Đầu bếp Việt kể chuyện đi Mỹ

HOÀNG ĐIỆP 03/11/2012 12:11 GMT+7

TTCT - Trở về từ Mỹ sau chương trình giao lưu ẩm thực cùng với các đầu bếp đến từ 20 quốc gia trên thế giới, bếp trưởng Trần Thanh Quang chia sẻ những cảm nhận của mình.

Phóng to
Bếp trưởng Trần Thanh Quang (bìa trái) trong một giờ dạy học - Ảnh: Gia Tiến

Trần Thanh Quang kể: “25 đầu bếp chúng tôi chia thành bốn nhóm để giới thiệu đến bảy bang và bốn trường trung học của Mỹ về ẩm thực của đất nước mình”.

Bài học hướng nghiệp

Trần Thanh Quang sinh năm 1978, từng làm bếp trưởng điều hành tại nhà hàng New York Steak House ở TP.HCM và tham gia một số chương trình ẩm thực trao đổi, giới thiệu văn hóa cùng Tổng lãnh sự quán Mỹ. Anh tham gia giảng dạy tại Trường dạy nghề bếp Mint Culinary của chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải.

Quang là khách mời của chương trình IV (International Visitors) của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tháng 9-2012 về “Tăng cường hiểu biết văn hóa thông qua thực phẩm”.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. “Sàng khôn” đầu tiên mà Quang thu thập được không liên quan đến chuyện ẩm thực, mà là chuyện hướng nghiệp và đào tạo ngành nghề cho giới trẻ ở Mỹ. Quang kể lại ấn tượng lớn nhất từ chuyến đi này: “Chúng tôi giới thiệu món ăn, cách thức chế biến, phương pháp sử dụng gia vị và sự hấp dẫn của nghề đầu bếp cho các học sinh còn rất trẻ. Rõ ràng họ có sự định hướng về nghề cho học sinh từ rất sớm”.

Tại mỗi trường, các đầu bếp quốc tế tham gia chương trình giới thiệu ẩm thực sẽ giới thiệu từ khâu chuẩn bị thực phẩm cho đến chế biến thành món ăn. Học sinh được chứng kiến toàn bộ quá trình, thử món ăn sau khi hoàn tất và đưa ra những câu hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm và cả những “mánh lới” cho từng món ăn của mỗi đầu bếp. Tờ báo địa phương The Independent ghi nhận những giờ học này và đánh giá là “rất giá trị” cho giới trẻ căn cứ vào kinh nghiệm và tay nghề của các đầu bếp quốc tế đứng lớp.

Quang giải thích thêm, giá trị nằm ở chỗ rất nhiều thứ trong cuộc đời người ta chỉ có thể học giỏi khi tự tay làm thử. Và tại lớp học này, học sinh không chỉ nghe mà còn được trực tiếp tham gia từ quá trình chuẩn bị thực phẩm tới món ăn. Đó là chưa kể ở phần “nghe”, học sinh sẽ hiểu được lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc liên quan tới món ăn cụ thể được chuẩn bị hôm đó. Từ đó, họ dễ dàng định hình cho mình sở thích, hướng đi và chuyên ngành nếu quyết định rẽ theo con đường ẩm thực.

Có lẽ Quang cảm nhận sâu sắc điều này từ chính kinh nghiệm của mình. Sinh ra ở Lâm Đồng, tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ và khởi nghiệp bằng công việc lễ tân khách sạn, năm 2005 Trần Thanh Quang mới quyết định học nghề nấu ăn. “Tôi chỉ nghĩ công việc lễ tân khách sạn sẽ khó tìm kiếm việc làm tốt hơn nên quyết định học thêm nghề nấu ăn và tìm hiểu về ẩm thực”. Nhưng đến khi vào học, Quang thật sự bị những món ăn từ Việt đến Tây, từ Á đến Âu cuốn hút. Và không chỉ từ bài học bản thân, chuyến đi khiến Quang suy nghĩ nhiều bởi sau này khi đứng lớp đào tạo về nghề bếp, nhiều học sinh học ẩm thực nhưng dường như không hiểu gì về nghề: “Nếu được định hướng sớm hơn, có lẽ các em sẽ có sự lựa chọn yêu thích và phù hợp với mình hơn”.

Giới thiệu văn hóa

Và điều khiến Quang vui nhất trong chuyến đi ấy chính là mang đến sự ngạc nhiên cho không chỉ người dân, học sinh Mỹ mà cả với những đầu bếp khác. “Họ nói với tôi quá ngạc nhiên vì hương vị đặc biệt của món chả giò tôm thịt mà tôi giới thiệu. Trong khi theo dõi tôi thực hiện các món ăn, những đứa trẻ ở Mỹ không ngừng hỏi về gia vị và các nguyên liệu, cách thức chế biến. Ngay cả khi đưa miếng chả giò vào miệng rồi, các em vẫn hỏi ở đâu ra cái mùi thơm và cay lạ thế?”. Hóa ra trong khi chế biến, Quang đã bỏ hạt tiêu đập giập (không xay nhỏ) vào nhân chả giò khiến chả giò vẫn giữ nguyên được vị thơm ngọt và chút cay của hạt tiêu. Thậm chí có em còn bày tỏ mong muốn được học nấu những món ăn Việt Nam và hỏi Quang ở nước Mỹ có nơi nào dạy làm đồ ăn Việt và món chả giò.

Trở về Việt Nam sau một tháng giới thiệu món ăn Việt trên đất Mỹ, bản thân Quang hiểu thêm khẩu vị cũng như cách chế biến món ăn của các quốc gia khác. Chẳng hạn, cô đầu bếp người Libya Aisha Amair khi giới thiệu món xúp rau mobakak gồm thịt gà, rất nhiều rau và khá cay (dù đã gia giảm nhiều cho hợp khẩu vị Mỹ) đã tranh thủ giới thiệu thêm là ở nước cô không có những nhà hàng fast-food như ở Mỹ, và các loại khoai tây chiên hay hamburger không được ưa thích ở đây. Người dân xứ cô thích ăn nhiều rau củ, được cho là rất tốt cho sức khỏe.

Tương tự, anh Andrew George, một bếp trưởng từ Canada, giới thiệu tỉ mỉ các loại vitamin từ cá, như Omega 3 trong cá hồi rất phổ biến ở nước anh. Hay nữ bếp trưởng Hiba Osman từ Sudan cho biết chất ngọt tự nhiên của chà là trong các loại bánh kếp của xứ cô khiến người ta không cần bỏ thêm đường khi uống trà hoặc cà phê ăn cùng với bánh kếp này...

Quang nói: “Ẩm thực đúng là cách để có thể giới thiệu văn hóa của đất nước một cách rất hiệu quả”. Nói điều này bởi trong khi giới thiệu món chả giò tôm thịt cho học sinh Mỹ, Quang đã nói rất kỹ về món ăn gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau này: ở Việt Nam không chỉ có chả giò cuốn bằng bánh tráng gói nhân cả rau cả thịt, mà còn có món chả giò được gói bằng lá rau nữa. Mỗi món ăn là cả một quá trình tích lũy văn hóa ẩm thực của người Việt Nam qua rất nhiều đời.

Và không chỉ là niềm tự hào về những món quốc hồn quốc túy, điều Quang rút ra được còn là mỗi đầu bếp từ chương trình đều có những niềm tự hào không chỉ về khả năng, kinh nghiệm chế biến của chính họ hay về gian bếp của đất nước họ. Cùng lúc, mọi người học được thêm là thức ăn, dù đến từ bất cứ đâu, đều có thể phá vỡ những rào cản, bởi đối thoại giữa những con người sẽ luôn dễ dàng hơn khi họ thưởng thức những món ngon vật lạ cùng nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận