng tiền đã khiến chúng ta mặc nhiên gắn nó với thói tham lam, tính ích kỷ, hiện tượng bóc lột, vong thân... Những rối loạn xã hội và khủng hoảng kinh tế thường dễ dàng được gán cho chủ nghĩa tư bản mà không tính đến các yếu tố bên ngoài như sự kém cỏi của hệ thống luật pháp hay sai lầm của nhà nước, đó là một cách nhìn nhận cảm tính gây nhiều tác hại trong thời đại cần đến sự hợp tác và nhận định tỉnh táo này.

Thị trường và đạo đức (*) là một cuốn sách thú vị nếu muốn tìm hiểu một cách nhanh chóng, trực tiếp về bản chất của thị trường tự do, về lý do tại sao nó nên được chấp nhận. Tập hợp nhiều tác giả Trung Quốc, Nga, châu Phi, Mỹ Latin, Hoa Kỳ, từ giám đốc điều hành một công ty lớn ở Hoa Kỳ đến các nhà nghiên cứu kinh tế học danh tiếng, cuốn sách gồm những bài tiểu luận rất hấp dẫn về quan điểm điều hành kinh tế hiện đại, lợi nhuận lâu dài, cạnh tranh và hợp tác, 20 ngộ nhận về thị trường, đạo lý của bình đẳng và bất bình đẳng...

Không dùng số liệu và thuật ngữ chuyên môn phức tạp, các bài viết trong sách đi thẳng vào vấn đề với những lý lẽ ngắn gọn, rõ ràng và cơ bản nhất về thị trường.

"Vì chủ nghĩa tư bản là hệ thống văn hóa chứ không chỉ đơn giản là hệ thống kinh tế cho nên chỉ dùng những tác nhân kinh tế thì không thể giải thích được nó, và vì vậy quy mọi thứ vào tư lợi là tin vào cái lý thuyết còn khiếm khuyết về bản chất của con người",

hay "Thị trường tự do hoạt động dựa trên những ưu điểm công bằng và hiển nhiên, đó chính là đạo đức của nó: thị trường khuyến khích những người tham gia đặt mình vào vị trí của người khác, xem xét nguyện vọng của người khác và cố gắng nhìn các sự vật và hiện tượng bằng con mắt của người khác. Thị trường là lựa chọn thay thế cho bạo lực. Thị trường giúp chúng ta sống trong xã hội. Thị trường không khuyến khích cũng không làm giảm được tính ích kỷ hoặc lòng tham. Nó tạo điều kiện cho cả những người vị tha nhất cũng như những người ích kỷ nhất thực hiện mục tiêu của mình bằng biện pháp hòa bình".

Các tác giả cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện nay không phải là hệ thống lý tưởng, nhưng xã hội lý tưởng cũng chưa bao giờ tồn tại, ngay cả với những đất nước thực hiện hệ thống phúc lợi tốt nhất.

Bám sát những diễn tiến mới nhất trên thế giới, các tác giả không phủ nhận những khó khăn hiện tại, nhưng khuyến khích một cái nhìn lạc quan: "Chấp nhận chủ nghĩa tư bản thị trường tự do nghĩa là chấp nhận tự do trao đổi, tự do cách tân, tự do sáng chế. Nghĩa là chấp nhận thay đổi và tôn trọng quyền tự do hành động của người khác - theo nguyện vọng và với những thứ mà họ có. Nghĩa là tạo không gian cho các công nghệ mới, lý thuyết khoa học mới, hình thức nghệ thuật mới, bản sắc mới và quan hệ mới. Nghĩa là chấp nhận quyền tự do làm ra của cải, đấy cũng là phương tiện thoát nghèo duy nhất...".

THANH VÂN

___________

(*): Tom G.Palmer chủ biên; Phạm Nguyên Trường dịch; NXB Tri Thức, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận